Thuê bạn gái về ra mắt gia đình, làm đám cưới giả
Chỉ từ 1.000 NDT/ngày, “bạn gái giả” sẽ về nhà ra mắt gia đình của khách hàng, tổ chức hôn lễ giả và thậm chí thực hiện yêu cầu xa hơn nếu được trả đủ tiền.
Dịch vụ cho thuê người yêu hút khách ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.
Một phóng viên của hãng truyền thông Trung Quốc Chao News đã đóng giả người có nhu cầu “thuê người yêu” trên 89yn.com – trang web cung cấp dịch vụ thuê bạn trai, bạn gái tùy theo nhu cầu.
Không lâu sau khi lập tài khoản, một người phụ nữ, biệt danh là Mumu, đã liên hệ với anh qua WeChat. Cô giới thiệu mình 29 tuổi, tốt nghiệp từ một trường đại học bình thường, SCMP đưa tin.
Giá thuê cô gái này với tư cách là người yêu là 1.000 NDT/ngày (145 USD), đặt cọc 500 NDT. Nếu phát sinh bất kỳ chuyến đi nào trong quá trình thuê, phí bổ sung là 350 NDT. Nếu người thuê muốn xem trước ảnh của cô, anh ta sẽ phải trả 20 NDT.
Chỉ từ 1.000 NDT/ngày, người dùng có thể thuê bất kỳ ai trên website làm người yêu mình. Ảnh: The Paper.
Nam phóng viên đã đồng ý với mức giá đó. Vào một ngày cuối tuần hồi đầu tháng 3, Mumu đã đi từ Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đến Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) để gặp người đàn ông này.
Mumu cho biết cô là một nhân viên văn phòng toàn thời gian với mức lương hàng tháng là 5.000 NDT (725 USD). Cô coi công việc “giả làm bạn gái” này là nghề tay trái, chỉ làm lúc rảnh rỗi.
Mumu nói rằng những ngày lễ, Tết là dịp cao điểm của dịch vụ thuê người yêu. Các dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Lao động, Lễ hội Thuyền Rồng và lễ Quốc khánh hiện đều đã kín chỗ. Giá thuê những ngày này là 2.500 NDT (360 USD), cao gần gấp 3 lần so với ngày thường.
Ở Trung Quốc, việc người trẻ thường phải đi xem mắt do cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình sắp xếp trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là chuyện rất phổ biến.
“Bạn gái giả” có thể qua ra mắt gia đình, tổ chức đám cưới giả hay thậm chí “làm những chuyện khác nếu được trả đủ tiền”. Ảnh minh họa: Shutterstock.
“Tôi rất bận rộn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Tôi cũng thường nhận được nhiều yêu cầu làm ‘bạn gái giả’ trong cùng một ngày. Cách đây vài năm trước, trong vòng 2 tuần lễ, tôi kiếm được tổng cộng 40.000 NDT (5.800 USD)”, cô kể.
Nếu đã kín lịch, Mumu sẵn lòng giới thiệu khách hàng của mình cho những đồng nghiệp khác trong ngành dịch vụ cho thuê bạn gái. Mỗi lần giới thiệu, cô nhận được 20% phí hoa hồng.
“Ví dụ, nếu phí thuê bạn gái là 1.000 NDT/ngày, tôi có thể nhận được 200 NDT tiền hoa hồng”, cô nói. Bằng cách này, Mumu kiếm được hàng chục nghìn NDT tiền hoa hồng suốt những năm qua.
Khách hàng của cô sống trên khắp đất nước, độ tuổi trung bình khoảng 30 và thường phải đối mặt với áp lực kết hôn từ phía gia đình. Mumu cho biết hầu hết khách hàng sẽ yêu cầu cô cùng họ đến gặp cha mẹ và toàn bộ gia đình. Một số nhờ cô đi chụp ảnh cưới, thậm chí tổ chức hôn lễ giả và lấy giấy chứng nhận kết hôn giả.
Một số ý kiến cho rằng ranh giới giữa dịch vụ cho thuê người yêu và hoạt động mại dâm “mờ nhạt”. Ảnh minh họa: SCMP.
Vài trong số các khách hàng của cô là người đồng tính. Một số khác là đàn ông độc thân ở vùng nông thôn thuê Mumu chỉ để chụp ảnh và khoe với làng xóm rằng họ có bạn gái.
“Có rất nhiều đàn ông độc thân như vậy ở làng quê. Họ nghèo nhưng muốn giữ thể diện”, cô nói.
Quy tắc tiên quyết của Mumu là không yêu khách hàng. Cô sẵn sàng nắm tay họ và làm cả “những điều khác nếu được trả tiền đủ”. Mặt khác, Mumu khẳng định sẽ rời bỏ ngành này ngay khi tìm được bạn trai.
Bài viết nhận được tổng cộng hơn 14 triệu lượt xem trên các mạng xã hội Trung Quốc, đồng thời tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi về dịch vụ thuê người yêu cũng như áp lực phải kết hôn mà người trẻ nước này phải đối mặt.
“Trước đây, tôi cũng muốn thuê bạn gái, nhưng giờ tôi đã từ bỏ. Tôi nói thẳng với bố mẹ và những người thân khác là ‘Con không muốn kết hôn’”, trích một bình luận.
Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.