Ảnh hưởng dịch vụ đám cưới giả đến đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Bài viết phân tích về dịch vụ đám cưới giả tạo trên lĩnh vực pháp lý. Nêu ra các biểu hiện để chỉ rõ tác động đến mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Từ đó, đúc kết nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị cho dịch vụ này.

Quảng cáo

Tình huống: Cô gái Kiều Thanh (quê Thái Bình) run rẩy, kể lại câu chuyện của mình với nhân viên tư vấn dịch vụ đám cưới giả tạo :“Tốt nghiệp đại học, em trụ lại Hà Nội làm việc. Làm ăn xa nhà, em nảy sinh tình cảm với một anh bạn làm nghề bán bảo hiểm, rồi trót có bầu. Đến khi chuyện vỡ lỡ, thì em mới biết anh ta có vợ ở quê nhà”. Hóa ra, anh ta đã giấu nhẹ chuyện vợ con, để đến khi chuyện vỡ lỡ thì mới thốt ra câu: “Tùy em, muốn giữ thì giữ, muốn bỏ thì bỏ!”. Bản thân em muốn giữ con lại nhưng rất sợ bố mẹ ở quê mang tiếng, nên muốn tổ chức đám cưới giả. Sau 1 hồi bàn bạc và có sự tư vấn từ dịch vụ đám cưới giả, Thanh chấp nhận thuê chú rể giả và gia đình họ hàng nhà trai với giá 64 triệu đồng cho 3 thủ tục: Dạm ngõ, ăn hỏi và tổ chức đám cưới. Đến ngày cưới, Thanh thở phào nhẹ nhõm khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và đặc biệt nhìn chú rể và bố chú rể rất giống nhau nên chẳng ai mảy may nghi ngờ. Ngoài ra, đoàn “nhà trai” còn bố trí thêm cả trẻ con đi cùng cho giống một đám cưới thật. Kết thúc đám cưới, lấy lý do bận công việc, Thanh theo chồng lên Hà Nội luôn. Bố mẹ, họ hàng mừng ra mặt vì con gái có phúc lấy được tấm chồng cao ráo, đẹp trai, lại có nhà ở Hà Nội. Chẳng ai biết rằng, sau lễ cưới hoành tráng đó, Thanh phải ôm bụng bầu thui thủi về nhà trọ, với nỗi lo cơm áo gạo tiền bày ra trước mắt.

dịch vụ đám cưới giả
dịch vụ đám cưới giả

Mục lục

  1. Vấn đề pháp lý:

Vấn đề pháp lý:

Như chúng ta đã biết, người dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm và hiện nay chưa có quy định nào cấm việc đám cưới giả. Không có giấy đăng ký kết hôn, không có ràng buộc về mặt pháp lý, nên rất nhiều người đặt ra câu hỏi: “Đám cưới giả tạo có vi phạm pháp luật hay không?” Để từ đó chúng ta đi làm rõ hai khái niệm “kết hôn” và “kết hôn giả tạo”.

Định nghĩa về “kết hôn” được quy định trong các bộ luật, luật,.. cụ thể tại Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (viết tắt là Luật HN&GĐ 2014) như sau: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Còn định nghĩa “kết hôn giả tạo” cũng được quy định cụ thể tại Khoản 11 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014: “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn đề đề xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc đề đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”. Dựa theo các định nghĩa này, thì việc kết hôn giả tạo phải có dấu hiệu không có giấy đăng ký kết hôn và việc tổ chức các hôn lễ mang tính chất nghi lễ, tổ chức sự kiện. Như vậy, dịch vụ đám cưới giả không thuộc vào điều cấm của pháp luật nhưng nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội hiện nay.

Ở Việt Nam, dịch vụ đám cưới giả tạo đang ngày một nhiều với mục đích kinh doanh sinh lời, có rất nhiều gia đình đã và đang hướng tới mục đích đó. Xét về khía cạnh pháp lý, bao gồm có ba nhóm chủ thể sử dụng đến dịch vụ này, đó là: Chủ thể chủ động, chủ thể bị động từ các tác nhân bên ngoài và các chủ thể mục đích khác.

Thứ nhất, chủ thể chủ động tìm đến dịch vụ này có thể là các cô gái tuổi đời còn rất trẻ đang mang thai ngoài ý muốn, bị gia đình nhà trai/ gái hắt hủi và không chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau… Bởi theo như Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam được xếp vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất và dẫn đầu châu Á. Chính vì không dám sống thật với hiện tại đang xảy ra, người mẹ đã gặp nhiều áp lực lớn từ gia đình, xã hội; Thêm vào đó, truyền thống của các bậc cha mẹ với lối suy nghĩ cổ hủ “không chồng mà chửa” là điều không chấp nhận được. Vậy nên, chỉ có dịch vụ đám cưới giả tạo mới có thể không bôi xấu danh dự của gia đình, giữ được nét truyền thống của dòng họ cũng như của người Việt Nam từ xưa đến nay. Vì thế, đám cưới giả tạo có thể dập tắt được sự khinh bỉ, lời chê bai, nhục mạ của mọi người đối với những cô gái đó.

Thứ hai, chủ thể bị động từ các tác nhân bên ngoài, có thể nói đến như việc gia đình ép phải kết hôn hoặc theo sự sắp đặt cha mẹ. Gia đình luôn hối thúc con cái khi đã quá độ tuổi theo phong tục, chính vì như vậy họ đã tìm đến đám cưới giả tạo để làm hài lòng các bậc ông bà, cha mẹ.

Quảng cáo

Thứ ba, các chủ thể với mục đích khác ví dụ như để được hưởng di sản thừa kế, lợi dụng đám cưới giả thu lợi bất chính…. Đây có được coi là nhu cầu của xã hội không? Và dịch vụ đám cưới giả tạo để đáp ứng nhu cầu ấy có toàn diện hay không? Còn nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này cần giải thích và đưa ra những kiến nghị có ý nghĩa.

Từ đầu 2018 đến nay, dịch vụ đám cưới giả tạo mới xuất hiện và đang phát triển ở nhiều tỉnh thành. Dịch vụ đám cưới giả tạo phù hợp với từng hoàn cảnh của mỗi người như cho thuê cô dâu, chú rể; cho thuê họ hàng nhà trai, nhà gái; các dịch vụ đến thăm nhà, đưa dâu, cúng gia tiên… Các công ty dịch vụ này sẽ cam kết đầy đủ, đúng yêu cầu mỗi bên đưa ra, và kịch bản sẽ được dịch vụ dàn dựng và diễn thử trước đám cưới. Về vấn đề kinh phí cung ứng dịch vụ thì tuỳ theo cấp độ lựa chọn gói mà có những mức giá phù hợp, sau đó hai bên đi đến giao kết hợp đồng.

Nguyên nhân dẫn đến đám cưới giả phần lớn là do sức ép từ phía gia đình, nếu không muốn bị phía dư luận lên án, dè bỉu và khinh bỉ. Đặc biệt là những người đồng tính không công khai, họ có lối sống độc thân và đôi khi là do những tình cảnh éo le, họ cần tổ chức một đám cưới để bảo vệ cho danh dự của gia đình, dòng họ và tránh những ánh nhìn soi mói từ phía cộng đồng.  Chính vì vậy, họ tìm đến các công ty cho thuê tổ chức đám cưới giả như một biện pháp tạm thời để giúp giải vây cho bản thân.

Đám cưới giả không bị pháp luật cấm, nhưng nó để lại những hệ luỵ và hậu quả gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người. Hầu như các công ty dịch vụ cho thuê người tổ chức đám cưới giả, đều không có giấy phép hoặc nếu có thì ngành nghề đăng ký kinh doanh không liên quan đến đám cưới giả. Các công ty này đã và đang thực hiện hoạt động mang tính chất rủi ro rất cao, mặc dù pháp luật quy định người dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm, nhưng cũng không đồng nghĩa với việc công nhận cho các công ty thực hiện hoạt động này.

Ngoài ra, những đối tượng xấu có thể lợi dụng niềm tin, bí mật đời tư khách hàng, nhằm đe doạ, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của những người sử dụng dịch vụ này, dẫn đến các vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đi thuê. Việc tổ chức một đám cưới giả không chỉ gây tốn kém, mà nhiều khi nó lại còn không giải quyết được vấn đề của chính đối tượng đi thuê. Người đi thuê phải bỏ ra một số tiền lớn để lo đám cưới và những gánh nặng về kinh tế về sau, làm ảnh hưởng tinh thần nếu như bị gia đình và bạn bè phát hiện. Việc tổ chức đám cưới giả gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt liên quan đến vấn đề xã hội, trái với truyền thống văn hoá, thể hiện sự ích kỉ, hèn nhát, không dám đối diện với chính cuộc đời của mình ở bộ phận một số người.

Dịch vụ đám cưới giả tuy chưa phải là hiện tượng nổi bật, nóng bỏng trong xã hội, nhưng nó cần được quan tâm kịp thời và đúng mức, để trong tương lai dịch vụ này sẽ được quản lý và không bị biến tướng thành một trong những dịch vụ trái với phong tục tập quán, đạo đức xã hội con người Việt.

LIÊN HỆ TỔNG ĐÀI TƯ VẤN 1900.6518 ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ TỐT NHẤT

Vui lòng đánh giá!