Vì sao Dương Quý Phi mê ăn vải Việt Nam?

Năm Thiên Bảo thứ 4, tức năm 745, Dương Ngọc Hoàn nhập cung, được Đường Huyền tông sủng ai, phong làm Quý phi, sử sách gọi là Dương Quý phi.

Mỹ nhân 27 tuổi họ Dương không chỉ có sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành, hát hay, đàn giỏi mà còn sở hữu thân hình nõn nà được cho là hoàn mỹ theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Chính nhờ lợi thế này, Dương Quý Phi tuy là kẻ đến sau nhưng đã đánh bại cả ngàn mỹ nữ trong chốn hậu cung để độc chiếm ông vua 61 tuổi nhưng lại rất đa tình của triều đại nhà Đường.

Đường Huyền tông bị nhan sắc của Dương Quý phi làm cho mê mệt tới mức, ông đã tuyên bố với triều thần của mình rằng: “Trẫm có được Dương Quý phi giống như có được ngọc quý vậy”. Chính vì viên ngọc quý này, Đường Huyền tông bắt đầu chìm đắm trong những cuộc hoan lạc và không tham dự buổi chầu sớm cùng bá quan văn võ nữa. Đây là nguyên nhân dẫn tới cuộc loạn An Lộc Sơn khiến cả hoảng thất triều Đường phải bỏ chạy khỏi kinh thành sau này.

Nhiều người đã từng băn khoăn rằng, điều gì đã khiến Dương Quý phi có được sắc đẹp và cơ thể khiến Đường Huyền tông chết mê chết mệt đến như vậy? Phải chăng mỹ nhân họ Dương có bí quyết gì đặc biệt để giúp mình duy trì nhan sắc và sự quyến rũ? Người ta cho rằng, câu trả lời nằm ở chính những trái vải, thứ quả mà Dương Quý phi cực kỳ khoái khẩu.

Chuyện Dương Quý phi thích ăn vải đã từ lâu trở thành câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Thiên “Dương Quý phi ngoại truyện”, sách “Tân Đường thư” có chép rằng, Dương Quý phi thích ăn vải, nên để làm vừa lòng ái phi của mình, Đường Huyền tông đã lệnh cho người cưỡi ngựa dùng phương thức chạy tiếp sức vận chuyển vải từ vùng Lĩnh Nam về Trường An để Dương Quý phi thưởng thức. 

Để thỏa ý thích của Dương Quý phi, cả người lẫn ngựa đã phải làm việc cật lực, tới mức “chạy hàng nghìn dặm nhưng khi tới kinh thành, hương vị của trái vẫn tươi nguyên”. Đỗ Mục, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, sau này từng có thơ viết về chuyện này: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, Vô nhân tri thị lệ chi lai” (nghĩa là “Ngựa ruổi bụi hồng, phi mỉm miệng, Ai hay vải tiến đã về triều”).

Từ đây có thể khẳng định được rằng, trong số hàng trăm thứ quả khác nhau, Dương Quý phi đặc biệt thích ăn vải, thậm chí có lúc thích ăn đến phát cuồng. Điều này cũng chẳng có gì là lạ, bởi lẽ, nhà thơ nổi tiếng Tô Thức từng có câu thơ rằng: “Một ngày được ăn ba trăm quả vải, (thì) nguyện là người Lĩnh Nam bao lâu cũng được”. 

Vải thì đương nhiên là ngon, mà vải ở vùng Lĩnh Nam thì lại càng hảo hạng. Mặc dù vậy, nó không phải thứ để người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ để được ăn. Vậy, vì sao Dương Quý phi lại cuồng ăn vải tới mức như vậy?

Bí quyết làm đẹp 

Hóa ra, Dương Quý phi biết được rằng, vải là thứ quả có khả năng dưỡng nhan sắc và khử độc. Trong vải có một lượng đường rất lớn, do vậy nó có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường dinh dưỡng. Ăn vải không chỉ giúp cho người phụ nữ có thân hình nở nang, óng ả, điều đặc biệt thích hợp với thời Đường, thời đại mà một người đẹp phải hơi mập một chút. 

Điều quan trọng hơn chính là, trong quả vải có một lượng vitamin rất phong phú, có thể giúp tăng cường tuần hoàn máu, ngăn chặn sự xuất hiện của các vết tàn nhang, khiến cho da người phụ nữ trở nên láng mịn, nõn nà, đồng thời loại bỏ được cả chứng hôi miệng. Đây là điểm cực kỳ quan trọng biến quả vải trở thành một thực phẩm không thể bỏ qua trong quá trình làm đẹp.

Dân gian thường nói, quả vải là loại quả nóng, ăn nhiều sẽ bị nóng bên trong, nghiêm trọng hơn có thể bị nhiệt miệng hoặc làm chảy máu mũi. Để làm đẹp, Dương Quý phi đã ăn rất nhiều vải, do vậy, cơ thể cũng bị quá nóng ở bên trong. Khi cơ thể ngọc ngà xuất hiện vấn đề, Dương Quý phi đã nghiên cứu để tìm ra cách khắc phục, hòng vừa có thể ăn vải thỏa thích để làm đẹp lại vừa không bị nóng. Sách “Ngũ nguyên Thiên Bảo di sự” có chép rằng, Dương Quý phi có hai bí quyết giải nhiệt: một là ngậm cá ngọc và hai là uống sương sớm đọng trên hoa.

Sử sách chép rằng, cơ thể Dương Quý phi thường bị nóng. Do vậy, mỗi ngày bà đều ngậm một con cá bằng ngọc trong miệng để giải nhiệt. Ngoài ra, sau mỗi lần uống rượu, dự tiệc, sáng hôm sau, Dương Quý phi lại dậy sớm ra vườn thượng uyển, đứng bên cạnh cây rồi dùng tay kéo cành cây xuống uống những giọt sương đọng trên lá. Với hai  tuyệt chiêu này, bà vừa có thể ăn vải làm đẹp vừa không lo về những tác dụng phụ của loại của này.

Lâu nay, người ta thường nói bà có thân hình khá mập mạp, vì vậy mới khiến Đường Huyền tông thích mê mệt. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, nguyên nhân Dương Quý phi có thân hình tuyệt mỹ khiến cho ông vua Đại Đường phải si mê ấy có một phần công lao của trái vải. 

Tuy nhiên, để có một thân hình đẹp, bà cũng đã phải trả giá không ít. Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài việc là thứ quả nóng, việc ăn vải còn sinh ra một thứ phiền toái đó là khiến cơ thể toát ra mồ hôi. Có lẽ đây chính là lý do khiến dân gian đồn đại rằng, mặc dù xinh đẹp tới mức hoa nhường nguyệt thẹn song Dương Quý phi lại có bệnh hôi nách. 

Tuy nhiên, tìm khắp sử sách cũng không có thấy bất cứ ghi chép nào về căn bệnh này của Dương Quý phi. Từ đây, có thể suy ra rằng, những lời đồn đại này có thể bắt nguồn từ việc Dương Quý phi ăn quá nhiều vải nên sinh ra mồ hôi có mùi khó chịu, khiến nhiều người nghĩ rằng bà mắc bệnh hôi nách.

Vải tươi hay vải khô? 

Việc Dương Quý phi thích ăn vải đương nhiên không phải là vấn đề cần tranh cãi. Tuy nhiên, thực tế, Dương Quý phi cả đời chưa từng ăn một quả vải tươi “hương vị không hề thay đổi” giống như sử sách Trung Quốc đã ghi chép. 

Dương Quý phi sinh ở đất Thục (Tứ Xuyên hiện nay), do vậy, rất thích ăn vải. Tuy nhiên vải ở vùng này không thể sánh được với vải ở vùng Lĩnh Nam được. Lĩnh Nam ở đây chính là phía Nam núi Lĩnh, chỉ phần Quảng Đông, Quảng Tây hiện nay, bao gồm cả phần lãnh thổ Việt Nam khi đó đang bị Trung Quốc đô hộ. Do vậy, trong lịch sử Việt Nam mới có cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan – Mai Hắc đế bắt nguồn từ việc cống nộp vải cho Dương Quý phi.

Theo đó, vải đưa về Trường An cho Dương Quý phi thưởng thức được đưa về từ vùng Lĩnh Nam xa xôi. Căn cứ theo miêu tả của sử sách thì “7 ngày 7 đêm mới tới Trường An, cả người lẫn ngựa đều chết vì mệt”. Mặc dù ở đây có một chút cường điệu nhưng cũng đủ thấy rằng, để đưa được vải về Trường An, cả người và ngựa đều phải chạy cả ngày lẫn đêm. 

Thêm vào đó, ngựa của hoàng gia đương nhiên là phải những con ngựa tốt và khỏe nhất thiên hạ. Thế nhưng, cuộc hành trình vận chuyển vải về Trường An vẫn mất 7 ngày 7 đêm. Thực tế, so với tình hình phát triển giao thông thời bấy giờ, để đi chặng đường từ Lĩnh Nam tới Trường An có lẽ thời gian còn mất lâu hơn.

Nếu như thời gian vận chuyển vải ít nhất phải mất 7 ngày thì quả vải mang về Trường An có còn tươi nữa không? Theo sách “Lệ chi đồ tự” thì quả vải nếu “bị hái xuống, một ngày sẽ mất sắc, hai ngày sẽ mất hương, ba ngày sẽ thay đổi vị, sau bốn ngày thì cả sắc, hương, vị không còn nữa”. Như vậy chắc chắn rằng, vải mà Dương Quý Phi ăn không thể là vải tươi được mà chính là loại vải đã được sấy khô trước khi tiến cống. Chính loại vải khô này mới là loại vải đi 7 ngày 7 đêm tới Trường An mà mùi vị không hề thay đổi.