Tiệc Cưới Cana – Dòng Mân Côi Bùi Chu
TIỆC CƯỚI CANA
Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 2 Thường niên năm C
Chúa đi ăn cưới.
Đã có một thời, các cha chẳng bao giờ dám đi ăn cưới và coi đó là chuyện thế gian, bậc tu hành không nên tham dự. Ở các nhà dòng, đặc biệt tại các đan viện, người ta cũng chẳng dám cho cử hành hôn lễ tại nhà nguyện của cộng đoàn, sợ các tu sĩ dễ bị ‘nhiễu sóng’ bởi những bóng hồng tha thướt, và đám cưới được xem như không thích hợp với bầu khí thánh thiêng nơi tu viện. Nhưng 2000 năm trước, Chúa Giêsu đã từng đi ăn cưới giống như mọi người chúng ta. Không phải chỉ có mình Ngài, Chúa còn kéo thêm cả một đoàn đệ tử hộ tống đi theo. Đám cưới tại Cana có sự hiện diện của Chúa Giêsu, của các Tông đồ và có cả Đức Maria. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu khởi sự công cuộc rao giảng Tin mừng với việc đầu tiên là tuyển chọn 12 đệ tử, sau đó, cả Thầy lẫn trò cùng kéo nhau đi ăn cưới. Thánh Gioan là một thần học gia uyên bác. Những động thái của Đức Giêsu cùng với những phép lạ Ngài thực hiện được Thánh Gioan thuật lại đều mang chở một nội dung thần học rất sâu xa.
Lược qua câu chuyện
Người Do Thái khi xưa thường kéo dài tiệc cưới suốt cả tuần lễ. Người ta không rước dâu về nhà chồng như ở Việt Nam, nhưng chú rể sẽ đến nhà cô dâu giữa đêm khuya. Các thực khách được mời sẽ dự tiệc kéo dài trong nhiều ngày và đương nhiên chủ nhà phải chuẩn bị rất nhiều đồ ăn thức uống, nhất là phải có đủ rượu để đãi khách. Nơi tiệc cưới Cana, có lẽ vì khách quá đông và thời gian lại kéo dài, nên bỗng hết rượu. Quả là một đại họa cho gia đình. Họ sẽ bị bẽ mặt trước bao quan khách, vì đám cưới bị dở dang và gia đình sẽ bị thiên hạ chê cười. Nhưng Chúa Giêsu đã ra tay can thiệp qua lời cầu ngỏ của Đức Maria, và cuối cùng phép lạ đã xảy ra. Những chum nước dự trữ cho khách rửa tay theo phong tục Do Thái đã biến nên những chum rượu nho hảo hạng. Nhưng điều cốt lõi ở đây mà thánh ký Gioan muốn trình bày chính là chủ đích thần học của Ngài. Chúa đi dự tiệc cưới không phải chỉ như một động thái mang tính giao tế xã hội, nhưng qua trình thuật Thánh ký muốn diễn bày dung mạo cứu thế của Chúa Giêsu. Ngài chính là căn nguyên niềm vui ơn cứu độ được tặng trao cho con người. Những chi tiết được thuật lại đều mang chở những ý nghĩa sâu xa mà chúng ta cần phải nghiền ngẫm để dần khám phá ra.
Đức Giêsu, một ‘Thiên Chúa – Người’ (God-man)
Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa rất Thiên Chúa, nhưng cũng là một con người rất con người. Khi đến trần gian, Ngài đã chia thân sẻ phận với chúng ta, vui với người vui, khóc với người khóc. Thánh giáo phụ Irênê đã viết: “ Thiên Chúa từ trời cao đã xuống đất thấp và trở nên một con người hèn hạ để nâng chúng ta là con người hèn hạ trở nên giống Thiên Chúa cao sang”. Đây là một nghịch lý khó hiểu, và Thánh Gioan muốn chúng ta suy nghiệm sâu xa nghịch lý này.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia cũng tiên báo về thời Thiên sai. Trong kỷ nguyên đó đó, Đấng Cứu thế là Đấng Công chính sẽ xuất hiện tựa hừng đông. Ngài sẽ ngồi trên ngai với vương miện huy hoàng, và dân Chúa sẽ trở thành tân nương, được Đức Chúa đem lòng sủng ái và kết lập hôn ước. “Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Trong thời kỳ cứu độ, dân Chúa được nâng lên địa vị mới, trở thành ‘vợ hiền’ của đức lang quân là chính Đức Giêsu. Vì thế hình ảnh tiệc cưới Cana là dấu chỉ tiên báo về thời Thiên sai này. Đức Giêsu là vị lang quân, là người chồng, còn chúng ta là ‘hiền thê’ trong hôn lễ nhiệm mầu đó.
Cũng vậy trong sách Khải Huyền, thánh Gioan thuật lại thị kiến về tiệc cưới Chiên Con. Bữa tiệc Thiên Sai đã trở thành hiện thực khi máu Đức Giêsu đổ ra trên Thập giá, đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. ‘Rượu’ là biểu tượng của niềm vui ơn cứu độ. Tiên tri Isaia còn nói về bữa tiệc cánh chung với thịt béo và rượu ngon (Is 25, 6). Thánh vương Đavit cũng viết Thánh vịnh 22 diễn tả lòng yêu thương của Thiên Chúa qua hình tượng đồng cỏ non, dòng suối mát, nhất là qua ‘ly rượu nồng đầy tràn chan chứa’ (Tv 22, 5). ‘Rượu và sữa’ trong bàn tiệc cánh chung mà Isaia phác vẽ, ám thị về niềm vui mà ơn cứu độ đem lại. Sữa làm thỏa cơn khát cho những ai đang khao khát được giải phóng, và rượu mang lại sự vui mừng cho những tâm hồn được giải án tuyên công, vì rượu làm hoan hỷ lòng người (x. Is 55).
Phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện tại tiệc cưới Cana khi Ngài biến nước thành rượu, được nối kết với phép lạ cuối cùng trên Thập giá khi Chúa biến rượu thành máu Ngài, máu được đổ ra để đem lại ơn cứu độ. Đây cũng là máu trong tiệc cưới Con Chiên. Những người mặc áo trắng tinh tiến vào bàn tiệc, đã giặt áo của mình trong máu Con Chiên vô tội ấy. Thánh Gioan đã viết lại sách Tin mừng thứ tư với những phép lạ, liên kết với thị kiến trong sách Khải huyền để khải thị cho chúng ta am tường về chân tính Cứu Thế nơi Đức Giêsu.
Đức Maria, Evà mới
Trong Tin mừng Gioan, Đức Maria được nhắc đến 2 lần. Lần thứ nhất trong tiệc cưới Cana và lần thứ hai khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá. Phép lạ đầu tiên và phép lạ cuối cùng Chúa Giêsu thực hiện đều có sự tham phần của Mẹ Maria. Trong phép lạ thứ nhất, Chúa nói với Mẹ : “ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Trong phép lạ cuối cùng, Chúa cũng nói với Mẹ “ Thưa bà, đây là con của bà”. Hạn từ ‘Bà’ là thuật ngữ đặc thù Thánh Gioan sử dụng để đề cao vai trò Đức Maria như một ‘bà’ Evà mới trong nhiệm cục cứu độ. Đức Mẹ đã không thực hiện bất cứ một phép lạ nào, nhưng Mẹ là người chuyển cầu (intercesseur) để phép lạ xảy ra. “Họ hết rượu rồi”. Một câu nói giản đơn, nhưng diễn bày vai trò Evà mới nơi Đức Maria. Cũng vậy khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ hoàn toàn thinh lặng, nhưng đi sâu vào sự hiệp thông trọn vẹn trong kế hoạch cứu độ. Vì vậy Đức Maria trên đồi Canvê đã hiển thị một cách sung mãn vai trò Evà, mẹ của chúng sinh trong một kỷ nguyên mới, để cùng với Đức Giêsu – Ađam mới, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Giáo hội đã ca tụng Mẹ với nhiều tước hiệu. Cách riêng, Thánh Gioan mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là thầy dạy đức tin. Trong cuộc hành trình đức tin, mẹ đã hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa để cùng với Đức Giêsu, Mẹ trở nên máng chở, chuyển thông ơn sủng cho con người. Muốn hưởng nhận ơn cứu độ, chúng ta hãy thực hành điều Đức Maria truyền dạy: “Ngài bảo sao, anh em cứ làm như vậy” (Ga 2,5).
Kết luận
Có một lần, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đi viếng thăm mục vụ tại Phi Châu. Để biểu tỏ niềm vui, dân chúng cầm tay nhau reo hò và nhảy múa trước khán đài nơi cử hành Thánh lễ. Đức Thánh Cha từ trên lễ đài với phẩm phục trên người cũng bước xuống cầm cây gậy trên tay và cùng nhảy múa với các bạn trẻ để chung hòa niềm vui với họ. Ngài cũng muốn bắt chước Chúa Giêsu khi đi vào trần gian chung chia cuộc sống với mọi người. Chúa biến nước thành rượu, trở nên biểu tượng của niềm vui ơn cứu độ. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta cũng cần trải nghiệm niềm vui sâu xa này, và trong cuộc sống đời thường, chúng ta hãy đem niềm vui ấy để chia sẻ cho nhau
GB.Trần văn Hào, SDB