Vai trò của phù dâu, phù rể ở đám cưới
Với mỗi phong cách cưới, phù dâu và phù rể sẽ có tên gọi và những công việc riêng trong suốt quá trình chuẩn bị hôn lễ.
Phù dâu và phù rể thường là người thân thiết với uyên ương.
Trong các bộ phim, bộ ảnh đám cưới phương Tây, cô dâu Việt Nam thường gặp hình ảnh những phù dâu, phù rể luôn sát cánh bên uyên ương, chuẩn bị mọi việc trong đám cưới. Trong vài năm gần đây, xu hướng chọn phù dâu, phù rể trở nên phổ biến với nhiều cô dâu chú rể trẻ trung. Thực tế, đội bê tráp, đỡ tráp trong đám cưới truyền thống Việt Nam cũng có một kiểu phù dâu, phù rể giúp đỡ cho hai nhân vật chính.
1. Vai trò của phù dâu và phù rể
Vì nhiệm vụ của họ là trợ giúp cô dâu chú rể trong mọi tình huống, từ chia sẻ cảm xúc, tìm hiểu dịch vụ tới sát cánh bên nhân vật chính trong suốt buổi lễ. Những “nhân vật phụ” đó là sẽ người cùng lo lắng các công việc tổ chức đám cưới cho các cặp đôi. Họ sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ cô dâu chú rể hết mình, từ việc đưa cô dâu đi spa thư giãn, cùng cô dâu chia sẻ cảm xúc, cùng đi chọn váy, trở thành phụ tá trong buổi chụp ảnh cưới và làm mọi điều cô dâu nhờ. Cũng tương tự, phù rể sẽ là nhân vật quan trọng với chú rể, chỉ đứng ở vị trí thứ 2 sau cô dâu.
Số lượng của phù dâu và phù rể thường không giới hạn, cũng không quy định theo số chẵn hay số lẻ mà tùy vào quy mô đám cưới. Nhưng dù chọn bao nhiêu người, cô dâu và chú rể sẽ chọn cho mình một phù dâu chính và một phù rể chính. Đây sẽ là hai người gắn bó với uyên ương nhất. Vì vậy, cặp đôi thường nghĩ đến những người bạn, anh chị em thân thiết, gắn bó và hiểu rõ họ nhất.
2. Sự tương đồng giữa đội bê tráp và phù dâu, phù rể
Với đám cưới truyền thống của Việt Nam, đội bê tráp cũng là người thân thiết nhất với cô dâu và chú rể. Số lượng đội bê tráp cũng linh hoạt, tùy quan niệm từng gia đình hoặc phong tục từng miền. Đội bê tráp hay phù dâu, phù rể đều diện đồng phục với kiểu dáng tương tự, tạo sự đồng đều. Nhưng vai trò và vị trí của đội bưng quả trong lễ cưới Việt Nam có nhiều điểm khác với phù dâu, phù rể của đám cưới phương Tây.
Đội bê tráp diện trang phục tương đồng trong đám cưới ca sĩ Nhật Trang.
3. Sự khác nhau giữa đội bê tráp và phù dâu, phù rể
Điểm khác biệt lớn nhất là vai trò. Đội bê tráp chỉ có nhiệm vụ trong ngày ăn hỏi, còn phù dâu và phù rể sẽ trợ giúp hai nhân vật chính trong suốt quá trình chuẩn bị cưới.
Điểm thứ hai, những thanh niên trong đội bê tráp bắt buộc phải là người chưa lập gia đình và trẻ tuổi hơn cô dâu, chú rể. Ở đặc điểm này, quan niệm phù dâu và phù rể phương Tây linh hoạt hơn, họ có thể là người đã lập gia đình vì vậy trong nhiều đám cưới, phù dâu lớn tuổi hơn cô dâu, hoặc thậm chí đang mang thai cũng có thể tham dự.
4. Xu hướng phù dâu và phù rể trong đám cưới hiện đại
Khi tổ chức cưới theo phong cách trẻ trung, nghi lễ học tập nhiều từ đám cưới phương Tây, cô dâu chú rể có thể chọn đội phù dâu, phù rể, vừa để làm đẹp cho hôn lễ, vừa cùng bạn chuẩn bị ngày trọng đại. Hình ảnh khi cô dâu chú rể bước tới sân khấu làm lễ, phù dâu và phù rể đứng hai bên lối đi, tung cánh hoa tươi hay pháo giấy để chào đón uyên ương sẽ là khoảnh khắc đẹp không thể nào quên.
Linh Linh