Chuyện đám cưới mùa COVID-19

Chuyện đám cưới mùa COVID-19

Không phông rạp, không xe hoa, không MC, không bạn bè, chỉ có bố mẹ hai bên gia đình, chú rể hoặc thậm chí không có chú rể, không có cô dâu nhưng việc rước dâu, xin dâu, cưới hỏi vẫn diễn ra bình thường trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Chuyện đám cưới mùa COVID-19

Ảnh minh họa.

Xin dâu mùa dịch – nhiều cái “không”

Suốt gần 3 tháng trời, gia đình chị Lê Thị Ngọc, ở TP Thanh Hóa tất bật chuẩn bị kỹ lưỡng cho đám cưới con trai. Nào là họp mặt hai bên gia đình thống nhất lễ ăn hỏi, lễ cưới; chọn khách sạn tổ chức đám cưới, lên danh sách khách mời, sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong nhà… Cô dâu, chú rể thì háo hức đi thử váy cưới, đặt vé máy bay, đặt khách sạn để đi hưởng tuần trăng mật… Tất cả được lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị xong xuôi đợi đến cuối tháng 4 âm lịch thì tổ chức đám cưới. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, gia đình phải hủy hết kế hoạch.

“Mình thì không sao em ạ. Nhưng tội các con quá, vì lễ cưới là sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi người. Vậy mà đám cưới diễn ra có nhiều cái không quá “không bạn bè, không MC, không ca nhạc, không tiệc tùng…” mà chỉ có nội tộc hai bên gia đình trò chuyện rồi xin cháu về làm dâu con trong nhà. Thấy các con buồn vì bạn bè không tới chung vui được, nhưng ngày lành, tháng tốt đã định rồi nên vợ chồng chị chọn phương án giản đơn nhất có thể để vừa phòng dịch, vừa bảo đảm hạnh phúc cho các con. Đồng thời, cũng động viên các con qua dịch sẽ tổ chức báo hỷ mời anh em, bạn bè đến chung vui với gia đình. Chứ thời điểm này cả nước đang căng mình chống dịch mà mình tổ chức đám cưới cho con mời đông người đến thì không nên” – chị Ngọc chia sẻ.

Cũng như các con của chị Ngọc, đám cưới của Đỗ Văn Cường, 29 tuổi và Nguyễn Thị Quỳnh, 25 tuổi ở huyện Nga Sơn diễn ra với nhiều cái không: không phông rạp, không xe hoa, không váy cưới, không bạn bè, không tiệc tùng mà chỉ có hai bên nội ngoại đến thưa chuyện rồi xin cô dâu về nhà trai. “Chúng em dự định tổ chức một đám cưới đông đủ, trọn vẹn nhưng vì dịch bệnh bùng phát, bản thân em và gia đình không muốn ngày vui trở thành nỗi lo nên cắt giảm mọi thủ tục, không tổ chức cỗ bàn, ăn uống linh đình. Lễ ăn hỏi, lễ cưới diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Thành phần gia đình nhà trai có khoảng 7 người, nhà gái khoảng 10 người để đưa, đón dâu. Trong quá trình diễn ra lễ cưới, gia đình 2 bên thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế” – Đỗ Văn Cường bộc bạch.

Việc lựa chọn phương án tổ chức cưới đơn giản, rút gọn không chỉ có gia đình chị Lê Thị Ngọc, em Đỗ Văn Cường mà có những gia đình vì dịch bệnh các con đi xuất khẩu lao động không thể về quê tổ chức đám cưới được nên gia đình 2 bên chọn ngày lành, tháng tốt đến đặt lễ nạp tài, xin dâu, còn cô dâu, chú rể dự đám cưới của chính mình qua zalo.

Trường hợp của cặp đôi Trần Văn Toản, sinh năm 1996, quê ở tỉnh Ninh Bình và Tăng Thị Trang, sinh năm 1997, quê ở huyện Hậu Lộc là ví dụ. Cùng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, 2 em quen và yêu nhau được hơn 1 năm. Dự định khoảng tháng 5 này sẽ về nước tổ chức đám cưới, nhưng dịch bệnh bùng phát khiến 2 em không về nước được nên gia đình 2 bên quyết định “kết duyên” cho các em bằng cách chỉ cần người lớn trong nội tộc gặp gỡ, thưa chuyện là được, còn các em chứng kiến “lễ cưới” của chính mình trực tiếp qua zalo.

Hoãn đám cưới – sự lựa chọn vì bản thân và cộng đồng

“Không chỉ 1 lần mà lần này là lần thứ 3 em dự định tổ chức đám cưới nhưng đều phải hoãn vì dịch bùng phát chị ạ. Mỗi lần như vậy, chúng em rất buồn vì mọi thứ đã chuẩn bị xong, hơn nữa do điều kiện công tác, làm việc xa quê nên việc sắp xếp công việc để tổ chức hôn lễ là rất khó khăn. Nhưng biết làm sao được, mình là công dân lại là đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước, địa phương đề ra” – đó là trao đổi của Nguyễn Văn Mạnh, sinh năm 1990, ở khu phố Thanh Minh, phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn với chúng tôi về câu chuyện hoãn cưới lần thứ 3 của mình.

Mạnh cho biết: Hiện tại, em và người yêu đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Em quen người yêu là Bùi Thị Băng Thu, sinh năm 1995, quê ở TP Huế được 3 năm rồi. Tháng 8-2020, em đưa người yêu về quê tổ chức đám cưới nhưng dịch bùng phát, phải hoãn lại. Đến cuối tháng 1-2021, em và người yêu “khăn gói” về quê định đóng rạp, tổ chức cưới. Tuy nhiên, khi đến báo cáo với khu phố, tổ chức đoàn thì chúng em được cán bộ phố, cán bộ đoàn khuyên nên quyết định hoãn lại để dịch qua đi. Lần này em và người yêu dự định tổ chức cưới vào tháng 5 nhưng tình hình dịch diễn biến phức tạp như thế này chúng em một lần nữa lại phải hoãn để khi nào hết dịch mới cưới được chị ạ.

Tương tự như Mạnh, cặp đôi Đinh Công Quang, sinh năm 1994 cũng ở khu phố Thanh Minh, phường Quảng Vinh và Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1996, ở phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa dù còn ít ngày nữa diễn ra đám cưới nhưng vì dịch bùng phát các em đã gác niềm vui riêng, cùng cả nước chung tay phòng chống dịch.

Trao đổi với Quang, em cho biết: cả 2 gia đình đã chuẩn bị xong hết tất cả, từ đặt phông bạt, bàn ghế, bát đĩa, thuê xe hoa, mua thực phẩm đợi đến ngày 17-5-2021 thì tổ chức đám cưới. Nhưng dịch bùng phát nên chúng em quyết định hoãn đám cưới để khi nào hết dịch thì tổ chức. Hoãn đám cưới, một phần vì thực hiện nghiêm theo công văn, chỉ thị của cấp trên, một phần vì bảo đảm sức khỏe cho mình, gia đình và bạn bè cũng như cộng đồng.

“Cũng rất may, khi báo hoãn cưới, chủ các dịch vụ họ cũng thông cảm, đồng ý, không bắt phạt tiền phá vỡ hợp đồng chị ạ. Còn thực phẩm thì nhà em làm nghề buôn bán hải sản, thực phẩm toàn đồ hải sản tươi sống, gia đình để bán hoặc ăn dần” – Quang cười và nói.

Được biết, thời gian qua trên địa bàn phường Quảng Vinh có 3 đoàn viên, thanh niên hoãn tổ chức đám cưới. Đồng chí Nguyễn Hữu Long, Bí thư Đoàn phường Quảng Vinh, thị xã Sầm Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đoàn phường Quảng Vinh đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tỉnh, thị xã về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động trong việc phòng dịch. Bên cạnh đó, đoàn phường chỉ đạo các chi đoàn cơ sở khảo sát, nắm chắc số lượng đoàn viên có kế hoạch tổ chức đám cưới thì tuyên truyền, vận động các đoàn viên hoãn qua dịch bệnh, không hoãn được thì tổ chức đơn giản nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, phường có 3 đoàn viên có kế hoạch tổ chức đám cưới đều hoãn đợi hết dịch. Cả 3 đoàn viên trên đều năng nổ, nhiệt tình với công tác đoàn nên khi đại diện chính quyền, các đoàn thể gặp gỡ trao đổi, các bạn ấy sẵn sàng hoãn thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.

Có thể nói, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất một lòng với tâm thế “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch”, vì vậy, việc nhiều gia đình mặc dù đã phát thiệp mời cưới, mâm cỗ đã đặt, rạp đã dựng nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động thì các gia đình đã gương mẫu chấp hành và đồng ý sẽ tổ chức đám cưới thu gọn trong nội bộ gia đình hoặc tạm dừng tổ chức cưới là hành động thiết thực chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Ngân Hà