Thực trạng “sính lễ trên trời” ở Trung Quốc: Nguyên nhân khiến đàn ông khó lấy vợ, đằng sau đó là mục đích không ai ngờ của nhà gái
Vụ việc “Sính lễ đám cưới nông thôn tính theo học lực của cô dâu: Trung cấp 100.000 NDT (hơn 360 triệu VND), đại học 150.000 NDT (hơn 542 triệu VND)” đã dấy lên làn sóng dư luận về vấn đề sính lễ đám cưới của Trung Quốc.
Theo điều tra, “sính lễ trên trời”, hay đó chính là phần sính lễ có giá trị cao ngất ngưởng, thay đổi dựa theo tình hình phát triển kinh tế của các khu vực ở Trung Quốc. Thực trạng sính lễ diễn biến cực đoan đến nỗi đàn ông muốn lấy vợ chỉ cần đến hỏi giá sính lễ, vừa ý thì lập tức tổ chức đám cưới.
Chuyên gia cho rằng, tập tục đám cưới mặc dù phản ánh văn hóa truyền thống nhưng không chỉ là chuyện riêng của một cá nhân hay một gia đình, mà còn thể hiện cả trình độ phát triển của xã hội.
Thực trạng “sính lễ trên trời” gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau hôn nhân và hạnh phúc của các cặp đôi, tạo nên nhiều mâu thuẫn và khó khăn cho kinh tế gia đình, phá hủy tư tưởng tích cực và phạm vi đạo đức.
Chính phủ và các cơ quan xã hội liên quan không thể ngồi yên, mà phải áp dụng những biện pháp để thúc đẩy hôn nhân và tình yêu văn minh, nếu không sẽ kéo theo những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
“Sính lễ trên trời” làm gia tăng sự nghèo nàn sau hôn nhân
Ở Sơn Đông (Trung Quốc), trước khi hai người quyết định yêu nhau, các cô gái phải xác định người con trai mình muốn tiến tới có thể chuẩn bị 20 cây thuốc lá, 20 bình rượu, 200kg hạt dưa, 200kg lá trà, 200kg kẹo mứt hay không.
Ở buổi đề thân (tương tự lễ dạm ngõ của Việt Nam), nhà trai phải chuẩn bị “4 vàng 1 kim cương” (dây chuyền vàng, lắc tay vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng và nhẫn kim cương), có nơi còn chuẩn bị thêm tiền mặt. Đến ngày đính hôn, ngoài thuốc rượu mứt trà, nhà gái còn yêu cầu nhà trai mua nhà, thậm chí còn mua cả xe để phục vụ cho cuộc sống hôn nhân về sau.
Một số địa phương còn tồn tại cách tính tiền bằng cân. Tiền cưới vợ trở thành gánh nặng rất lớn cho nhà trai.
Ở Cam Túc, sính lễ trung bình tại các vùng đồng bằng là 150.000 NDT(hơn 542 triệu VND), ở vùng núi thì cao hơn một chút với 180.000 NDT (hơn 650 triệu VND). Ngoài ra, còn có trang sức vàng, phục trang và các chi phí tổ chức đám cưới khác, tổng cộng hơn 250.000 NDT (hơn 900 triệu VND). Trong khi đó, thu nhập từ công việc làm nông mỗi năm của các hộ nông thôn chỉ dao động 20.000 NDT (hơn 72 triệu VND).
Thu nhập ở vùng nông thôn thì ít, nhưng sính lễ lại cao hơn cả thành phố. Điều này khiến những gia đình có con trai cần cưới vợ phải lâm trong cảnh nợ nần chồng chất.
Nguyên nhân xã hội sâu xa của “sính lễ trên trời”
Giáo sư Chu Hiếu Chính của Học viện nhân khẩu và xã hội thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích cho rằng, nguyên nhân đằng sau của thực trạng “sính lễ trên trời” có liên quan mật thiết đến sự mất cân bằng trầm trọng trong tỷ lệ giới tính nhân khẩu của xã hội Trung Quốc.
Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ nam nữ của Trung Quốc là 51,24 : 48,76. Đặc biệt, số lượng nam giới đến độ tuổi kết hôn ở nông thôn cao một cách rõ rệt.
Vì sao hiện nay, số lượng nam giới đến tuổi kết hôn lại cao hơn nữ? Nguyên nhân chủ yếu đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Từ 20-30 năm trước, bé gái được sinh ra sẽ bị bỏ rơi hoặc bị “giết chết” ngay từ trong bụng mẹ khi siêu âm. Một số địa phương như Phúc Kiến có một phong tục là sau khi đính hôn, cặp đôi có thể “động phòng”, nếu sinh ra con gái thì không cưới, chỉ chính thức kết hôn khi sinh được con trai.
Một nguyên nhân giải thích cho việc giới tính nữ ở nông thôn ít là họ đã đến thành phố làm việc và không muốn trở về thôn trang nghèo nàn. Khu vực nông thôn càng nghèo thì sính lễ càng cao.
Đồng thời, rất hiếm cô gái chịu quay về quê xem mắt. Thế là người dân bắt đầu không còn trọng nam khinh nữ, mà trái lại nhà chồng càng phải ra sức đối xử tốt với con dâu hơn, nếu không con dâu sẽ bỏ đi mất,…
Sở trưởng Viện nghiên cứu xã hội Thiên Tân đã chỉ ra, giá trị sính lễ mà nhà trai có thể đưa ra chứng minh thực lực của gia tộc, xem như là một phần bồi thường tượng trưng cho gia đình nhà gái khi gả con gái đi. Nhưng đến nay, “sính lễ trên trời” là một sự bóp méo tập tục truyền thống và là phép so sánh hơn thua và trục lợi, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng mượn nợ kết hôn, hôn nhân nghèo nàn và bạo lực gia đình.
Đằng sau “sính lễ trên trời” là mục đích dưỡng già của phụ huynh nông thôn
Đối với một gia đình truyền thống nông thôn ở Trung Quốc, hôn nhân là một dạng móc nối giữa tài sản và kinh tế, trong đó bao gồm nuôi con dưỡng cái và cả dưỡng lão. Đương nhiên, dưỡng lão ở đây không chỉ đơn thuần là cặp vợ chồng già nương tựa vào nhau, mà còn phải có sự chăm sóc của con trai và con dâu.
Người phụ nữ tồn tại trong gia đình có hệ tư tưởng này phải đảm đương công việc sinh đẻ, làm việc nhà và cung phụng cha mẹ chồng, thậm chí là ông bà của chồng. Đó cũng chính là lý do số lượng phụ nữ tự sát ở nông thôn chiếm tỷ lệ rất cao ở Trung Quốc.
Tất cả những nguyên nhân trên đã lý giải được vì sao sính lễ đám cưới lại ngày càng cao như vậy. Các gia đình nông thôn sinh được con gái sẽ bám víu vào cái cớ “con gái lấy chồng như bát nước đổ đi” và tỷ lệ nam nữ không đồng đều để lấy sính lễ làm phần tiền thu hồi vốn, có được một khoản kha khá để dưỡng lão sau này.
Đàn ông nông thôn không thể lấy được vợ cũng là vì yêu cầu tiền “dưỡng lão” của nhà gái quá cao. Con gái đi lấy chồng thì trở thành con nhà người ta, bản thân già đi không có ai chăm lo nên các bậc cha mẹ phải tranh thủ kiếm một số tiền từ đám cưới của con để phòng cho sau này.
“Sính lễ trên trời” khiến vô số cuộc tình tan vỡ
Hai người yêu thương nhau, cuối cùng quyết định trao danh phận để về chung một nhà. Thế nhưng đến khi gia đình đôi bên thương lượng chuyện đám cưới thì lại xảy ra mâu thuẫn trong vấn đề sính lễ.
Muốn cưới được vợ cho con trai, bố mẹ của những người đàn ông phải đáp ứng mức giá sính lễ và hàng loạt yêu cầu khác do nhà gái đưa ra. Đương nhiên, không phải ai cũng có thể chi trả được “sính lễ trên trời” này.
Nhiều gia đình phải chạy vạy khắp nơi để gom tiền làm đám cưới cho con trai. Nhiều gia đình không có điều kiện thì phải đành lực bất tòng tâm, cặp đôi yêu nhau bị “chia ương rẽ thúy” vì cái tên gọi là sính lễ.
“Sính lễ trên trời” càng phổ biến thì càng có nhiều cuộc tình đổ vỡ. Đó cũng chính là lý do hôn nhân Trung Quốc còn xuất hiện tình trạng: Trước khi bắt đầu tìm hiểu thì người con gái sẽ thông báo người con trai yêu cầu sính lễ, nếu đôi bên đều vừa ý thì mới chính thức quen nhau.
Tuy nhiên, tìm hiểu là một chuyện, kết hôn lại là chuyện khác. Sính lễ tăng lên theo từng ngày, hai người có đến được với nhau hay không còn phải tùy thuộc vào khả năng của nhà trai.
Nguồn: Scfzbs