Vườn mẹ

Vườn mẹ

Đậu chiếc xe màu trắng sữa trước ngôi nhà cũ, Hiền bần thần. Nhà đã người khác sống, vườn cũng đã người khác trồng cây, chỉ những kỷ niệm của Hiền như thể một cái cây lâu năm đã bám rễ thật sâu vào lòng đất.

Vườn mẹMinh họa: Ngọc Minh

Ba năm trước, những ngày dịch dã căng thẳng, Hiền đã đưa bọn trẻ về tạm trú nhà bà Thu, người mẹ kế. Lâm – chồng Hiền bảo đây là đợt dịch bùng phát diễn biến khó lường, lệnh giãn cách có thể kéo dài, nhỡ không may thành phố bị phong tỏa hàng tháng trời, thì con cái khổ lắm. Chi bằng đưa chúng về nhà bà ngoại. Dù sao nhà bà cũng ở ngoại thành, lại chỉ có ít người đang sinh sống, còn đâu tùy nghi ứng biến. Lâm ở lại thành phố và bệnh viện nơi anh làm việc anh vẫn hoạt động bình thường. Ngày đầu xa nhau, Lâm nhắn tin hỏi vợ: “Em thấy có ổn không? Anh thấy mẹ rất vui đấy”. Hiền thở dài, nhưng vẫn gửi sticker cười tươi để Lâm yên tâm.

Lâm hỏi thế, là vì trong lòng anh biết rõ trước nay Hiền không bao giờ có ý định ở lại nhà bà Thu quá một ngày, kể cả ngày giỗ cha cô, nói gì đến việc lưu lại đó nửa tháng, thậm chí còn chẳng biết đến khi nào. Mối quan hệ giữa Hiền và mẹ con bà Thu không được tốt. Mà tốt làm sao, khi Hiền từng chia sẻ rằng cô bằng lòng cưới Lâm một cách vội vàng, cũng chính là vì muốn nhanh chóng rời khỏi nhà, rời xa mẹ con bà Thu càng sớm càng tốt. Đời này, không bao giờ Hiền chấp nhận bà Thu, kẻ đã trắng trợn ngả vào vòng tay cha cô, hay nói cách khác là níu cha cô ngã vào lòng bà ta, khi mẹ cô còn đang ốm lăn ốm lóc cả năm trời. Rồi mẹ Hiền mất, cô cho rằng nguyên nhân chính cũng là vì mối quan hệ quá đáng đó.

Bà Thu lúc này đang sống với Nhung, con gái bà, người vừa mới sinh con được ba tháng, cũng dạt về tránh dịch. Trước dịch dã, Nhung muốn bà lên thành phố sống với nó, trong căn hộ chung cư mới mua, nhưng bà không thể rời xa ngôi nhà của bà, do ông để lại được.

“Mẹ còn lưu luyến quái gì căn nhà cũ rích đó, bán quách đi cho rảnh nợ, đất đang sốt sình sịch, bỏ lỡ cơ hội này thì chục năm nữa may ra mới có dịp”.

Nhung nói thế, là vì căn hộ nó mới sắm được chính là từ thu nhập làm môi giới bất động sản vài năm có được. Cái xe hơi màu đỏ sậm xinh xắn cũng từ công việc đó. Chỉ đứa trẻ nó sinh ra bà mới không biết từ đâu mà đến. Nhung mua nhà, mua xe, sinh con rồi mới báo cho mẹ biết. Bà cũng chẳng biết làm thế nào. Một đám cưới rình rang, bà lên chức mẹ vợ, mặc áo dài gấm, đeo cái vòng vàng to đùng trên cổ để khoe mẽ với thiên hạ đã không diễn ra như bao lâu bà tưởng tượng. Một số phụ nữ thời nay, kiếm được tiền, chủ động tài chính như Nhung đều có xu hướng lựa chọn cách sống như vậy. “Chồng mà làm gì, để rồi cả đời cung cúc hầu hạ chồng và nhà chồng, như chị Hiền ấy à. Còn lâu nhé”.

Mẹ con Hiền lái chiếc xe ô tô mới kính coong về, đậu ở trong sân, cạnh chiếc màu đỏ sậm của Nhung, khiến hàng xóm đi qua trầm trồ. Chà, mấy đứa con nhà này đều thành đạt cả, giá cô Nhung mà đàng hoàng cưới ai đó chứ không phải cum cúp ôm con một mình thì thiên hạ này nhà bà nhì không ai dám nhất.

*

* *

Bà Thu sắp xếp cho mẹ con Hiền căn phòng cuối nhà, nơi có cửa sổ mở ra sau vườn, để bọn trẻ tha hồ ngắm rau, biết cách phân biệt rau này với rau kia. Bọn trẻ, gồm đứa con gái mười lăm tuổi và cậu con trai mười tuổi của Hiền, chẳng bận tâm đến ý tốt của bà ngoại. Chúng chun mũi nhăn nhó ngó nghiêng căn phòng. Cũ, và một tỉ năm rồi không có ai ở, mùi ẩm mốc của cả quá khứ và hiện tại bao trùm lấy nó. Hiền lại thấy lòng rưng rưng. Đây là căn phòng mà mẹ Hiền đã nằm những ngày cuối đời, ngắm nhìn khu vườn lặng lẽ ngoài kia với nỗi buồn đau dằng dặc. Bà Thu là bạn của mẹ Hiền, bạn thân nhất. Đành rằng mẹ Hiền ốm đau lâu ngày, bà Thu đã có công chăm sóc, nhưng cướp chồng người ta trong khi người ta đau ốm, chẳng phải là tàn nhẫn, quá đáng hay sao.

“Bố chúng ta, thực ra cũng thực dụng và tồi tàn”. – Nhung lạnh lùng nhả từng từ khi thấy Hiền đứng lặng trước bàn thờ, nơi hai bức ảnh cha mẹ đặt nghiêm nghị và buồn bã sau đĩa thanh long mà Hiền mang về dâng lên.

“Dù bố có thế nào cũng là bố chúng ta, em không được phép nói về ông như vậy”. – Hiền nghiêm mặt nhìn Nhung. Hiền đoán Nhung nói thế vì trong lòng nghĩ Hiền rất đau lòng oán trách ông và bà Thu đã lòng thòng tằng tịu dan díu với nhau trong khi mẹ Hiền đau ốm.

“Tại sao lại không được phép? Em chỉ thấy là cứ nhìn toạc vào sự thật, chẳng phải nhẹ lòng hơn là tìm cách đậy điệm hay sao? Đàn ông, chỉ có những gã đần mới chung thủy với vợ. Mà em thấy anh Lâm cũng chả đần đâu”.

“Này! Mày dám…”. Hiền nghẹn ứ. Trước nay Hiền không muốn ở ngôi nhà này quá một ngày từ khi lấy chồng, cũng chính là vì không muốn ra đụng vào chạm mẹ con Nhung. Bà Thu thì giả lả, ngoài mặt lúc nào cũng hớn hở như nhặt được cục vàng, nhưng trong lòng thì đầy cay nghiệt. Còn Nhung, do tính cách ngang ngạnh, lại thêm bố mất sớm, không người kèm cặp, đã nhanh chóng trở nên ngông cuồng. Đã thế, Nhung vốn kiếm được nhiều tiền từ khi còn rất trẻ, lại càng không coi ai ra gì.

Không có lần nào Nhung gây sự với Hiền mà né được cái tên anh rể ra, cứ như Lâm là kẻ thù truyền kiếp của Nhung vậy. Có thể vì lòng đố kỵ. Hiền chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhan sắc tàm tạm, tài năng cũng chẳng nổi trội, chỉ giỏi chu đáo việc nhà mà lại cưới được Lâm, chàng bác sĩ sản khoa trẻ tuổi đầy tương lai ấy. Nhưng, như thế chẳng phải là Nhung nên mừng cho chị gái, sao lại sinh đố kỵ cho được? Đó là vì Hiền đoán thế, chứ chưa bao giờ cô hỏi Nhung, rốt cuộc vợ chồng mình đã làm gì có lỗi với cô ta.

Lấy nhau mười lăm năm, Hiền luôn chu đáo với chồng con và gia đình chồng, luôn cố gắng để không có nỗi buồn nào buông trúng họ. Họ luôn quấn quýt, không khi nào muốn có những quãng cách xa, nếu không vì thời điểm dịch dã khó lường này.

*

* *

Lâm về thăm vợ con sau một tuần xa cách. Trông anh phờ phạc hẳn đi. Hai đứa trẻ thấy bố thì nằng nặc đòi theo về. Ở đây chán lắm, chẳng có gì chơi, chẳng có nhiều đồ ăn ngon.

“Cả nước đang khó khăn, đâu phải mình nhà ta. Hai con chịu khó rèn luyện đi và trân trọng những gì mình đang có”. Lâm nghiêm mặt chỉnh hai đứa con khiến Hiền bật cười. Mới một tuần mà như cách xa nhau hàng thế kỷ, nhìn chồng, Hiền càng thương.

Bà Thu bế cháu sang hàng xóm chơi về, mặt đỏ tía tai:

“Hiền ơi! Mẹ xin mày! Mày ngồi yên một chỗ cho mẹ nhờ, chứ láng cháng chỗ đông người thế mà dương tính thì chết nhà ta đấy”.

Hiền không lạ gì tính cách của bà Thu. Trước nay cái gì có lợi thì bà cào vào lòng cho bằng được, không lợi thì tránh xa như tránh tà.

“Con chỉ muốn tranh thủ thời gian để giúp đỡ đồng bào mình thôi”.

“Chị không phải làm gì hết. Em đã ủng hộ tổ công tác chống dịch xã chục triệu rồi, họ làm gì kệ họ, mình cứ ngồi yên trong nhà cho lành”.

Hiền nhớ hồi còn nhỏ, sau khi mẹ mất, bà Thu chính thức chuyển đến sống với bố con Hiền, rồi ngay trong năm đó sinh Nhung. Khu vườn của Hiền, khi còn sống, mẹ đã chăm bẵm từng cây na, cây mít, từng quả táo ngọt ngào, từng trái ổi giòn thơm, nhưng từ khi Nhung biết đem trái cây ra chợ bán, thì Hiền suốt cả bốn mùa chẳng được động tới một quả chín.

Nhung sòng phẳng, Hiền chẳng biết nói gì, dù không góp sức, nhưng nó chịu chi chục triệu ủng hộ công tác phòng chống dịch ở địa phương. Còn Hiền, Hiền đâu có khoản tiền như thế để giúp ai, đành mang sức ra, nhưng rồi bà Thu lại không bằng lòng. Hiền biết bà không bằng lòng với mẹ con Hiền ngay từ những ngày đầu về nhà bà tá túc. Con bé hàng xóm nhắn zalo với Hiền, rằng bà Thu bảo chỉ mong đợt giãn cách này kết thúc thật nhanh, chứ bà chán lắm rồi. Hai đứa trẻ, lớn ngần đó mà chả biết động tay vào việc gì, ăn vặt xong cũng chỉ biết dọn mỗi phần rác mình bày ra, người khác mặc kệ. Suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, con chị thì chụp ảnh dùng app làm sao mà mặt mũi phải nhẵn thín như chùi mới được. Cậu em thì suốt ngày làm ồn, khiến em bé không ngủ được. Bảo xuống bếp giúp bà nhặt rau thì mặt đứa nào cũng sưng sỉa, nặng hàng tạ. Đến rau nào là rau cải, rau nào là rau muống cũng không biết phân biệt, cỏ lẫn vào rau cũng không biết đường nhặt ra luôn.

Thôi chết! Bấy lâu Hiền chăm sóc con, tận tâm vì chúng, nhưng Hiền đã không nghĩ rằng mình đang làm hư chúng. Bây giờ, khi về đây, mọi thói hư tật xấu của chúng mới bị đem ra mổ xẻ. Cơ mà, giá như bà Thu nói với mẹ con Hiền thì đành một nhẽ, chứ sao lại để Hiền nghe được từ hàng xóm chứ.

Đêm yên tĩnh, cái yên tĩnh bất thường, như ai đó đang giấu một mưu đồ. Mới gặp nhau một ngày, rồi lại xa cách vì công việc, mà Hiền đã nhớ Lâm da diết. Những ngày giãn cách, người người ở trong ngôi nhà của mình, cố gắng không ra ngoài, nhưng các bà bầu thì đâu có ngưng thăm khám, sinh nở được. Nên công việc của Lâm chẳng có ngày nào được ngơi. Số ca nhiễm càng tăng thì ngày về bên nhau của gia đình Hiền càng xa cách.

“Hiền ơi. Anh đã là F1, em và các con không được ra ngoài nhé. Chờ tin anh”.

Tin nhắn của Lâm làm trái tim Hiền rụng rời! Trời ơi! Với biến thể hiện tại, F1 sẽ nhanh chóng thành F0, điều mà Hiền lo sợ cuối cùng đã xảy ra rồi.

Bệnh viện của Lâm lập tức bị phong tỏa, danh sách cách F1 được gửi về tận các địa phương có gia đình liên quan. Ngay chiều hôm sau, cán bộ thôn đã đến yêu cầu mẹ con Hiền tự cách ly tại nhà, bởi họ không biết F0 đầu tiên kia đã nhiễm bệnh từ khi nào, có khi từ trước khi lệnh giãn cách toàn thành phố có hiệu lực.

F0 đầu tiên ở bệnh viện của Lâm là một nữ bác sĩ, nhưng không cùng khoa với Lâm. Cơ hội để họ tiếp xúc là rất ít, vậy mà trớ trêu, lại là lúc dịch bệnh hoành hành thế này.

Bà Thu thở vắn than dài. Dịch dã tưởng còn đang ở đâu đó, hóa ra nó sát sườn, có khi lại chính trong căn nhà nhỏ của bà. Trời ơi! Phiền phức phải biết đây.

“Chồng con là bác sĩ, đã được ưu tiên tiêm vắc-xin rồi, vả lại ở bệnh viện, người ta phòng dịch rất tốt, khả năng lây ra cộng đồng không cao lắm, mẹ đừng quá lo”.

Hiền trấn an bà Thu, bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của Nhung.

“Chị không hỏi anh Lâm là tiếp xúc với F0 lúc nào, vì sao à?”.

“Có, anh ấy bảo là vô tình đi qua chào hỏi nhau, có đứng nói chuyện chuyên môn một chút”. – Hiền yếu ớt thanh minh thay cho chồng. Ánh mắt Nhung không hề dịu đi, còn hằn lên một tia khinh bỉ.

“Chị tin thế thì tùy chị thôi”.

*

* *

Tiếng chim xôn xao trong vườn gọi Hiền thức dậy. Cây nhãn cuối vườn mẹ Hiền trồng khi bắt đầu mắc bệnh, bảo sau này cho đám cháu ngoại của bà được ăn, nhiều năm qua nó đã cho chi chít những chùm quả ngọt, tuy cũng lâu lắm rồi mẹ con Hiền không được ăn lấy một quả ngọt nào. Năm nào bà Thu cũng thanh minh rằng bà bán nhãn non cho người ta, khi chín người ta đến hái, để lại cho mình chùm nào hay chùm ấy, chứ nào có dám tự tiện hái đem ăn, mất uy tín ra.

Năm nay dịch dã, nông sản ngưng ứ, thương lái chẳng buồn ngó ngàng đến cây nhãn như mọi năm. Tiếng chim xôn xao báo hiệu mùa nhãn chín đã về. Lòng Hiền lại trào dâng nỗi nhớ mẹ. Không hiểu tại sao Hiền lại nhớ về mẹ nhiều như thế, bởi theo năm tháng, nỗi nhớ thương phải nguôi ngoai đi nhiều mới phải, như Hiền đã nguôi ngoai nỗi nhớ bố.

“Hiền ơi! Anh đã là F0 rồi”.

Một khoảng lặng rơi tõm vào giữa hai người họ.

Ngôi nhà của mẹ con bà Thu được phun khử khuẩn rồi niêm phong. Ngoài vườn, nhãn lặng lẽ chín thơm nồng, đám rau cải đang lên mơn mởn, đám cà chua bắt đầu ra hoa, những quả ớt mọng đỏ đợi chờ một bữa cơm thân mật. Bà Thu đay nghiến: Trời ơi! Sao tự nhiên về thăm vợ con mà làm gì, để giờ làm khổ cả đứa trẻ ba tháng thế này.

“Lâm à. Anh nói thật đi, anh và chị kia là thế nào với nhau?”.

Trong điện thoại, khoảng lặng giữa hai vợ chồng càng loang rộng thêm ra. Dịch dã gây ra những đau khổ, nhưng nó cũng vạch trần một vài sự thật. Những bức ảnh, chứng cứ mà không biết bằng cách nào đó Nhung có được về người anh rể và nữ đồng nghiệp đã nhân dịp này tung hê…

…Ly hôn, Hiền nuôi cả hai đứa con, để Lâm “rảnh rang” mà đến với người tình. Dẫu sao, Hiền cũng cưới anh ta vì muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà có người mẹ kế ích kỷ và đứa em ghẻ tàn nhẫn. Còn ngôi nhà, hai năm trước mẹ con bà Thu đã bán, Hiền không thể can dự, vì hộ khẩu của cô đã chuyển về nhà chồng. Bà Thu đưa cho hai đứa con của Hiền vài triệu, gọi là lộc bán nhà của bà. Hiền không tiếc tiền, không tiếc chồng hay tình mẹ kế em ghẻ, cô chỉ tiếc những kỷ niệm về người mẹ đã khuất.

Mua lại căn nhà cũ của mẹ, vườn cây của mẹ, Hiền bị bạn bè bảo rằng điên. Đúng là điên thật. Trong cuộc đời, chẳng phải có những người điên, họ chỉ có thể níu giữ kỷ niệm để sống đấy sao…

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy