Quy trình tổ chức đám cưới ở làng quê

Đám cưới ở các làng quê luôn luôn rộn ràng và náo nhiệt . Sự chuẩn bị của gia đình, họ hàng làm cho cô dâu chú rể mang cảm giác lễ cưới của họ thật trọng đại và hạnh phúc của họ đáng kéo dài trăm năm.

Một đám cưới ở quê thường kéo dài đến ba ngày. Ngày dựng rạp, ngày cưới và ngày dỡ rạp. Nhưng ngày có không khí nhất là ngày dựng rạp. Từ chiều hôm trước, rạp đã được dựng lên. Người ta chặt tre dựng rạp và dựng giàn để mâm cỗ. Và dù đói nghèo thì gia đình nào cưới con cũng làm cỗ. Nhiều thì bảy tám chục mâm, ít cũng vài ba chục mâm. Người khéo tay nhất trong làng được mời đến ghép đôi chim câu hôn nhau và bên cạnh là chữ song hỷ. Có những đám cưới chim câu béo ục ịch như gà mái ghẹ nhưng niềm vui thì cứ bất tận. Trên chiếc hè rộng, các cụ bà chít khăn nâu, áo bông đen ngồi bổ cau têm trầu. Bao nhiêu bình vôi lớn bé của hàng xóm đều được tập trung về. Ở góc sân, các cô gái trẻ cọ rửa bát đĩa và đánh mâm đồng. Các cô dùng trấu và tro bếp đánh cho những chiếc mâm đồng sáng chói lên có thể soi gương được. Ngay từ chiều hôm trước, khách đã đến chơi nườm nượp. Gia chủ mời khách ăn trầu, uống trà và hút thuốc lá. Ngày đó, hầu như ai đến chơi cũng ăn một miếng trầu vì vui. Trẻ con cũng có nhiều đứa ăn. Khi cười lợi đứa nào cũng đỏ loét.

 

Khi trời sập tối thì đàn ông bắt đầu mổ lợn làm cỗ cưới. Chiếc thủ lợn được cắt rất cẩn thận. Thủ lợn được làm sạch sẽ nhất và luộc lên. Khi thủ lợn chín, một người già dùng mảnh vải trắng, sạch lau thủ lợn rất cẩn thận để mắt mũi nhất là hai cái tai lợn đều sạch sẽ. Sáng sớm hôm sau, chõ xôi đầu tiên được đồ là chõ xôi gấc. Xôi được dỡ ra mâm và đặt cái thủ lợn lên trên. Rồi một thanh niên đội mâm xôi gấc thủ lợn và một thanh niên khác đội một mâm trầu, cau và rượu vào đình làng làm lễ. Đêm ấy, khoảng hai ba giờ sáng, khi lợn gà đã được chế biến thành các món thì cánh đàn ông trong họ ngồi với nhau làm một trận rượu với chân và lòng mề gà. Sau đó, có người về nhà mình ngủ, có người cứ thế mà nằm lăn ra một góc nào đấy mà ngáy vì quá mệt và rượu say. Cỗ cưới quê tôi không to nhưng có một món bắt buộc phải có. Đó là món xáo chuối. Để làm món này, người ta luộc chuối tây xanh, bóc vỏ và giã nhuyễn. Sau đó, người ta băm sườn lợn xào lên rồi trộn với chuối đã giã cùng với mẻ chua và nấu một lần nữa và cho lá xương sống thái nhỏ vào. Các món ăn được nâu một nơi. Nhưng cơm thì được chia cho một số người thổi cơm giỏi đảm nhiệm. Những người này mang gạo về nấu cơm ở nhà mình và đến giờ ăn cỗ thì lũ lượt gánh cơm đến nhà chú rể. 

 

Đón dâu ở nhà quê thường chỉ đón vào buổi chiều. Đón dâu ở nhà quê lúc nào cũng đông. Nếu cô dâu cùng làng thì đám rước dâu là ngày hội của trẻ con. Trẻ con chạy đi chạy lại quấn chân người lớn. Nhiều lúc chạy trước cô dâu chú rể. ở quê tôi, cách đây hơn chục năm, cô dâu ngày cưới phải mặc quần lụa, áo cánh trắng và tay khoác chiếc nón chuông. Chú rể thường là sơ mi trắng, quần tây mầu xanh cổ vịt và đi dép nhựa Tiền Phong. Khi nghĩ lại ngày cưới của mình tôi lại bật cười. Hồi đó, tôi mặc com-lê và đi giày Xi-mông (tất cả những thứ này đều đi mượn). Giày Xi-mông là loại giày mũi to, tròn, gót lại nhỏ và cao. Vợ tôi mặc áo dài và ôm một bó hoa hồng có dây tết do nhà văn Thùy Linh (nhà ở làng Ngọc Hà) lo cho. Thấy cách ăn mặc của tôi và bó hoa của cô dâu, những người làng tôi cười ngặt nghẽo. Vào những năm 80 ấy, người ta chẳng bao giờ mừng đám cưới bằng tiền. Người ta mừng nhiều thứ quà khác nhau. Người mừng phích, người mừng ấm chén, người mừng chậu thau. Bạn bè cô dâu chú rể thường mừng gối hoặc một vài đồ dùng trẻ sơ sinh. Sau đám cưới của tôi, bố mẹ tôi chia cho anh chị em trong nhà mỗi người một cái chậu. Số còn lại để dùng dần. Lễ cưới ở quê tổ chức thường kéo dài vì tiết mục văn nghệ. Đây giống như một hoạt động văn hóa của làng. Đội văn nghệ làng vừa nhai trầu vừa hút thuốc lá và hát bất cứ bài hát gì mà họ thuộc.

 

Ngày sau lễ cưới là ngày dỡ rạp. Đàn bà con gái chọn bát đĩa của nhà nào trả cho nhà ấy. Các gia đình ở nhà quê thường đánh dấu bát đĩa nhà mình bằng cách dùng nhựa đường hoặc sơn ta bôi vào chôn bát đĩa. Thế nhưng vẫn có sự nhầm lẫn. Một số bát đĩa của nhà này lẫn vào bát đĩa nhà khác. Thế là có những gia đình đi đòi đi trả bát đĩa của nhau. Ngày xưa bát đĩa hiếm, nên nhiều người trong làng biết được đĩa này của nhà cô Phấn, bát kia của ông Lâm hay mâm nọ của nhà mẹ Út..