Giao dịch ngầm phía sau phong bì mừng cưới ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, tiền mừng đám cưới không chỉ đơn thuần là biểu hiện cho sự chúc phúc mà còn được coi như một giao dịch ngầm, theo Korea JoongAng Daily.
Thay vì tặng quà, khoản tiền dao động 50.000-300.000 won (38-230 USD), dựa trên độ thân thiết của khách và chủ tiệc sẽ được gửi tặng trong các đám cưới.
Choi (30 tuổi), đã kết hôn được 3 năm, chia sẻ: “Sẽ dễ dàng hơn để quyết định tặng bao nhiêu nếu bạn đã kết hôn trước, bởi bạn có thể dựa theo số tiền họ đã mừng trong đám cưới mình”.
“Tất nhiên, số tiền không nói lên được giá trị của tình bạn. Nhưng khi tôi phát hiện ra người bạn chỉ mừng cưới bằng một nửa số tiền tôi đã tặng, điều đó khiến tôi cảm thấy cô ấy không coi trọng tình bạn này như tôi”, Go, người mới kết hôn vào tháng 1, nói.
Việc mừng tiền trong đám cưới tại Hàn Quốc có thể là yếu tố để đánh giá độ thân thiết giữa chủ và khách. Ảnh: The Star.
Đối với thế hệ những người lớn tuổi, tiền mừng cưới có ý nghĩa phản ánh lại những gì họ đã làm.
“Nói một cách đơn giản, đám cưới ở Hàn Quốc được xem như một thương vụ cho và nhận. Phụ huynh của cô dâu và chú rể luôn muốn gặt hái lại những gì họ đã gieo trong đám cưới của người khác. Và cơ hội này đến khi con cái họ kết hôn”, Cho Hee-jin, nhà xã hội học tại Seoul, cho biết.
Dùng tiền làm quà cưới là một truyền thống có ở nhiều nước, tuy nhiên, việc trao đổi trở thành phần chính trong một bữa tiệc mừng ngắn ngủi ở Hàn Quốc đã khiến cho lễ cưới giống như hoạt động kinh doanh.
Mục lục
Lịch sử tiền mừng cưới
Mừng tiền trong đám cưới là truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ với nhiều ý nghĩa khác nhau tại xứ củ sâm.
“Khoảng giữa những năm 1870, không có sự cam kết bảo trợ xã hội từ chính phủ, vì vậy, cộng đồng địa phương phải hỗ trợ lẫn nhau. Khi có đám cưới, mọi người thường sẽ tập trung lại và trao quà, tiền cho cặp vợ chồng mới để hỗ trợ họ trong việc xây dựng gia đình”, theo ông Joo Young-ha, giáo sư dân tộc học tại Học viện Hàn Quốc học.
Trong giai đoạn 1392-1910, nhiều cặp vợ chồng cũng có thói quen ghi lại những món quà người khác tặng trong đám cưới để đáp trả lại sau này.
Khi Hàn Quốc phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành cường quốc kinh tế như hiện nay, việc trao tiền trong đám cưới không chỉ là sự có qua có lại giữa chủ và khách như trước mà còn chứa đựng cả hàm ý mang tính vật chất.
Mừng cưới bằng tiền là hình ảnh thường gặp trong các đám cưới ở Hàn Quốc. Ảnh: Kang Jung Hyun/Korea JoongAng Daily.
Go chia sẻ: “Nếu bạn gửi thiệp cưới cho một người đã lâu không liên lạc, đó có thể bị coi như sự xúc phạm. Bởi vì đối với họ, điều này giống như bạn tìm đến chỉ vì tiền mừng”.
Trong khi đám cưới của các nhân vật có tiếng, như đám cưới con trai và con gái cựu Thủ tướng Chung Sye-kyun, thu về khoảng 150 triệu won (115.183 USD) mỗi người, một số người ở độ tuổi 20-30 nói rằng các buổi lễ không phải lúc nào cũng chỉ vì tiền.
Byun, từng tham dự hơn 20 đám cưới, cho biết: “Đây chỉ là một phần bản sắc của người Hàn Quốc, nó xuất hiện trong mọi dịp quan trọng như đám cưới và đám tang kể cả khi mọi người không quá thân thiết. ‘Jeong’ (từ tiếng Hàn mô tả sự tốt bụng và gần gũi) là như vậy đó. Tiền bạc chỉ là một cách để thể hiện sự ủng hộ và quan tâm của bạn”.
Kang, người Mỹ kết hôn tại Seoul vào cuối năm 2020, kể lại rằng số tiền quà cưới đã giúp chi trả toàn bộ chi phí đám cưới, khiến cô cảm thấy được chúc phúc và quan tâm từ gia đình cùng những người bạn cô có được ở Hàn Quốc.
Những đám cưới chung kịch bản
Có 3 đặc điểm xuất hiện trong hầu hết đám cưới ở Hàn Quốc được chỉ ra bởi những người tổ chức đám cưới: thường tổ chức ở trung tâm tiệc cưới, mời khoảng 200-300 khách và kéo dài khoảng một tiếng.
Choi Mi-jin, người làm trong ngành tổ chức đám cưới hơn một thập kỷ, cho biết: “Những đặc điểm này có trong 70% đám cưới tôi đã tổ chức”.
Tại một trung tâm, cứ mỗi 1-1,5 tiếng sẽ có một đám cưới được tổ chức và chỉ mất khoảng 10 phút để chuẩn bị giữa các buổi lễ. Lượng khách cũng do trung tâm quy định, một số nơi chỉ cho phép đặt chỗ nếu cam kết chỉ mời tối đa 200-300 khách. Điều này có thể gây căng thẳng cho các cặp đôi vì họ không thể chắc chắn người nhận thiệp có tới hay không. Vì vậy, tình trạng hỗn loạn tại các đám cưới tổ chức sát giờ nhau là điều không hiếm gặp.
Nhiều đám cưới giống hệt nhau được tổ chức liên tục trong một ngày tại cùng địa điểm. Ảnh: The Japan Times.
”Chúng tôi chỉ xem xét những nơi vẫn còn trống lịch đầu tiên trong ngày, vì nếu không, khách trong các buổi lễ diễn ra gần nhau sẽ bị lẫn lộn trong phòng tiệc buffet. Chưa kể đến nguy cơ sẽ bị đuổi ra khỏi sảnh khi hết giờ dù chúng tôi muốn chụp ảnh kỷ niệm với khách mời”, Choi nói.
Nếu muốn được thoải mái hơn, các cặp đôi sẽ phải chi nhiều hơn để tổ chức tiệc trong các khách sạn. Những hôn lễ trong khách sạn sẽ thường kéo dài trong hai tiếng với chỗ ngồi được bố trí ở hai bên lối đi để khách có thể vừa dùng bữa vừa theo dõi buổi lễ.
Theo Choi, các cặp vợ chồng cần trả ít nhất 5 triệu won (3.839 USD) để thuê một không gian trong khách sạn và khoảng 50.000-120.000 won (38-92 USD)/khách cho các dịch vụ ăn uống của khách sạn. Trong khi đó, tại các trung tâm chuyên tổ chức tiệc cưới, các cặp đôi chỉ phải trả từ 1 triệu won đến 3 triệu won (768-2.304 USD) để đặt chỗ và khoảng 40.000-50.000 won (30-38 USD)/khách cho dịch vụ ăn uống.
“Mọi người thường nghĩ đám cưới nhỏ sẽ ít tốn kém hơn, nhưng không phải vậy. Với trung tâm tiệc cưới, chi phí cho một gói bao gồm cả ăn uống, trang trí và địa điểm, sẽ được chia cho các cặp đôi kết hôn cùng ngày, do vậy sẽ giảm bớt được số tiền phải trả”, Jeon, chuyên gia tổ chức đám cưới tại Seoul, chia sẻ.
Còn nếu thuê một địa điểm nhỏ hơn, các cặp đôi sẽ phải tự lên kế hoạch và đặt dịch vụ, chỉ riêng chi phí hoa tươi trang trí đã lên tới khoảng 5,5 triệu won (4.223 USD).
Đám cưới không có đăng ký kết hôn
Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ Hàn Quốc trì hoãn việc đăng ký kết hôn, thậm chí một số người còn làm việc này cùng với lúc đăng ký khai sinh cho con.
Lee Bit-na (30 tuổi) sống ở Suwon, Gyeonggi, cho hay: “Chúng tôi đăng ký kết hôn hai tháng sau đám cưới. Chỉ là vài thủ tục giấy tờ và không yêu cầu phải có cả hai người. Tôi đã thực hiện nó một mình vào sáng sớm và sau đó đi làm”.
Tuy nhiên gần đây, việc đăng ký kết hôn còn phụ thuộc vào chiến lược về nhà ở. Người Hàn Quốc thích mua những căn hộ bằng cách đăng ký giữ chỗ trước khi chúng được xây dựng bởi giá trị của căn hộ sẽ tăng theo thời gian. Nhưng việc đăng ký lại phụ thuộc vào “điểm số” của người mua, được chấm dựa trên nhiều tiêu chí. Những năm gần đây, người độc thân lại được ưu tiên nhiều điểm hơn.
Dù cũng có những lợi ích cho các cặp đôi mới cưới, nhưng một số cặp vẫn quyết định độc thân trên giấy tờ dù đã tổ chức hôn lễ vì tin rằng người độc thân sẽ nhận được mức thỏa thuận tốt hơn.
Không rõ chính xác có bao nhiêu cặp vợ chồng trì hoãn việc đăng ký kết hôn vì điều này, nhưng đây được coi là nhân tố khiến số lượng đăng ký kết hôn giảm. Theo Thống kê Hàn Quốc, số lượng cuộc hôn nhân mới đăng ký đã giảm từ 239.000 vào năm 2019 xuống còn 193.000 vào năm 2021.
Đám cưới không theo khuôn mẫu
Các chuyên gia cho biết một phần do tác động từ đại dịch, ngày càng có nhiều đám cưới độc lạ.
“Những hạn chế do đại dịch như giới hạn số lượng khách dự dưới 50 hoặc dưới 100, buộc mọi người phải tổ chức những đám cưới nhỏ hơn và một đám cưới truyền thống không còn phù hợp. Kết quả là các đám cưới sẽ ngày càng khác đi. Sẽ có những buổi lễ xa hoa hơn, nhưng cũng có thể nhiều người sẽ lược bỏ nó”, theo ông Jung Heok-mok, giáo sư nhân chủng học tại Học viện Hàn Quốc học.
Sau đại dịch, cách tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: Rappler.
Trong những năm gần đây, một số người nổi tiếng như nam diễn viên So Ji-sub, Lee Ha-nee và rapper Gary đã hoàn toàn bỏ qua lễ cưới. Một số ngôi sao khác quyết định quyên góp quà cưới cho các hoạt động xã hội.
Vào tháng 3, hai diễn viên Hyun Bin và Son Ye Jin, tổ chức lễ kết hôn tại Grand Walkerhill ở phía đông Seoul, ước tính chi hơn 100 triệu won (76.789 USD) cho ngày trọng đại.
Một số cặp đôi không cùng quốc tịch lại nghĩ tới việc kết hợp thêm các yếu tố khác vào đám cưới truyền thống của xứ kim chi.
Một người Lavita đã kết hôn với một người Hàn Quốc cho biết cô sẽ không tổ chức một đám cưới theo tiêu chuẩn Hàn Quốc.
“Ở Latvia, đám cưới truyền thống diễn ra trong hai đến ba ngày. Tôi có thể rút gọn trong một ngày nhưng ở Hàn Quốc, đám cưới tôi từng dự chỉ kéo dài khoảng một hoặc hai giờ lại làm tôi cảm thấy rất thiếu tự nhiên”, cô chia sẻ.
Andrea, người Mỹ đã đính hôn với một người Hàn Quốc, cho biết: “Chúng tôi muốn có một hôn lễ nhỏ và riêng tư, nhưng gia đình vị hôn phu của tôi có vẻ nhiều bạn bè, anh ấy cũng là con cả nên tôi nghĩ điều đó có thể phụ thuộc một phần vào mong muốn của họ”.