Làm đẹp cho đời bằng những hành động thiết thực | Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên điện tử

VNTN – Mỗi người một công việc khác nhau nhưng họ luôn nhiệt huyết, quyết tâm thực hiện trách nhiệm của mình. Họ không phô trương, màu mè mà luôn lặng lẽ hướng đến mục đích để mọi người cùng có cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Ở một khía cạnh nào đó, họ chính là những người yêu nước thiết thực nhất.

Nghị lực vươn lên, dâng quả ngọt cho đời
Anh Dương Văn Bình (1976, phường Bách Quang, thành phố Sông Công), Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Sông Công có dáng người nhỏ bé, bị dị tật lưng gù và 2 bàn chân bị quẹo hẳn lại phía sau, đi lại cực kỳ khó khăn, nhưng sự nhanh nhẹn thì không hề thua kém người bình thường. Nghe anh kể chuyện, mới biết rằng ẩn sau con người nhỏ bé đó là cả một quá trình vươn lên, một nghị lực phi thường, thật khiến người ta nể phục.
Cha của anh Bình là ông Dương Quốc Ngự trước đây từng tham gia chiến trường C, chiến đấu bên nước bạn Lào và bị nhiễm chất độc màu da cam. Cả 3 người con của ông đều bị hứng chịu di chứng, trong đó anh Bình là con cả bị nặng nhất.

Anh Dương Văn Bình (phường Bách Quang, thành phố Sông Công) đang sửa đồ điện cho khách.

Thương con lắm nhưng cả hai vợ chồng đều phải đi làm xa nên không thể đưa con đi học. Họ chỉ biết động viên, truyền cho con ý chí cố gắng vượt lên số phận. Những ngày học cấp 1, thỉnh thoảng có người đưa đi còn lại hầu như anh Bình đều phải tự mình bò, lết đến trường. Chân cọ xát xuống mặt đường, lắm lúc đau quá thì dùng giẻ quấn quanh chân nhưng bất tiện vô cùng. Cứ vài năm lết như vậy, 2 má bàn chân trầy xước, bưng ra máu rồi trở thành những vết chai. Lớn hơn một chút, anh có thể bước đi tập tễnh song không thể đi dép hoặc giầy. Nhiều khi, để không bị gai đâm vào chân, anh phải cầm theo một cây gậy để gạt gai tre trên đường.
Anh Bình ngậm ngùi chia sẻ: Không ít người tỏ thái độ chế giễu, mỉa mai khiến tôi cũng chạnh lòng. Lắm lúc chỉ muốn ở một mình, không muốn thò mặt ra đường. Nhưng nghĩ lại vẫn còn có bố mẹ, các em cũng bị bệnh, và còn đó những người thậm chí không có tay, chân vẫn sống tốt thì không có lý gì mình gục ngã.
Năm 2009, khi đang học cấp 3, anh được gia đình đưa đi phẫu thuật chân tại bệnh viện Việt Đức. Quá trình này mất đến 3 năm với nhiều đau đớn vì phải nắn xương, cắt gân… Những vết thương này đến nay khi trái gió trở trời vẫn thường xuyên bị đau nhức. Chân anh tuy vẫn bị quẹo lại nhưng được cải thiện hơn đôi chút. Lúc này anh có thể đi giầy dép và đạp xe đến trường bằng cách buộc chặt chân mình vào bàn đạp. Nỗ lực như vậy nên anh học hành không thua kém bạn bè cùng trang lứa.
Học xong phổ thông, anh đi học nghề ở Sơn Tây (Hà Nội). Thiệt thòi về ngoại hình, di chuyển nhưng bù lại anh lại có được một đôi tay khéo léo. Từ năm 2000, anh đã “kiếm cơm” được bằng cách đi làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa đồ điện ở Thủ đô. Hai năm sau, khi có chút vốn, anh vay mượn thêm tiền rồi về quê nhà mua đất ở và xây dựng cửa hàng để sửa chữa đồ điện dân dụng. Anh còn nhiệt tình dạy nghề sửa chữa điện tử cho một số người khuyết tật khác. Không ít người khuyết tật đã tìm đến anh học nghề và sau này có thể tự kiếm sống. Sau đó anh còn mở xưởng may tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, và mở cả trang trại chăn nuôi lợn. Hiện nay, anh đang tập trung vào cửa hàng điện tử kết hợp với buôn bán chăn ga gối đệm. Dù đi lại còn hạn chế nhưng anh Bình vẫn trực tiếp mang hàng đi giao khi khách có nhu cầu.
Đề cập đến chuyện tình cảm, anh Bình khẽ cười giản dị: “Dù khuyết tật nhưng là con trai cả nên tôi cũng cố gắng tìm hiểu một vài mối. Có điều đều thất bại do gia đình bên gái đều “e dè” trước hình dáng cơ thể mình”… Ngày ngày chăm chỉ lao động, cuối cùng đến năm 2006, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh. Được người mai mối, anh đã gặp chị Tạ Thị Thu Hà (quê ở thị xã Phổ Yên), một người phụ nữ khỏe mạnh, đảm đang, lúc đó đang là công nhân may. Đến với nhau bằng sự chân thành nên 6 tháng sau, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Mặc dù cũng có người trong gia đình phản đối, nhưng chị Hà vẫn quyết tâm đến với anh Bình. Nay anh chị đã có ba đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Anh Bình xúc động nói: Tôi rất hạnh phúc vì có một gia đình êm ấm, người vợ yêu thương, luôn chia sẻ và động viên để tôi thêm vững vàng trong cuộc sống.

Anh Đoàn Văn Viên trao đổi với bà con Tức Tranh về kỹ thuật thu hái chè .

Nói về việc thành lập Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công (nay là thành phố), anh Bình kể: Thời gian tham gia sinh hoạt ở Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên và Hà Nội, tôi đã nung nấu ý định vận động thành lập tổ chức Hội để những người kém may mắn như tôi cùng sinh hoạt, động viên, giúp đỡ nhau. Gặp gỡ hai vợ chồng ông Phạm Minh Hùng và bà Nguyễn Thị Yên (đều là người khuyết tật), tôi đã bàn bạc và được ông bà đồng tình. Để hiểu thêm về hoàn cảnh những người khuyết tật của địa phương, chúng tôi dành nhiều thời gian đến thăm, trò chuyện với họ. Đồng thời nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn thành lập Hội rồi đi đến các cơ quan chức năng trong thị xã, trong tỉnh để trình. Cuối cùng đến năm 2011, Ban Chấp hành lâm thời Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công đã được thành lập với 13 người. Đến tháng 12/2012, Hội đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ đầu tiên (2012 – 2015) thu hút gần 70 hội viên tham gia. Anh Bình được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, bà Yên được bầu làm Phó Chủ tịch. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, ông bà Hùng – Yên đã cho Hội mượn tầng 3 của gia đình mình làm văn phòng.
Đã từng trải qua quá nhiều cơ cực nên anh Bình hiểu rõ rằng vẫn còn quá nhiều người khuyết tật đang phải sống khó khăn. Ngày ngày, khi công việc và gia đình đã “hòm hòm” anh Dương Văn Bình và bà Nguyễn Thị Yên đều kiên trì “gõ cửa” các nhà hảo tâm để xin tài trợ, giúp đỡ hội viên. “Tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi là được các cấp, ngành quan tâm mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật chúng tôi có thể tự tin hòa nhập cộng đồng và nuôi sống được bản thân. Làm được việc gì giúp đỡ các hội viên, chúng tôi đều cố gắng hết sức”. Anh Bình bộc bạch.

Thấm đượm nghĩa tình đồng đội
Được nghe ông Phùng Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Thái Nguyên kể lại chuyện về những ngày ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), chúng tôi càng thêm thấm thía những nỗi vất vả, sự hy sinh của họ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông Hải tham gia Đội TNXP N97 từ tháng 12/1965 đến 1969. Đơn vị ông đóng tại tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Đội ông toàn là các thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông cho các tuyến đường vận tải vào chiến trường miền Nam và trồng rừng để phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Ngày ấy, sinh hoạt rất thiếu thốn, nơi ở có khi chỉ là lán dựng tạm dưới tán rừng, hoặc tranh thủ tận dụng cơ sở vật chất của các đơn vị khác để lại. Lao động vất vả nhưng trong thời chiến nên bữa ăn không phải lúc nào cũng được đảm bảo, có khi chỉ là cơm độn khoai, độn mì. Vắt rừng, muỗi, sốt rét, tại nạn nghề nghiệp xảy ra như cơm bữa. Ấy vậy mà các ông nào có ngại chi khó khăn. Những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết vẫn cống hiến hết mình, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Có giai đoạn, ông được phân công nhiệm vụ làm tiếp phẩm cho đơn vị. Trang bị chở lương thực là chiếc xe đạp Phượng Hoàng không có phanh, không đèn. Các cửa hàng cách đơn vị đến cả chục cây số, lại chủ yếu mở cửa vào ban đêm để tránh máy bay ném bom. Đường đi xấu vô cùng, trời lại tối nên ông phải đi bằng “tưởng tượng”. Vào một đêm, xe bị chệch bánh văng xuống ta – luy đường. Mặt mày, chân tay xước sát, ông cố lết về đến đơn vị… Rồi ông được cô y tá Phùng Thị Đa tận tình chăm sóc và hai người đã nảy sinh tình cảm từ đây. Ngay sau khi kết thúc đợt TNXP đám cưới của ông Hải và bà Đa cùng một đôi uyên ương khác được tổ chức cưới tập thể ngay tại một lán nhỏ giữa rừng. Tiệc cưới đơn giản chỉ có vài chiếc bánh, kẹo, điếu thuốc nhưng vô cùng ấm cúng.
Năm 2005, ông Hải nghỉ hưu với chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Thái Nguyên về địa phương đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Hoàng Văn Thụ. Đến năm 2016 ông làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP thành phố Thái Nguyên, chịu trách nhiệm về công tác nghĩa tình đồng đội. Ông Hải chia sẻ: Lúc này có nhiều hơn cơ hội gặp lại các đồng đội khi xưa, vui buồn lẫn lộn. Thật buồn khi thấy vẫn còn rất nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, tuổi già sức yếu rồi mà vẫn vất vả”.
Chính điều này đã thôi thúc bản thân ông cần làm thật tốt trách nhiệm của mình trong công tác nghĩa tình đồng đội. Ông nghĩ: nếu chỉ vận động tài trợ, tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm một cách chung chung thì hiệu quả sẽ không cao. Ông quyết định đến từng nhà các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn để chụp ảnh, chú thích cụ thể rồi bỏ tiền túi in thành album để đi vận động tài trợ.
Nhiều đơn vị, nhà hảo tâm thấy những hình ảnh chân thực đó đã rất xúc động, rưng rưng nước mắt và nhiệt tình hỗ trợ cho các cựu TNXP. Nhờ đó ông Hải cùng các đồng đội đã giúp đỡ được thêm nhiều cựu TNXP không may, góp phần động viên họ vươn lên, vững tin trong cuộc sống.
Một vấn đề mà ông Hải luôn trăn trở trong lòng đó là: những cựu TNXP ai nấy cũng đều đã âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân, máu thịt cho đất nước nhưng khi ra đi thì cũng thật lặng lẽ, rất ít người biết đến. Ông đã tham mưu với Thường trực Hội để làm lễ phủ cờ Danh dự của Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tại tang lễ cho các cựu TNXP và rất được đồng tình ủng hộ. Với ông “đây chính là việc cụ thể hóa thiết thực nhất sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng TNXP”.

Ông Phùng Văn Hải, Phó quản trị Hội Cựu TNXP thành phố Thái Nguyên luôn tận tâm với công tác làm việc Hội .

Từ cuối năm 2017, các ông đã cùng nhau xây dựng kịch bản, nội dung lễ phủ cờ, tập huấn thực hiện để áp dụng và mang lại những hiệu ứng tích cực. Đến năm 2018, nhận thấy các cựu TNXP đều đã tuổi già, sức khỏe hạn chế nên việc thực hiện nghi lễ phủ cờ rồi túc trực bên linh cữu sẽ vất vả nên ông lại tham mưu cho Thường trực Hội soạn thảo văn bản, rồi sau đó là quy chế phân công nhiệm vụ phối hợp với Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng nhau thực hiện nghi thức phủ cờ. Các đơn vị khác đều nhiệt tình tham gia phối hợp. Nghi lễ này đã được Hội Cựu TNXP tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh và Tỉnh Đoàn ủng hộ, áp dụng trong toàn tỉnh. Một số tỉnh bạn cũng đã đến để tham khảo, học tập cách làm.

Ông Lê Huy Lanh, quản trị Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết : “ Ông Hải luôn nhiệt huyết so với những hoạt động giải trí của Hội, đặc biệt quan trọng là công tác làm việc nghĩa tình đồng đội. Sáng kiến thực thi nghi lễ phủ cờ cho cựu TNXP khi mất của ông đã được Đảng ủy, chính quyền sở tại những cấp nhìn nhận cao, sự ghi nhận của nhân dân, tri ân thâm thúy đến những cựu TNXP không may phải ra đi, đồng thời góp thêm phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử lịch sử dân tộc, yêu nước cho thế hệ trẻ ” .

Anh “nông dân” tiên phong
Từ nhiều năm qua, Xã Tức Tranh (huyện Phú Lương) có trên 2.550 ha chè. Cây chè trở thành cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của xã. Đạt được điều này, có phần đóng góp không nhỏ của anh Đoàn Văn Viên (1978), Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Tức Tranh.
Gặp anh Viên, anh tươi cười bảo: “Tôi là một nông dân chính hiệu đó”. Nói chuyện về cây chè, anh Viên nói với sự say sưa. Với anh chè chính là đam mê, là nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh kể từ khi chuyển từ Hà Nội lên đây lập nghiệp (năm 1980).
Sau khi học chuyên nghiệp xong, anh Viên về xã tham gia công tác của Hội Nông dân xã từ năm 2007. Đến năm 2015, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Hội làm vườn xã Tức Tranh. Đi đến nhiều vùng trồng chè lớn trong tỉnh, anh Viên nhận thấy rằng tuy diện tích trồng chè trong xã lớn nhưng giá cả, chất lượng đôi khi vẫn còn bị “lép vế”. Người nông dân vẫn ngày ngày một nắng hai sương nhưng thành quả thu lại chưa thật sự xứng đáng. Một phần là do cây giống chưa đạt chất lượng cao và đặc biệt là việc áp dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa phổ biến.
Thông qua mạng Internet và các lớp tập huấn ở huyện, tỉnh, anh Viên đã chủ động tìm hiểu, cập nhật các giống chè mới năng suất, chất lượng và các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào việc trồng, chăm sóc, chế biến, sau đó phổ biến cho bà con nông dân. Hàng năm, anh đều tổ chức ít nhất từ 3 – 4 lớp sơ cấp nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên Hội Làm vườn.
Bản thân anh tích cực chuyển đổi sang trồng các giống chè mới như TRI 777, LDP 1… và sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ như máy phát cỏ, máy tưới nước tự động mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay nhà anh có tổng diện tích chè 7.000m2, cho hơn 2 tấn chè khô mỗi năm, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Năm 2017, anh tự tìm hiểu và đăng ký thành công mẫu mã, bao bì riêng cho nhãn hiệu chè của Xã. Hễ có chương trình Hội chợ, Triển lãm Nông sản ở đâu đó là anh lại mang sản phẩm trà của xã mình đến để chào mời, quảng bá. Anh cũng đang trăn trở với việc đăng ký thương hiệu và chuyển mạnh sang làm chè hữu cơ để chè Tức Tranh bay cao, xa hơn ra thị trường trong nước, quốc tế.
Nhớ lại những ngày kỷ niệm làm công tác ở Hội Làm vườn anh Viên vui vẻ chia sẻ: Có những xóm ở sâu, ngày mưa gió xe máy không thể vào được anh dựng xe bên đường cuốc bộ vào, về đến nhà thì lấm lem bùn đất. Nhiều lần phải đi vào buổi tối bởi ban ngày họ đi lên đồi, khó tìm. Lại có những hộ người dân tộc đến vận động là nhất quyết cứ phải trăm phần trăm vài quai rượu đã rồi mới bắt đầu câu chuyện… Nhưng mỗi lần quay lại thấy họ áp dụng giống mới, áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến mình lại thấy ấm lòng lắm!
Anh Bình, ông Hải, anh Viên là những tấm gương đại diện cho 44 cá nhân được biểu dương tại Hội nghị Gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020 của Khối thi đua Các hội Xã hội – Nghề nghiệp tỉnh. Họ đã làm đẹp cho đời bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực để thấy rằng cuộc sống này luôn tươi đẹp biết bao.

Anh Thắng