Vì sao váy cưới kiểu Tây có màu trắng? | Harper’s Bazaar

Khái niệm váy cưới màu trắng có xuất xứ từ Tây phương nhưng không lâu đời như bạn tưởng. Do đó, nếu muốn chọn một mẫu váy cưới màu khác trong ngày trọng đại, bạn hãy mạnh dạn thử nghiệm

Trong số các xu hướng thời trang cưới ngày càng thịnh hành, một xu hướng đang được các cô dâu trẻ đón nhận là chọn váy cưới có màu sắc đa dạng. Những gam màu pastel như hồng đào, xanh bạc hà, tím mộng mơ…ngày càng xuất hiện nhiều trong những bộ sưu tập váy cưới.

Tuy nhiên, nhiều bạn gái vẫn còn phân vân không dám chọn váy cưới màu sắc vì cho rằng chúng không hợp với truyền thống. Harper’s Bazaar mách: Đừng lo bạn ạ, vì truyền thống mặc váy cưới màu trắng không thực sự…truyền thống như bạn nghĩ! Trong lịch sử nhiều ngàn năm đám cưới của Tây phương, chiếc váy cưới màu trắng lại là một tạo phẩm tương đối mới.

Vậy, vì sao váy cưới có màu trắng, và có nên chọn váy cưới đa sắc? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu lịch sử những chiếc váy cưới Tây phương.

Ý nghĩa của chiếc váy cưới trong văn hóa Tây phương

Khái niệm “hôn lễ tình yêu” là một khái niệm hiện đại. Xuyên suốt hàng ngàn năm, đám cưới vốn không đại diện cho tình yêu, mà thường chủ yếu là một cuộc giao dịch về quyền lợi, tiền tài, địa vị xã hội của hai gia tộc; hoặc nhằm để kéo dài dòng máu và nòi giống. Do đó, vốn chẳng ai để tâm quá nhiều vào chiếc váy cưới.

Lúc ấy, nhiều người phụ nữ chỉ đơn giản là mặc chiếc đầm đẹp nhất, chất lượng tốt nhất của mình. Đầm cưới cũng có thể được mặc đi mặc lại trong các dịp long trọng, hoặc tái chế khi được dùng cắt may làm sản phẩm mới.

Nhưng nếu chiếc váy cưới có một ý nghĩa thì thường đó là sự chấm dứt của lối sống ngây ngô thuở niên thiếu của người con gái, hóa thành một người phụ nữ thành thục hậu hôn lễ.

Cách đây khoảng 2000 năm, người La Mã từng mặc tunic màu trắng khi làm lễ cưới. Màu trắng là gam màu của Vesta, nữ thần của gia đình và hôn nhân. Do đó khi mặc váy cưới màu trắng, cô dâu bày tỏ việc tôn vinh thần linh. Tuy nhiên cô dâu La Mã cũng mặc váy cưới và mạng che mặt màu vàng, tượng trưng cho việc mang ánh sáng và sự ấm áp vào ngôi nhà chung.

Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại thì mặc tunic màu tím hoặc đỏ nhạt, quanh eo thắt đai lưng đại diện cho sự trong trắng của thiếu nữ. Khi người chồng tháo chiếc đai lưng này thì đồng nghĩa với việc người con gái chính thức trở thành một người phụ nữ.

Vì sao cô dâu Tây phương chọn váy cưới có màu trắng?

Do vốn đám cưới không mang ý nghĩa lãng mạn nên người ta cũng không đặt nặng ý nghĩa vào màu sắc phục trang. Từ Trung Cổ cho đến tận thế kỷ 19, phụ nữ Tây phương không mặc màu trắng trong đám cưới. Phục trang màu trắng bất tiện, khó giặt sạch. Cô dâu thoải mái chọn phục trang nhiều màu tùy ý, nhưng nên tránh màu của tang lễ và của gái bán hoa.

Trong những ghi chép lịch sử Tây phương, số lượng cô dâu mặc màu trắng có thể đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu họ là thành viên hoàng gia, có đủ tiền tài để chi trả cho việc tẩy trắng vải vóc. Thuở xa xưa không có xà phòng chất lượng tốt, và do đó việc duy trì chiếc váy trắng tinh tươm khó khăn và đắt đỏ. Do đó, câu trả lời vì sao váy cưới cổ xưa có màu trắng là nhằm phô trương thanh thế cho quyền lực của người mặc.

Người đã tạo ra xu hướng mặc váy cưới màu trắng hiện đại ở phương Tây chính là nữ hoàng Victoria. Vào ngày cưới với hoàng tử Albert năm 1840, nữ hoàng đã mặc chiếc váy cưới màu trắng kem, thân trên kiểu corset, thân dưới có tùng phồng ra như kiểu công chúa.

Chi tiết quan trọng nhất trên chiếc đầm, đối với nữ hoàng Victoria, là những mảng đính kết ren do nghệ nhân Vương quốc Anh sản xuất. Mục đích của nữ hoàng là cứu lấy ngành sản xuất ren của nước nhà, lúc ấy bị xem là cũ kỹ. Khi dùng chính bản thân mình để quảng bá cho sản phẩm, bà hy vọng các cô dâu trẻ sẽ học theo và dùng ren Anh quốc để may váy đầm. Nhưng bà cũng vô tình làm dấy lên một trào lưu khác là xu hướng mặc váy cưới màu trắng.

Do nữ hoàng Victoria quá yêu hoàng tử Albert, mối hôn sự của họ không được nhìn nhận như một cuộc hôn nhân chính trị mà lại được tô hồng qua lăng kính của tình yêu. Câu chuyện tình yêu của họ cũng đi đôi với khái niệm về hôn nhân hạnh phúc được văn học thế kỷ 19 quảng bá và lan truyền. Do đó, rất nhiều người phụ nữ trẻ muốn học hỏi theo nữ hoàng trong ngày trọng đại. Từ đó, chiếc váy cưới màu trắng nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của hôn lễ tình yêu.

Nhiếp ảnh và tạp chí thời trang giúp lăng-xê xu hướng váy cưới màu trắng

Nữ hoàng Victoria và hoàng tử Albert tổ chức đám cưới năm 1840. Chưa đầy một thập kỷ sau, nhiều tạp chí thời trang đã nhanh chóng tuyên bố màu trắng là lựa chọn tốt nhất cho váy cưới. “[Màu trắng] đại diện cho sự trong trắng và ngây thơ của người con gái, chính là trái tim mà cô ấy trao cho chồng”, viết Godey’s Lady’s Book (một tạp chí thời trang cho nữ giai đoạn 1830 – 1878). Giới thời trang áp đặt cái nhìn lãng mạn của thế kỷ 19 vào chiếc váy cưới, xóa đi quan điểm màu trắng đại diện cho tiền tài và quyền lực của người mặc.

Khi công nghệ nhiếp ảnh được hoàn thiện cuối thế kỷ 19 thì xu hướng chọn váy cưới màu trắng lại ngày càng thịnh hành. Thời kỳ đầu, ảnh chụp chỉ mang hai màu trắng – đen, lại không quá sắc nét. Do đó những mẫu váy cưới trắng giúp cô dâu nổi bật trong tấm ảnh.

Váy cưới màu trắng trở thành quy chuẩn cho hôn lễ trong thế kỷ 20

Đến đầu thế kỷ 20, người ta không còn hỏi vì sao nên chọn váy cưới màu trắng nữa – vì hình ảnh biểu tượng này đã ăn sâu vào tâm trí các cô dâu trẻ. Kiểu váy tùng phồng công chúa của nữ hoàng Victoria chính thức trở thành mẫu váy cưới cổ điển được nhiều cô dâu trẻ lựa chọn. Sự ra đời của ngành công nghiệp may mặc sẵn (ready-to-wear) giúp tạo ra nhiều mẫu váy cưới màu trắng giá cả phải chăng, giúp kiểu váy cưới này lan tỏa và trở thành quy chuẩn trong hôn lễ hiện đại.

Tuy nhiên, trong hai thập niên 1930 và 1940 thì các thiết kế váy cưới phải trở nên linh hoạt hơn. Giai đoạn Đại khủng hoảng trong thập niên 1930 ép các cô dâu phải thắt lưng buộc bụng, không có đủ ngân sách mua váy cưới mới, do đó phải sử dụng một chiếc đầm đẹp nhất của mình trong hôn lễ. Còn giai đoạn thế chiến II, các cô dâu bị hạn chế lượng vải vóc có thể sử dụng may váy cưới. Một số anh lính nhảy dù thậm chí tận dụng vải dù cũ của mình để tặng vợ tương lai may váy cưới.

Hậu thế chiến, kỷ nguyên vàng của haute couture và lối ăn mặc xa hoa trở lại. Những chiếc váy cưới cũng vậy, ngày càng đắt đỏ và cầu kỳ, đại biểu cho ước nguyện được có một hôn lễ trong mơ của các cô dâu hậu những năm tháng chiến tranh tăm tối. Giai đoạn này cổ súy cho việc dồn rất nhiều tiền của mua một chiếc váy cưới đắt đỏ chỉ để mặc một lần trong đời.

Tuy nhiên cổ nhân có câu “vật cực tất phản, cực thịnh tất suy”. Sau gần hai thế kỷ thống lĩnh thị trường váy cưới, chiếc váy cưới màu trắng kiểu Tây phương một lần nữa phải “cạnh tranh” vị thế với những mẫu váy cưới có màu lạ mắt hơn.

Các cô dâu trẻ bây giờ lan truyền quan điểm rằng: không quan trọng bạn chọn váy cưới màu nào, quan trọng nhất là bạn chọn thiết kế giúp mình tỏa sáng nhất trong ngày trọng đại.

>>> XEM THÊM:

CÁC KIỂU TÓC CÔ DÂU ĐẸP NHẤT TRONG THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA HOLLYWOOD

Trích dẫn JSTOR, Ohio State News, Museum Crush
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam