Sỹ quan quân đội làm bạn gái có bầu không cưới thì có phạm luật không?
Dạ thưa luật sư, bạn trai em là sỹ quan hải quân, chúng em yêu nhau và em đã có bầu 6 tháng- mà gia đình bạn trai không đồng ý và bạn trai em lại yêu người khác, cũng không có trách nhiệm gì khi em mang thai- xin hỏi luật sự. Sự việc như thế này nếu em kiện lên bộ tư lệnh của bạn trai thì bạn trai em sẽ bị làm sao? Em xin cám ơn. Người gửi: Nguyễn D
>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.6162
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
1. Làm người yêu có bầu nhưng không cưới có vi phạm pháp luật?
Pháp luật chỉ thật sự can thiệp vào mối quan hệ tình cảm giữa nam và nữ khi hai người xác lập quan hệ hôn nhân. Cụ thể, Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 hiện nay chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của hai bên sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn và có Giấy chứng nhận kết hôn.
Trong khi đó, quan hệ tình cảm yêu đương giữa nam và nữ là sự tự nguyện của hai bên và pháp luật không điều chỉnh. Làm người yêu có bầu nhưng không cưới chỉ vi phạm phạm trù đạo đức, chuẩn mực xã hội; còn dưới góc độ pháp luật, đây không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không thể xử phạt hành chính cũng như không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Việc bạn và người yêu của bạn yêu nhau dẫn đến việc bạn có bầu 6 tháng mà gia đình bạn trai không đồng ý cưới và bạn trai của bạn lại yêu người khác chỉ có thể coi là vi phạm về mặt đạo đức, còn pháp luật hiện hành không điều chỉnh, không can thiệt sâu vào chuyện tình cảm của con người. Tuy nhiên, do bạn chưa nói rõ về độ tuổi của bạn nên căn cứ theo quy định của pháp luật, chúng tôi xin đưa ra các trường hợp sau để giải quyết:
Trường hợp 1: Thời điểm giao cấu dẫn đến kết quả có thai người nam đã đủ 18 tuổi nhưng người nữ chưa đủ 16 tuổi. Trong trường hợp này người nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tùy theo tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Trường hợp 2: Thời điểm giao cấu dẫn đến kết quả có bầu của người nữ, cả hai người đã đủ tuổi theo quy định của luật là đã trên 16 tuổi. Trong trường hợp này, người nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trách nhiệm cấp dưỡng của người bố như thế nào?
Sau khi bạn sinh con, nếu xác định chính xác quan hệ cha – con, thì dù không đăng ký kết hôn, người cha phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Cụ thể, Điều này chỉ rõ:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”
Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng, trong trường hợp làm người yêu có bầu mà không cưới thì người nam phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Cụ thể về điều kiện và mức cấp dưỡng được quy định như sau: Việc cấp dưỡng được thực hiện trước hết do các bên thỏa thuận, nếu trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Dù có thỏa thuận hay yêu cầu tòa án giải quyết cấp dưỡng cho con thì cũng phải căn cứ dựa trên thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Nếu đã có quyết định của Tòa án mà người cha cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể sẽ bị phạt hành chính từ 03 triệu đồng – 05 triệu đồng (theo điểm a, khoản 3 Điều 52 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).
Nghiêm trọng hơn, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho con bị lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (căn cứ theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015).
3. Xử lý kỷ luật đối với sĩ quan hải quân có hành vi làm bạn gái có bầu nhưng không cưới?
Hiện nay, việc nam nữ quan hệ với nhau trước khi kết hôn, dẫn đến hậu quả có thai, người con trai chối bỏ trách nhiệm chưa có quy định cụ thể về chế tài áp dụng. Nếu hai người đã đủ 18 tuổi, việc quan hệ hoàn toàn tự nguyện thì không có liên quan đến trách nhiệm hình sự
Việc người yêu của bạn đang làm công tác trong môi trường quân đội, nếu đang là Đảng viên thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW năm 2012 thực hiện quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành, có quy định:
Đảng viên không được: Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; Kê khai không đúng, không đầy đủ, cụ thể, rõ ràng; Che dấu, tẩy xóa, thêm bớt, thay đổi tài liệu, thông tin trong hồ sơ, hoặc kê khai không đúng quy định về nội dung, thời gian, thời điểm, người và nơi quản lý hoặc thủ tục xác nhận.
Theo đó, việc sỹ quan ấy làm cho bạn có bầu nhưng không thực hiện trách nhiệm là vi phạm về đạo đức nếp sống theo quy định tại Điều 54 quy định số 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban chấp hành Trung ương ban hành, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), nặng hơn là kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng.
Ngoài ra có thể người này sẽ bị xử lý theo quy chế ngành trong quân đội. Bạn nên lên báo trực tiếp với đơn vị người này đang công tác, nếu trường hợp 02 bên đã nói chuyện nhưng người này vẫn không nhận trách nhiệm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Khuê. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Luật Minh khuê xin trân trọng cảm ơn!