Phim Áo cưới thiên đường: Nhạt nhẽo, hợm hĩnh

Được thực hiện theo thể loại phim sitcom (hài tình huống), bộ phim Áo cưới thiên đường của đạo diễn Nguyễn Võ Duy Ngọc (dài 46 tập, kịch bản Dương Nghiêm và nhóm ATV, Hãng phim Thiên Ngân sản xuất, đang phát sóng vào lúc 22 giờ 30 phút trên kênh HTV9) ít nhiều mang đến tiếng cười cho khán giả bằng cách khai thác nhiều tình huống hài hước xuyên suốt mỗi tập phim. Thế nhưng, sự đùa cợt không có điểm dừng đúng mực và cách xây dựng tình tiết không khéo léo của kịch bản đã khiến cho Áo cưới thiên đường trở thành một bộ phim dài dòng, nội dung và tiếng cười càng lúc càng nhạt.


Ngọc Diệp và Huy Khánh trong phim Áo cưới thiên đường (ảnh do Hãng phim Thiên Ngân cung cấp)

 

Chuyện cười nhảm nhí

Trong Áo cưới thiên đường, các cuộc hôn nhân giống như trò đùa. Cô dâu – chú rể nào cũng có những đòi hỏi quá lố theo kiểu điên rồ mà mục đích cuối cùng vẫn chỉ là để gây cười. Khán giả được cười ngay từ những tập đầu tiên, khi cô dâu “bốn đời chồng” – do Trịnh Kim Chi đóng – luôn miệng yêu cầu sự hoàn hảo bằng bộ áo cô dâu có gắn đôi cánh thiên thần và những phụ trang diêm dúa đầy màu sắc khác quanh người. Nhưng quá nhiều kiểu “hôn nhân hài” được khai thác trong những tập phim tiếp theo đã làm cho tiếng cười trở nên nhạt nhẽo. Một tay “xã hội đen rởm” đi đặt hàng áo cưới, một phụ nữ cô độc chỉ muốn làm đám cưới với chú chó cưng hay một cô gái trẻ phải cưới gấp vì đã lỡ mang thai với người yêu…   

Gần như tất cả khách hàng đến với tiệm áo cưới Thiên Đường đều trở thành những nhân vật hài hước. Các nhân viên đôi khi đón tiếp khách hàng bằng giọng điệu giễu cợt, những cái bĩu môi, dài giọng ngán ngẩm khi khách lựa chọn kiểu ảnh cưới hay đặt hàng áo cưới. Và khách đến tiệm áo cưới bất cứ lúc nào cũng có thể bị… đuổi đi bằng nhiều “chiêu thức”, nếu như khiến nhân viên cửa hàng bực mình. Thậm chí tiếp tân, thiết kế còn bày “chiến lược” trả đũa khách cho…  bõ ghét. Tất cả nhân vật từ tiếp tân, thiết kế đến trang điểm, chụp hình trong cửa hàng đều mặc sức khai thác tâm tư, cuộc sống riêng của khách hàng để bàn tán, tranh luận, thậm chí xem thường và làm tổn hại đến hạnh phúc của họ.

Một cuộc chơi không mục đích   

 
Không gian của bộ phim chỉ bó hẹp trong tiệm áo cưới mang tên Thiên Đường. Chính vì vậy, trong khi… chờ tình huống mới phát sinh, các nhân viên của tiệm không cách nào khác là ngồi túm tụm tán chuyện. Đó hẳn nhiên là nhu cầu trao đổi bình thường, nhưng khi đưa lên phim thì lại mang đến một sự chờ đợi vô nghĩa với khán giả. Có khi cả tập phim chỉ thấy những kiểu “tám” nhăng “tám” cuội của các nhân viên cửa hàng áo cưới.

Viết kịch bản phim theo kiểu sitcom, các tác giả cũng đã cố gắng tạo xúc tác gây cười trong lời thoại. Nhưng sự hài hước có duyên thì thật hiếm hoi, còn lại chỉ là những cuộc đối đáp dài dòng, vô nghĩa mà không ít khán giả đã nhận xét chỉ gói gọn một từ: “nhảm!”. Nhân vật ông chồng mê phát minh những sản phẩm kỳ quái do Ngọc Tưởng đóng không góp thêm gia vị nụ cười cho bộ phim mà chỉ làm tăng “độ nhảm” cho các tình huống có nhân vật này xuất hiện.

Một khán giả trên diễn đàn nhận định: “Nội dung bộ phim muốn đem tới góc nhìn đa chiều về việc cưới xin và quan niệm hôn nhân nhưng có vẻ như phim đã làm cho các đám cưới trở nên quá hợm hĩnh. Các nhân viên quá nhiều chuyện và ăn không ngồi rồi suốt ngày mơ tưởng chuyện đâu đâu, thậm chí tới mức phá hủy đám cưới người khác.
Một bộ phim quá nhạt”.

Với Áo cưới thiên đường, người xem có cảm giác đây chỉ là một cuộc chơi không mục đích của các nhân vật khi họ không hề có thành tâm với nghề nghiệp của mình và mong muốn mang hạnh phúc thật sự đến cho người khác.

Không có một thước phim nào khai thác những chuyện éo le của các đôi tình nhân. Cái gọi là “những câu chuyện cười ra nước mắt đằng sau những cuộc hôn nhân” như lời giới thiệu ban đầu về phim thật sự đã đi lạc hướng.

Diễn viên chính không đất diễn

Sự trở lại của diễn viên Huy Khánh, Ngọc Diệp trong phim tạo được một không khí sôi động, đón đợi của khán giả trên diễn đàn điện ảnh, bởi cặp đôi này từng để lại ấn tượng đẹp với bộ phim điện ảnh Chuyện tình xa xứ. Vào vai Thư – chủ tiệm áo cưới Thiên Đường – Ngọc Diệp đã diễn xuất khá vững vàng, tỉnh táo và bản lĩnh trong cách xử trí mọi tình huống. Sự xuất hiện của Thư thường làm sáng màn ảnh bởi gương mặt khả ái và tạo hình đẹp của nhân vật. Thế nhưng, Thư gần như xuất hiện chỉ để tạo sự cân bằng cho chất hài hước quá độ của các nhân vật khác. Còn nhân vật Phong của Huy Khánh lại càng ít xuất hiện hơn. Phong chỉ như là một “tác nhân ngầm” tạo nên những tranh chấp, xung đột trong mối quan hệ giữa các nhân vật phụ khác. Đất diễn hiếm hoi của hai nhân vật chính khiến nhiều người hụt hẫng.

Khán giả có nick name Sonata nhận định: “Trong khi hai nhân vật chính là trọng tâm câu chuyện, cũng là những nhân vật mà khán giả yêu thích và quan tâm nhất thì lại quá mờ nhạt, còn các nhân vật tuyến phụ lại được nhắc đến quá nhiều, với hành động rề rà, lời nói dông dài. Phim tốn quá nhiều thời gian vào những tình tiết không đáng, không đi vào nội dung chính mà đa phần cảnh quay lại nhắm vào những nhân vật phụ và những cuộc đối thoại chán ngắt ”.