Self-concept: Lời giải cho câu hỏi “Tôi là ai” theo tâm lý học

Bạn là ai?

Khi nhận được câu hỏi này, nhiều người sẽ trả lời thông qua vai trò của họ chẳng hạn như: “Tôi là một doanh nhân, ”Tôi là một người mẹ”. Một số khác sẽ nói về tính cách như “Tôi là một người mạnh mẽ”, “Tôi khá là hướng nội”.

Cho dù câu trả lời là gì thì chúng đều phản ánh cách mà bạn nhìn nhận bản thân mình. Cảm quan này xuất hiện từ những tháng đầu đời, sau đó tiếp tục trải qua những lần đánh giá và điều chỉnh xuyên suốt cuộc đời của mỗi con người. Trong tâm lý học, người ta gọi đó là “khái niệm về bản thân” (self-concept).

Nếu bạn đang ở trên hành trình khám phá chính mình, có thể bài viết này sẽ hữu ích phần nào trong việc hỗ trợ bạn giải phóng cơn khủng hoảng bản sắc (identity crisis).

Cùng tìm hiểu self-concept là gì

Khái niệm về bản thân là một tập hợp những niềm tin về chính mình, được hình thành từ trải nghiệm thời thơ ấu và đánh giá từ người khác (theo Symply Psychology). Nó là một bức tranh tinh thần về con người bạn, cho thấy nhận thức cá nhân của bạn về hành vi, khả năng và đặc điểm của mình.

selfconcept 1
3 Khía cạnh của khái niệm về bản thân (self-concept).

Nhà tâm lý học Carl Rogers tin rằng self-concept gồm 3 khía cạnh:

  • Hình ảnh của bản thân (self-image): cách bạn nhìn chính mình qua vẻ bề ngoài, tính cách bên trong, vai trò xã hội và cảm nhận hiện sinh. Hình ảnh này không hẳn trùng với thực tế.
  • Lòng tự tôn (self-esteem) hoặc giá trị của bản thân (self-worth): mức độ bạn coi trọng bản thân, thường chịu tác động bởi cách chúng ta so sánh bản thân với người khác và cách người khác phản ứng với chúng ta.
  • Bản thân lý tưởng (ideal self): hình mẫu mà chúng ta luôn hướng tới.

Trong những phút giây bạn bế tắc và thấy mình thất bại, bạn đang so sánh mình với ai khác thành công, hạnh phúc hoặc hoàn hảo hơn. Thật ra lúc ấy bạn đang thất vọng với những gì muốn mình có mà vẫn chưa được. Nghĩa là, bạn khủng hoảng bởi khoảng cách giữa hình ảnh hiện tại của mình và hình mẫu mình tự đặt ra.

Khi khái niệm về bản thân không khớp với thực tế, nó tạo ra tính bất tương đẳng (incongruence). Theo Rogers, tính chất này có thể bắt nguồn rất sớm từ thời thơ ấu, khi bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng yêu thương con cái một cách có điều kiện – chỉ khi đứa trẻ đạt kỳ vọng từ bố mẹ. Điều này khiến đứa trẻ thường phủ định chính mình và gò ép theo một hình mẫu khác.

selfconcept 2
Khi hình ảnh hiện tại không giống với hình mẫu mình tự đặt ra, khái niệm về bản thân của bạn đang rơi vào tình trạng bất tương đẳng.

Yếu tố nào trong cuộc sống hình thành nên self-concept?

Theo cuốn “Tâm lý xã hội thiết yếu” (Essential Social Psychology) của Richard Crisp và Rhiannon Turner, khái niệm về bản thân sẽ là tổng hòa của:

  • Phần nhận thức “Tôi như một cá thể” (individual self) bao gồm các thuộc tính và đặc điểm tính cách phân biệt chúng ta với các cá nhân khác. Ví dụ: hướng nội hoặc hướng ngoại.
  • Phần nhận thức “Tôi trong mối quan hệ” (relational self) được xác định bởi các mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh và chất lượng của chúng. Ví dụ: với người thân, bạn bè, vợ hoặc chồng.
  • Phần nhận thức “Tôi trong tập thể” (collective self) phản ánh vai trò của chúng ta trong các nhóm xã hội. Ví dụ: tôi là người Việt, tôi là phụ nữ, tôi làm việc trong nhóm Kinh tế.

Khi còn trẻ, khái niệm về bản thân thường dễ “uốn nắn” hơn bởi mỗi người vẫn đang trong hành trình tự khám phá bản thân và định hình bản sắc. Theo tuổi tác, bức tranh về bản thân sẽ càng nhiều chi tiết và chặt chẽ hơn, vì lúc này chúng ta đã hình dung rõ nét hơn về việc mình là ai và điều gì quan trọng với mình hơn cả.

selfconcept 3
Khái niệm về bản thân được hình thành từ trải nghiệm thời thơ ấu và đánh giá từ người khác trong quá trình trưởng thành, vì thế bạn rất dễ rối bời giữa quá nhiều niềm tin khác nhau.

Tuy nhiên, những niềm tin này chưa hẳn là đúng. Một số người có thể thổi phồng bản thân, nhưng cũng có người luôn phóng đại những sai sót và điểm yếu của mình.

Thực tế mọi người thường nhầm lẫn về bản thân và bỏ qua việc xác thực chúng. Nếu những niềm tin đó chỉ là suy diễn cá nhân, chúng sẽ trở thành các niềm tin giới hạn (limiting beliefs) và trói bạn vào trong một chiếc lồng mà chính tâm trí bạn vẽ ra.

Ngoài ra, khái niệm về bản thân còn bị đưa vào các hình thức marketing bằng cách gắn liền sản phẩm với một nhân dạng nào đó, từ đó thuyết phục khách hàng rằng hành vi tiêu dùng sẽ định hình nhân dạng/bản sắc của họ. Đây được gọi là self-concept attachment.

Một khi bạn chưa thể bóc tách rõ những trải nghiệm đang tác động đến mình, bạn sẽ dễ rối bời trong một mạng lưới niềm tin quá phức tạp. Thật ra con đường tìm kiếm bản thân chỉ có một: Quay vào bên trong, quan sát cách mà bạn đang tự định nghĩa bản thân. Từ đó bạn mới có thể tự nhận thức đúng đắn và bao dung chính mình.