Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 12: Balenciaga | ELLE Man Việt Nam
Trong những năm gần đây, Balenciaga dần vươn lên trở thành con gà đẻ trứng vàng lớn nhất của tập đoàn Kering và cũng là một trong những thương hiệu nổi bật nhất làng thời trang năm 2017. 65% khách hàng của Balenciaga là thế hệ Millennials và họ đóng góp đến 50% tổng doanh thu của thương hiệu này. Nhưng, liệu bạn đã biết về lịch sử hình thành, phát triển cũng như ý nghĩa đằng sau câu chuyện logo thương hiệu của Balenciaga chưa?
Logo thương hiệu Balenciaga gần đây nổi lên như một vị vua “hụt” mới nổi trong làng thời trang số 1 thế giới sau khi đánh bại Gucci ở Q3 và Q4/2017 về lượt tìm kiếm nhưng xét về tổng thể thì logo thương hiệu Balenciaga vẫn kém một chút so với Gucci (Theo Lyst). Sự thật thú vị về 2 thương hiệu thời trang đình đám này lại là “anh em” một nhà của tập đoàn Kering. Tuy nhiên, hiệu suất bán hàng của thương hiệu này đã gây được sự ấn tượng không nhỏ đối với giới thời trang và lượng tìm kiếm về logo thương hiệu Balenciaga tăng gần 50% so với năm 2016. Quả là con số ấn tượng đúng không nào? Vậy bạn đã biết hết về lịch sử ra đời của logo thương hiệu Balenciaga này chưa? Hãy cùng ELLE Man khám phá nhé!
Thương hiệu Balenciaga được thành lập bởi Cristóbal Balenciaga Eizaguirre và là người duy nhất mà Christian Dior gọi là “Người thầy của tất cả các nhà thiết kế”, không chỉ vậy, ông còn được Coco Chanel tôn vinh là “Nhà thiết kế thời trang cao cấp duy nhất” (Couturier) theo đúng nghĩa đen.
Mục lục
Cristóbal Balenciaga Eizaguirre là ai?
Cristóbal Balenciaga Eizaguirre, là con trai út của một người thủy thủ và mẹ là thợ may, sinh năm 1895 tại Geteria, một thị trấn chài lưới ở vùng Basque, Tây Ban Nha. Sớm được học việc may từ mẹ khi còn nhỏ nên vị khách trung thành đầu tiên của ông là nữ hầu tước Casa Torres, ngoài ra cha của ông là đội trưởng hải quân kiêm nhiệm vụ phụ trợ “Mùa Hè của hoàng gia ở San Sebastián” nên ông có cơ hội tiếp xúc với hành vi, lễ nghi, cách cư xử cũng như lối sống xa hoa của tầng lớp xã hội quyền quý, bao gồm những nhân vật hoàng tộc trên khắp châu Âu. Casa Torres sớm nhận ra được tài năng của ông nên đã gửi ông đến Madrid để được đào tạo bài bản về nghề may đo.
Những cột mốc quan trọng
Năm 1919, Cristóbal Balenciaga khai trương của hàng thời trang đầu tiên của mình tại San Sebastian, Tây Ban Nha và đặt tên của hàng là C. Balenciaga. Sau đó, ông mở thêm một vài chi nhánh khác ở Madrid và Barcelona. Lúc bấy giờ, các giới quý tộc rất yêu thích những bộ sưu tập của ông và sẵn sàng chi trả một số tiền không hề nhỏ để sở hữu chúng. Nhưng cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1937 diễn ra khiến ông phải đóng cửa các cửa hàng thời trang của mình và đến Paris, Pháp – kinh đô thời trang của thế giới hiện nay.
Ở đây, ông lại tiếp tục con đường kinh doanh thời trang của mình bằng cách mở một cửa hàng thời trang trên đường Avenue George V với logo thương hiệu là Balenciaga cùng với dòng chữ “Maison de Paris”. Ông cũng là một trong những couturiers hiếm hoi không đóng cửa thương hiệu của mình khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Phải đến sau khi chiến tranh kết thúc, những thiết kế đầy sáng tạo và độc đáo trong lối biến hóa của ông mới trở nên nổi tiếng. Balenciaga càng ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong làng thời trang bằng những cách tân lạ mắt như phần vai rộng hơn, bỏ hẳn phong cách chiết eo gò bó cổ xưa mà thay vào đó là những thiết kế tối giản hơn, hiện đại hơn. Những thiết kế này được trình diễn trên sàn catwalk đầu tiên của ông và tạo được tiếng vang tại Paris. Cristóbal Balenciaga phá vỡ các thiết kế truyền thống và tạo ra một loạt hiện tượng mới như những chiếc váy sack (loại váy ngắn, dây rút ở dưới hông) cùng với áo khoác phồng.
Những năm sau đó, ông vẫn tiếp tục cho ra mắt nhiều loại thiết kế riêng mà không theo bất cứ khuôn khổ nào hay những thiết kế trước đây của mình, như mẫu váy tunic dáng suông thanh lịch và sau này được phát triển thành váy sơmi. Năm 1959, trong thời kỳ đỉnh cao của mình, ông thiết kế ra những váy eo cao và áo choàng được may tinh tế, rộng nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch của Kimono.
Qua những năm thập niên 1960, Balenciaga thường sử dụng những chất liệu mới lạ, đầy sáng tạo. Ông thích sử dụng những chất liệu dày với hoa văn được thêu tinh tế và màu sắc nổi bật. Trong số những khách hàng trung thành của ông, một vài phụ nữ có quyền lực thời bấy giờ đã chọn lựa logo thương hiệu này như một nơi đáng tin cậy trong việc ăn vận, trong đó có công chúa Grace của Monaco, nữ công tước xứ Windsor, Nữ hoàng của Tây Ban Nha và Nữ hoàng của Bỉ. Điều đó khiến chúng ta có thể thấy được sức hút khó cưỡng của logo thương hiệu này đối với công chúng thời đó được yêu thích như thế nào. Năm 1968, Balenciaga Paris ra mắt BST mới nhất cũng là cuối cùng của mình và gác lại công việc kinh doanh thời trang tại đây. Một số người nói rằng ông đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với báo chí vì vậy ông quyết định đóng cửa thương hiệu của mình. Một số khác lại cho rằng ông muốn được nghỉ hưu. Biên tập viên thời trang nổi tiếng Diana Vreeland đã nói rằng kể từ lúc Balenciaga đóng cửa, cô đã không rời khỏi giường trong suốt ba ngày.
Ngày 23/3/1972, Cristóbal Balenciaga qua đời tại Tây Ban Nha. Sự ra đi của ông được ví như sự mất mát lớn và để lại nhiều nuối tiếc cho ngành thời trang của thế giới. Theo Norman Norell, “Ba nhà làm thời trang vĩ đại nhất của thế kỷ 20 chính là Vionnet, Chanel và Balenciaga và không ai có thể thay thế được những vị trí này”. Oscar de la Renta cũng đã phát biểu trước sự ra đi của “người thầy” mình, “Ông ấy là nhà thiết kế duy nhất mà tôi nghĩ rằng không bao giờ tạo ra những gì thiếu chất nghệ thuật cả”. Halston cũng nói rằng: “Balenciaga chính là người hùng của mọi nhà thiết kế. Thời trang của ông ấy được ví như chiếc máy bay cứ bay mãi trên bầu trời, chưa bao giờ đáp xuống và nó cũng sẽ không bao giờ hạ cánh”.Từ sự ra đi củaCristóbal, logo thương hiệu Balenciaga cũng dần chìm vào lãng quên cho đến mãi năm 1986.
Năm 1986, Jacques Bogart S.A. mua lại quyền sở hữu logo thương hiệu và mở cửa lại cửa hàng với những mặt hàng chuyên dụng như mỹ phẩm, chăm sóc da và nước hoa. Sau đó, các nhà thiết kế kỳ cựu như Michel Goma, Josephus Thimister lần lượt cho ra mắt nhiều BST Ready-to-wear cao cấp với mong muốn làm sống lại một tên tuổi vĩ đại.
Năm 1997, Nicolas Ghesquiére được chỉ đạo làm thiết kế chính khi chỉ mới 25 tuổi đã làm kinh ngạc giới thời trang lúc bấy giờ. Ghesquiére là một nhà thiết kế không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào nhưng lại khiến cho cánh nhà báo phải chú ý tới bởi những mẫu thiết kế kinh điển như áo jacket được làm lại theo phong cách độc đáo, mới lạ. Ghesquiére được đánh giá cao về gu thẩm mỹtrong phom dáng thiết kế, điển hình là cách phối quần skinny cạp cao với những chiếc áo blouson lượn sóng làm tôn lên mọi đường nét cơ thể người mặc một cách cực kỳ quyến rũ. Anh được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Balenciaga sau đó.
Năm 2001, tập đoàn đa quốc gia Kering mua lại logo thương hiệu Balenciaga, điều này giúp cho lợi nhuận của hãng một lần nữa tăng cao ngất ngưỡng. Balenciaga khi đó được rất nhiều ngôi sao nổi tiếng yêu thích, Nicole Kidman chọn cho mình một chiếc váy cưới của Ghesquiére thiết kết cho ngày trọng đại của mình, nữ diễn viên Kristen Stewart nói về NTK Ghesquiére là một thiên tài và “đơn giản là phải làm việc cùng”.
Tháng 11/2012, thương hiệu Balenciaga kết thúc hợp tác với Giám đốc Sáng tạo Nicolas Ghesquière, chấm dứt nhiệm kỳ 15 năm của nhà thiết kế này. Sau đó Alexander Wang chính thức được bổ nhiệm thay thế. “Kỷ nguyên” của Alexander Wang đã đưa Balenciaga lên một tầm cao mới. Nhưng thời điểm ấy, Wang khá bận rộn với việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình và không dành đủ thời gian để theo đuổi tham vọng của mình với Balenciaga, anh đã quyết định “ra đi”. Demna Gvasilia được bổ nhiệm làm tân Giám đốc Sáng tạo cho thương hiệu.
Trong suốt khoảng thời gian đảm nhiệm chiếc ghế này, Demna Gvasilia đã mạnh mẽ vượt qua được cái bóng của 2 người tiền nhiệm và gắn kết thương hiệu vào kỷ nguyên của mình với bốn chữ “Đơn giản” và “Dị biệt”. BST Thu-Đông đầu tiên của ông dưới cương vị mới được ra mắt vào tháng 3/2016 được hứa hẹn sẽ gây nhiều đột phá cho Balenciaga trong tương lai. Chính tầm nhìn xa trông rộng và sự cải tổ thức thời của Demna đã tạo nên lượng tìm kiếm khổng lồ với những từ khóa xoay quanh những sản phẩm và liên quan đến logo thương hiệu này, khiến doanh thu Balenciaga tăng đến 50% mỗi năm, đưa hãng trở thành 1 trong những thương hiệu Hot nhất hiện nay vớinhữngsản phẩm nổi bật nhất:những đôi giày Speed Trainer, Triple S, … hay các chiếc áo thun, áo khoác phao (puffle jacket) có in logo thương hiệu Balenciaga,
Logo thương hiệu Balenciaga
Logo thương hiệu ban đầu của Balenciaga được tạo ra bởi Cristobál Balenciaga với dòng chữ tên của chính ông và “Maison de Paris” (nghĩa là Ngôi nhà của Paris) với nền trắng và chữ đen. Sau đó, vào những năm 70s, logo thương hiệu được thiết kế lại 2 chữ “B” đối lập nhau theo phong cách Monogram, mang ý nghĩa hoàn toàn đơn giản, không quá sâu xa và có tính thẩm mỹ vừa đủ.
Vào thời kỳ Nicolas Ghesquière còn là Giám đốc Sáng tạo, NTK trẻ này đã dẫn dắt thương hiệu Balenciaga đắm chìm vào trong những thiết kế khoa học viễn tưởng đầy mê hoặc của mình và loại bỏ hoàn toàn logo thương hiệu ra khỏi các item được ra mắt. Demna Gvasalia tiếp tục thực hiện việc thay đổi bộ mặt mới cho Balenciaga bằng cách thiết kế lại logo thương hiệu một cách đa dạng hơn, cường điệu hơn với phong cách đơn giản, đậm nét sang trọng vượt thời gian của Balenciaga.
Mối liên hệ đặc biệt giữa Cristóbal Balenciaga và Demna Gvasalia
Cristóbal Balenciaga, một người theo chủ nghĩa tân thời, ghét thế giới hiện đại công nghiệp hóa và đấu tranh cho sự hoàn mỹ trong từng sắc thái dù là chi tiết nhỏ nhất của một bộ đồ được làm ra. Thật công bằng khi nói rằng, ông đã tạo ra một tác động lớn đến giới thới trang thời ấy và đến bây giờ. Cả Cristóbal Balenciaga và Demna Gvasalie đều là những người phá vỡ những quy luật của thời trang. Cả hai luôn biết cách làm mới thương hiệu, cũng như thể hiện được sự sáng tạo đột phá trong phong cách thiết kế qua từng BST. Không chỉ vậy, họ còn là những người tiên phong trong thời trang đường phố. Nếu như Balenciaga làm ra áo mưa bằng nhựa vinyl đầu tiên thì Gvasalia đã biến chúng thành những chiếc áo khoác có vai vuông vức đầy mới lạ. Nếu Cristóbalcòn sống, liệu ông có chấp nhận sự dí dỏm trong thiết kế của Gvasalia đối với di sản của ông không? Tôi nghĩ câu trả lời sẽ hoàn toàn khả khi đấy.
Thương hiệu Balenciaga trong tương lai
Mỗi năm thương hiệu Balenciaga lại gây ấn tượng với những hình dạng, kiểu dáng mới lạ, có khi mang phong cách khoa học giả tưởng, có lúc lại gây sốc với những họa tiết bộ lạc mạnh mẽ. Critóbal Balenciaga thực sự đã tạo nên một Balenciaga vĩ đại với tinh thần mang dấu ấn riêng của mình:“Người làm thời trang cao cấp phải là một kiến trúc sư về thiết kế, một tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ, một họa sỹ của màu sắc, một nhạc sĩ của giai độ và là một triết học gia chừng mực.”
Balenciaga đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người tiên phong thời trang một cách xuất sắc và hoàn toàn xứng đáng để các thương hiệu thời trang non trẻ noi gương theo, “Thay đổi hoặc là chết”. Logo thương hiệu Balenciaga được sống lại thêm một lần nữa chính là nhờ vào sự luyến tiếc cho một thương hiệu gần như bị lãng quên gần 20 năm và sự quyết tâm phục dựng thương hiệu của các nhà NTK, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa. Con đường sau này của Balenciaga vẫn tiếp tục và sẽ còn dài thêm nữa bởi sự ủng hộ của người hâm mộ, cũng như sự thán phục trong thiết kế nếu tinh thần này vẫn được gìn giữ và phát huy.
Xem thêm:
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 11: Converse
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 10: Stüssy
—
Tổng hợp: Hami Trần (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: WWD, icon-icon, Youtube, Wiki)