Tranh “Đám cưới chuột” 4.0 có giá tới 2 triệu đồng

Dòng tranh Đông Hồ nói chung hay bức tranh “Đám cưới chuột” nói riêng cho tới nay vẫn luôn là một trong những giá trị văn hóa được gìn giữ. Chỉ với bối cảnh là một đám cưới chuột giản dị nhưng ẩn sâu trong đó là ý nghĩa dân gian đầy bản sắc.

Nét tinh hoa văn hóa dân gian

Cũng như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, tranh Nam Hoàng, tranh Hàng Trống…, tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian đặc sắc, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người Việt. Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng tạo. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân. Có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: đám cưới chuột, đàn lợn, đàn gà, những thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ… Tranh Đông Hồ với giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca, đi vào tâm hồn người Việt.

Mua tranh “Đám cưới Chuột” phiên bản 2020 về trưng Tết - Ảnh 1.

Vào thế kỷ 16, tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm 5 loại là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Ngày nay, tại làng tranh Đông Hồ, bản khắc cổ nhất còn lại có tuổi khoảng 120 năm – đó là bộ tranh chủ do nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (sinh năm 1936) sưu tầm. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy phục hồi tranh Đông Hồ cho các lớp sinh viên. Đây là công việc mà ông tâm huyết vì có thể giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian đang bị mai một. Khi về hưu vào năm 1992, ông bắt đầu làm tranh Đông Hồ theo cách dân gian, nhằm tái hiện và phục chế dòng tranh đặc sắc này.

Mua tranh “Đám cưới Chuột” phiên bản 2020 về trưng Tết - Ảnh 2.

Tranh “Đám cưới chuột” trên đĩa gốm

“Từ những năm còn học ở trường, rồi làm giảng viên, tôi đi và thấy các tranh Đông Hồ thì xin nếu họ không dùng đến, hoặc người ta bán thì tôi mua. Từ những năm 1970, tôi gom hết và giữ lại đến khi về hưu, tôi có rất nhiều mẫu”, nghệ nhân chia sẻ về quá trình sưu tập và nghiên cứu làm tranh cổ. Có lẽ, bằng sự tận tụy và yêu văn hóa dân gian đến cháy bỏng của ông, cho đến giờ, thế giới biết đến tranh Đông Hồ, học sinh được tham quan, trải nghiệm và làm tranh theo cách thức dân gian tại Bắc Ninh.

Ngày nay, nhiều người yêu tranh muốn thử nghiệm một hình thức khác của tranh dân gian bằng cách vẽ lên những chất liệu hiện đại hơn, đặc biệt có thể thể hiện tranh lên những ứng dụng thực tế để vừa có một sản phẩm mang tính dân gian, lại vừa mang tính hiện đại, giao thoa giữa văn hóa xưa và nay.

Mua tranh “Đám cưới Chuột” phiên bản 2020 về trưng Tết - Ảnh 3.

“Đám cưới chuột” trên bình gốm

Đại diện cho tầng lớp hiện đại với việc ứng dụng tranh Đông Hồ trên các sản phẩm như túi sách, quần áo…, anh Lê Việt Cường, người sáng lập không gian văn hóa sáng tạo Vụn Art (Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, tranh có thể treo một vài bức, nhưng quần áo, túi xách là những vật dụng mà ai cũng dùng hàng ngày. Người ta sẽ được sử dụng một sản phẩm thực tế trên đó có in hình bức tranh dân gian mà mình yêu thích – đó cũng là một nét văn hóa mới mang tính sáng tạo và ứng dụng thời đại, góp phần truyền bá văn hóa dân gian.

Mua tranh “Đám cưới Chuột” phiên bản 2020 về trưng Tết - Ảnh 4.

Anh Lê Việt Cường (trái), người sáng lập không gian văn hóa sáng tạo Vụn Art (Vạn Ph úc, Q.Hà Đông, Hà Nội) và tác phẩm ghép vải “Đám cưới chuột”

Anh Lê Việt Cường đã mạnh dạn thực hiện những bức tranh dân gian Đông Hồ trên chất liệu tranh ghép vải. Những tác phẩm dân gian được tái hiện bằng các mảnh vải vụn một cách sinh động, không chỉ đẹp mà còn tái chế sản phẩm bỏ đi, góp phần bảo vệ môi trường.

“Ngàn lẻ một” cách thể hiện “Đám cưới chuột”

Một trong những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Đông Hồ mà ai cũng biết, đó chính là tranh “Đám cưới chuột”. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, “Đám cưới chuột” đã được thể hiện bằng nhiều hình thức, chất liệu khác nhau, song dù được thể hiện ở kỹ thuật vẽ tranh nào, đây vẫn là một bức tranh dân gian mà nhiều người Việt không thể bỏ qua khi Tết đến, xuân về.

“Đám cưới chuột” là bức tranh phản ánh nét văn hóa dân tộc một cách rõ ràng và sinh động. Với các màu sắc chủ đạo như đỏ, xanh, vàng, bức tranh “Đám cưới chuột” như đang gợi mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp nhưng lại không hề mất đi sự linh thiêng.

Qua tranh, người xem có thể nhận thấy một phần bản sắc văn hóa Việt Nam thời xưa. Ứng với các hình ảnh tượng hình, tượng thanh như ô, lọng, khèn, đoàn rước dâu kéo dài…, “Đám cưới chuột” khiến người ta nhớ lại những ngày tháng khi đám cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình, mà còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ. Ngoài ra, “Đám cưới chuột” còn mang ý nghĩa cộng sinh và châm biếm đầy thâm thúy của người xưa.

Chị Hoàng Minh Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mặc dù ngày nay có rất nhiều loại tranh bán trên thị trường nhưng chị vẫn thích tranh dân gian Đông Hồ. Năm nay là năm con chuột nên chị Hà sẵn sàng mua một bức “Đám cưới chuột” về treo trong nhà. “Mình sẵn sàng trải nghiệm một bức tranh dân gian làm theo phong cách và chất liệu của thời 4.0”, chị Hà chia sẻ.

Tranh “Đám cưới chuột” phiên bản 4.0 có thể thấy trên đĩa gốm Bát Tràng, bình hoa, chum rượu hay như trên gỗ Đồng Kị, đồng Đại Bái, trên các mảnh vải vụn ghép vào nhau hoặc in trên áo phông, túi vải…, với giá chỉ từ 120.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng, tùy chất liệu, kiểu dáng. Tất cả những sáng tạo sinh động, đa dạng đó giúp “Đám cưới chuột” trở nên phổ biến và đến với nhiều người hơn.