Thăm Hỏi Người Bệnh Nặng
THĂM HỎI
NGƯỜI BỆNH NẶNG
(Tạp A Hàm, quyển 3 Kinh số 123, 124, 125 từ trang 556 đến 566,
Kinh số 1032 trang 579, quyển 4 Kinh số 1122 từ trang 120 đến 123; Khóa Hư Lục)
Khi
đến thăm hỏi người bệnh, chúng ta cần biết bệnh trạng, thuốc men ra sao, thời
gian lâm bệnh, hoàn cảnh, v.v.. Nếu đã biết phần lớn các vấn đề liên quan tới
người bệnh, và thấy thuận tiện vào đề, chúng ta nói với bệnh nhân về lòng tin Tam Bảo.
1). Lòng tin Tam-Bảo.
Bởi vì lòng tin lúc đó rất quan trọng và sẽ có nhiều lợi lạc đối với
người bệnh, chúng ta nên dành một chút thời giờ để nói chuyện với người bệnh
nếu có thể về Phật pháp. Khi người bệnh tin tưởng Phật Pháp Tăng rồi, chúng ta
sẽ tiến tới bước thứ hai.
2). Hỏi người bệnh về người thân:
– Cụ (hay ông, bà, bác v.v…) nhớ thương người
nào nhất trong gia đình?
Nếu người bệnh trả lời:
– Có, tôi thương nhớ lắm, tôi nhớ thằng cháu
nội dễ thương lắm, làm sao quên được v.v..
Chúng ta trả lời:
–
Cụ (hay ông, bà, bác v.v…) đã từng nhớ thương từ hồi nào tới giờ rồi, nhớ
thương con cháu (hay vợ, chồng, cha, mẹ, v.v..) mà được sống mãi thì hãy nên
nhớ thương. Đức Phật nói: “Nhớ thương mà không được sống mãi thì nhớ thương để
làm gì?”; nhớ thương chỉ mang lại nhức đầu mệt mỏi mà thôi, cần phải quên đi
cho đầu óc được thanh thản.
Chúng ta nên hỏi lại bệnh nhân:
– Như vậy Cụ… có còn nên nhớ nữa không?
Nếu người bệnh vẫn nói:
– Còn nhớ, không thể quên ngay được.
Chúng ta phải cố thuyết phục bệnh nhân là cả đời đã từng thương nhớ chứ
có phải không nhớ đâu, bây giờ thương nhớ cũng chẳng giúp được sống mãi mãi thì
nên quên đi cho tâm được bình an. Khi người bệnh nói:
– Tôi không còn nhớ thương con cháu v.v… nữa.
Chúng ta nên khen ngợi bệnh nhân về việc này, vì như vậy tâm thần sẽ
được an ổn nhẹ nhàng v.v… và chúng ta tiến tới bước kế tiếp.
3). Hỏi về tiền của, tài sản:
– Cụ … có nghĩ tiếc tiền, của, nhà cửa,
v.v.. không?
(Lưu ý: Phải tuỳ trường hợp mà hỏi, người
không có nhà, không có của chỉ hỏi về tiền mà thôi v.v…)
Nếu người bệnh nói :
– Có, tôi tiếc tiền của lắm, tôi nhớ nhà của
tôi lắm v.v…
Chúng ta phải khuyên người bệnh buông xả, quên đi, và nói:
– Nếu Cụ … nghĩ tiếc tiền của, nghĩ nhớ nhà
cửa, tài sản mà sống được lâu dài thì nên tiếc nhớ. Phật nói: “Đã không do tiếc
nhớ tiền của … mà được sống thì tiếc với nhớ để làm gì?”. Tiếc nhớ chỉ thêm
mệt, thêm bệnh mà thôi; Cụ … nên quên tiền của … để cho tâm trí được thảnh
thơi, yên ổn, khỏe khoắn v.v…
Nếu người bệnh nói:
– Tôi không còn tiếc nhớ tiền của và tài sản
nữa.
Chúng ta nên: khen ngợi, ca tụng người bệnh, rồi tiếp tục bước tới.
4). Hỏi về sự tiếc hối (như hối hận, giận
thù):
– Cụ … có còn tiếc hối về điều gì trong
lòng không?
Nếu
trả lời “có”, thì chúng ta hỏi đó là điều gì, và khi người bệnh nói điều hối
tiếc, tuỳ theo đó trả lời thỏa đáng, hoặc giúp đỡ nếu có thể. Nếu người bệnh
trả lời “không” có gì hối tiếc, chúng ta sang bước tới.
5). Hỏi về sự thèm muốn (ngũ dục thế gian).
Ngũ dục về sắc, thanh, hương, vị, và xúc; chúng ta phải tuỳ cơ ứng biến
mà hỏi về vấn đề này, tỉ dụ:
– Về sắc ta hỏi: Cụ … có nhớ thèm coi Tivi
không? v.v…
– Về thanh ta hỏi: Cụ … có nhớ tiếng hát ca
sĩ nào không?
– Về hương ta hỏi: Cụ … có nhớ mùi gì
không? v.v…
– Về vị ta hỏi: Cụ … có nhớ thèm ăn gì
không? v.v…
– Về xúc ta hỏi: Cụ có nhớ sự gần gũi người
khác phái không? v.v…
Chúng ta phải tự kiếm ra những câu hỏi có liên quan tới “ngũ dục” và có
liên quan với bệnh nhân mà hỏi; nếu người bệnh trả lời có nhớ về bất cứ một thứ
nào trong ngũ dục, chúng ta đều trả lời những sự hưởng thụ của con người ở thế
gian là không hay, không bền, không bằng sự sung sướng thắng diệu cõi
Trời. Hãy khuyên người bệnh không nên
nghĩ nhớ ngũ dục thế gian, và nuôi chí nguyện thích sống sung sướng ở cõi Trời.
Nếu người bệnh nói: “Tâm tôi đã xa lià những cái của con người, không còn nhớ
nghĩ đến sự thèm muốn thế gian, vì trước kia tôi đã nuôi chí nguyện thích cảnh
sung sướng cõi Trời rồi”. Như vậy, chúng ta khen ngợi bệnh nhân, xong tiếp tục
sang bước sau.
6). Khen cảnh vui Niết-Bàn.
Chúng ta nói với bệnh nhân:
– Mặc dù cảnh sống ở cõi trời tốt đẹp hơn cõi
người, nhưng vẫn là vô thường, biến hoại, chứ không vĩnh cửu nên vẫn còn có
khổ, có chết. Có cái vui tột khi thực hành sẽ đến Niết-Bàn vĩnh cửu, Cụ … nên
bỏ ý niệm về các cái sung sướng của cõi Trời, nên vui với cái vui tuyệt đỉnh
của Niết-Bàn, bằng cách giữ tâm tĩnh lặng, không nghĩ nhớ bất cứ điều gì, không
lo phiền, không sợ hãi, an nhiên tự tại, vắng lặng, là tối thượng, thù thắng sẽ
dẫn tới Niết-Bàn.
Như thế người bệnh từ từ lần lượt được nhắc nhở chỉ dẫn, khiến người
bệnh được Niết-Bàn bất thối, vì tâm người bệnh sẽ hướng theo lời chỉ dạy ấy.
7). Hướng dẫn niệm Phật hay quán niệm.
Chúng ta, tùy trường hợp, có thể hướng dẫn
người bệnh hoặc niệm Phật, hoặc Quán niệm như sau:
a). Niệm Phật: “Nam mô Tây Phương
cực lạc thế giới, đại Từ đại Bi, tiếp dẫn Đạo-Sư A-Di-Đà Phật”. Nếu người bệnh
qúa nặng không thể nhớ đọc câu dài như thế được, chúng ta rút ngắn lại như sau:
“Nam mô tiếp dẫn Đạo-Sư A-Di-Đà Phật”, hoặc “Nam mô A-Di-Đà Phật” đều được cả,
trường hợp này người niệm phải nhớ nghĩ Phật A-Di-Đà. Người bệnh khó mà nhìn
hình mãi được, nên cho người bệnh nhìn hình Phật A-Di-Đà, rồi bảo người bệnh
ráng nhớ trong đầu; trong khi niệm, chúng ta nhắc nhở người bệnh không nên nhớ
nghĩ bất cứ chuyện gì, mà chỉ có nhớ tới Phật A-Di-Đà mà thôi, nên nhớ niệm
ngày cũng như đêm, niệm cho tới nhất tâm bất loạn.
b). Quán niệm: Người không quen niệm
Phật, chúng ta chỉ một trong bốn phép quán, nên nhớ, chỉ cần quán một trong bốn
phép quán này cho thật thuần thục là đủ:
1- Quán
niệm 18 Giới là:
– Sáu
Căn:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
– Sáu
trần:
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
– Sáu
Thức: Nhãn
thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Hãy quán: tất cả 18 giới đều không phải là ta, không vướng mắc tới ta;
luôn luôn quán, nhớ nghĩ như thế.
2- Quán
niệm sáu Đại.
Thân: được hợp thành bởi Sáu đại là Đất, Nước, Gió, Lửa, Không gian, và Tâm thức; tất cả 6
đại đều không phải là ta, sáu đại không vướng mắc tới ta, quán nhớ nghĩ mãi như
thế.
3- Quán
niệm năm Uẩn (năm Ấm):
Thân: gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
– Sắc (Thân xác, vạn vật,
thế giới, vũ trụ).
– Thọ (Cảm nhận sự vui khổ,
yêu ghét, nóng lạnh v.v…).
– Tưởng
(Suy
nghĩ, tưởng nhớ).
– Hành (Thân làm, miệng nói,
ý nghĩ, tác ý).
– Thức (Hiểu, thấy, nghe,
biết của 5 giác quan và ý thức).
Tất cả 5 Uẩn: đều không phải là ta, ta không
bị giới hạn bởi năm uẩn; luôn luôn quán, nhớ nghĩ như thế.
4- Quán
niệm Thời Gian: Quá
khứ, hiện tại, tương lai.
– Quá khứ đã qua rồi. – Hiện tại không dừng
nghỉ. – Tương lai chưa tới.
Tất cả ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai
chẳng phải là ta, ta không bị giới hạn bởi thời gian, quán mãi như thế
Mọi pháp đều không có tự tánh riêng biệt, và
đều do nhân duyên sinh, có duyên thì hội tụ, hết duyên thì tan hoại; đây là quán
niệm muôn pháp đều không, phép quán cao siêu mà dễ thực hành.
Mong rằng người Phật tử nên biết và nên áp
dụng những lời Đức Phật dạy để làm lợi lạc cho chúng sinh.
Toàn
Không