Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam đã hình thành các tập đoàn kinh tế lớn

TPO – Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn, giúp đất nước từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáng 28/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có bài tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về việc nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

“Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông Trần Tuấn Anh, cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo… như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát…đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương cũng thẳng thắn cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Trần Tuấn Anh nhận định.

Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, theo Bộ trưởng, vấn đề trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, các định hướng lớn cần tập trung thực hiện, theo Bộ trưởng, trước tiên cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới…

Luân Dũng