Tài xế xe ôm công nghệ và chuyện nghề nhọc nhằn
Chúng ta không thể phủ nhận xe ôm công nghệ đang ngày càng phát triển và tạo thêm nhiều cơ hội kiếm việc làm cho người thất nghiệp hay những sinh viên đang cần công việc parttime để vừa học vừa đi làm.
Thu nhập đến 20 triệu đồng mỗi tháng?
Bạn Nguyễn Dương (sinh viên năm cuối Đại học Thương mại) chia sẻ: Chỉ cần chiếc xe máy tiết kiệm xăng cùng điện thoại thông minh rẻ tiền thì bất cứ ai cũng có thể trở thành xe ôm công nghệ. Đăng ký tham gia chạy Grab rất đơn giản, tài xế chỉ cần nộp mấy loại giấy tờ, test những câu hỏi trắc nghiệm rồi training về công việc là có thể chạy xe kiếm tiền.
Xe ôm công nghệ là công việc nhọc nhằn
Dương cho biết: “Hồi mới chạy Grab thấy “cuốc” nhảy liên tục mình hăng lắm, cứ rảnh lúc nào lại lấy xe ra chạy. Ngày mình thu được nhiều nhất là 1,3 triệu đồng, chạy khoảng 14-15 tiếng. Hiện tại, mình chạy khoảng 10 – 12 tiếng được 700 nghìn đồng mà tiền xăng cũng chỉ tầm 70 – 80 nghìn đồng. Nếu mình chăm chỉ và may mắn nhận nhiều chương trình thưởng thì thu nhập lên đến 20 triệu đồng một tháng”.
Thu nhập cao đồng nghĩa với việc làm của các tài xế Grab vô cùng vất vả như lạc đường, ảnh hưởng sức khoẻ, bị xe ôm truyền thống dọa đánh… Để kiếm được số tiền “khủng” mỗi tháng từ chạy Grab đối với sinh viên là không hề dễ dàng.
Đa phần sinh viên chạy Grab đều là những người ngoại tỉnh, chính vì vậy việc không thuộc đường là chuyện đương nhiên. Nguyễn Dương chia sẻ, nhiều khi lạc đường còn bị khách chửi hoặc thỉnh thoảng chạy xe không để ý biển cấm, đi vào ngược chiều bị cảnh sát tuýt còi, nộp phạt thì coi như cả tuần mất thu nhập.
Áp lực và kiệt quệ sức khỏe
Nhiều thanh niên trẻ tuổi luôn tự tin với sức khoẻ của mình, chạy xe quên ăn, rong ruổi cả ngày ngoài trời bất kể mưa gió, mùa hè cũng như mùa đông. Tệ hơn nữa, nhiều tài xế còn bị ảnh hưởng đến cột sống, sức khỏe giảm sút.
“Nhiều anh em vẫn đồn về các cao thủ chạy xe không biết mệt. Kiếm tiền kiểu thế khác gì “bán máu” đâu. Mình chỉ coi đây là công việc thời sinh viên khi nào tìm được việc đúng nghĩa thì sẽ nghỉ. Đi ngoài đường nhiều nguy hiểm cận kề, nắng mưa ảnh hưởng sức khoẻ; Ngồi nhiều ảnh hưởng đến cột sống, bụi bẩn hít vào dễ mắc bệnh lắm…”, Nguyễn Dương tâm sự.
Một khó khăn không thể không kể đến đó là sự cạnh tranh gay gắt trong nghề. Rất nhiều vụ việc tài xế xe ôm truyền thống và công nghệ xảy ra mâu thuẫn với nhau. Đã không ít lần các tài xế cạnh tranh khách rồi xảy ra các vụ đánh nhau…
Vì làm dịch vụ nên áp lực của tài xế Grab còn đến từ khách hàng. “Khách dễ thì không sao, gặp khách khó tính thì mệt mỏi lắm. Có khách trời nắng thì yêu cầu mình đi vào bóng râm cho mát; Khách thì giục mình phóng nhanh, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu không làm theo yêu cầu của khách thì sau đó tài xế chỉ được đánh giá 1 sao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của cánh tài xế Grab. Nhiều tài xế không may mắn đã mất của, thậm chí cả mạng vì những con nghiện và đối tượng cướp của…”, một tài xế Grab ngán ngẩm cho biết.