Chuyên viên tuyển dụng – Bạn cần biết gì về nghề này? (phần 1/2)
Bạn đang quan tâm đến công việc của một chuyên viên tuyển dụng là gì? Những kỹ năng gì bạn cần đáp ứng cho việc làm chuyên viên tuyển dụng? Mức lương và lộ trình thăng tiến của nghề này ra sao? Hãy cùng CareerBuilder tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Chuyên viên tuyển dụng là ai?
Để vận hành bộ máy công ty trơn tru và đạt hiệu quả kinh doanh, nguồn nhân sự chất lượng chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì thế, vị trí chuyên viên tuyển dụng có vai trò hết sức quan trọng để giúp công ty tìm ra nguồn nhân lực quý giá ấy.
Chuyên viên tư vấn tuyển dụng có vai trò quan trọng giúp bộ máy nhân sự trong công ty được vận hành liên tục – Ảnh: Internet
Chuyên viên tuyển dụng làm gì? Chuyên viên tuyển dụng là một trong những bộ phận trực thuộc phòng nhân sự của công ty. Nhiệm vụ chính của chuyên viên tư vấn tuyển dụng là xác định nhu cầu tuyển dụng, lên kế hoạch tìm kiếm ứng viên và sàng lọc những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc. Hoạt động tuyển dụng chỉ được đánh giá là thành công khi ứng viên thử việc trở thành nhân viên chính thức và gắn bó lâu dài với công ty.
Mục lục
2. Mô tả công việc chi tiết của chuyên viên tư vấn tuyển dụng
Để hiểu rõ hơn chuyên viên tư vấn tuyển dụng làm gì để hoàn thành nhiệm vụ của mình, bạn có thể tham khảo chi tiết mô tả công việc của chuyên viên tuyển dụng dưới đây.
2.1 Xác định nhu cầu và lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự
Đầu tiên, chuyên viên tư vấn tuyển dụng cần xác định nhu cầu tuyển dụng thông qua kế hoạch nhân sự của từng phòng ban trong công ty.
Sau đó, người tuyển dụng thống kê và lập bảng nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các phòng ban để gửi lên ban lãnh đạo xét duyệt. Trong đó, bảng này phải thể hiện được số lượng nhân sự, yêu cầu công việc, kinh phí dự trù cho từng vị trí tuyển dụng.
Khi bảng đề xuất tuyển dụng được cấp trên thông qua, chuyên viên tuyển dụng sẽ lên kế hoạch tuyển dụng theo hàng quý và năm.
2.2 Thực hiện kế hoạch tuyển dụng
Những công tác mà bộ phận tuyển dụng cần thực hiện dựa trên kế hoạch tuyển dụng đã lập ra như sau:
● Đăng thông báo tuyển dụng lên các phương tiện truyền thông như website công ty, các trang tuyển dụng, hội nhóm tuyển dụng trên Facebook,…
● Tổ chức các sự kiện cần thiết để thu hút nhân sự chất lượng cao.
● Tiếp nhận CV và sàng lọc hồ sơ của ứng viên đạt yêu cầu.
● Sắp xếp lịch phỏng vấn và gửi đến các bộ phận liên quan để tham gia tuyển dụng.
● Thông báo cho ứng viên đạt yêu cầu về lịch phỏng vấn và những lưu ý khác khi đến tham gia phỏng vấn.
● Tổ chức buổi phỏng vấn như chuẩn bị phòng, hồ sơ ứng viên, phỏng vấn theo quy trình và gửi các bài kiểm tra năng lực theo yêu cầu của từng bộ phận.
Chuyên viên tuyển dụng làm gì? Chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò là cầu nối giữa ứng viên tìm việc và công ty – Ảnh: Internet
2.3 Tiếp nhận nhân viên mới, phối hợp với các phòng ban đánh giá kết quả thử việc
Sau khi phỏng vấn thành công, chuyên viên tuyển dụng sẽ gửi thông báo chúc mừng đến các ứng viên đạt yêu cầu và kế hoạch bổ sung giấy tờ cần thiết để tiếp nhận công việc.
Khi nhân viên đến nhận việc, bộ phận nhân sự sẽ giúp họ nắm được những nội quy, quy trình làm việc và quyền lợi khi làm việc tại công ty.
Tiếp theo, người tuyển dụng sẽ theo dõi và đánh giá quá trình thử việc của nhân viên mới dựa trên phản hồi của các bộ phận, phòng ban.
Cuối cùng, khi thời gian thử việc kết thúc, chuyên viên tuyển dụng sẽ gửi thông báo và thực hiện ký kết hợp đồng với các nhân viên vượt qua giai đoạn thử việc.
3. Học gì để ra làm chuyên viên tuyển dụng?
Dưới đây là một số ngành học tiêu biểu giúp bạn dễ dàng ứng tuyển việc làm chuyên viên tuyển dụng.
● Ngành quản trị kinh doanh: Đây là ngành học mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan về cách vận hành của tất cả các phòng ban (kinh doanh, Marketing, kế toán, nhân sự,…) trong một doanh nghiệp. Sau khi học ngành này, bạn sẽ có nền tảng để đánh giá khách quan nhu cầu tuyển dụng của các phòng ban và tìm ra những ứng viên có tố chất phù hợp nhất, đáp ứng được nhu cầu công việc và có tiềm năng gắn bó lâu dài với công ty.
● Ngành quản trị nhân lực: Khi học ngành này, bạn sẽ được đào tạo những kiến thức và kỹ năng thực tiễn về công tác quản trị con người để phục vụ cho việc làm chuyên viên tuyển dụng. Cụ thể là những kỹ năng về điều hành nhân sự, kỹ năng đánh giá và đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính,…
● Ngành tâm lý học: Công việc của một chuyên viên tuyển dụng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng giao tiếp, đánh giá và thấu hiểu tâm lý, cảm xúc và nhu cầu của người khác để tìm kiếm ứng viên phù hợp và đề xuất được cho họ công việc có thể gắn bó lâu dài. Chính vì vậy, khi học ngành tâm lý học, bạn sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết nêu trên.
(còn tiếp)
101 Điều bạn cần biết về nghề nhân viên chăm sóc khách hàng (phần 1/2)