Chương trình tuyên truyền phòng, chống ma túy, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại cho thanh thiếu nhi.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG MA TÚY; PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH, ĐUỐI NƯỚC; PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI CHO THANH THIẾU NHI.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các em học sinh yêu quý! Trước khi đến với các nội dung tuyên truyền, tôi xin được gửi lời chào, lời kính chúc sức khỏe tới các quý vị đại biểu cùng các em học sinh thân yêu. Chúc chương trình của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp!

Sau đây tôi xin được trình bày các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống bào lực, xâm hại cho thanh thiếu nhi.

(Để giúp các em ghi nhớ và thực hiện tốt các cách phòng- chống, tôi xin đi vào từng nội dung cụ thể. Sau mỗi nội dung tuyên truyền cô sẽ có các câu hỏi giao lưu với các em học sinh về nội dung đó. Em nào trả lời đúng sẽ nhận được quà của BTC.Các em có thích không? Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé!)

1.  Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu thế nào là ma túy?  

Ma túy là gì?

Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản Pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ Pháp luật”.

Bộ luật Hình sự được quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999, đã quy định các tội phạm về ma tuý. Theo đó, ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, lá hoa-quả cây cần sa, lá cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma tuý khác ở thể lỏng, các chất ma tuý khác ở thể rắn.

         –  Tác hại của nghiện ma túy: Tệ nạn ma tuý là hiểm hoạ lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, suy giảm khả năng học tập, lao động, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc, tiêu tan tiền bạc của  gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia, trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.

          Tiêm chích ma tuý dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng dẫn đến lây nhiễm viêm gan vi rut B, C, đặc biệt là HIV (dẫn đến cái chết). Tiêm chích ma tuý là một trong những con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất tại Việt Nam. Người nghiện ma tuý có thể mang vi rut HIV và lây truyền cho nhiều người.

  • Học sinh phải làm gì để ngăn chặn và phòng tránh ma túy?

 – Ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo.

 – Thi đua chăm chỉ học hành tiến bộ. Đi đến nơi về đến chốn.

  – Thời gian rảnh, nên làm một số công việc nhà giúp đỡ gia đình.

  – Có lối sống lành mạnh, không ăn chơi đua đòi, buông thả.

 – Tuyệt đối không tò mò, không thử ma túy dù chỉ 1 lần.

  – Cương quyết tránh xa, không chơi với đám bạn xấu có liên quan đến ma túy.

  – Không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc xúi dục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào.

 – Khi phát hiện những bạn có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý phải báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lí.

– Khi phát hiện người có liên quan đến ma túy cần báo ngay cho cha mẹ, thầy cô giáo để có biện pháp kịp thời ngăn chặn.

 – Đề cao cảnh giác tránh bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các việc làm phạm pháp, kể cả việc sử dụng và buôn bán ma tuý.

 – Có ý thức phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn dụ dỗ các bạnh học sinh sử dụng ma tuý hoặc lôi kéo học sinh vào hoạt động vận chuyển, mua bán ma tuý; báo cáo kịp thời cho cha mẹ hoặc thầy, cô giáo.

 – Quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Không kì thị, xa lánh người cai nghiện.

 – Tìm hiểu kỹ năng đối phó với các cảm xúc tiêu cực (buồn chán, thất vọng), các tình huống nguy cơ dẫn đến sử dụng ma túy.

  – Tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Tìm hiểu về tác hại của ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy. Từ đó, trong từng trường hợp cụ thể có thể tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy.

          Câu 1: Ma Túy là chất được chiết xuất từ các cây gì?

( Cây Cô ca, Cây Cần sa, Cây thuốc phiện)

Câu 2: Em hãy nêu các tác hại do ma túy gây ra?

(Hại sức khoẻ, suy giảm khả năng học tập, lao động, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc, tiêu tan tiền bạc của  gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia, trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.)

Câu 3: Làm thế nào để không bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy?

(Không nghe theo sự cám dỗ, mời mọc, thách thức của bạn bè .)

=)Vì tương lai của bản thân và đất nước, ngay bây giờ mỗi học sinh hãy có những hiểu biết và hành động đúng đắn trong việc phòng chống ma túy.

 

 2. Khái niệm tai nạn thương tích: Là một sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn do một tác nhân bên ngoài gây nên các tổn thương, thương tích cho cơ thể về thể chất hay tâm hồn của nạn nhân.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 43%. Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra vì ở lứa tuổi các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị. Thông thường có 7 dạng tai nạn thương tích bao gồm:

1. Đuối nước: Là những trường hợp TNTT xảy ra do bị chìm trong chất lỏng (nước, xăng, dầu) dẫn đến ngạt thở do thiếu Ôxy hoặc ngừng tim có thể dẫn đến tử vong hoặc dẫn đến các biến chứng khác, cần chăm sóc, sơ cứu và đưa đến các trung tâm Y tế nơi gần nhất. Cách phòng tránh: Tìm hiểu luật đường thủy; Không tắm sông, ao, hồ.. khi đi qua sông đi đò phải mặc áo phao cứu sinh. Phải học cách bơi có người hướng dẫn.

2. TNTT do giao thông: là những trường hợp xảy ra do sự va chạm, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan người tham gia giao thông gây nên. Phòng tránh tai nạn giao thông cần: Thực hiện tốt luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…; Không tụ tập trước cổng trường.

3. Bỏng: Là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, các TNTT da do các tia cực tím, phóng xạ, điện, chất hóa học, hoặc tổn thương phổi do khói xộc vào đó là trường hợp bỏng. Để phòng tránh cần: Phòng thí nghiệm phải có nội quy, hướng dẫn an toàn hóa chất, an toàn điện.

4. Điện giật: Là những trường hợp TNTT do tiếp xúc với điện gây nên hậu quả bị thương hay tử vong. Để phòng tránh cần: Thực hiện an toàn để đảm bảo.

5. Ngã: Là TNTT do ngã, rơi từ trên cao xuống. Cách phòng tránh: Không chạy nhảy, đùa nghịch; không gây gổ đánh nhau; không mang đến trường những vật sắc, nhọn nguy hiểm như: dao, súng cao su, kiếm…

6. Động vật cắn: Chấn thương do động vật cắn, húc, đâm phải. Cách đề phòng: Không nên chơi ở những chỗ ẩm ướt, chỗ có cây tốt và bụi rậm,

7. Ngộ độc: Là những trường hợp do hít vào, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc ngộ độc cần có chăm sóc của y tế (do thuốc, do hóa chất). Cách đề phòng: Phải ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi; Không ăn quà, thức ăn chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.

Các em học sinh ơi? Cô vừa giới thiệu về TNTT thường gặp và các dạng TNTT. Sau đây cô sẽ có một số câu hỏi và tình huống về TNTT, các em hãy cho cô biết mỗi tình huống tai nạn cô nêu thuộc dạng TNTT nào và cách xử lí thế nào, các em nhé:

Câu hỏi 1: Có mấy dạng tai nạn thương tích. Em hãy nêu tên các dạng thương tích đó?

(Có 7 dạng tai nạn thương tích: Đuối nước; Tai nạn thương tích do giao thông; Bỏng; Điện giật; Ngã; Động vật cắn; Ngộ độc.)

Tình huống 1 (Tai nạn giao thông):

Hôm nay, Hoa được bố chở đi học bằng xe đạp điện. Hoa lấy mũ bảo hiểm đội, bố nhìn thấy liền bảo: Ối giời! Vẽ chuyện. Đi xe đạp điện thì làm sao phải đội mũ bảo hiểm cơ chứ. Mà đã đi với bố thì chỉ có quá yên tâm mà thôi.

Tình huống 2 (Đuối nước):

Hôm qua khi đã thi kết thúc năm học để chuẩn bị lên lớp 4, Chị em Linh được bố mẹ cho đi du lịch ở Đảo Cát bà. Khi xuống thuyền đi thăm quan Vịnh, Linh không mặc áo phao và ngồi ở sát mép thuyền để với tới mặt nước. Lúc đến bãi tắm, bố mẹ còn đang chuẩn bị áo và phao bơi cho hai chị em Linh thì Linh đã chậy một mạch xuống nước để tắm.

Tình huống 3 (Ngã):

Sáng hôm thứ ba tuần trước cây phượng trước cửa lớp Nam nở những bông hoa đầu tiên rất đẹp. Nam liền đứng ra phía lan can hành lang với chùm phượng gần nhất để hái.

=)Các em thân mến! TNTT có thể xảy ra rất nhiều thương tích nghiêm trọng, nhưng có thể phòng tránh được nếu Giáo viên, cha mẹ học sinh và các em có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

 

3. Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể các em học sinh thân mến!

Hàng năm có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em là nhiều nhất. Tai nạn đuối nước thường xảy ra trong dịp hè do chủ quan không nghĩ tới hậu quả và những tai nạn thương tâm đáng tiếc cho bản thân gia đình và xã hội. Vậy tai nạn đuối nước là gì?

Đuối nước là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh. Khi có sự xâm nhập đột ngột của nước hoặc chất dịch vào đường thở như: mũi, miệng , khí quản, phế quản, phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bị chết hoặc để lại di chứng rất nặng nề.

* Nguyên nhân gây đuối nước:

– Đuối nước thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh vì trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò còn đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.

Do môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.

Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…

* Phòng tránh tai nạn đuối nước:

– Không chơi ở những nơi gần sông, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng.

+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.

+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.

+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

+ Không dùng các phao bơm hơi.

+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi, kèm.

+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

Câu 1: Nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em?

(Do sự bất cẩn của người lớn, do môi trường sống quanh trẻ không an toàn và do trẻ không biết bơi, chưa được rèn các kỹ năng bơi.)

Câu 2: Khi phát hiện ai đó đang có nguy cơ bị đuối nước em sẽ xử lý như
thế nào?

(Đưa cánh tay, cây sào dài, ném phao có buộc dây thừng dài, chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.)

Câu 3: Để phòng tránh tai nạn đuối nước, em cần phải làm gì?

(Học bơi để trang bị đầy đủ cho mình kiến thức, kỹ năng về bơi lội; Không chơi ở những nơi gần sông, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng…)

 

4. Hiện nay tình trạng bạo lực học đường liên tục xẩy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, và trở thành mối lo lắng của không chỉ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hiện tượng bạo lực không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xẩy ra liên tục hơn trong các trường học bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,…

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này. Do đó việc tuyên truyền về thực trạng đáng báo động của bạo lực học đường, là hết sức cần thiết và thiết thực. Vậy trước hết chúng ta cần hiểu được khái niệm bạo lực học đường là như thế nào? Hậu quả ra sao?

* Khái niệm

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục; các dạng bắt nạt bạn học và mang vũ khí đến trường…

* Hậu quả

– Ảnh hưởng đến bản thân học sinh. Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình. Những HS bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời.

=) Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh .

– Ảnh hưởng đến gia đình

Không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.

– Ảnh hưởng đến nhà trường: Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm.

– Ảnh hưởng đến xã hội: Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Giờ đây có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo. Con cái cãi lại bố mẹ. Bạn bè đánh đấm, xảy ra khá thường xuyên. Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động, làm mất trật tự xã hội.

* Cách phòng tránh bạo lực học đường:

– Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.

– Chấp hành tốt nội quy trường lớp.

– Tránh xa bạo lực. nói không với bạo lực.

– Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.

– Học cách kiềm chế cảm súc.

Câu 1: Em hãy nêu các hành vi của bạo lực học đường?

( Bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục; các dạng bắt nạt bạn học và mang vũ khí đến trường…)

Câu 2: Xử lí tình huống: Tuấn và Hải học chung một lớp và ở cạnh nhà nhau. Do nghi ngờ hải nói xấu mình, Tuấn đã chửi Hải và còn rủ anh trai học lớp trên đánh Hải. Theo em Tuấn hành động như vậy có đúng không? Nếu em là Hải, em có thể có những cách ứng xử nào?

Câu 3: Để phòng tránh bạo lực học đường, em cần làm gì?

( Ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo, đoàn kết với bạn bè.

Chấp hành tốt nội quy trường lớp; Tránh xa và nói không với bạo lực.

Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí; Biết kiềm chế cảm súc.)

 

5. Kính thưa các vị đại biểu! thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các em yêu quý!

*Tại Điều 1- Luật trẻ em quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em- những mầm non tương lai của đất nước – đáng lẽ phải được chăm sóc, bảo vệ, che chở từ những người ruột thịt, thân quen, láng giềng, cộng đồng…Nhưng hiện nay, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, tại Việt Nam giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Tại Hải Phòng từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019 là: 118 trẻ em bị xâm hại (trong đó 68 em bị xâm hại tình dục).

Các em học sinh thân mến! Vậy đứng trước nguy cơ bị xâm hại các em cần làm thế nào để phòng chống được nguy cơ bị xâm hại và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Các em có biết không?

* Để phòng tránh được nguy cơ bị xâm hại. Các em cần nắm chắc các quy tắc sau:(Trong Tiếng Anh người ta thường gọi là: NO-GO-TELL) đó là:

– Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.

– Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.

– Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.

– Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng đồ ăn uống của người lạ đưa .

– Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.

– Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.

– Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.

– Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín (vùng đồ bơi) của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.

– Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.

– Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột của mình).

– Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy tuyệt đối không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ. Nếu có thể hãy gọi điện thoại cho cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113…

Đặc biệt phải ghi nhớ Quy tắc 5 ngón tay:

– Ngón cái – gần mình nhất – tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Các em có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi còn nhỏ.

 Ngón trỏ – tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ bơi”, các em sẽ hét to và gọi mẹ.

– Ngón giữa – người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này, chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.

– Ngón áp út – người quen của gia đình mà mình mới gặp lần đầu. Với những người này, chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.

– Ngón út – ngón tay xa mình nhất – thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến mình thấy lo sợ, bất an. Với những người này, các em hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Các tình huống cần xử lí và câu hỏi về phòng chống xâm hại :

Tình huống 1: Hôm qua, Nga bị hỏng xe, phải đi bộ từ trường về nhà. Dọc đường có một người đàn ông lạ mặt đi xe máy, cứ lẽo đẽo bám theo, gạ gẫm rủ em lên xe để ông ta đèo về nhà.

Theo em, tình huống trên là an toàn hay không an toàn? Nếu là em, em sẽ xử lí như thế nào?

Tình huống 2: Tối qua, Tuấn bị đau bụng dữ dội. Cả nhà phải đưa Tuấn vào bệnh viện cấp cứu. Khi đến phòng khám, cô bác sĩ yêu cầu tất cả người nhà của Tuấn ra ngoài và khám bệnh cho Tuấn.

          Theo em , tình huống 2 là an toàn hay không an toàn? Vì sao?

Tình huống 3: Tan học, Hùng chưa về nhà ngay mà lại rẽ vào một quán game ở gần chợ. Ở đấy, Hùng gặp một người đàn ông lạ mặt. Ông ta kéo Hùng ra một chỗ và nói nhỏ với Hùng là ông ta biết một chỗ chơi game rất thích, lại không mất tiền và rủ Hùng đi theo ông ta. Ông ta còn bảo Hùng không được nói cho ai biết, đó là chuyện riêng, bí mật của hai người…

          Theo em, tình huống trên có an toàn không? Vì sao? Nếu là em, em sẽ xử lí như thế nào?

Câu hỏi: Trong Quy tắc 5 ngón tay sau, ngón nào là em tin tưởng nhất? Vì sao

( Ngón cái. Vì nó tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột)

Các em thân mến! Tự bảo vệ mình là một kĩ năng sống rất quan trọng để giúp trẻ em tự bảo vệ danh dự, nhân phẩm, thân thể, sức khỏe và tính mạng của bản thân có đúng không nào?

       Qua bài tuyên truyền ngày hôm nay cô mong muốn toàn thể các em học sinh xã QT nói riêng và trẻ em trên toàn thế giới nói chung sẽ quyết ngăn chặn, bài trừ tận gốc các tệ nạn ra khỏi cuộc sống và có các kĩ năng phòng chống thật tốt để  đem lại sự bình yên cho bản thân, cho gia đình và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội./.

Cuối cùng xin cảm ơn các quý vị đại biểu cùng các em học sinh đã tạo động lực giúp tôi thành công  nội dung tuyên truyền ngày hôm nay, xin kính chúc các quý vị đại biểu và các em một sức khoẻ dồi dào. Chúc các em sẽ có một năm học mới với kết quả thật tự hào, bình an và may mắn. Xin chào và tạm biệt các em.