Cuối năm rền rĩ ‘Đắp mộ cuộc tình’ – Kỳ cuối: Từ ồn ào karaoke nghĩ về văn hóa ứng xử nơi công cộng
ThS giáo dục Lê Trường An chia sẻ góc nhìn về vấn đề văn hóa hát karaoke
ThS giáo dục Lê Trường An, nghiên cứu sinh ĐH Suranaree (Thái Lan), cho rằng: “Việc hát karaoke gây ồn ào hàng xóm láng giềng, dẫn đến ẩu đả, thậm chí gây ra án mạng… xuất phát từ thói quen thiếu tôn trọng người khác, nhất là ở nơi công cộng của nhiều người”. Đây là “căn bệnh” cần phải được ý thức trị liệu để nâng bản thân mỗi người lên.
Thói quen xấu dẫn lối
* Tuổi Trẻ đang có loạt bài về vấn nạn hát karaoke gây phiền toái, bức xúc trong cộng đồng từ thôn quê tới thành thị, anh có “trải nghiệm” này chưa?
– ThS nghiên cứu sinh LÊ TRƯỜNG AN: Đây là vấn nạn ở khắp nơi như một “đại dịch” khiến người ta sợ hãi, stress đến mức gây gổ, dẫn tới ẩu đả, mất tình làng nghĩa xóm, hệ lụy kéo dài. Và nguy hiểm hơn, có những trường hợp còn dẫn đến án mạng, người chết, kẻ vào tù vì karaoke. Nghe cứ như chuyện đùa nhưng nó đang là điều bức xúc, vấn đề tâm lý – xã hội cần được điều chỉnh để xóm thôn, khu phố được yên ổn.
Bản thân tôi cũng từng bị “tra tấn” bằng âm thanh khi còn ở trong một khu phố ở phường 14, quận 4, TP.HCM. Cứ đến cuối tuần hoặc trong hẻm có đám tiệc, kể cả tang ma thì lại nghe dàn âm thanh đinh tai nhức óc dội về phòng mình. Phải chi họ hát hay thì nghe tạm cũng được, đằng này nhiều giọng ca vừa cất lên đã khiến mình mệt mỏi, khó chịu nhưng cứ ra rả với âm lượng kinh khủng.
Tôi thường dạy online cho những lớp học trực tuyến, thú thực có những bữa họ hát ồn ào đến mức tôi đóng cửa phòng vẫn nghe rõ mồn một, nên phải vào… toilet, tạm yên ổn để ngồi dạy trong đó, sau một lớp cửa nữa!
* Thật là một “kỷ niệm” khó khăn với anh. Nguyên nhân nào khiến karaoke ồn ào, làm phiền xóm giềng vẫn tồn tại và ngày càng nở rộ khắp nơi hiện nay, thưa anh?
– Đầu tiên phải kể đến ý thức tôn trọng người khác ở một bộ phận người tổ chức, tham gia hát karaoke khá kém. Họ chỉ nghĩ đến sở thích cá nhân mình (là được hát cho thỏa thích) mà không cần quan tâm tới xung quanh. Trong không gian sống chật hẹp ở thành phố, nhà sát nhà và mật độ dân cư cao mà những chiếc loa kẹo kéo dập hết công suất quả thiệt không ai chịu nổi.
Trong khu dân cư tôi ở, những gia đình có các cụ già, cần yên tĩnh để nghỉ ngơi thế nhưng vẫn không thoát được cảnh hát hò đinh tai, với những bài nhạc sầu não ruột. Đối diện nhà tôi, cô hàng xóm cứ mỗi lần thấy tôi lại tâm sự rằng bị karaoke hàng xóm hành, má cô mất ngủ vì họ hát đến tận khuya. “Người già khó ngủ mà ồn ào kiểu đó sao ngủ cho được”, cô nói.
Như vậy, nguyên nhân thứ hai của hiện tượng không đẹp này còn ở chính sự “cam chịu” một cách bất lực của những “nạn nhân”, trong đó có tôi. Không ai dám nói gì đám hát ấy vì biết, nói ra họ sẽ gây hấn, mình sẽ chỉ thiệt thân. Bản thân không thể nói tay đôi với họ và càng nói chỉ dẫn tới những hệ lụy khác như báo đăng (bị hành hung, tổn hại tinh thần, sức khỏe).
Trong khi đó, cơ quan chức năng tại địa phương thì cũng không xử lý hoặc không nhắc nhở, tuyên truyền thích đáng nên mạnh ai nấy hát, rồi la hét, gây bất ổn khôn lường.
Nhìn sâu, tôi thấy hiện tượng này là bề nổi của tảng băng mất lịch sự, thiếu văn minh trong giao tiếp xã hội, nơi công cộng của nhiều người. Ngoài hát karaoke gây ồn ào, phiền não hàng xóm, bạn có thể bắt gặp đâu đó ở chùa chiền người ta ăn mặc cũn cỡn, nói chuyện điện thoại ồn ào dù được nhắc “đi nhẹ nói khẽ”, trang phục kín đáo; trong quán cà phê thì người lớn để trẻ chạy giỡn loạn cả lên, phiền khách khác; có khi giận chuyện yêu đương, vợ chồng ra quán cãi cọ to tiếng, thiếu tôn trọng bàn bên cạnh…
Những thói quen xấu xí ấy nó nằm sâu trong “tiềm thức” và biểu hiện tự nhiên đến mức những người ấy thấy đó là bình thường, bắt người khác phải chấp nhận một cách vô lý.
Loạt bài về vấn nạn karaoke gây ồn ào trong cộng đồng đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình và yêu cầu xử lý từ bạn đọc
Học ăn học nói để đẹp hơn, văn minh hơn
* Vậy chẳng lẽ nào chúng ta cứ để im cho hiện tượng ấy tồn tại, tiếp diễn hoài trong đời sống hay sao?
– Tôi rất mừng là vài năm nay, báo Tuổi Trẻ và một vài tờ khác đã nói đi nói lại hiện tượng xấu xí này, bắt đầu từ câu chuyện đinh tai nhức óc là karaoke loa kẹo kéo. Theo dõi loạt bài gần nhất, tôi thấy bạn đọc đã rất hoan hỉ hòa theo tiếng nói của báo – cho thấy đây là tiếng lòng của rất nhiều người. Tuy nhiên, họ không biết phản ảnh ở đâu, bằng cách nào để dẹp nạn hát, hét phiền não hiện nay.
Do vậy, tôi nghĩ trước mắt báo chí, truyền thông nên ra sức tạo diễn đàn, phản ánh tiếng nói người dân, để câu chuyện karaoke tra tấn đến được với các ngành, các cấp. Từ đó, các ngành chức năng vào cuộc để có những quy định, kiểm tra, giám sát, xử lý những đám hát gây ồn ào, mất an ninh trật tự hiện nay.
Thêm nữa, mỗi xã phường nên có đường dây nóng, là số điện thoại của cảnh sát khu vực, để người dân có nơi tin cậy báo tin, xử lý kịp thời, dứt điểm.
Đồng thời, vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử cần được đẩy mạnh trong trường học, các cơ quan đoàn thể, tổ chức để dần thay đổi thói quen xấu, hình thành các thói quen tốt trong giao tiếp, ứng xử.
“Học ăn học nói, học gói học mở” vốn đã được ông bà xưa dạy dỗ, để mỗi người biết quan sát trên dưới, trước sau, không tùy tiện trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói.
Trong từng khu phố, thôn, ấp… có thể phát động phong trào nói không với loa kẹo kéo, hát karaoke âm lượng vừa phải, có thời gian quy định cụ thể. Trong trường học, thầy cô giáo có thể giáo dục học trò các “nghi thức” trong sinh hoạt để thành người văn minh, lịch lãm nơi công cộng, nhất là khi ra nước ngoài.
* Đi các nước, anh thấy người dân có hay ồn ào khi đến nơi công cộng không?
– Tôi quan sát nhiều người, ở nhiều nơi thì thấy họ khá lịch thiệp trong khi nói năng, trao đổi ở nơi công cộng. Đặc biệt, khi lên máy bay, nếu nhóm đi là những người Âu – Mỹ, bạn sẽ thấy họ nói chuyện với âm lượng vừa phải, đủ nghe.
Tôi tin, khi chúng ta liên tục có những diễn đàn như thế này, phát huy các quy tắc ứng xử nơi công cộng thì dần dà sẽ tạo nên thói quen tốt cho mọi người. Trước mắt, trong dịp Tết này, mong rằng các địa phương chấn chỉnh việc hát karaoke để xóm làng, khu phố bình yên hơn, người già ngủ ngon hơn mỗi tối.
Tết vui, Tết khỏe chứ đừng là Tết tra tấn bằng rác âm thanh, Tết cờ bạc, rượu chè.
* Xin cảm ơn anh.
Ý kiến bức xúc của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ
– Mong rằng vấn đề này được Quốc hội quan tâm và ra luật cấm karaoke mà không có cách âm cùng với biện pháp chế tài thích đáng để các cấp chính quyền cũng dễ xử lý. Chúng ta nên có luật triệt để về tệ nạn này như đã có luật cấm uống bia rượu khi lái xe bất kể nồng độ cồn.
Bạn đọc Minh Vy
– Làm tới cùng luôn Tuổi Trẻ ơi. Thử hỏi ở thành phố hát hò inh ỏi phải về quê, về quê cũng hát inh ỏi thì giờ đi đâu ở được.
Bạn đọc Hai
– Tôi từng gọi công an xã, họ bảo làm đơn. Tôi không thể làm đơn vì thông tin của mình sẽ bị lộ rồi dẫn đến chuyện trả thù…
– Sao không làm được luật cấm hát karaoke trong khu dân cư, chung cư, nơi công cộng, người muốn hát karaoke thì đến nơi quy định có giấy phép hẳn hoi được chính quyền cho phép.
Bạn đọc Phương Thảo
– Vì vấn nạn này mà tôi có mong muốn hơi lạ là mong sao khu tôi ở quy hoạch thành đường hay công viên… nếu có quy hoạch tôi đăng ký dọn đi sớm… quá kinh khủng và chán nản. Người quận 7.
Bạn đọc Tùng
– Mời các cấp chính quyền ghé hẻm số 9 Lê Trực, quận Bình Thạnh để được nghe karaoke ầm ầm vì có báo đi nữa thì cũng bị xúm lại chửi và thách thức ngược bán nhà đi nó mua, sống không được thì đi chỗ khác. Stress và phẫn nộ lắm khi bị “tra tấn”! Vấn đề này chỉ có thể hỏi: Do không có luật hay luật không đủ nghiêm hay không thể thực hiện được luật pháp?
Bạn đọc ẩn danh
Cuối năm rền rĩ ‘Đắp mộ cuộc tình’ – Kỳ 7: Hát karaoke lịch sự, tại sao không?