Khói trời lộng lẫy

Nhận xét chung:
So với các tập truyện trước của cùng tác giả Nguyễn Ngọc Tư thì những truyện ngắn này cho thấy sự phát triển, trưởng thành trong tư duy, cách xây dựng truyện, nhân vật và văn phong.

Nhà văn mô tả cuộc sống và con người ở quê chân thực, gần gũi hơn, ít mang hơi hướng của trào lưu “ca ngợi bần cố nông” như trước. Chị Tư nhìn nhận cái tốt cái xấu của làng quê, người quê một cách đầy cảm thông và yêu mến. Câu văn tuy ngắn như dùng từ rất gợi hình gợi cảm, đặc biệt lồng vào rất nhiều từ

Nhận xét chung:
So với các tập truyện trước của cùng tác giả Nguyễn Ngọc Tư thì những truyện ngắn này cho thấy sự phát triển, trưởng thành trong tư duy, cách xây dựng truyện, nhân vật và văn phong.

Nhà văn mô tả cuộc sống và con người ở quê chân thực, gần gũi hơn, ít mang hơi hướng của trào lưu “ca ngợi bần cố nông” như trước. Chị Tư nhìn nhận cái tốt cái xấu của làng quê, người quê một cách đầy cảm thông và yêu mến. Câu văn tuy ngắn như dùng từ rất gợi hình gợi cảm, đặc biệt lồng vào rất nhiều từ địa phương tạo cảm giác gần gũi. Giọng văn tự nhiên, trầm bổng như thơ, rất điêu luyện. So với các tác phẩm trước thì nhà văn ít bị lỗi điệp từ (dùng một vài từ quá nhiều lần).

Về xây dựng cốt truyện: Đa phần các câu chuyện đều nhẹ nhàng, tuy nhiên vài chỗ quá lâm li bi đát một cách không cần thiết. Diễn biến câu chuyện khá nhanh, nếu nhà văn chịu viết dài hơn một tí thì có vẻ tự nhiên hơn. Một số truyện có tình tiết hoặc nhân vật hơi gượng ép, cầu kỳ.

Các nhân vật phụ trong truyện đều mang đậm chất quê, trừ nhân vật chính ra. Không biết nhà văn có bị lậm các tác phẩm kinh điển của Tây phương quá không, nhưng nhân vật chính ở hầu hết các truyện đều không mang dáng dấp một người nhà quê, ngược lại có những suy nghĩ và hành động rất phóng khoáng, lãng mạn, quý phái, như một công chúa tóc vàng hơn là một con bé đen đủi quê mùa.

Nhận xét riêng cho vài truyện ngắn trong tuyển tập:
Thềm nắng sau lưng: Rất ấn tượng vì một nữ nhà văn có thể thấu hiểu và diễn tả được nội tâm của những gã (mang dòng máu) giang hồ. Truyện tuy nhẹ nhàng nhưng chứa đựng một sự cảm thông hết sức sâu sắc.

Có con thuyền đã buông bờ: Câu chuyện tự nhiên, dễ thương, có phần lậm bài hát “Đôi mắt người xưa” thì phải. Nhân vật chính hiện ra rất thực và rất đẹp.

Rượu trắng: Ý tưởng viết về rượu và những người đàn bà nấu rượu rất hay, lột tả được hai mặt của con người, của cuộc sống.

Nước như nước mắt: Câu chuyện có lẽ hay, nếu không vì cái kết quá lãng nhách, rập khuôn các bi kịch trong các tác phẩm Tây. Nhà văn còn cố tình tỏ ra mập mờ về cái kết để thêm phần ly kỳ. Mặc dù cách kể chuyện rất hay, nhưng diễn biến thì giống kịch bản phim hơn.

Cảm giác trên dây: Dở ẹt! Đề tài người phụ nữ có gia đình êm ấm nhưng bị “say nắng” bởi trai tơ đã xưa như Trái Đất. Nhân vật khá cực đoan, một bên thì toàn vẹn mọi thứ, bên kia là trùm băng đảng có hoàn cảnh gia đình éo le. Kết cục cũng hụt hẫng, không nói lên ý nghĩa gì.

Khói trời lộng lẫy: Truyện dài nhất, bằng 1/3 cả tập truyện, và được chọn làm tiêu đề của cả tập truyện. Khổ nỗi lại lê thê, chắp vá, lan man. Ý tưởng viết về cái đẹp và sự mất mát rất hay, tuy nhiên đề tài này rất trừu tượng và cần sự đầu tư nghiêm túc hơn.
Nhà văn chọn cách kể đan xen các bối cảnh. Cách kể này có hiệu quả khi các tình tiết có sự liên quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên các nội dung trong truyện này rất chắp vá, không gắn kết với nhau. Thí dụ nhân vật Nhứt xuất hiện trong một đoạn, rồi biến mất luôn không để lại tăm hơi gì. Nhân vật Lam cũng thế. Ngay cả ông Sáu Câu, rồi nhân vật xuất hiện nhiều nhất là Anh (người tình của nhân vật chính) đến phần kết cũng không thấy bóng dáng đâu.
Đọc xong không hiểu cốt truyện là gì! Cứ tưởng là câu chuyện tình giữa nhân vật “Tôi” và Anh, đến cuối truyện mới té ngửa hóa ra không phải! Nhân vật chủ chốt là Phiên, ngặt nỗi nó chẳng liên quan gì tới các nhân vật khác cả, và câu chuyện xoay quanh nó rất ngắn.
Nhân vật “Tôi” có tính cách rất khó hiểu: Luôn là một người đầy tâm tư, lại rất hiểu biết về con người, cao ngạo, phán xét mọi thứ như thánh, nhưng lại có những hành động chẳng ra gì, thí dụ nói đùa “Em có thai rồi” xong chia tay. Sau lại bắt cóc em trai mình, đến khi nó hiểu ra sự thật thì “Tôi” chọn giải pháp tự thiêu. Trong khi các nhân vật các đều khá rập khuôn thì nhân vật “Tôi” khác biệt, nổi trội hẳn, có lẽ là hình ảnh tưởng tượng của chính tác giả chăng?
Ngẫm kỹ thì thấy dụng ý của tác giả là liệt kê các mất mát trong cuộc đời của “Tôi”, từ đó dẫn tới vụ tự thiêu. Ý tưởng thì tốt, nhưng cách kết nối sự kiện như thế e là chưa đạt.

…more