BÁNH CƯỚI VÀ NHỮNG Ý NGHĨA SÂU XA – Trung Tâm Dạy Nghề Bánh Nhất Hương
Bánh cưới từ xa xưa đã là một biểu tượng mang 1 thông điệp về tương lai hạnh phúc và tròn đầy! Đến ngày nay, thì bánh cưới đã trở thành một vật phẩm quan trọng không thể thiếu trong lễ cưới của các cặp đôi! Thế nhưng, không phải ai cũng có thể hiểu rõ về nguồn gốc lịch sử cũng như những ý nghĩa mà chiếc bánh cưới tượng trưng.
Bánh cưới xuất hiện lần đầu tiên là từ thời Đế chế La Mã. Lúc đó, bánh cưới là một khối bánh bằng bột mì không ngọt, hoặc là những chiếc bánh cookie được xếp cao chứ không phải loại bánh nhiều tầng như thời nay.
Chính người Anh đã tạo nên sự thay đổi cho chiếc bánh cưới vào thời gian sau đó. Những chiếc bánh nhân nho hoặc hạnh nhân nhỏ xinh sẽ thay thế những chiếc bánh không ngọt từ thời La Mã thuở xưa. Một tập tục thú vị cũng đã được xuất hiện, đó là các khách mời tham dự đám cưới sẽ đem những chiếc bánh đến tặng cho cô dâu chú rể. Chúng sẽ được xếp thành nhiều tầng sau buổi lễ, việc mà đôi uyên ương cần làm là cố gắng hôn nhau qua chồng bánh cao đó. Vì người ta quan niệm rằng, cặp đôi sẽ rất hạnh phúc và sinh được nhiều con cái nếu chồng bánh càng cao và càng nhiều.
Nhưng bánh cưới bắt đầu thực sự được định hình vào thế kỷ XIX. Khi một người đầu bếp Pháp, với ý tưởng mô phỏng tháp chuông của thánh đường St. Bride’s Church ở London, đã lần đầu tiên tạo nên chiếc bánh cưới có nhiều tầng.Từ đây, những chiếc bánh cưới bắt đầu được làm theo hình ảnh tháp chuông nhà thờ, với chiều cao tối thiểu là 3 tầng bánh. Cùng với ý nghĩa tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết thì màu trắng trở thành màu sắc tiêu biểu của bánh cưới.
Theo những phong tục xưa xưa thì sau nghi thức cắt bánh, chú rể sẽ bẻ vụn bánh và ụp lên đầu cô dâu, tượng trưng cho sự thống trị. Qua thời gian, hành động có phần “khiếm nhã” này đã dần được xóa bỏ.
Trong nhiều lễ cưới, không chỉ trên thế giới, mà cả ở Việt Nam, bánh cưới đã dần trở thành một vật phẩm quan trọng không thể thiếu trong các buổi lễ. Không chỉ là vật phẩm trang trí, nó còn thể hiện được phần nào phong cách của chủ nhân, là biểu tượng của sự sang trọng, thanh lịch, ước mơ cho một tương lai no đủ, tràn trề, sự ngọt ngào của hạnh phúc vẹn tròn. Nghi lễ cùng nhau cắt bánh cưới mang ý nghĩa là một sự thề nguyền hứa hẹn mãi mãi sắt son, một lòng chung thủy, đồng hành bên nhau suốt cuộc đời, cùng sẻ chia mọi việc với nhau trong cuộc sống. Nghi thức cắt bánh như một lời cầu chúc hôn nhân vẹn tròn dành cho các cặp đôi.
Để hòa nhịp với dòng chảy hiện đại ngày nay, ngoài những chiếc bánh nhiều tầng theo phong cách truyền thống; thì những người thợ làm bánh còn sáng tạo ra rất nhiều mẫu bánh với những hình thức và mẫu mã đa dạng độc đáo! Bên cạnh đó, sự trang trí cùng với ảnh cô dâu chú rể, hay chỉ là con búp bê ngộ nghĩnh; hay đó là những bông hoa cưới được trang trí ngay trên nền bánh… đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về bánh cưới.
Nguồn tin: Internet
Người tổng hợp: Nguyễn Phương