Thiệp đỏ trao tay là đau đầu ngay chuyện tiền mừng, nhưng 6 tips sau sẽ giúp bạn bỏ phong bì đám cưới một cách thông minh
Đám cưới là ngày hạnh phúc không chỉ của cô dâu chú rể mà tất cả người thân, hàng xóm, bạn bè đều vui vẻ. Khi chúng ta được mời tham dự một tiệc cưới thì việc bỏ phong bì tiền mừng như trở thành một luật bất thành văn và cũng được coi là lời chúc phúc đến cô dâu chú rể.
Tuy nhiên bỏ tiền mừng bao nhiêu lại là chuyện khiến không ít các quan khách phải đau đầu. Bỏ nhiều quá thì hơi đau ví, mà bỏ ít thì lại có hơi… ngại. Thực tế việc bỏ phong bì mừng đám cưới cần phải tinh tế khéo léo, phụ thuộc vào khả năng tài chính, các mối quan hệ thân tình, và nơi tổ chức đám cưới cùng với quy mô của đám cưới. Trước khi quyết định bỏ tiền mừng bao nhiều thì bạn hãy cân nhắc những yếu tố sau để đưa ra con số hợp lý nhất.
Mục lục
1. Theo mối quan hệ
Càng trưởng thành, chúng ta càng có nhiều mối quan hệ xung quanh: Bạn thân, bạn tuy quen lâu nhưng không quá thân, bạn xã giao, hay đồng nghiệp. Nếu bạn dự định cưới trong vòng 1-2 năm trở lại thì có thể móc hầu bao hơn bình thường một chút. Cô dâu chú rể sẽ ghi chú lại số tiền mừng đám cưới của bạn để đi trả lễ lại với số tiền tương ứng mà bạn đã mừng ở đám cưới bạn. Do đó, hãy rộng tay đôi chút để vừa làm hài lòng cô dâu chú rể, cùng vừa là khoản để dành khi tới đám cưới của bạn.
Nếu là bạn thân thiết, phong bì tiền mừng đám cưới sẽ rơi khoảng 1-2 triệu. Với bạn bè bình thường hoặc đồng nghiệp thì bạn nên đi từ 300.000-500.000 đồng.
2. Theo địa vị xã hội
Xét trên mối quan hệ xã hội, nếu bạn đi dự đám cưới của con lãnh đạo, hoặc đối tác lớn của công ty, bạn nên cân nhắc thật khéo léo về việc gửi phong bì. Gửi nhiều thì mình không đủ khả năng chi trả, gửi ít thì lại không xứng với địa vị người ta hoặc thậm tệ hơn là việc mình bị hiểu nhầm không coi trọng mối quan hệ.
Con số gợi ý cho bạn nếu đi đám cưới sếp là từ 500.000 VNĐ trở lên vì như vậy cũng không quá cao mà không quá thấp so với một nhân viên. Nếu bạn khá thân với sếp thì có thể đi nhiều hơn tùy thuộc mối quan hệ đó như thế nào. Ngoài ra, bên cạnh tiền mừng, bạn cũng có thể tặng thêm vật phẩm thiết yếu như lò vi sóng, tivi, trang phục, mỹ phẩm… vừa thân tình lại không bị đánh giá là “nịnh bợ” sếp quá đà.
3. Theo địa điểm tổ chức
Địa điểm tổ chức đám cưới quyết định rất lớn đến việc nên bỏ phong bì. Nếu lễ cưới được tổ chức ở nhà hàng tiệc cưới sang trọng, ngay trung tâm thì tiền bỏ phong bì cũng nhiều hơn so với đám cưới tổ chức ở quê, tại nhà. Và cùng tùy loại nhà hàng mà bạn đi tiền sao cho hợp lý.
Ví dụ, bạn được mời cưới ở các địa điểm sang trọng như: Reverie, InterContinental, Sheraton, New World, Gem Center,… mà bỏ phong bì 1 triệu thì khả năng cô dâu chú rể lỗ cao. Vì các địa điểm này tiền tiệc có thể lên đến 12-20 triệu/bàn/10 người. Thậm chí là 30 triệu/bàn nếu chủ nhân chọn thực đơn hảo hạng. Do đó cần phải biết rõ mình ăn cưới ở đâu để gửi phong bì cho phù hợp.
Phòng tiệc khách sạn Fortuna
Đi đám cưới ở quê bạn nên bỏ phong bì khoảng 200-300 nghìn đồng. Còn khi đến nhà hàng thông thường thì nên bỏ từ 300.000 đến 500.000VNĐ cho đến 2 triệu đồng sẽ hợp lý hơn. Số tiền sẽ tăng lên cùng với độ sang trọng của nhà hàng.
4. Theo số lượng người đi cùng bạn
Tùy theo số lượng người đi cùng mà bạn có thể cân nhắc số tiền mừng đám cưới. Nếu đi cùng chồng hoặc người yêu, số tiền mừng thường gấp đôi. Nếu đi với trẻ con, bạn có thể bỏ thêm vào phong bì từ 100.000-300.000 VNĐ. Nếu đi cả gia đình, bạn nên đi từ 1 triệu đến 2 triệu.
5. Theo thu nhập cá nhân
Nếu bạn cứ tuân thủ theo gợi ý bên trên mà quên đi mức thu nhập của mình thì nguy to. Người ít bạn một năm cũng 4-6 đám cưới, người xã giao rộng thì cũng 6-9 tiệc, có người cứ 1,2 tháng lại có một thiệp mời. Giả dụ bạn là nhân viên văn phòng với mức lương trung bình 6 triệu/ tháng mà lúc nào cũng đi phong bì 500.000VNĐ đến 1 triệu thì gặp khó khăn rồi đó. Cho nên mấu chốt là bạn phải biết cân đối chi tiêu cá nhân. Qua đó xem xét bỏ phong bì như thế nào là phù hợp nhất với mình.
6. Theo mức tham khảo với bạn bè
Tham khảo bạn bè là cách dễ dàng nhất để bạn quyết định mừng sao cho phù hợp. Việc đồng nhất phong bì giữa mọi người tránh trường hợp ngại nếu bỏ phong bì quá ít.