“Ô vui quá xá là vui” với cổng cưới lá dừa miền Tây ngày Tết
Chiếc cổng cưới lá dừa đậm chất miền Tây được làm trong 7 giờ ngày mùng 3 Tết tại tỉnh Đồng Tháp – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Chiều 24-1 (mùng 3 Tết), tại xã An Long, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, chiếc cổng cưới đậm chất miền Tây được làm hoàn toàn từ lá dừa hoàn thành với điểm nhấn là cặp long, phụng độc đáo.
Anh Trần Hữu Nhân, ngụ xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và năm người trong nhóm chính là tác giả của chiếc cổng cưới đầy công phu này.
Theo anh Nhân, để làm được chiếc cổng long phụng kích thước lớn cần khoảng 15 cây bụp (đọt non của cây dừa nước) và khoảng chục tàu lá dừa. Điểm nhấn của cổng cưới là cặp rồng phụng, thường được làm sẵn bằng các chất liệu dân dã như trái khóm, ớt, đậu đũa, trái cau, tỏi…
“Chúng tôi mất khoảng 4 giờ để làm cặp rồng phụng, sau đó ráp vào phần khung cổng sau khi thiết kế xong. Toàn bộ cổng cưới mất khoảng 7 giờ đối với cổng lớn, còn cổng kích thước nhỏ hơn và ít chi tiết hơn chỉ mất khoảng 5 giờ”, anh Nhân chia sẻ.
Cận cảnh cặp long, phụng biểu tượng cho đôi uyên ương làm riêng mất khoảng 4 giờ – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Thời điểm từ tháng mười một âm lịch kéo dài đến tháng ba âm lịch hằng năm là mùa cưới, vì thế ê kíp của anh Nhân đi thiết kế nhiều tại khắp các tỉnh miền Tây, TP.HCM và Lâm Đồng.
Trung bình mỗi cổng nhỏ có giá dao động từ 3,5 – 5 triệu đồng, cổng kích thước lớn hơn từ 8 – 11 triệu đồng.
“Tôi làm nghề này đã hơn 4 năm, đi khắp các tỉnh miền Tây. Ngày nay các cặp đôi rất chú trọng ngày cưới của mình nên khá thoải mái để chi tiền cho chiếc cổng cưới đậm chất miền Tây này, màu sắc và chất liệu cũng gần gũi khiến nhiều khách hàng hài lòng”, anh Nhân nói.
Từng chi tiết của cổng làm hoàn toàn bằng lá dừa, cây dừa được trồng nhiều ở Bến Tre – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Anh Trần Hữu Nhân với tác phẩm độc đáo của ê kíp – Ảnh: TỐNG DOANH
Một chiếc cổng cưới khác không có cặp long phụng, ít chi tiết hơn – Ảnh: TỐNG DOANH
Mãn nhãn cổng cưới lá dừa ‘siêu to khổng lồ’ ở miền Tây