Vitamin C Là Gì? Công Dụng Của Vitamin C Trong Làm Đẹp

Có một câu nói rằng: “Nếu đầu tư cho mình một lọ serum vitamin C thật tốt kể từ hôm nay, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận khi soi gương vào 10 năm hay 20 năm tới nữa!”. Có thể nói, vitamin C là vị cứu tinh cho những vấn đề về tuổi tác và tổn hại của làn da như thâm nám, sần sùi, chảy sệ… Vậy vitamin C là gì và nên sử dụng thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu tìm hiểu về cụ thể hơn về thuật ngữ vitamin C trong bài viết sau nhé.

vitamin c là gì
Vitamin C là vị cứu tinh cho làn da lão hóa (Nguồn ảnh: Internet)

Vitamin C là cụm từ tìm kiếm quen thuộc đối với những ai quan tâm đến vấn đề sức khỏe và chăm sóc da. Tuy nhiên, vitamin C lại là một chất khá “đỏng đảnh” nên bạn cần biết cách bảo quản và sử dụng để đạt công hiệu tốt nhất. Hiểu đúng, hiểu đủ vitamin C là gì, cách dùng vitamin C trong skincare routine hằng ngày chính là chìa khóa vạn năng để bạn nhanh chóng sở hữu làn da khỏe và đẹp.

Vitamin C là gì? Vai trò của vitamin C?

Vitamin C có tên khoa học là ascorbic acid. Theo nghiên cứu, vitamin C tan trong nước, rất cần thiết đối với cơ thể người và động vật, được chứng minh là chất chống oxy hóa rất mạnh, có tác dụng đáng ngưỡng mộ trong chống lão hóa, cải thiện độ mịn màng của da, đẩy lùi thâm nám và xỉn màu…

Trên thị trường hiện nay, vitamin C được chia thành các phái sinh phổ biến và lành tính như sau:

  • L-ascorbic acid (LAA, có tác dụng mạnh nhất, là thể duy nhất có khả năng chống mất nước ở da nhưng lại ít ổn định nhất và dễ gây kích ứng nhất)
  • Ascorbyl palmitate (AP, ổn định hơn LAA, tan trong chất béo)
  • Sodium ascorbyl phosphate (SAP, được xem là phái sinh ổn định nhất của vitamin C, giảm viêm mụn trứng cá từ 5%, kích thích sản sinh collagen từ 20%)
  • Magnesium ascorbyl phosphate (MAP, tính ổn định cao hơn LAA và ngang ngửa SAP, có khả năng chống oxy hóa từ 3%, tăng sinh collagen từ 5% và làm trắng da từ 10%)
  • Tetrahexyldecyl ascorbate (TA, tan trong dầu nên bền vững và chậm oxy hóa hơn các dạng tan trong nước, ngăn chặn gia tăng sắc tố trên da từ 3%, cải thiện quá trình tổng hợp collagen từ 7%)
  • Ascorbyl glucoside (AA2G, khi thẩm thấu vào da, AA2G sẽ phân hủy thành dạng LAA)

Về cách thức hoạt động của vitamin C, khi thoa lên da, một phần sẽ bốc hơi ra ngoài, phần lớn còn lại sẽ thẩm thấu vào bề mặt biểu bì, nhanh chóng kết nối phân tử amino acid proline và hình thành hydroxyproline. Phản ứng này giúp các kết nối của collagen bền vững và ổn định hơn, bảo vệ da khỏi gốc tự do, hỗ trợ làm lành vết thương, cải thiện độ săn chắc, ngăn ngừa mảng bầm…

tác dụng của vitamin c
Vitamin C có khả năng xóa mờ dấu hiệu tuổi tác, kháng viêm và phục hồi da
(Nguồn ảnh: Internet)

Công dụng của vitamin C với da

Thúc đẩy hình thành collagen

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp collagen, bởi thiếu đi vitamin C thì các amino acid không thể gắn kết để tạo collagen giữ da luôn căng bóng, giảm thiểu nếp nhăn và chân chim.

Trị thâm nám, làm sáng da

Là chất chống oxy hóa mạnh, vitamin C có thể cải thiện vô số vấn đề về da như ức chế hình thành melanin, làm mờ thâm nám, tàn nhang, giúp da trắng sáng hơn…

Ngăn ngừa khô da

Khi cơ thể hấp thụ đầy đủ vitamin C, làn da sẽ tươi sáng và có sức sống hơn, ngăn ngừa tình trạng khô ráp và nếp nhăn li ti.

Hỗ trợ bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

Vitamin C không có chức năng hình thành lớp màng bảo vệ như kem chống nắng, nhưng lại có khả năng ngăn ngừa sự oxy hóa, kìm hãm sự phát triển của tế bào gốc tự do do tia UV gây nên. Do đó, nhiều khuyến cáo cho rằng hiệu quả chống nắng sẽ cao hơn khi kết hợp vitamin C với kem chống nắng.

Hướng dẫn sử dụng, bảo quản vitamin C đúng cách

Điều quan trọng cần quan tâm khi dùng vitamin C chính là độ pH. L-ascorbic acid hoạt động trong môi trường có độ pH thấp, từ 2.5 – 3.5. Khi sử dụng L-ascorbic acid trong môi trường có độ pH quá cao thì sẽ giảm tính ổn định, hoạt động kém hoặc thậm chí mất tác dụng. Tuy nhiên, một số sản phẩm vitamin C ở dạng khác lại phụ thuộc vào độ pH lớn hơn.

cách dùng vitamin c
Vitamin C hoạt động tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào độ pH (Nguồn ảnh: Internet)

Thông thường, độ pH chuẩn cho một vài dạng vitamin C phổ biến là:

  • Vitamin C loại L-ascorbic acid: pH ≤ 3.5
  • Vitamin C loại magnesium ascorbyl phosphate: pH ~ 7
  • Vitamin C loại sodium ascorbyl phosphate: pH ~ 7

Khi chọn sản phẩm vitamin C, cần căn cứ vào nồng độ và tỷ lệ trong bảng thành phần. Nếu vitamin C đứng ở vị trí thấp trong bảng thành phần thì tác dụng không hề cao. Ngoài ra, cần lưu ý không phải nồng độ vitamin C càng cao sẽ càng hiệu quả, bởi nồng độ cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây kích ứng.

Trong lần đầu sử dụng vitamin C, da bạn có thể bị châm chích. Do đó, nên thử trước trên một vùng da có diện tích nhỏ ở mặt hoặc cổ. Nếu không thấy phản ứng gì tiêu cực thì an tâm dùng cho toàn bộ khuôn mặt.

Thứ tự kết hợp vitamin C với các hoạt chất khác

  • Vitamin C và AHA: Do vitamin C và AHA hoạt động tốt ở độ pH tương tự nhau nên không cần chờ đợi quá lâu khi sử dụng hai hoạt chất này. Nên thoa AHA trước rồi đến vitamin C. Nếu vitamin C có trong toner, còn AHA dạng kem thì dùng vitamin C trước. Còn nếu cả hai đều dạng kem thì thoa AHA trước vitamin C (bởi dù sao cũng cần tẩy da chết nhẹ nhàng trước).
  • Vitamin C và BHA: Tương tự như AHA, nên thoa BHA trước, vitamin C sau. Nếu tách ra sáng – tối thì BHA buổi sáng, vitamin C buổi tối.
  • Vitamin C và niacinamide: Do niacinamide hoạt động ở độ pH cao hơn vitamin C nên hạn chế sử dụng hai sản phẩm cùng lúc. Cần ưu tiên mỏng thoa trước, dày thoa sau (thời gian chờ đợi giữa hai sản phẩm sẽ dựa theo cảm nhận cá nhân). Nếu có AHA, BHA chen vào giữa thì nên AHA, BHA => vitamin C => niacinamide.
  • Vitamin C và retinol: Vì retinol hoạt động tốt ở môi trường có độ pH cao hơn nên hãy ưu tiên vitamin C thoa trước và áp dụng nguyên tắc mỏng trước, dày sau trong kết cấu.
  • Vitamin C và peptide: Peptide cực kỳ kém bền vững khi kết hợp các chất chống oxy hóa mạnh nên hãy thoa sản phẩm theo nguyên tắc mỏng trước, dày sau và cần có thời gian đợi giữa hai sản phẩm.
  • Các chất hydrator (hyaluronic acid, ceramide, glycerin…): Ưu tiên thoa vitamin C trước, rồi đến kem dưỡng có kết cấu dày hơn.

cách sử dụng vitamin c
Dù layer thêm bất kỳ hoạt chất nào, cũng đừng quên bước chống nắng vào ban ngày (Nguồn ảnh: Internet)

Lưu ý: Vitamin C trong thứ tự trên là LAA, còn với các phái sinh khác của vitamin C thì nên thoa sau cùng.

Các cách bổ sung vitamin C cho cơ thể

  • Đắp mặt nạ vitamin C: Nếu duy trì đắp mặt nạ trái cây chứa vitamin C 2 – 3 lần/tuần, da bạn sẽ rạng rỡ và tươi tắn hơn. Tuy nhiên, cách này đa phần chỉ có tác dụng bề mặt và thiếu tính ổn định.
  • Bổ sung từ thực phẩm: Đây là cách phổ biến và an toàn, nhưng cần duy trì đều đặn mỗi ngày và trong thời gian dài thì công dụng mới rõ rệt.
  • Tiêm vitamin C trực tiếp: Tiêm trực tiếp vào da là giải pháp nhận nhiều cảnh báo nguy hiểm nên bạn cần hết sức cân nhắc.
  • Uống vitamin C: Dù an toàn và tiện lợi nhưng cách làm này không có tác dụng cục bộ lên vùng da cụ thể cần điều trị.
  • Thoa trực tiếp lên da: Tác động trực tiếp lên vùng da bạn muốn, cho hiệu quả rõ rệt sau thời gian sử dụng đúng cách.

Các sản phẩm chứa vitamin C hiệu quả

SkinCeuticals C E Ferulic

Sản phẩm là sự kết hợp từ những chất chống oxy hoá, bao gồm 15% vitamin C (L-ascorbic acid), 1% vitamin E (alpha tocopherol) và ferulic acid 0.5% – tổ hợp đã được đăng ký bản quyền. Đến thời điểm hiện tại, đây được đánh giá là một trong những serum vitamin C đáng mua nhất.

thuốc bổ sung vitamin c
SkinCeuticals C E Ferulic (Nguồn ảnh: Internet)

Paula’s Choice Resist C15 Super Booster

Là “thế thân” hoàn hảo cho SkinCeuticals C E Ferulic khi vẫn có đủ vitamin C, vitamin E và ferulic acid, sản phẩm này từ nhà Paula’s Choice còn thúc đẩy sản sinh peptide, sản xuất collagen tự nhiên cho da, tăng độ đàn hồi một cách rõ rệt…

Obagi Professional-C Serum 20%

Với nồng độ vitamin C 20%, sản phẩm này từ Obagi hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi tác động từ tia UV, giảm tăng sắc tố da, thúc đẩy sự phát triển của collagen và elastin. Ngoài ra, hyaluronic acid có trong serum cũng giúp duy trì độ ẩm mượt cho da và hạn chế nếp nhăn.

Drunk Elephant C-Firma Day Serum

Thành phần chính trong sản phẩm dùng ban ngày này là 15% LAA (vốn là phái sinh mạnh nhất của vitamin C) cùng một số chất chống oxy hóa như lựu, cam thảo… và  một vài dầu thực vật mỏng nhẹ khác.

thực phẩm chức năng vitamin c
Drunk Elephant C-Firma Day Serum (Nguồn ảnh: Internet)

SVR Hydracid C20 Crème

Ascorbyl tetraisopalmitate có khả năng tan trong dầu, đồng nghĩa thẩm thấu qua lớp màng lipid tốt hơn. SVR bổ sung thêm glycerin và bơ hạt mỡ nhằm tăng cường khả năng dưỡng ẩm. Dù có tí hương liệu ở cuối bảng thành phần nhưng rất nhẹ, khả năng gây kích ứng thấp.

Thông tin thêm

Cách nhận biết serum vitamin C bị oxy hóa

  • Dù bạn có đóng nắp kỹ khi sử dụng hằng ngày thì sự oxy hóa vẫn diễn ra. Nếu thấy sản phẩm chuyển sang màu vàng (đậm hơn màu sản phẩm lúc mới mua về), tức là serum đã bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Khi serum chuyển sang màu vàng nâu cánh gián thì không còn sử dụng được nữa, bạn nên nhanh chóng bỏ đi.

Cách bảo quản vitamin C

  • Nên chọn sản phẩm đựng trong lọ thủy tinh tối màu, thiết kế tuýp nhỏ giọt, thiết kế có vòi pump… Ngoài ra, cần đặt vitamin C ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Gợi ý khác là có thể bảo quản lọ serum vitamin C trong ngăn mát tủ lạnh, bọc thêm giấy bạc.
  • Ngày nay, các nhà sản xuất đã cho ra đời vitamin C dạng bột, mang trong mình mọi ưu điểm, đồng thời loại bỏ nhược điểm về tính kém ổn định của vitamin C dạng lỏng.

thực phẩm chứ vitamin c
Sản phẩm vitamin C dạng bột của thương hiệu The Ordinary (Nguồn ảnh: Internet)

Nên sử dụng vitamin C bao nhiêu % khi mới bắt đầu?

  • Khi mới “tập tành” dùng vitamin C, bạn nên dùng từ nồng độ thấp đến nồng độ cao dần lên. Lý tưởng nhất là 5 – 10% cho giai đoạn đầu. Đừng vội thử nghiệm ngay với nồng độ 20 hoặc 25%.

Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa cùng bạn tìm hiểu vitamin C là gì và điểm qua những điều cần lưu ý khi sử dụng vitamin C – thần dược cho mọi “công cuộc chống già”. Để tìm hiểu sâu hơn về các hoạt chất skincare khác, hãy cùng đón đọc những bài viết tiếp theo trên chuyên mục thuật ngữ làm đẹp này nhé.

*Bài viết có tham khảo thông tin từ Call Me Duy, Wikipedia, Paula’s Choice…