Sự khác biệt của bức tranh ‘Đám cưới chuột’
Nổi tiếng nhất trong số các bức tranh dân gian Việt Nam, tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ không chỉ bởi bức tranh đem lại một ấn tượng về thị giác, mà còn bởi câu chuyện về hai con vật hết sức gần gũi với đời sống dân gian là mèo – chuột. Chuột tinh khôn ranh ma, quỉ quyệt, mèo hiền lành đôi khi là lười biếng nhưng lại là khắc tinh của loài chuột. Vậy nên khi đám cưới chuột diễn ra, chuột phải cống nạp lễ đến cho mèo.
Nhiều học giả nghiên cứu về tranh dân gian cho rằng, “Đám cưới chuột” của Đông Hồ vốn là tác phẩm được rập khuôn từ mẫu hình tranh Niên Họa Trung Hoa. Tuy nhiên ở Niên họa Đám cưới chuột không chỉ một bức duy nhất mà có hàng trăm mẫu hình. Bức tranh này gắn liền với phong tục năm mới của người Hoa. Chúng minh họa cho câu chuyện “chuột già gả con gái cho mèo”. Khi cả đoàn họ hàng nhà chuột thổi kèn đánh trống, rước dâu đến nhà mèo, thì bị mèo đớp một miếng nuốt sạch cả bọn vào bụng. Đám cưới chuột ngoài cốt truyện khác biệt, câu chuyện này còn được nhiều địa phương in khắc, hay trổ giấy, nên có nhiều dị bản phong phú. Có những bức tranh mô tả cảnh mèo chén sạch đàn chuột tan hoang ngay trong đám cưới. Nhưng cũng có những bức tranh cắt giấy mô tả đàn chuột rước dâu xênh xang, không có con mèo hay cảnh cống lễ.
Trong tranh Đông Hồ, Đám cưới chuột dường như được diễn ra tưng bừng. Cảnh trên là bốn con chuột đang “điếu đóm” con mèo những sản vật như chim, cá; cảnh dưới cô dâu ngồi kiệu, chú rể cưỡi ngựa cờ quạt tưng bừng. Như vậy nội dung tranh đã ít nhiều khác với tranh Niên Họa. Theo luận giải của các nhà nghiên cứu hiện đại, ẩn ý của bức tranh chính là mang yếu tố châm biếm. Mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá ở nông thôn, còn chuột là dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Bức tranh này tuy mô tả quang cảnh đám cưới vui nhộn nhưng thực tế là sự phê phán thói đời và tầng lớp phong kiến xưa. Như vậy, về đại thể cũng là cảnh rước dâu, cảnh mèo, chuột nhưng sự tiếp biến văn hóa từ Hoa sang Việt đã mang một tinh thần khác.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua mọi ngữ nghĩa hiện đại mà người đời sau áp đặt lên bức tranh về tầng lớp quan lại tham ô nhũng nhiễu, thì ta có thể thấy hiện ra một câu chuyện khác. Một câu chuyện rất Tết. Đó câu chuyện về sự no đủ, về sự đầm ấm hạnh phúc. Con mèo no đủ với cống lễ là cá, là chim và biết đâu lại là chính con chuột mang đồ đến biếu. Còn đám cưới tưng bừng phía dưới lại cho thấy sự hạnh phúc tràn trề. Về chi tiết các nhân vật có lẽ không thể bỏ qua hai anh chàng chuột thổi kèn, nếu tinh ý một chút ta sẽ nhận ra đó là những chiếc kèn đám ma. Vậy cống lễ ở đây cũng chính là cống lễ/ hiến thân.
Vậy phải chăng thâm ý của người xưa không đơn giản là bàn về chuyện đời, mà thông qua hình ảnh mấy con chuột để họ muốn gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ; về cái lẽ thường hằng của nhân sinh. Điều mà nếu nhìn tranh trên góc độ tranh châm biếm kể trên ta sẽ không bao giờ nhận thấy. Tương tự như vậy, nếu đám cưới chuột chỉ là một bức tranh châm biếm thì vào thời khắc quan trọng nhất của một năm, khởi đầu cho vạn sự, người Việt sẽ không quá ưa chuộng để đề cao. Họ ngưỡng vọng những giá trị khác mà con giáp này của năm đem lại. Ngoài ngữ nghĩa về sự no đủ, hạnh phúc, thì đám cưới chuột còn nhấn mạnh đến biểu tượng đông con nhiều cháu từ đặc tính của loài sinh đàn đẻ lũ này. Đám cưới cũng là thời khắc khởi đầu cho câu chuyện con đàn cháu đống.
Về thủ pháp tạo hình, bức tranh được chia làm 2 cảnh trên – dưới, nhưng dường như với cách bố cục các nhân vật đã mở ra một không gian rộng hơn nhiều so với những cái ta quan sát được. Hàng dưới, hai con chuột đi sau kiệu cô dâu đang ngoái lại, hành động này gợi ý rằng cái đám rước còn dài nữa vượt ra ngoài khổ tranh. Hàng trên, con chuột cuối vắt chiếc đuôi vào mép tranh cũng có ngữ nghĩa như vậy.
Đám cưới chuột- tranh Niên Họa Trung Quốc.
So sánh một số bức tranh chuột có hình thức khá tương đồng giữa Niên Họa Trung Quốc và tranh Đông Hồ Việt Nam, ta còn nhận ra khá nhiều sự khác biệt. Trong tranh Niên Họa, Đám cưới chuột như thể luôn mô tả cái nhịp điệu vội vã, đến sắp náo loạn của lũ chuột. Hàng trên, các con chuột mang cống lễ đến, dẫu thổi kèn thổi sáo tưng bừng, nhưng chúng lại được miêu tả quay lưng hẳn về phía con mèo ở tư thế bỏ chạy. Một vài con vội vàng ngã quay lơ. Hàng dưới, chuột chú rể cầm quạt tưởng như thư thái, nhưng chiếc cổ lại ngoái lại phía sau với tâm trạng đầy lo âu, hối giục bọn chuột rước dâu. Tất cả như đang cắm đầu về phía trước để bước mau mau. Trong khi đó Đám cưới chuột của tranh dân gian Đông Hồ lại nhẩn nha, ung dung, í ới rộn ràng. Chú rể đàng hoàng cưỡi trên con ngựa thả bộ từng bước, lọng rước xênh xang. Nếu tranh Niên Họa Trung Quốc chú trọng đến ý nghĩa trừ tịch của đêm giao thừa từ câu chuyện chuột gả con, mèo chén sạch cả đàn, tức tiêu trừ đi cái sự nhiễu nhương hoành hành của bọn chuột bọ để bước sang năm mới đón những điều tốt lành. Tranh của người Việt lại mang tính nhân văn hơn. Người Việt dùng hình tượng con chuột để biểu trưng cho năm mới tốt lành, sung túc, gửi gắm ở đó những triết lý về sự thường hằng, về đời sống nhân sinh. Hình tượng con chuột trong tranh dân gian là sự ký thác những tầng lớp ngữ nghĩa sinh động vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng, trao gửi những ước vọng của người Việt vào thời khắc chuyển giao đầy ý nghĩa.