Ý nghĩa Mâm Quả Cưới của người Việt | Lá Trầu Xanh
Các bạn thân mến, chúng ta nên biết rằng bên cạnh cách thức “Làm sao để chọn lựa một bộ mâm quả như ý?” thì ý nghĩa Mâm Quả Cưới được dùng trong các nghi thức Cưới Hỏi truyền thống của Người Việt cũng cần được chú trọng quan tâm, nhờ đó giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm được bộ Mâm Quả Cưới hài lòng nhất, chúng ta cũng đồng thời góp phần kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Bạn sẽ thấy phong tục cưới hỏi của Người Việt trở nên thiêng liêng và vô cùng đặc sắc.
*** *** ***
Tìm hiểu ý nghĩa Mâm Quả Cưới trong văn hóa Cưới Hỏi của người Việt:
Trong nghi thức tổ chức lễ Cưới Hỏi ngày nay, việc chọn lựa mâm quả đã được áp dụng một cách đa dạng để phù hợp với thời đại, cũng như phong tục tập quán của từng gia đình. Vi thế, trong bài viết này khó có thể liệt kê hết ý nghĩa của tất cả các loại mâm quả, Lá Trầu Xanh chỉ tập trung vào một số loại mâm quả cưới cơ bản, được nhiều gia đình chọn lựa nhất.
1. Ý nghĩa Mâm Quả Cưới – Trầu Cau
Trong câu chuyện dân gian, sự tích trầu cau là biểu tượng của tình yêu bền chặt, sắt son. Cây cau có thân tròn, chắc được xem là biểu tượng của người con trai, còn lá trầu bầu bĩnh xòe ngang mặt đất tượng trưng cho người con gái. Chính vì vậy, đám cưới của Người Việt dù theo phong tục miền nào (Bắc – Trung – Nam) thì đều không thể thiếu mâm quả Trầu Cau trong sính lễ cưới. Cách tính số lượng Trầu Cau trong mâm quả của người xưa là 01 quả cau = 02 lá trầu. Còn hiện nay, nhiều người thay đổi theo lối hiện đại lại chuộng cách chọn buồng cau với 105 quả, với ý nghĩa nói lái “trăm năm hạnh phúc”, hoặc có khi chọn buồng cau 60 quả theo cách ví von “60 năm cuộc đời”.
Mâm quả trầu cau, chất liệu sơn mài, màu sắc vàng đồng – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn
2. Ý nghĩa Mâm Quả Cưới – Quả Trái Cây
Mâm quả Trái Cây được sử dụng trong Lễ Cưới thường dùng gọi là “mâm ngũ quả”, nghĩa là năm (5) loại trái cây khác nhau, thường được dùng để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: cam, táo, lê, đào, hồng. Khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ những trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có cam (“quýt làm cam chịu”), lê (“lê lết”), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (“lựu đạn”) và không chọn trái có vị đắng, cay nên mâm Trái Cây người miền Nam thường là: xoài, mãng cầu, thanh long, nho, táo mỹ đỏ. Tuy nhiên, hiện nay phong tục về mâm quả Trái Cây trong ngày cưới không còn giữ nguyên vẹn và khắt khe như trước, mọi việc hai bên gia đình nhà trai – nhà gái đều có thể bàn bạc trước với nhau, và thuận theo ý muốn chung của hai gia đình.
Mâm quả trái cây, chất liệu sơn mài, màu sắc vàng đồng – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn
3. Ý nghĩa Mâm Quả Cưới – Quả Bánh
Trong Lễ Cưới của người Việt ngày nay, có rất nhiều loại bánh được sử dụng trong mâm quả tùy thuộc vào từng vùng miền như bánh pía, bánh đậu xanh, bánh bông lan… nhưng có 03 loại bánh rất phổ biến trong mâm quả đó là: bánh phu thê (xu xê), bánh cốm, bánh kem…và mỗi loại mang một ý nghĩa khác nhau.
Mâm quả bánh phu thê, chất liệu sơn mài, màu sắc vàng đồng – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn
Bánh phu thê: có ở cả 3 miền và là vật phẩm phổ biến, không thể thiếu trong ngày cưới. Ở miền Bắc, bánh có hình tròn, được nhuộm đỏ, nhuộm vàng bằng phẩm màu tự nhiên, rồi gói trong giấy bóng kính, tạo thành khuôn hình tròn trịa. Ngược lại, bánh phu thê ở miền Trung và miền Nam khác về màu sắc cũng như kiểu dáng. Bánh có màu trắng, được gói trong những chiếc hộp vuông vức làm từ lá dừa. “Phu thê” trong tiếng Hán có nghĩa là “vợ chồng”, tượng trưng cho ước vọng về sự thủy chung, son sắt, bền chặt trong tình yêu. Bánh phu thê ở miền Bắc có hình tròn, hình ảnh của bầu trời, tượng trưng cho cực dương. Ở miền Trung và miền Nam, chiếc bánh vợ chồng là sự hài hòa của đất trời, thể hiện triết lý âm dương đồng thuận. Phần nhân được đặt trọn trong phần bột đã dàn mỏng thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình nghĩa phu thê. Triết lý ngũ hành thể hiện qua năm màu có trong bánh: màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của nhân đỗ, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc hay chữ hỷ trang trí trên bành. Điều này thể hiện sự hài hòa của trời đất, sự kết hợp hoàn hảo của vợ chồng.
Bánh cốm: là loại bánh luôn có mặt trong các mâm quả cưới miền Bắc. Do yếu tố khí hậu, địa lý, chỉ các tỉnh miền Bắc mới có cốm, nên bánh cốm thường được sản xuất tại khu vực đồng bằng sông Hồng, từ miền Trung trở vào Nam không phổ biến loại bánh này. Bánh cốm có hình tròn là hình bầu trời, tượng trưng cho cực dương. Ngày cưới có âm, có dương sẽ tạo nên sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho Cô Dâu Chú Rể sau này. Bánh kem: ngoài lễ vật là các loại bánh truyền thống thì bánh kem cũng được Cô Dâu Chú Rể lựa chọn điều này thể hiện sự tiếp thu nét phương Tây và kết hợp hài hòa với phong tục cưới hỏi truyền thống. Bánh kem không chỉ mang tính chất trang trí mà còn thể hiện cá tính của đôi uyên ương cũng như chúc phúc cho Cô Dâu Chú Rể thêm gắn bó thông qua hình ảnh cắt bánh cưới trước toàn thể quan viên hai họ, với ý nghĩa tượng trưng cho sự đồng lòng, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống tương lai. Nhiều người cũng cho rằng, bánh cưới thể hiện mong muốn của mọi người, cầu chúc cho tình yêu của đôi uyên ương luôn ngọt ngào như chiếc bánh.
Mâm quả bánh trong lễ vật cưới có thể chọn một trong số những loại bánh trên, hoặc mỗi một loại bánh là một mâm riêng trong trường hợp hai gia đình muốn đi nhiều mâm quả.
Mâm quả bánh pía, chất liệu sơn mài, màu sắc vàng đồng – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn
4. Ý nghĩa Mâm Quả Cưới – Quả Trà & Rượu
“Khách đến nhà không trà thì rượu” hay những cuộc hội vui, họp mặt gia đình, bạn bè của người Việt đều không thể thiếu Trà và Rượu. Nên mâm quả có Trà và Rượu sẽ được dâng lên bàn thờ trong quá trình cử hành nghi thức, mang ý nghĩa tâm linh như là lời con cháu kính hiếu mời các vị cao niên, ông bà tổ tiên cùng chứng giám cho đôi trẻ và cũng là để xin phép tổ tiên cho đám cưới được diễn ra vui vẻ, hạnh phúc.
5. Ý nghĩa Mâm Quả Cưới – Quả Xôi Gấc và Con Gà
Xôi gấc có màu đỏ cam (màu son) với ý nghĩa mang lại sự may mắn và ca ngợi sự son sắt, thuỷ chung của tình chồng nghĩa vợ. Xôi gấc trong mâm quả cưới sẽ được đóng thành năm khuôn trái tim có in hình chữ Hỷ hoặc một khuôn tròn như cái chén, đặt bên trên mâm xôi gấc thường có thêm một con gà với ý nghĩa “gà đẻ trứng vàng” mang đến sự sung túc và hạnh phúc.
Mâm quả xôi gấc, chất liệu sơn mài, màu sắc vàng đồng – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn
6. Ý nghĩa của Mâm Quả Cưới – Quả Heo quay
Heo quay cùng với con gà là hai lễ vật thuộc tính “mặn” phổ biến nhất trong mâm quả cưới (nếu như bạn đọc nào có quan tâm đến cách chọn mâm quả cưới thì sẽ biết một bộ mâm quả cưới thông thường sẽ được chọn lựa theo cách thức sau đây: Trầu – Cau, Trà – Rượu, Mặn – Ngọt). Tùy vào từng gia đình mà có thể chọn Heo sữa quay hoặc Heo quay loại lớn (thường có trọng lượng từ 10-12 kg/con). Heo quay thường có kích cỡ khá lớn nên không thể cho vào bên trong mâm quả mà phải để riêng và có (2) người khiêng, nhưng vẫn được xem là một mâm trong sính lễ Cưới Hỏi. Heo quay được dùng làm sính lễ Cưới Hỏi còn mang ý nghĩa chúc Cô Dâu Chú Rể sớm có tin vui (em bé) và sớm phát tài phát lộc.
7. Ý nghĩa của Mâm Quả Cưới – Quả Quần Áo hoặc vải
Mâm quả quần áo thường chỉ dành cho Cô Dâu là một bộ áo dài được gia đình chồng chuẩn bị sẵn. Sau khi nhà gái nhận mâm quả mới đưa áo dài về sau nhà hoặc phòng Cô Dâu, Cô Dâu mặc bộ áo dài này rồi mới ra chào hai họ. Quả cưới này mang ý nghĩa khi về nhà chồng, Cô Dâu sẽ được gia đình bên chồng chăm sóc, lo lắng và có cuộc sống no đủ, hạnh phúc trọn đời bên người chồng như ý.
*** *** ***
LÁ TRẦU XANH ® Since 2007
Nhà cung cấp Mâm Quả Cưới tại TPHCM
W: www.mamquacuoi.com
E: [email protected]
M: 0917 489 621
*** Vui lòng tôn trọng bản quyền của Lá Trầu Xanh khi chia sẻ lại các nội dung từ website mamquacuoi.com, trân trọng cảm ơn!