Tâm lý người bị buộc tội khi tham gia lấy lời khai, hỏi cung
Tạo sự tin tưởng cho khách hàng
Quá trình Luật sư tham gia hoạt động lấy lời khai, hỏi cung khách hàng của mình, nếu phát hiện khách hàng của mình quá nhút nhát, quá lo sợ và bộc lộ ra bên ngoài là thái độ hoang mang, mắt nhìn dáo dác, tay chân run rẩy, hai tay nắm vào nhau, mồ hôi rịn ra ướt hết áo, nhỏ từng giọt trên thái dương và trán, trạng thái này thể hiện khách hàng quá mất bình tĩnh và run sợ.
Luật sư cần trấn an khách hàng ngay bằng hành động bắt tay, giới thiệu và động viên kịp thời, để khách hàng tin tưởng và yên tâm.
Bảo vệ khách hàng một cách khéo léo, tế nhị khi Điều tra viên hỏi cung
Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung mà Luật sư nhận thấy các câu hỏi của Điều tra viên nêu ra có tính chất mớm cung hoặc bức cung đối với người bị tạm giữ, bị can thì Luật sư không nên phản ứng gay gắt ngay với Điều tra viên, khiến Điều tra viên trở nên xung đột với Luật sư là điều không cần thiết, mặt khác nếu Luật sư phản ứng gay gắt sẽ làm mất mặt và hạ thấp uy tín của Điều tra viên trước mặt người bị tạm giữ, bị can là điều tối kỵ, việc này còn làm cho khách hàng càng hoang mang và lo lắng hơn.
Trong trường hợp này Luật sư cần khéo léo, tế nhị đề nghị Điều tra viên không nên hỏi những câu hỏi đó hoặc Luật sư đề nghị đặt những câu hỏi cho khách hàng của mình để phản bác lại câu hỏi của Điều tra viên.
Tập trung, thông minh, khéo léo xử lý tình huống trong quá trình điều tra
Người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt, tạm giữ, tạm giam, trở thành bị can, bị cáo trong vụ án, tâm lý chung là đều lo sợ bị trừng phạt nặng, hiện tượng tâm lý này làm xuất hiện động cơ khai báo ở khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Ở những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự thì khá lì lợm trong khai báo, thường khai báo nhỏ giọt, không thành khẩn, cơ quan tố tụng biết đến đâu, củng cố chứng cứ đến đâu thì đối tượng khai báo đến đó, còn chưa biết thì sẽ không khai.
Đối với những khách hàng có đặc điểm như trên, Luật sư tham gia các cuộc hỏi cung cần lắng nghe các câu trả lời của khách hàng trước câu hỏi của CQĐT, ghi chép lại cẩn thận. Nếu khách hàng gặp phải câu hỏi của CQĐT mà ngập ngừng không muốn trả lời, đưa mắt nhìn lên trần nhà, vẻ mặt đăm chiêu hoặc hai môi mím chặt lại, Luật sư cần hiểu vấn đề này có chút uẩn khúc hoặc khách hàng muốn tránh né, chưa muốn trả lời, để có cách trao đổi kịp thời, không nên động viên khách hàng khai báo ngay mà lái sang nội dung khác, để khi được gặp riêng khách hàng Luật sư sẽ trao đổi lại, hỏi lại nội dung này.
Đối với Luật sư, chứng cứ có lợi là điều tốt để giúp đỡ khách hàng về mặt pháp lý tốt nhất, tuy nhiên với chứng cứ bất lợi Luật sư cũng cần phải nắm được để nghiên cứu và có phương án bào chữa cho khách hàng hiệu quả nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi Luật sư cần phải tập trung, thông minh, khéo léo trong xử lý tình huống.