Cưới cổ truyền của người Khmer: Lễ cắt hoa cau và những con số thiêng
–
Thứ sáu, 08/04/2022 09:12 (GMT+7)
Trong lễ cưới cổ truyền của người Khmer ở Sóc Trăng, nghi lễ cắt hoa cau là một lễ thức trang nghiêm và không thể thiếu.
Cha, mẹ cùng anh, chị mở đầu “Lễ buộc tay” cho đôi trai gái. Ảnh: Cao Long
Ý nghĩa của hoa cau
Hoa cau mang ý nghĩa tâm linh, người ta tin rằng khi bông hoa cau mở ra vẫn còn nguyên vẹn, không tì vết chính là điềm báo cuộc sống của đôi vợ chồng sau này sẽ hạnh phúc, no ấm.
Ảnh: Cao Long
Những chùm hoa cau được bó lại bằng chỉ hồng để thành 3 bình hoa. Mỗi bình hoa cau mang một ý nghĩa riêng. Bình hoa trưởng cao nhất, lớn nhất mang 21 nụ hoa thể hiện lòng biết ơn cha.
Bình hoa thứ nhỏ hơn có 12 nụ hoa thể hiện lòng biết ơn mẹ. Bình hoa út nhỏ nhất, thấp nhất trong 3 bó hoa thể hiện tấm lòng biết ơn người anh.
Cả 3 bó hoa cau tượng trưng cho công cha, nghĩa mẹ, công ơn của anh chị trong quá trình dưỡng dục người con gái cho đến tuổi trưởng thành.
Trong nghi lễ cắt hoa cau, nghệ nhân sử dụng đàn Cha pay Đôn vêng, vừa đàn vừa hát những lời ca thể hiện công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Cổ tích – nghệ thuật đã hòa quyện chặt vào nhau ở nghi lễ này.
“Hầy ơi! Con gái mẹ đẹp đầy trí thông minh…ơi! Mẹ cắt hoa cau 19 lượng 3 Báth… lên núi, xuống núi đi vào trong cung. Hầy ơi! Nhận 36 loại trái cây…ơi…Hầy ơi! Con gái mẹ đẹp đầy trí thông minh…ơi!
Mẹ cắt hoa cau 19 lượng 2 Báth… ơi, lên núi, xuống núi đi vào trong cung… ơi, 19 lượng 2 Báth… Hầy ơi! Nhận “Sla-tho”… Hầy ơi! Con gái mẹ đẹp đầy trí thông minh… ơi. Mẹ cắt hoa cau 19 lượng 1 Báth… ơi, lên núi, xuống núi đi vào trong cung…ơi, 19 lượng 1 Báth… Hay ơi… bù đắp hồn vía cho con…”.
Nghi lễ chà răng
Cũng trong tháng Phol kun ở vùng Tam Sóc – Tà Âng (huyện Mỹ Tú- Sóc Trăng), chúng tôi đã mục kích Nghi lễ chà răng (Biem) – một nghi lễ cưới cổ truyền cũng bắt nguồn từ cổ tích Pras Thông – Neang Neack (Hoàng tử Thông và công chúa Rồng), một huyền thoại về tổ tiên của người Khmer.
Nghi lễ “chào mặt trời“. Ảnh: Cao Long
Thế nhưng để thực hiện được nghi lễ này thì phải tìm thuốc, giã thuốc và nấu thuốc. Tên của thứ thuốc này cũng chính là tên của nghi lễ: Bốck leack – thuốc dấu. Muốn nấu thuốc thì phải giã thuốc… và ai sẽ là người được chọn để giã thuốc?
Đó chính là những thiếu nữ có đức hạnh, được gia đình cô gái lựa chọn để tiến hành nghi lễ này dưới sự điều khiển của vị Acha Pờ-lịa. Những thiếu nữ giã thuốc trong tiếng đàn, tiếng hát…
“Giã thuốc dấu trong cối. Giã rồi trộn đều để chà răng. Giã thuốc dấu bên gốc cây Trâm Bầu. Những nàng qua đường cũng tiếp giã. Chọn bốn nàng mặc áo xanh lá. Giúp anh giã thuốc dùng để chà răng. Cùng nhau giã thuốc làm răng cho cháu bà…”.
Ở góc độ cổ tích, nghi lễ này diễn xướng lại việc dùng thuốc dấu chà bỏ răng nanh của công chúa rồng hòng ngăn ngừa việc phun nọc độc có thể làm hại con người, thuốc dấu cũng giúp chú rể vốn khác loài với công chúa rồng không bị tổn hại bởi nọc độc.
Nhưng ở góc độ văn hóa, đây là một lễ thức giáo huấn cho đôi vợ chồng. Thuốc được “đánh dấu” trên răng của chàng trai, nhắc nhở chàng rằng, từ giờ trở đi đã có vợ, lời ăn tiếng nói phải rõ ràng, đứng đắn, không lả lơi, đùa cợt.
Với cô gái, từ đây trở đi cần thực hiện tốt bổn phận của một người vợ, của một người con dâu. Dấu thuốc cũng chính là “dấu chỉ” của một tình yêu chung thủy, bền chặt như tình yêu của Pras Thông và Neang Neack.
Lạy mặt trời, buộc chỉ tay rồi… nắm vạt áo
Ngày cưới thứ 2 – ngày cuối cùng của lễ cưới được bắt đầu với lễ đón giờ tốt, còn được gọi là lễ lạy mặt trời. Lễ được tổ chức trước sân nhà hướng về phía mặt trời mọc.
Chú rể nắm vạt áo cô dâu để vào phòng hôn lễ. Ảnh: Cao LongNgười Khmer quan niệm rằng: Đây là giờ linh thiêng, là thời điểm xua tan bóng tối, bắt đầu một ngày mới tươi sáng, an lành. Vị A cha pờ-lịa và ông Mêba – đại diện nhà gái thắp nhang và khấn vái cùng cô dâu-chú rể, ước mong trời đất phù hộ cho đôi vợ chồng có được những điều tốt lành nhất trong cuộc sống lứa đôi sắp tới.
Người Khmer quan niệm rằng: Đây là giờ linh thiêng, là thời điểm xua tan bóng tối, bắt đầu một ngày mới tươi sáng, an lành. Vị A cha pờ-lịa và ông Mêba – đại diện nhà gái thắp nhang và khấn vái cùng cô dâu-chú rể, ước mong trời đất phù hộ cho đôi vợ chồng có được những điều tốt lành nhất trong cuộc sống lứa đôi sắp tới.
Sau lễ lạy mặt trời, chú rể và cô dâu vào nhà để thực hiện nghi lễ buộc chỉ tay. Lễ buộc chỉ tay chứng nhận đôi trai gái đã thành vợ – thành chồng. Đến lúc này, chú rể mới được chính thức bước chân vào phòng tân hôn cùng cô dâu.
Nghi thức cũng là một hình thức diễn xướng trên nền của tích truyện Pras Thông và Neang Neack. Cô dâu – hóa thân của Neang Neack đi trước, chú rể – hóa thân của Prass Thông đi theo sau, tay nắm vạt áo của cô dâu. Nghi thức này được thực hành ở hầu hết những lễ cưới cổ truyền của người Khmer Sóc Trăng.
Đến Sóc Trăng tháng Buos, tháng Phol Kun, đắm mình trong “Mùa cổ tích” để thấy rằng: Huyền thoại và những nghi lễ trong lễ cưới cổ truyền của người Khmer là một công cụ nhận thức nhiều ý nghĩa sâu xa của một nền văn hoá đã được tạo dựng từ lâu bởi những người sử dụng chúng.
Những nghi lễ ấy lên quan chặt chẽ đến nhận thức đạo đức và cả một số tư tưởng thường xuất hiện trong huyền thoại, trong những câu chuyện cổ tích được truyền khẩu. Âm nhạc, lời ca, những hình thức diễn xướng luôn trải đều từ đầu đến cuối lễ cưới.
Âm nhạc, lời hát cùng những hình thức diễn xướng không chỉ mang ý nghĩa giúp vui mà còn là một phương thức truyền đạt sinh động, thân thuộc về những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại được truyền khẩu và ẩn tàng trong đó là những tư tưởng đạo đức.
4 yếu tố trong kinh nghiệm sống của con người là: Vui đùa, nghệ thuật, huyền thoại, nghi lễ.. đã hoà quyện làm một trong lễ cưới cổ truyền của người Khmer tạo nên một bản sắc văn hóa riêng thật độc đáo.