“Loạn” khai thác đá quý ở Tây Nguyên

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên rộ lên phong trào khai thác các loại đá quý trái phép để bán như thạch anh (Đắk Lắk), Opal (Đắk Nông), khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống sản xuất của người dân địa phương.

Đắk Lắk rầm rộ khai thác đá thạch anh

Với đặc tính cứng, màu sắc đẹp, đá thạch anh được sử dụng để chế tác hàng mỹ nghệ. Mặt khác, còn có tin đồn thạch anh là loại đá có nguồn năng lượng cao, có tác dụng dùng để “trấn” phong thủy, đem lại may mắn cho những ai trưng loại đá này trong nhà.

Tác phẩm Ngư long bảo ngọc nặng gần 22 tấn bằng Cacedone và ngọc mã não của Công ty TNHH Ngọc Thạc đã được một “đại gia” ở Hà Nội mua với giá 7,5 tỷ đồng.

Ở Đắk Lắk, tình trạng khai thác đá thạch anh trái phép tuy mới xảy ra những năm gần đây, tuy nhiên nguồn lợi thu được lớn, nên phong trào khai thác đá bán quý này trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Hiện nay giá bán đá thạch anh dao động từ 50.000 đồng đến hàng triệu đồng/kg, tùy theo chất lượng đá.
Chúng tôi đã thâm nhập vào các địa bàn là điểm nóng về khai thác đá thạch anh ở các xã như Yang Ré, Y Tao, Lắk, Krông Nô của huyện Lắk và tận mắt chứng kiến sự ngang nhiên của “thạch tặc” ở đây. Khi phát hiện có đá thạch anh, bất kể là nương rẫy hay rừng cấm, các “trùm” đá đều tìm cách tiếp cận rồi dùng các phương pháp từ thủ công đến cơ giới để khai thác.

Những bãi đá thạch anh hồng hàng ngàn tấn này được “đá tặc” khai thác lậu và tập kết trong Rừng phòng hộ Hồ Lắk (Đắk Lắk)

Tại địa bàn xã Yang Tao, “thạch tặc” ngang nhiên sử dụng thiết bị cơ giới hạng nặng mở đường vào tận rừng phòng hộ đầu nguồn của Hồ Lắk để khai thác và vận chuyển hàng nghìn tấn đá ra ngoài mà không gặp một sự cản trở nào từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Sự việc chỉ vỡ lở khi các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin. Theo phản ánh của người dân địa phương do xử lý thiếu kiên quyết, các đối tượng khai thác đá trái phép vẫn tiếp tục, dù không ngang nhiên như trước.

Không chỉ phá rừng cấm để khai thác đá thạch anh, nhiều “trùm” đá còn mua lại nương rẫy của người dân, phá bỏ hoa màu, cây công nghiệp trên đất, đưa máy móc thiết bị và thuê lại chính người dân ở đây khai thác đá. Nhiều vụ tranh chấp địa bàn, mỏ khai thác xảy ra, khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương trở nên phức tạp. Nhiều gia đình bỏ bê nương rẫy cũng như công việc khác để theo “nghề” khai thác đá thạch anh, nhiều em học sinh cũng bỏ học đi đào đá kiếm tiền.