Giao lưu văn hóa Ấn Độ – Hy Lạp thời cổ đại
Abstract
Ấn Độ và Hy Lạp là hai nền văn hóa lớn của nhân loại. Giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Hy Lạp đã diễn ra trong khoảng mười thế kỷ được chia làm hai giai đoạn: tiền và hậu cuộc chinh phạt phương Đông của Alexander Đại đế. Đặc biệt, từ sau cuộc Đông chinh, mối quan hệ giao lưu giữa hai nền văn hóa này trở nên sôi động và mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đó do bối cảnh lịch sử và sự phát triển của xã hội, văn hóa lúc bấy giờ. Nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng thúc đẩy phát triển thương mại Đông-Tây qua con đường Tơ lụa. Sự phát triển xã hội làm nảy sinh những tư tưởng mới và con người tìm kiếm những giá trị mới để giải quyết các vấn đề xã hội phát triển đặt ra. Công cuộc hoằng dương Phật pháp của vua Ashoka đến các nước phương Tây như Địa Trung Hải và Hy Lạp góp phần giúp Hy Lạp tiếp xúc với Ấn Độ. Ngoài ra, việc người Hy Lạp sinh sống ở phương Đông, Viễn Đông, Đại Hạ (Bactria), Trung Á và Ấn Độ cũng giúp giao lưu văn hóa Đông-Tây được diễn ra. Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Hy Lạp vào thời cổ đại đã tạo ra những thành tố văn hóa mới và để lại cho thế giới nhiều di sản tinh thần giá trị vẫn còn ứng dụng trong thực tiễn ngày nay. Các giá trị đó gồm tư tưởng, triết học, tôn giáo, thiên văn và mỹ thuật. Đề tài Luận án được tiếp cận theo hướng liên ngành, phân tích và lý giải những yếu tố văn hóa tương đồng giữa Ấn Độ và Hy Lạp thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, triết học, thiên văn và toán học. Văn hóa tương đồng giữa Ấn Độ và Hy Lạp là do tiếp xúc trực tiếp giữa Ấn Độ và Hy Lạp thời đại và tính chất giao lưu giữa hai nền văn hóa là tự nguyện, không bắt buộc, không đồng hóa. Kết quả của sự giao lưu đó là cả hai nền văn hóa được làm giàu thêm, phong phú thêm và bổ sung những hạn mục còn thiếu của mỗi nền
văn hóa.