Bệnh u máu trong gan là gì? Triệu chứng và nguyên nhân
Bệnh u máu trong gan có thể là thuật ngữ khá xa lạ với nhiều người. Nhưng trên thực tế sự xuất hiện của các khối u máu ở gan là khá phổ biến. Vậy tình trạng này là gì, có dấu hiệu để nhận biết hay không? Hãy cùng đến với lời đáp trong bài viết dưới đây.
5/5 – (1 bình chọn)
Mục lục
1. Bệnh u máu trong gan là gì?
U máu trong gan còn được gọi là u máu gan. Tình trạng này là sự xuất hiện của các khối u lành tính trong gan được tạo ra từ đám rối của các mạch máu. Đây là sự tập hợp bất thường của các mạch máu, thường có kích thước dưới 4cm.
Hầu hết các trường hợp u máu gan được phát hiện thông qua hình ảnh được dùng để chẩn đoán các căn bệnh khác. Điều đáng mừng là hiện không có bằng chứng cho thấy các khối u này có thể dẫn tới ung thư gan.
2. Triệu chứng bệnh u máu gan
Tình trạng này hiếm khi gây ra các triệu chứng lâm sàng hoặc nếu có cũng không đặc hiệu. Những trường hợp có khối u máu lớn hơn thông thường có thể gặp phải một số dấu hiệu là:
- Đau hạ sườn phải
- Dễ cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng nhỏ thực phẩm
- Đầy hơi, chướng bụng
- Buồn nôn, nôn
3. Nguyên nhân gây u máu gan
Cho tới nay vẫn không phát hiện ra nguyên nhân chính xác gây bệnh u mạch máu trong gan. Tuy nhiên có một vài yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành khối u hoặc khiến chúng có kích thước lớn hơn.
- Bẩm sinh: Thường các khối u này xuất hiện từ lúc mới sinh. Hầu hết các trường hợp khối u này sẽ không phát triển lớn thêm.
- Yếu tố liên quan tới hormone: Những trường hợp đột nhiên có mức tăng estrogen cao hơn bình thường có thể bị u máu trong gan. Đó có thể là phụ nữ mang thai và phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone, sử dụng thuốc tránh thai.
- Tác dụng phụ của việc sử dụng liệu pháp steroid lâu dài để điều trị bệnh hoặc tăng cơ bắp.
4. Bệnh u máu trong gan có nguy hiểm không?
Như trên đã đề cập, bệnh u máu gan có thể không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với sức khỏe. Rất hiếm khi khối u máu phát triển có thể gây ra những vấn đề bất lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng biến chứng như:
- Chảy máu trong khối u
- Khối u vỡ ra gây chảy máu ổ bụng. Thường trường hợp này xảy ra do chấn thương ở gan.
- Hoại tử u gây sốt và đau
- U áp xe gây viêm phúc mạc
Đặc biệt, phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc u máu gan có thể phải đối mặt với những nguy cơ bao gồm những biến chứng nêu trên và khả năng lan rộng của khối u, tổn thương gan, gây đau.
5. Chẩn đoán
Một số phương pháp có thể được sử dụng để chấn đoán tình trạng này bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng thuốc, thai kỳ.
- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp CT. Trong đó, chụp cộng hưởng từ là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán u máu với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.
- Xét nghiệm máu
6. Điều trị u máu gan
Khi gặp phải tình trạng này nhiều người sẽ băn khoăn về cách chữa bệnh u máu trong gan. Hầu hết người bị u máu gan đều không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các chẩn đoán hình ảnh mỗi 3 – 6 tháng để theo dõi kích thước và mức tăng nhanh hay chậm của khối u.
Hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào giúp làm mất hoặc thu nhỏ kích thước của khối u. Trong trường hợp đặc biệt, kích thước khối u lớn nhanh hoặc gây đau, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ. Thuyên tắc mạch cũng có thể được lựa chọn. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống mỏng để chặn một số mạch máu nuôi khối u giúp giảm sự tiến triển của khối u.
7. Cách phòng tránh
Bạn có thể loại bỏ một số rủi ro để hạn chế nguy cơ mắc u máu trong gan.
- Khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh định kỳ để tầm soát bệnh.
- Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, người áp dụng liệu pháp thay thế hormone, sử dụng steroid kéo dài cần tầm soát thường xuyên hơn.
- Sử dụng một số loại thuốc có thể tăng nguy cơ hình thành u máu. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng, đặc biệt là các thuốc sử dụng kéo dài.
- Duy trì lối sống, dinh dưỡng, rèn luyện lành mạnh dành cho gan. Ví dụ như bổ sung rau quả, uống nhiều nước. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia. Tránh thức khuya, tránh căng thẳng. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Việc chủ động nâng cao sức khỏe lá gan chính là yếu tố tiên quyết giúp nâng cao khả năng tự phục hồi của gan.
Nghe tới u máu gan có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, đây là khối u lành tính, không đe dọa tới sức khỏe nếu kích thước nhỏ, không gia tăng kích thước theo thời gian. Nếu phát hiện bản thân gặp phải tình trạng này hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thực hiện chẩn đoán hình ảnh định kỳ theo lịch hẹn.
XEM THÊM