Đặc điểm chung của hôn nhân – VỤ GIA ĐÌNH

Kết hôn ở Việt Nam vẫn là khuôn mẫu khá phổ biến. Tuy nhiên tỷ lệ ly hôn và ly thân có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ ly hôn, ly thân của người dân ở khu vực thành thị luôn cao hơn so với người dân ở nông thôn. Tỷ lệ ly hôn/ly thân của người dân ở vùng Đông Nam bộ và ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn ở các vùng còn lại.
Vấn đề không đăng ký kết hôn vẫn còn tồn tại trong quan hệ hôn nhân của người dân Việt Nam, đặc biệt nhiều ở những người có học vấn thấp, nhóm nghèo, người dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, do nhiều nguyên nhân như chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, do phong tục tập quán lạc hậu, do thiếu sự hiểu biết pháp luật và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Tình trạng không đăng ký kết hôn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc về mặt pháp luật như tình trạng người dân coi thường pháp luật, xảy ra tranh chấp về nhân thân và tài sản của các bên khi ly hôn, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, không đảm bảo quyền và lợi ích của các bên vợ chồng, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em.
Hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc thiểu số do nhận thức của người dân còn hạn chế. Số lượng hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới có số lượng ngày càng tăng và đã tạo ra nhiều hệ quả nặng nề như xu hướng “chảy máu” nguồn lao động ở các địa phương có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới; Sự thiếu chuẩn bị của các cô dâu trước khi xuất cảnh làm hạn chế khả năng thích ứng, khả năng giáo dục, chăm sóc con cái và tăng nguy cơ bị bạo lực; Những trẻ em sinh ra trong gia đình có hôn nhân môi giới mang yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc đi học, chăm sóc sức khỏe và sự phát triển bình thường như các trẻ em khác ở nước ngoài; v.v.
Tuổi kết hôn của người dân Việt Nam ngày càng tăng trong 3 thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn còn diễn ra ở hầu hết các nhóm nhân khẩu-xã hội và phổ biến hơn ở các nhóm có trình độ học vấn thấp, sống ở vùng nông thôn và miền núi nơi có sự phát triển kinh tế xã hội hạn chế và người dân tộc thiểu số.