Tràn lan dịch vụ làm đám cưới giả trên thị trường: Thấp nhất 16 triệu

Thời gian gần đây, vụ việc một cô gái tên N.T.V.A đã gây xôn xao mạng bởi những chiêu thức “siêu lừa” vô cùng tinh vi và hiệu quả. Với cách thức giả làm tiểu thư con nhà giàu để tiếp cận nạn nhân, cô đã khiến không ít người “sập bẫy”, tình nguyện mang đến cho cô “vinh hoa phú quý” bằng cách cưới về làm vợ.

 
Đám cưới trị giá 17 tỷ đồng của V.A cùng chồng vào năm 2018. (Ảnh: Facebook Nhã Lê Analee)
Đám cưới trị giá 17 tỷ đồng của V.A cùng chồng vào năm 2018. (Ảnh: Facebook Nhã Lê Analee)

Đáng nói, từ khi V.A bị tố cáo trên mạng xã hội đến nay, liên tục những đám cưới giả của cô đã liên tiếp bị tung ra. Từ đám cưới 17 tỷ đồng tại khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội, đám cưới thơ mộng tại Đà Lạt hay đám cưới giản dị, chân chất ở thôn quê. Khi mọi chuyện vỡ lẽ ra, nhiều người mới biết rằng V.A đã chi tiền để mua một đám cưới giả, thuê diễn viên đến đóng giả làm người thân.

 
Một hôn lễ thơ mộng khác của V.A tại Đà Lạt. (Ảnh: FB Check in Vietnam)
Một hôn lễ thơ mộng khác của V.A tại Đà Lạt. (Ảnh: FB Check in Vietnam)

 
Ba đám cưới, ba chú rể khác nhau nhưng lại cùng một cô dâu. (Ảnh: FB Check in Vietnam)

Ba đám cưới, ba chú rể khác nhau nhưng lại cùng một cô dâu. (Ảnh: FB Check in Vietnam)

Có thể với nhiều người, tổ chức đám cưới giả vẫn còn là một “khái niệm” khá mới mẻ và lạ lẫm. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, dịch vụ này lại giúp các công ty tổ chức sự kiện “hái” ra tiền vô cùng nhiều. Chỉ cần vài cú gõ máy với cụm từ “dịch vụ tổ chức đám cưới giả”, hàng loạt trang web, mạng xã hội đã hiện ra với đủ lời mời chào hấp dẫn.

Báo Dân Trí đăng tải, công ty G. – một đơn vị tổ chức sự kiện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết, rất nhiều khách hàng đã lựa chọn dịch vụ tổ chức đám cưới giả, thuê người đóng giả chú rể, cô dâu, họ hàng,… Công ty G. cam kết khách hoàn toàn có thể yên tâm về độ chân thực và sự bảo mật của đám cưới.

 
Những bài đăng về quảng cáo dịch vụ đám cưới giả có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên Internet. (Ảnh: Dân Trí)
Những bài đăng về quảng cáo dịch vụ đám cưới giả có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên Internet. (Ảnh: Dân Trí)

Thêm vào đó, để xây dựng một kịch bản sao cho thật phù hợp, không xảy ra sai sót, phía bên công ty cần biết rõ thông tin và hoàn cảnh của khách hàng như tên tuổi, công việc, vai vế trong gia đình, quê quán, lý do thuê diễn viên, độ khắt khe của gia đình về việc đăng ký kết hôn, hoàn cảnh của bạn trai cũ (nếu có),… Những người tham gia đám cưới giả sẽ có một mối quan hệ xã hội khép kín nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất cho khách hàng. 

Trước khi cưới, các diễn viên tham gia vào hôn lễ sẽ phải dành thời học thuộc kịch bản, làm quen với khách hàng. Thậm chí, họ sẽ phải tập diễn sao cho giống như cặp đôi yêu nhau thật sự. Kịch bản của từng người là khác nhau bởi điều này còn liên quan đến thói quen, hoàn cảnh, quan hệ thường ngày của người đó.

 
Có rất nhiều dịch vụ để khách hàng lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền. (Ảnh: Dân Trí)
Có rất nhiều dịch vụ để khách hàng lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền. (Ảnh: Dân Trí)

Trao đổi với Dân Trí, ông T., giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội xác nhận, mỗi năm công ty ông tổ chức được hàng trăm đám cưới giả. Để tránh những vấn đề phát sinh, trước khi nhận lời, công ty ông thường tìm hiểu về hoàn cảnh, mục đích thuê cô dâu, chú rể của khách hàng. Sau đó thì ký kết một bản hợp đồng, trong đó quy định rõ về việc cấm tiếp xúc thân mật giữa khách hàng đối với vợ/chồng hờ.

Về phần chi phí của dịch vụ, theo nhân viên tại công ty G., tùy vào yêu cầu và kinh tế của khách hàng mà họ sẽ tư vấn các gói dịch vụ khác nhau. Gói dịch vụ tại đây thấp nhất sẽ là 16 triệu đồng/buổi, số người tham gia ít. Còn gói VIP với giá 100-200 triệu đồng sẽ như một đám cưới thật, diễn ra trong 5-6 buổi với số người tham gia đông.

 
Bảng giá gói 98 triệu sẽ bao gồm 6 mục lớn khác nhau, đã được công ty tổ chức sự kiện lên kế hoạch chi tiết. (Ảnh: H.T)

Bảng giá gói 98 triệu sẽ bao gồm 6 mục lớn khác nhau, đã được công ty tổ chức sự kiện lên kế hoạch chi tiết. (Ảnh: H.T)

Theo khảo sát của Dân Trí, hiện có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đám cưới giả trên thị trường. Nhóm khách hàng tìm đến sẽ có nhiều hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau. Người thì mang bầu nhưng bạn trai không chịu trách nhiệm, thuê người làm “bình phong” để tránh làm mất mặt gia đình, người thì muốn bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo có yên tâm nhắm mắt xuôi tay nhìn con lập gia đình. 

Cũng có số ít trường hợp những người đàn ông thuộc cộng đồng LGBT muốn tổ chức đám cưới để giấu đi tính hướng,… Đương nhiên thêm vào đó, cũng không loại trừ trường hợp muốn mượn dịch vụ này để lừa gạt gia đình người yêu, tạo một gia thế giả hoàn hảo để vào được nhà giàu có như cô gái N.T.V.A.

 
Các diễn viên đóng giả sẽ đảm bảo sự chuyên nghiệp về diễn xuất, đảm bảo giữ kín bí mật cho khách hàng. (Ảnh: N.X.T)

Các diễn viên đóng giả sẽ đảm bảo sự chuyên nghiệp về diễn xuất, đảm bảo giữ kín bí mật cho khách hàng. (Ảnh: N.X.T)

Có thể thấy, dịch vụ tổ chức đám cưới giả phản ánh hiện thực của một bộ phận giới trẻ trong đời sống xã hội hiện nay. “Góc khuất” này đối với nhiều người có thể nhân văn, giúp họ giải quyết những áp lực của gia đình về vấn đề kết hôn. Thế nhưng với nhiều người, đây lại là dịch vụ tiếp tay cho họ làm điều xấu, phục vụ mục đích bất chính.

Liên quan đến dịch vụ đám cưới giả hiện nay, luật sư Phạm Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp đã có những chia sẻ với Dân Trí về vấn đề này. Theo ông, hành vi giả mạo kết hôn, đưa ra thông tin gian dối, thuê công ty tổ chức sự kiện làm đám cưới để lừa người khác chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, chưa đủ để xét vào hành vi vi phạm pháp luật.

 
Luật sư Phạm Văn Cường đã có những phân tích chuyên sâu về vấn đề tổ chức đám cưới giả. (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)
Luật sư Phạm Văn Cường đã có những phân tích chuyên sâu về vấn đề tổ chức đám cưới giả. (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)

“Việc kết hôn không đồng nghĩa với việc sẽ được bao nhiêu của hồi môn, quà cưới. Việc gia đình nhà chồng tặng cho tài sản sau khi kết hôn là quan hệ dân sự, phụ thuộc vào tình cảm chứ không phụ thuộc vào địa vị xã hội của cô dâu. Bởi vậy, nếu chỉ có hành vi gian dối, thuê người làm đám cưới giả thì rất khó có thể chứng minh đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nhận định với Dân Trí.

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, nếu có bằng chứng hoặc căn cứ cho thấy thủ đoạn lừa gạt tình cảm gắn liền với mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới có thể có cơ sở để xử lý hình sự. Còn về phía các công ty tổ chức sự kiện, nếu họ thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoài giấy phép kinh doanh thì có thể bị xem xét xử phạt hành chính. Nếu tiếp tay cho những thủ đoạn gian dối, vi phạm pháp luật thì có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm.

Bạn nghĩ sao về dịch vụ tổ chức đám cưới giả này? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé. Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!

Từ xưa đến nay, đám cưới là nghi thức thiêng liêng và quan trọng nhất đối với mỗi cặp đôi trước khi bước vào hôn nhân. Tùy vào phong tục tập quán, tôn giáo, từng thời kỳ, từng địa phương mà việc tổ chức lễ cưới được thực hiện khác nhau. Tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển, thời gian gần đây lại xuất hiện hiện tượng đám cưới giả với nhiều mục đích khác nhau. Bỏ qua những mục đích xấu, thì những người như phụ nữ mang bầu bị chối bỏ, cộng đồng LGBT,… cần được chấp nhận, tôn trọng để họ không bị áp lực mà tìm đến những dịch vụ đám cưới giả như thế này nữa.

>>> Xem thêm những bài viết liên quan TẠI ĐÂY!