Đám cưới đậm chất miền Tây trong vườn dừa nước ở Trà Vinh
Những đám cưới miền Tây luôn mang màu sắc vô cùng đặc biệt. Có thể do không gian, cảnh sắc hay những vật trang trí đậm bản sắc vùng miền đã tạo nên sự độc đáo đó.
Ở miền Tây, nói đến đám cưới người ta thường quen với cổng lá dừa, các rạp cưới lấp ló trong vườn cây hay cảnh hai bên gia đình trao rất nhiều vàng cho cô dâu chú rể. Đám cưới của cô dâu Bảo Trâm và chú rể Trung Hiếu tại Trà Vinh cũng mang đậm những bản sắc như thế.
Đám cưới trong vườn dừa nước và chuối xanh mướt
Trong những hình ảnh được chia sẻ, rạp cưới của họ được dựng nên trong khu vườn đầy dừa nước và chuối. Cổng hoa màu sắc rực rỡ, đứng cạnh những tán dừa nước cao rộng tạo nên sự đối lập về màu sắc và hiệu ứng rất đặc biệt cho đám cưới. Cô dâu Bảo Trâm và chú rể Trung Hiếu đều 28 tuổi và là dược sĩ tại Trà Vinh.
“Bọn mình thích đơn giản nên lên kế hoạch cho đám cưới cũng không lâu lắm. Việc lựa chọn tông màu sẽ sử dụng hay cổng hoa và những chi tiết khác được hoàn thành trong vòng 2 tuần. Ban đầu mình cũng muốn sử dụng lá dừa và những hoa ‘cây nhà lá vườn’ để làm phần trang trí chính nhưng lại trúng mùa mưa bão, hoa nhà không được đẹp nên gia đình chuyển qua sử dụng hoa lụa và hoa tươi mua ngoài”, chú rể Trung Hiếu chia sẻ.
Cổng cưới nổi bật trên nền cây xanh mướt.
Cổng hoa của đám cưới này có màu sắc vô cùng rực rỡ được tạo nên từ những loại hoa có màu sắc đậm đà, nổi bật trên nền xanh của cây cối xung quanh. Cũng vì có sẵn nhiều cây mà việc trang trí cho hôn lễ cũng không quá mức cầu kỳ.
“Hai vợ chồng mình cũng muốn chọn những điểm đặc sắc của miền Tây để cho vào phần trang trí. Ban đầu khi làm cổng, mình muốn làm nổi bật những chi tiết như lá dừa nước, hoa chuối đỏ lấp ló bên cạnh cổng hoa. Mình nghĩ rằng việc trang trí thì có thể đơn giản nhưng sử dụng màu sắc hợp lý thì vẫn có thể khiến không gian trở nên đẹp mắt và nổi bật hơn nhiều“, Trung Hiếu nói thêm.
Cổng hoa nổi bật nhưng rạp cưới ngay trong khu vườn lại được lựa màu sắc nhã nhặn. Cô dâu tận dụng hoàn toàn cảnh sắc của khu vườn, màu xanh mướt của cây cỏ xung quanh cho việc trang trí. Phần trang trí của đám cưới này thống nhất với tiêu chí đơn giản, mộc mạc và tận dụng toàn bộ những gì sẵn có.
Chú rể chia sẻ: “Khu vực này là đã vào ấp, con đường đi lại và di chuyển rất nhỏ rồi nên việc vận chuyển đồ đạc và hàng hóa vào cho hôn lễ rất khó khăn. Gia đình bọn mình sử dụng xe ba gác, xe máy để vận chuyển đồ chứ bên đơn vị tổ chức không mang được xe tải vào đến nơi. Tuy khó khăn một chút nhưng khiến cho ngày cưới thêm phần vui vẻ”.
Với nhiều người, những lá dừa nước, lá chuối không mang nhiều ý nghĩa song với vợ chồng Hiếu, nó là nét đặc sắc thật sự cho đám cưới của mình.
Về ban thờ gia tiên gia đình anh Hiếu vẫn giữ kiểu ban thờ truyền thống từ nhiều đời. Anh cũng tự tay chuẩn bị lễ gia tiên, cắm những loại hoa đơn giản để trang trí cho phần làm lễ của ngày cưới vợ.
Ban thờ gia tiên đậm chất miền Tây.
Hôn lễ truyền thống miền Tây với những điều đặc sắc
Hôn lễ của vợ chồng anh được tổ chức theo phong cách truyền thống của đám cưới miền Tây.
Trung Hiếu kể: “Nhà mình vẫn giữ nguyên phong tục có 3 lễ chính là giáp lời, lễ hỏi và lễ cưới. Trong đám cưới miền Tây sẽ có lễ phản bái sau cưới 3 ngày, đây cũng là ngày mà cô dâu chú rể lại mặt. Trong hôn lễ, nhà trai đem tráp qua nhà gái phải là số chẵn. Tùy theo gia đình mà chọn mâm khác nhau, nhà mình thì 6 mâm gồm trầu cau, trà, rượu, phong bì lễ cùng nến, mâm trái cây và mâm bánh bông lan. Ở các miền khác thì có lẽ không có nhưng với miền Tây thì phải có mâm bánh bông lan nhà trai mang qua nhà gái”.
Thêm một điều đặc biệt nữa của đám cưới miền Tây đó chính là em bé dẫn đường. Khi chú rể đến nhà cô dâu, sẽ có một em bé dắt tay vào phòng để đưa cô dâu về nhà chồng. Gia đình Trung Hiếu và Bảo Trâm vẫn giữ nguyên truyền thống nên đều chấp hành đầy đủ lễ nghi cần có.
Ở đây, đám cưới của một nhà nhưng lại giống như sự kiện của cả xóm quanh đó. Trước đám cưới một ngày, bà con đã lại chơi và phụ gia chủ chuẩn bị cho đám cưới.
Trung Hiếu kể: “Mình nghĩ đó cũng là một nét truyền thống đẹp. Đám cưới cỗ bàn ít khi phải thuê người làm, toàn bà con chòm xóm xúm vào giúp mỗi người một tay. Từ chuyện dọn dẹp, trang trí hay chuẩn bị đồ đều được phụ. Ban đêm các chú các bác ngồi lại ca vọng cổ, dùng trà và rượu cho đến khuya. Mình cũng nôn nao luôn ngủ không được vì ngày vui nhận được nhiều sự quan tâm như vậy đó”.
Cô dâu chú rể hạnh phúc trong ngày cưới.
Tối trước ngày cưới chính thức, bên nhà trai cũng làm lễ. Sau đó là buổi tối mọi người cùng chung vui, tâm sự với nhau. Có người khóc, có người cười, trêu ghẹo chú rể chuẩn bị cưới vợ.
“Buổi tối đó lắm cảm xúc, mình cũng khóc nhiều vì nhớ bà nội quá. Bà hứa sẽ dự đám cưới mình nhưng lại mất trước khi mình kịp giúp bà hoàn thành ước nguyện đó. Mình nghĩ rằng buổi tối trước ngày đám cưới sẽ có nhiều điều lắng đọng nhất bởi nó cũng là đêm cuối cùng mà bọn mình độc thân trước khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời”, chú rể tâm sự.
Điều Trung Hiếu nhớ nhất trong ngày cưới của bản thân chính là không khí vui tươi của tất cả mọi người. Bên cạnh đó còn có những khoảnh khắc tự nhiên và chân thật. Hai vợ chồng anh dắt tay nhau đi bộ trên đường quê vì từ nhà cô dâu ra đến đường xe hơi có thể chạy là khoảng 500m.
Cô dâu chú rể dắt tay nhau băng qua những con đường rợp bóng cây.
Anh vẫn nhớ cảnh cùng đi bộ qua những rặng dừa nước, cây chuối, dãy thanh long xanh um bên đường. Dù đã đi vào nhà vợ nhiều lần nhưng cảm xúc của ngày hôm đấy vẫn đặc biệt bậc nhất.
Đôi khi, đám cưới “xịn” chẳng phải cầu kỳ trong cách tổ chức hay tốn kém ở sự đầu tư. Nó là một hôn lễ đủ sức thỏa mãn cảm xúc cũng như những ý tưởng của cô dâu chú rể trong cách thực hiện. Và có lẽ, cô dâu Bảo Trâm và chú rể Trung Hiếu đã có cho mình một đám cưới trong mơ đúng nghĩa.
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Vương Đình Khang