Từ trái tim thơ đến viên đạn đấu súng – Báo Đồng Nai điện tử

.

Ngày 10-2 của 182 năm trước (1837), trái tim của nhà thơ Pushkin ngừng đập do trọng thương bởi viên đạn trong cuộc đấu súng danh dự diễn ra 2 ngày trước đó. Viên đạn oan nghiệt của cuộc đấu súng đã chấm dứt trang viết của một nhà thơ Nga nổi tiếng khiến người yêu thơ đến nay vẫn còn tiếc nuối, ngậm ngùi.

Đại thi hào Alexander Sergeyevich Pushkin Nguồn: guardian.co.uk

Đại thi hào Alexander Sergeyevich Pushkin Nguồn: guardian.co.uk

Aleksandr Sergeyevich Pushkin sinh ngày 6-6-1799 tại TP. Moskva, trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cấp tiến. Ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở phía bên ngoại (thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen có công lớn, được Pyotr Đại đế sủng ái), nhất là ở bà ngoại (bà Maria Alexeevna Gannibal) từ mái tóc xoăn, làn da ngăm đen, đôi môi dày đến cách sống trọng nhân văn.

Pushkin là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng nước Nga, được thế giới công nhận là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19. Các tác phẩm của ông dù là thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch bản đều đậm chất thơ nên thường được giới yêu thơ gọi là Đại thi hào, Mặt trời thi ca Nga.

Từ năm lên 6 tuổi, Pushkin vào trường Lyceum Hoàng gia gần kinh đô Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây, Pushkin chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp của Napoléon I (năm 1812); từ cảm hứng đó ông viết bài thơ đầu tay Hồi ức ở Hoàng Thôn được nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavrila Romanovich Derzhavin đánh giá là một tác phẩm kiệt xuất của một nhà thơ lớn, dù tác giả mới 16 tuổi.

Cũng từ kết quả học tập ở trường Lyceum Hoàng gia, sau khi tốt nghiệp Pushkin tích cực tham gia các hoạt động văn học – nghệ thuật đấu tranh xóa bỏ chế độ nông nô tại Nga. Ông ra mắt nhiều bài thơ mang tính chính trị, trong đó có bản trường ca đầu tiên tạo tiếng vang lớn, mang tên Ruslan và Lyudmila. Tác phẩm của Pushkin khiến Thống đốc Sankt-Peterburg là bá tước M. Miloradovich khó chịu, quyết định đày Pushkin tới Sibir; nhưng sau đó ông được giảm nhẹ hình phạt, chỉ bị trục xuất vĩnh viễn khỏiSankt-Peterburg.

Rời Sankt-Peterburg, Pushkin đi đến miền Nam nước Nga, tới các vùng Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev, tiếp tục thể hiện chính kiến và cảm xúc của mình qua sáng tác. Ông lần lượt cho ra đời các tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Nga thế kỷ 19  như: Người tù binh Kavkaz (năm 1822); Gavriiliada (năm 1821); Anh em lũ cướp (năm 1822); Đài phun nước Bakhchisaraysky (năm 1824). Từ năm 1823, khi ở Kishinov, Pushkin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ Yevgeny Onegin – một kiệt tác được ấp ủ lâu năm, hoàn thành sau 8 năm và có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng đến tận ngày nay.

Tháng 7-1824, Pushkin được ân xá, ông về sống ở khu trang trại Pskov ở vùng Mikhailovskoe. Tại đây, ông sáng tác những tác phẩm lịch sử: Vở kịch Boris Godunov (năm 1825); Với biển cả (năm 1826); trường ca Những người Digan (năm 1827). Trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna Kern và cảm xúc viết bài thơ tình nổi tiếng Gửi K (năm 1825). Bài thơ sau này được dịch giả Thúy Toàn chuyển ngữ sang tiếng Việt làm rung động biết bao trái tim thơ, được chép tay trong vô số sổ tay thơ và nhiều anh chàng đã mượn những khổ thơ bất hủ ấy để tỏ tình:

 Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:

Trước mắt anh em bỗng hiện lên,

Như hư ảnh mong manh vụt biến,

Như thiên thần sắc đẹp trắng trong…

 

… Quả tim lại rộn ràng náo nức,

Vì trái tim sống dậy đủ điều:

Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc,

Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.

Cuối năm 1825, Pushkin được Nga hoàng chấp thuận đơn xin ân xá. Nhưng đến tháng Chạp, chính quyền Sankt-Peterburg xem xét lại tất cả các ấn phẩm của Pushkin, đã buộc ông bị quản thúc tại gia, nghiêm khắc kiểm duyệt các tác phẩm của nhà thơ. Ông phải chuyển về Moskva sinh sống. Năm 1831, một sự kiện quan trọng ảnh hướng lớn đến khuynh hướng sáng tác về sau của Pushkin, đó là cuộc gặp gỡ, kết bạn với nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol. Từ đây, trong tác phẩm của Pushkin xuất hiện những trang viết hiện thực châm biếm phê phán, cùng dòng mạch với Gogol nhưng mang phong cách Pushkin.

Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với Natalia Goncharova. Người đẹp này là nguồn cảm hứng sáng tác lớn lao của Pushkin. Có lẽ nhờ đó mà ông hoàn tất kiệt tác Yevgeny Onegin bằng chương Bức thư của Onegin. Và có lẽ, cũng từ đó dẫn đến cuộc đấu súng oan nghiệt năm 1837.

Trong thời gian bị quản thúc, Pushkin bị kiểm duyệt gắt gao, tác phẩm muốn được in phải có sự đồng ý của Sa hoàng. Ông cảm thấy bị chật chội, gò bó, cần phải có sự thay đổi, nên tháng 11-1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, chuyển hướng sang viết văn xuôi; cho ra đời các tác phẩm: truyện vừa Con đầm bích; tiểu thuyết Dubrovski (1832-33); tiểu thuyết Con gà trống vàng. Đáng tiếc, bản thảo Người da đen của Pyotr Đại đế chưa được hoàn thành… Pushkin còn cùng nhiều người bạn thành lập Tạp chí Người đương thời để quảng bá tác phẩm mới; được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ ủng hộ, nhưng dù có nhiều cố gắng tạp chí đã khép lại, không thành công.

Nàng Natalia Goncharova xinh đẹp đem lại cho nhà thơ cảm hứng thi ca, cũng mang đến cho Pushkin những phiền muộn vì tin đồn vợ ngoại tình. Thời ấy có thông lệ giới quý tộc bảo vệ danh dự bằng cách đấu súng tự nguyện. Đối thủ của Pushkin là sĩ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng tên Georges D’Anthès – anh rể của Pushkin. Khổ thân, Pushkin là thi sĩ, không phải đấu sĩ, nhưng vì danh dự phải thách đấu. Cuộc đọ súng ngày 8-2-1837 kết thúc bằng kết quả cả 2 cùng trọng thương. Pushkin đã không qua khỏi, qua đời 2 ngày sau đó trong niềm kiêu hãnh bảo vệ được danh dự.

Thi sĩ Pushkin – Mặt trời thi ca Nga đã tắt nghỉ ở tuổi 38. Nhưng tác phẩm đậm chất thơ của Pushkin trường tồn cùng di sản văn hóa Nga và góp phần giàu đẹp cho văn hóa thế giới. Đối với người Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh, tác phẩm của Pushkin là món ăn tinh thần, là hành trang trên bước đường học tập, trưởng thành. Những Ruslan và Lyudmila, Người tù binh Kavkaz, Yevgeny Onegin, Con đầm bích, Dubrovski, Những người Digan… là tác phẩm thân thuộc “gối đầu giường” của biết bao người, đọc hoài không chán. Đặc biệt, thơ ca, tình ca  của Pushkin đi vào lòng yêu của tuổi thanh niên như là đạo lý, như là lý tưởng tràn đầy tinh thần nhân văn, lãng mạn. Không mấy thanh niên không biết đến Gởi K với lời tỏ tình có cánh. Dường như, bài thơ Tôi yêu em nằm lòng với người đang yêu bằng tình yêu chân thành, cao cả, bao dung:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể 

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng 

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen 

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm 

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

(bản dịch của Thúy Toàn)

182 năm qua rồi, người đời sau vẫn ngậm ngùi tiếc nuối viên đạn đấu súng làm chấm dứt trái tim thơ. Nhưng tình thơ của Pushkin sống mãi. Vài ngày nữa là ngày tình yêu 14-2. Không rõ, mấy ai còn biết trao nhận tình yêu bằng tình thơ như của Pushkin ngoài hoa hồng và chocolate đang được thị trường kích hoạt.

HUỲNH VĂN TỚI