Đám cưới giả, nhu cầu thật

LONG NGUYỄN – THẢO ANH – ĐÌNH TRƯỜNG

  –  

Thứ ba, 15/09/2020 14:26 (GMT+7)

Dù chỉ là những đám cưới giả , nhưng giá trị chúng mang lại lại đặc biệt, dưới góc độ: Góp phần quan trọng giữ lại những sinh linh vô tội…

Đám cưới giả, nhu cầu thậtTS Khuất Thu Hồng nhận xét về hiện tượng đám cưới giả: “Dù mới, nhưng tôi cho rằng, không quá ngạc nhiên”.

Những giá trị thật

Hơn 10 năm trong nghề tổ chức đám cưới giả, Đỗ Văn Thành (35 tuổi, Văn Quán – Hà Nội) liệt kê, trên 80% khách hàng của anh là những phụ nữ trẻ trót mang thai ngoài ý muốn. Số còn lại thì có thể là người đồng tính hoặc những người không muốn lập gia đình nhưng vẫn chấp nhận một đám cưới giả để làm vui lòng gia đình, dòng tộc…

Trong số những phụ nữ trẻ mang thai ngoài ý muốn, Thành bảo, đa phần là những trường hợp bị bạn trai ruồng bỏ. Số còn lại thì vẫn có người chịu trách nhiệm, nhưng vì lý do rất tế nhị nào đó mà không thể tổ chức đám cưới…

Do dịch vụ cưới giả phục vụ chủ yếu là phụ nữ mang thai nên cũng không phân định mùa nào trong năm.

“Cách đây khoảng 15 năm, dịch vụ “đám cưới giả” còn khá xa lạ, có khi cả năm công ty mới nhận được 1 sự kiện. Thế nhưng, khoảng 6 năm trở lại đây trở nên phổ biến hơn. Hầu như tuần nào công ty cũng tổ chức một đến hai đám. Giá giao động từ 20 đến 80 triệu đồng” – Thành chia sẻ.

Trên fanpage của công ty Thành, nhiều câu chuyện đám cưới giả được chia sẻ. Đây cũng là cánh cửa để các cô gái tìm tới dịch vụ. Các từ khóa được chú trọng để chạy quảng cáo gồm: Cưới giả; đám cưới giả; cho thuê chú rể; cho thuê nhà trai…

Thành bảo, những người vào vai nhà trai hầu hết là công nhân viên chức đã về hưu và các bạn trẻ làm việc văn phòng. Những người này đều phải có trình độ văn hóa và khả năng ăn nói, thuyết phục người xung quanh.

Tùy theo yêu cầu của khách mà Đỗ Văn Thành sẽ lên kịch bản sao cho thật phù hợp: Từ họ tên, vai vế, công việc, dự kiến tương lai… Hầu hết, trong kịch bản của các đám cưới giả, sau khi kết thúc hôn lễ, bố mẹ chú rể đều lấy cớ sang nước ngoài hoặc rời tới nơi khác sống để tránh gặp mặt về sau.

“Bên cạnh vấn đề nhân lực và kịch bản, công ty còn có nhà riêng để nhà gái tới thăm hỏi. Đôi khi chúng tôi cũng gặp những trường hợp oái oăm. Có trường hợp cô dâu kể với nhà gái rằng nhà chú rể ở Sóc Sơn. Thế là êkip phải đi tìm bằng được một căn nhà ở đó” – Thành nhớ lại…

Sau khi công ty và cô dâu thống nhất kịch bản, chú rể và nhà trai “hờ” sẽ qua lại nhà gái đôi ba lần để dòng họ, làng xóm dần quen với việc cô dâu đã có người yêu và chuẩn bị lấy chồng. Mỗi thành viên trong êkip đều sẽ được sắm 1 sim điện thoại mới nhằm liên lạc với nhà gái trong quá trình dịch vụ diễn ra.

Làm dịch vụ đám cưới giả với mục đích lợi nhuận, thế nhưng Thành luôn được gọi là ân nhân. “Sau những đám cưới hình thức, nhiều cô dâu gọi điện, nhắn tin cảm ơn công ty vì đã giúp họ giữ lại được đứa con trong bụng. Đó cũng là giá trị lớn nhất mà một đám cưới giả mang lại” – Thành chia sẻ.

Thành cũng cho biết, quá trình làm nghề anh đã gặp nhiều trường hợp đặc biệt: Có những cô dâu không đủ kinh phí để tự trang trải một đám cưới giả nhưng nếu không tổ chức thì định kiến từ những người xung quanh sẽ ép họ phải từ bỏ đứa con trong bụng. Với những trường hợp này, Thành luôn cố gắng giúp đỡ hết sức có thể.

“Có nhiều lần tổ chức mang tính từ thiện. Số tiền cô dâu đưa không đủ để thực hiện 1 đám cưới giả, chúng tôi cố gắng tự bù ra để giúp đỡ cô dâu. Điều quan trọng nhất là có thể giữ được những đứa nhỏ còn trong bụng mẹ” – Thành chia sẻ.

“Xã hội cần thay đổi để người ta không còn phải tìm tới những dịch vụ kiểu như vậy…”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) – cho biết, việc tổ chức những đám cưới giả là một nhu cầu xã hội hiện đại. Khi có cầu sẽ có cung. Các tổ chức, doanh nghiệp họ phát hiện ra vấn đề có thể kinh doanh được thì họ đứng ra để lo liệu việc đấy.

“Cho dù việc đấy không phải quá đẹp đẽ nhưng chắc chắn người ta không có tội, không có lỗi gì cả, khi người ta đáp ứng nhu cầu đó” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Nhưng ở đây vấn đề là nhu cầu có thật của một bộ phận người, phần lớn là phụ nữ, (tất nhiên không loại trừ có cả nam giới hoặc giới tính thứ ba…). Vì sao họ lại có nhu cầu ấy? Vì sao họ phải chấp nhận sống trong áp lực, sống trong dư luận của cộng đồng, xã hội.

Bởi cách đánh giá, quan niệm truyền thống rằng đời sống hạnh phúc hay suôn sẻ thì phải có gia thất, thành vợ thành chồng, có con cái nên từ đó người ta có nhu cầu phải diễn, phải phô bày ra bên ngoài là tôi bình thường, tôi cũng hạnh phúc như bao người khác…

Sâu trong đó là câu chuyện mặc cảm của những người vì điều kiện đặc thù mà không thu xếp lập gia đình được. Có thể lấy ví dụ như những phụ nữ làm việc trong các Khu công nghiệp, khu chế xuất… trong những môi trường thuần giới như vậy rất khó để họ kiếm người yêu, rồi lập gia đình. Nhưng định kiến giới, định kiến xã hội vẫn đè nặng lên họ.

Vì thế, chính trong xã hội đã xuất hiện hình thức này, dịch vụ nọ để chống chọi với định kiến truyền thống nhưng dai dẳng đến ngày nay.

Còn theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội: “việc xuất hiện dịch vụ cưới giả là biểu hiện của một dạng phản ứng với những quan niệm của xã hội. Rằng đến một tuổi nào đó nhất định phải lấy vợ lấy chồng, nhất là phụ nữ. Có cầu ắt sẽ có cung, sẽ xuất hiện những dịch vụ như vậy. Dù mới, nhưng tôi cho rằng, không quá ngạc nhiên.

Thực tế, thanh niên bây giờ đã rất khác, rất nhiều người phụ nữ có đủ điều kiện sống độc lập rồi, vì lý do gì đó họ không thích kết hôn nhưng vẫn muốn có con cái. Trong khi xã hội chưa kịp thay đổi theo. Mà ở xã hội ta vẫn đánh giá con người theo kiểu cũ rồi kỳ thị họ”.

“Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của các dịch vụ cưới giả là một chỉ báo cho thấy xã hội cần phải thay đổi, để chấp nhận hơn, phù hợp hơn với thực tế, để người ta không còn phải tìm tới những dịch vụ kiểu như vậy” – TS Hồng nói.