Alexander Tú: Nhảy múa với… Diễm xưa
Alexander Tú, ca – nhạc sĩ Thanh Bùi, biên đạo múa quốc tế Tony Trần, Charles Nguyễn, nhà sản xuất âm nhạc Chi Thanh (từ phải sang) truyền cảm hứng cho giới nghệ thuật bằng những điệu nhảy tinh tế tại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như: Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), nhà cổ hơn 200 tuổi (Hội An), cung An Định và Đại Nội (Huế)… trong MV Missing you – Ảnh: BÌNH NGUYỄN
Alexander Tú (Alex) không phải là cái tên quá “hot” của thị trường giải trí Việt, nhưng lại là một biên đạo quốc tế mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng muốn được một lần hợp tác vì tài năng, nhiệt huyết, khả năng sáng tạo. Nhưng nhảy múa lại chỉ là nghề tay trái của anh – bác sĩ Alexander Tú.
Tôi muốn ở VN ít nhất là… 30 năm
* Có cái gì đó “sai sai” khi mọi người chỉ biết đến anh như một biên đạo – diễn viên múa trong khi anh đang làm luận án tiến sĩ về vật lý trị liệu?
– Ý chị là vì sao tôi học, làm bác sĩ mà lại đi nhảy múa đúng không? Thì như bao gia đình gốc Việt tại Mỹ, ba mẹ tôi luôn mong muốn anh em chúng tôi trở thành kỹ sư hay bác sĩ. Nhưng tôi lúc nhỏ lại khá hiếu động, ít chịu ngồi yên.
Tôi thấy mình có rất nhiều năng lượng và muốn quăng mình vào một hoạt động thể chất nào đó cho thỏa thích. Thế là anh tôi rủ tôi tập nhảy.
12 tuổi, tôi học những bước nhảy break dance đầu tiên từ anh rồi mới quen các nhóm nhảy đồng trang lứa, tập luyện cùng nhau lâu ngày đâm ra mê hồi nào không hay.
Ba mẹ tôi không ủng hộ nhưng cũng chẳng la rầy gì, chỉ nói với anh em tôi rằng chúng tôi có thể nhảy múa nếu vẫn học tốt. Học thì học thôi, tôi thấy không có vấn đề gì nên đã hứa và giữ lời hứa đó.
* Học bác sĩ không hề dễ, mất nhiều thời gian, công sức. Vì sao đã có được bằng cấp, học vị đáng mơ ước đó mà anh vẫn theo nghề múa?
– Tôi không bỏ nghề y. Tôi đã có bằng cử nhân tâm lý từ ĐH California (Irvine), sau đó là thạc sĩ/bác sĩ ngành vật lý trị liệu của ĐH Loma Linda (California). Hiện thời, tôi đang hoàn thành luận án tiến sĩ vật lý trị liệu với đề tài nghiên cứu “Tác động tích cực của vũ đạo đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam”.
Tuy nhiên, công việc của một bác sĩ thầm lặng hơn một vũ công hay biên đạo rất nhiều. Đó là lý do vì sao mọi người biết đến tôi như một vũ công, biên đạo nhiều hơn. Thực tế, với nghề múa, tôi gặp rất nhiều may mắn để phát triển dù trước đó tôi không chủ động để đạt được.
Nếu mình đã được trao cho một cơ hội với rất nhiều may mắn trong nghề thì tại sao lại không sống chết với nó?
* Rõ ràng là anh đang sống chết với nghề múa, nhất là khi anh quyết định về VN sống và làm việc…
– Càng lớn tôi càng muốn tìm hiểu và gắn bó nhiều hơn với quê hương mình. Lần đầu tiên tôi về VN là năm 2003, lúc 23 tuổi. Khi đó, khả năng nghe, nói tiếng Việt cũng như hiểu biết của tôi về VN còn kém lắm. Nhưng tôi lại thấy yêu và lưu luyến nên đã trở về vài lần nữa để có thêm cơ hội tìm hiểu, gần gũi với quê hương.
Cho đến khi ca – nhạc sĩ Thanh Bùi, giám đốc Trường Soul Music & Performing Arts Academy, mời tôi về giảng dạy và giữ vị trí giám đốc chương trình trình diễn nghệ thuật ở đây thì tôi mới quyết định về VN sống.
Khi đó, Thanh có hỏi là nếu đồng ý, tôi sẽ ở VN được bao lâu? Tôi đã trả lời ít nhất là… 30 năm! Vì sao ư? Vì đào tạo, giảng dạy không phải là chuyện một sớm một chiều. Bạn cần kiên nhẫn và dành thật nhiều thời gian cho nó thì mới có “quả ngọt”.
Càng “gần” nhau càng nên khác biệt
* Có vẻ như anh đã có “quả ngọt” rất nhanh từ quyết định trở về này khi trình làng MV Missing you với các đồng nghiệp và học trò, với chương trình từ thiện Moving feet, Moving hearts gây quỹ giúp đỡ trẻ em khiếm thính VN và với cả cơ hội trình diễn tại Dance Prom sắp tới?
– Quả thật là với nghề múa, tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Về VN, tôi có cơ may gặp được rất nhiều bạn bè cùng chí hướng, tạo cho tôi rất nhiều hứng khởi. Đầu năm 2016, tôi vô tình được nghe nghệ sĩ Tuấn Mạnh chơi piano bài Diễm xưa.
Tôi không biết đó là bài gì nhưng bị giai điệu đó thu hút. Thế là tôi hỏi han rồi tìm nghe ca khúc đó. Mới đầu, tôi nghe mà chưa hiểu được nhiều, phải nhờ bạn bè giảng giải, thậm chí dịch ra tiếng Anh nữa. Khi hiểu được rồi thì tôi mê và bỗng có cảm hứng sáng tạo dựa trên nền nhạc bài Diễm xưa đó. Tôi vốn dĩ mê, rất mê áo dài!
Và clip nhảy Diễm xưa với các diễn viên mặc áo dài VN đã ra đời như thế. Clip nhảy này đã vượt qua khoảng 1.000 clip của rất nhiều nhóm nhảy khác trên toàn thế giới để trúng tuyển trình diễn tại Dance Prom 2016.
* Theo anh, điều gì đã giúp Diễm xưa đánh bại cả ngàn clip nhạc khác trên toàn thế giới để đưa anh và nhóm Lyricist trở thành những đại diện gốc Á đầu tiên được trình diễn tại lễ hội danh tiếng này?
– Có lẽ là tính dân tộc. Khi thế giới càng “gần” nhau thì người ta càng muốn thấy những gì khác biệt. Nếu tôi không về VN sinh sống và làm việc thì tôi khó mà có được một sáng tạo vừa mang hơi thở của thế giới, vừa rất VN – đầy khác biệt và duy nhất như vậy.
Được có mặt tại Dance Prom, nhảy múa, kể câu chuyện của dân tộc mình tại nhà hát lâu đời nhất nước Anh Royal Albert Hall với riêng tôi là một vinh dự. Và tôi cũng rất tự hào khi tại quê hương mình, tôi có được nhóm nhảy Lyricist toàn những bạn trẻ VN cùng tôi “ra” thế giới.
Không chỉ có Lyricist, tôi còn đang dần có nhóm Young Lyricist gồm các thành viên trẻ em nhưng rất tài năng. Thật vui mừng khi ước nguyện mang thế giới về VN và mang VN ra thế giới của chúng tôi đã thành hiện thực.
* Mới về hẳn VN có hai năm mà giấc mơ đã thành hiện thực. Vậy anh còn gì để phấn đấu?
– Mới thành hiện thực ở bước đầu thôi. Tôi vẫn còn rất nhiều giấc mơ cùng kế hoạch khác với mong muốn trẻ em nào cũng có thể tiếp cận với nghệ thuật nhảy một cách dễ dàng. Trẻ em VN giỏi lắm, nhanh lắm, nhưng lại chưa có nhiều cơ hội.
Ngoài ra, tôi muốn nghiên cứu của tôi về “Tác động tích cực của vũ đạo đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam” không chỉ là một nghiên cứu mà phải là một dự án có thực, có ích cho mọi người.
Tôi từng áp dụng các kỹ thuật nhảy hip hop vào các liệu trình vật lý trị liệu giúp nâng cao khả năng và kỹ năng vận động toàn thân vào các bộ phận cơ thể, cũng như điều chỉnh khả năng cân bằng.
Nghề chính của tôi vẫn là bác sĩ, vậy nên tôi luôn khát khao có được một trung tâm kết hợp giữa nghệ thuật và y khoa – nơi mà thông qua âm nhạc, nhảy múa, nghệ thuật nói chung giúp những người có vấn đề về sức khỏe, tâm lý vượt qua mọi trở ngại của họ để sống vui, sống khỏe và sống tốt hơn.
Alexander Tú từng là giám đốc điều hành nhóm nhảy Kaba Modern và KM Legacy, nhóm nhảy top 3 chương trình Nhóm nhảy giỏi nhất nước Mỹ – America’s Best Dance Crew mùa đầu tiên.
Trước khi “chào sân” khán giả quê nhà bằng chương trình Duyên dáng Việt Nam 26 (2014), Alex đã gây tiếng vang khi thực hiện chương trình Vietnam The World Tour (2010 – 2013). Anh cũng là biên đạo cho các sản phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như: Jessica Reynoso, RedOne, Shaggy, Enrique I, Rock City, Thanh Bùi, Hồ Ngọc Hà, Hoàng Thùy Linh…
Những năm qua, anh hoạt động khá sôi nổi tại VN qua các chương trình truyền hình: giám khảo chương trình Học viện ngôi sao mùa đầu tiên, biên đạo khách mời đặc biệt của Thử thách cùng bước nhảy, chuyên gia vũ đạo chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam, huấn luyện viên vũ đạo chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015…