Lễ ăn hỏi là gì? Cách tổ chức lễ ăn hỏi – webdamcuoi
Tổ chức lễ ăn hỏi là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng không
thể thiếu trong đám cưới của người Việt Nam. Đây là nghi lễ thể hiện sự đồng ý
của gia đình hai bên đối với hôn nhân của hai bạn trẻ.
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi (ở nhiều nơi họ còn gọi lễ ăn hỏi với những cái
tên khác như là lễ đính hôn hay đám hỏi) là một trong những nghi lễ truyền thống
quan trọng nhất được tổ chức trước lễ cưới của người Việt Nam. Giống như tên gọi
của nghi lễ, nội dung chủ yếu của buổi lễ này là nhà trai xin phép được hỏi cưới
người con gái của nhà gái cho con trai của mình. Để tỏ rõ thành ý của mình, nhà
trai sẽ mang theo rất nhiều sính lễ sang tặng cho nhà gái. Các sính lễ này được
xem như là sính lễ hỏi cưới. Nếu nhà gái đồng ý với lời hỏi cưới thì họ sẽ nhận
sính lễ và gia đình hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc tổ chức lễ cưới cho 2 cháu
trong nhà.
Ý nghĩa của việc tổ chức lễ ăn hỏi
Về mặt ý nghĩa, lễ hỏi được xem như một nghi lễ thể hiện sự
đồng ý của hai bên gia đình đối với hôn sự của hai bạn trẻ. Trong lễ ăn hỏi,
các sính lễ cưới của nhà trai mang sang sẽ được nhà gái lấy ra một ít để dâng
lên bàn thờ tổ tiên. Nó giống như một lời báo cáo với tổ tiên của bên nhà gái
là họ đã chọn được rể hiền cho con gái của mình.
Ngoài ra, lễ ăn hỏi cũng là dịp để chú rể nói chung, nhà
trai nói riêng thể hiện thành ý và lòng biết ơn của mình đối với nhà gái đã có
công sinh thành và dưỡng dục cô dâu.
Tổ chức lễ ăn hỏi có cần xem ngày giờ?
Có 2 trường hợp tổ chức lễ ăn hỏi đó là :
– Tổ chức trước
ngày cưới một thời gian. Nếu lễ hỏi tổ chức trước lễ cưới một thời gian thì hai
bên nhà trai và nhà gái chỉ cần thống nhất được 1 ngày thuận tiện cho cả 2 bên
để tổ chức lễ ăn hỏi là được. Không cần thiết phải kiếm thầy phong thủy xem
ngày hợp tuổi với cô dâu và chú rể. Vì đây chỉ là lễ hỏi chứ không phải là lễ
cưới
– Tổ chức chung
với ngày cưới. Trong trường hợp lễ hỏi và lễ cưới tổ chức chung 1 ngày thì khi
xem ngày để làm đám cưới thì ngày đó cũng chính là ngày tổ chức đám hỏi luôn rồi.
Các thành phần tham dự lễ ăn hỏi
Thành phần tham dự lễ ăn hỏi của nhà trai
Thành phần tham dự lễ ăn hỏi của nhà trai thường gồm có: chú
rể, cha mẹ và ông bà của chú rể, anh chị em của chú rể, họ hàng chú rể.
Ngoài ra còn có một đội nam thanh niên bưng mâm quả hay còn
gọi là dàn bê tráp. Đội này sẽ phụ trách bưng lễ vật của nhà trai sang bên nhà
gái. Số người bê tráp thường là số lẻ 5, 7 hoặc 9 người.
Thành phần tham dự lễ ăn hỏi của nhà gái
Đối với bên nhà gái thường gồm có: cô dâu, cha mẹ và ông bà của cô dâu, anh chị em của cô dâu, họ hàng bà con của cô dâu.
Cũng giống như về phía nhà trai, bên nhà gái cũng có một đội
nữ nhận mâm quả do bên đàn trai trao. Số lượng người của đội nữ tương đương với
số lượng bưng mâm quả của bên nhà trai.
Sính lễ trong lễ ăn hỏi
Tổ chức lễ ăn hỏi, những lễ vật tối thiếu theo truyền thống cổ truyền từ thời xưa thường bao gồm những lễ vật sau đây:
– Trầu cau
– Cặp nhẫn cưới bằng vàng
– Bánh cưới truyền thống của địa phương. Tùy thuộc vào mỗi vùng miền mà người ta dùng các loại bánh khác nhau như là bánh cốm, bánh xu xê, bánh pía, bánh kem, bánh lột da …
– Hạt sen. Có nơi dùng hạt sen tươi, cũng có chỗ dùng hạt sen khô
– Rượu và trà
– Bao lì xì tiền nạp tài.
Ngoài ra, tùy theo tình hình kinh tế cũng như sự yêu cầu từ phía nhà gái mà lễ vật của lễ ăn hỏi còn có thêm nhưng thứ sau đây: heo quay, gà quay, gà luộc, xôi gấc, trái cây ngũ quả, trang sức cho cô dâu ….
Lễ vật cưới trong lễ ăn hỏi
Trước đây theo truyền thống thì tất cả các sính lễ cưới được đặt vào các mâm tráp được sơn son thếp vàng. Bên ngoài phủ còn phủ thêm một tấm vải đỏ có thêu rồng phượng hoặc chữ Song Hỷ, viền khăn màu vàng. Ngày nay, người ta có xu hướng sử dụng các mâm tráp với kiểu dáng và màu sắc đa dạng hơn chứ không đơn thuần là màu đỏ nữa. Các bạn trẻ có thể chọn loại mâm tráp có màu hồng, màu kem, màu trắng, màu vàng … thậm chí màu ánh bạc cũng rất được ưa chuộng. Khăn phủ mâm tráp thì ngoài loại khăn truyền thống thì người ta còn sử dụng các loại khăn làm từ vải voan, vải ren cao cấp để hợp với màu sắc loại tráp mà họ đã chọn.
Ý nghĩa của sính lễ trong lễ ăn hỏi
Các loại sính lễ cưới mà nhà trai mang sang tặng cho nhà gái chính là thể hiện lòng biết ơn của phía nhà trai đối với nhà gái đã có công sinh ra và dưỡng dục cô dâu. Mặt khác, sính lễ trong lễ hỏi cũng là một trong những thứ mà nhà trai mang sang để thuyết phục nhà gái chấp nhận, đồng ý để đôi trai gái đến với nhau và tiến đến lễ cưới.
Nếu nhà gái đồng ý nhận sính lễ thì xem như đồng ý với lời đề nghị hỏi cưới của nhà trai. Hai nhà sẽ bàn đế sính lễ, chọn ngày cưới, số lượng khách mời và số bàn tiệc cần phải đặt cho tiệc cưới của hai bạn trẻ.
Những thứ nhà trai cần chuẩn bị khi tổ chức lễ ăn hỏi
Những thứ nhà trai cần chuẩn bị cho lễ hỏi chủ yếu là các loại
sính lễ. Do đó, trước lễ hỏi, nhà trai cần phải lên danh sách sính lễ mà nhà
gái yêu cầu, mua đủ số lượng và chủng loại. Các sính lễ này sẽ được đặt vào các
tráp nên cũng phải tìm dịch vụ cho thuê tráp để đựng đủ các sính lễ này.
Ngoài ra, khi mang sính lễ sang nhà gái, cần phải có một đội bê tráp để mang sính lễ này trao cho nhà gái. Nếu có người thân, bạn bè thì có thể nhờ họ bê, nếu không đủ người thì phải tính đến phương án thuê các dịch vụ bê tráp.
Thuê dịch vụ bê tráp đám cưới
Trong trường hợp là người thân và bạn bè bê tráp thì chuẩn bị
trang phục giống nhau cho họ. Trường hợp tiết kiệm nhất đối với khoản trang phục
cho đội bê tráp chính là yêu cầu mọi người mặc áo sơ mi trắng và quần tây đen.
Đây là trang phục hầu như ai cũng có nên dễ dàng cho mọi người. Còn nếu chọn
trang phục áo dài cho đội bê tráp thì chắc chắn bạn sẽ phải thuê chúng vì ít có
bạn nam nào có áo dài lắm. Nếu có thì cũng khác nhau hoàn toàn về màu sắc lẫn
kiểu dáng.
Về phần sính lễ, tùy theo phong tục mỗi vùng miền và yêu cầu
của phía nhà gái mà có những kiểu sính lễ cưới rất khác nhau. Chúng ta sẽ nói đến
sự khác nhau về sính lễ của mỗi vùng miền ở phần sau bài viết này. Mặc dù có sự
khác nhau nhưng chung quy thì những sính lễ sau đây là không thể thiếu ở bất kỳ
vùng miền nào: trầu cau, rượu trà, bánh trái.
Những thứ nhà gái cần chuẩn bị khi tổ chức lễ ăn hỏi
Khác với nhà trai là khách sẽ đến, nhà gái sẽ đóng vai trò
là chủ nhà. Với vai trò chủ nhà của mình, nhà gái sẽ phải chuẩn bị những thứ để
đón tiếp khách. Việc chuẩn bị chu đáo để đón tiếp nhà trai không những thể hiện
sự hiếu khách của bên nhà gái mà nó còn thể hiện sự tôn trọng đối với nhà trai
nữa.
Việc không thể không làm khi chuẩn bị cho lễ ăn hỏi chính là dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, có thể trang trí thêm trên trần hoặc tường các hoa văn hoặc giấy cho ngày cưới cho nhà thêm đẹp hơn.
Việc tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là lau quét bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị sẵn nhan đèn. Khi cử hành lễ hỏi xong thì cô dâu chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Chuẩn bị sẵn sẽ giúp nghi lễ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
trang trí bàn thờ gia tiên
Bàn ghế đón khách cũng phải được chuẩn bị trước, bàn nên phủ
khăn bàn cho lịch sự. Nếu không có sẵn bàn ghế có thể đi thuê ở những dịch vụ
chuyên cho thuê bàn ghế. Trà, bánh kẹo, trái cây nên được mua trước và chuẩn bị
đầy đủ trên bàn để tiếp đãi nhà trai. Có thể bày thêm lọ hoa tươi, để tạo thêm
điểm nhấn trên bàn.
Nếu chu đáo hơn, thậm chí nhà gái nên lesắp xếp nơi đậu xe cho nhà trai sao cho thuận tiện với việc đi lại, di chuẩn của họ.
Đối với những lễ hỏi
được tổ chức trước ngày cưới một thời gian, thì sau khi kết thúc, theo phong tục
nhà gái sẽ mời tất cả các thành viên của bên nhà trai đến tham dự buổi lễ dự buổi
tiệc trà hoặc buổi cơm thân mật. Bữa tiệc này đánh dấu bước đầu tạo mối quan hệ
giữa 2 bên. Do đó, nhà gái cũng nên chuẩn bị sẵn. Nhà gái có thể đặt người nấu
tại nhà và đãi tiệc tại nhà hoặc cũng có thể đặt sẵn một nhà hàng nào gần nhà.
Ngay sau khi buổi lễ hoàn tất, cả 2 nhà sẽ cùng đến và dùng bữa tại nhà hàng mà
nhà gái đã đặt sẵn.
Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi theo phong tục truyền thống của người Việt
Mỗi một vùng miền có một cách tổ chức lễ ăn hỏi theo phong tục
tập quán của địa phương mình. Mặc dù vậy, nhìn chung về trình tự tổ chức lễ ăn
hỏi cũng theo những trình tự như sau:
Nhà trai chuẩn bị sính lễ và sang nhà gái
Trước khi nhà trai sang nhà gái để làm lễ ăn hỏi, họ phải
chuẩn bị đầy đủ về chủng loại cũng như số lượng sính lễ mà nhà gái yêu cầu. Thêm
vào đó, họ còn phải thuê mâm quả, tráp cưới để chứa các sính lễ trên.
Cả hai nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị và sắp xếp nam
thanh nữ tú để thực hiện nghi thức bưng quả, bê nhận tráp trong lễ hỏi
Trao và nhận sính lễ cưới
Các sính lễ của nhà trai sẽ được đội bê tráp nhà trai mang
sang nhà gái. Bên nhà gái cũng phải chuẩn bị sẵn số lượng nữ nhận tráp bằng với
số lượng bê tráp của phía nhà trai.
Lễ trao nhận tráp sính lễ cưới được thực hiện ngay trước cửa của bên nhà gái. Sau khi trao nhận tráp xong, gia đình nhà gái sẽ trao lì xì cho cả đội bê tráp nhà trai và nhà gái để cám ơn họ đã đến tham dự và giúp đỡ mọi người trong lễ ăn hỏi.
Trao nhận tráp trong lễ ăn hỏi
Các tráp sính lễ cưới sẽ được nhà gái mang vào bên trong và
đặt trang trọng trên 1 bàn được chuẩn bị sẵn chuyên để đặt các sính lễ cưới.
Phát biểu trong lễ ăn hỏi
Có thể nói phát biểu là phần quan trọng trong lễ ăn hỏi. Nhà trai sẽ chọn ra một đại diện có tài ăn nói để đứng ra phát biểu. Nội dung của phần phát biểu của nhà trai bao gồm giới thiệu thành phần tham dự bên nhà trai, lý do đến thăm nhà gái hôm nay, giới thiệu sính lễ mang sang và cuối cùng là lời kết xin phép nhà gái nhận sính lễ và đồng ý với cho phép tổ chức hôn lễ cho 2 cháu.
Nhà gái cũng cử ra một đại diện đáp lại lời pháp biểu của
nhà trai chấp nhận sính lễ và đồng ý cho 2 bạn trẻ tiến đến hôn nhân.
Cô dâu ra mắt hai gia đình
Sau lời phát biểu của hai gia đình với sự đồng ý của nhà gái
thì nhà trai chính thức xin phép nhà gái cho cô dâu ra mắt gia đình. Cô dâu bước
ra và cúi đầu chào gia đình hai bên.
Thắp hương bàn thờ gia tiên nhà gái
Sau khi ra mắt, gia đình nhà gái sẽ hướng dẫn cô dâu và chú
rể làm lễ ra mắt gia tiên nhà gái bằng cách thắp hương lên bàn thờ gia tiên đã
được nhà gái chuẩn bị sẵn.
Ý nghĩa của lễ gia tiên chính là thông báo đến tổ tiên nhà gái họ đã chọn được rể hiền cho người con gái trong gia đình. Họ mong tổ tiên chứng giám và phù hộ cho hai cháu có được cuộc sống hạnh phúc sau khi đám cưới
Lễ gia tiên trong đám cưới
Bàn bạc tổ chức đám cưới
Sau khi cô dâu và chú rể hoàn tất việc thắp hương ra mắt gia
tiên của phía nhà gái thì lễ ăn hỏi chính thức kết thúc. Nhà gái và nhà trai sẽ
ngồi lại với nhau trò chuyện cởi mở để bàn về thời gian và cách thức tổ chức lễ
cưới cho đôi bạn trẻ.
Nhà gái lại quả cho nhà trai
Những lễ vật, sính lễ cưới mà nhà trai mang sang nhà gái sẽ
được bên nhà gái lấy ra một ít, để lại vào 1 tráp nhỏ để biếu tặng lại cho nhà
trai. Nghi lễ này gọi là lại quả. Cần phải lưu ý khi tháo các sính lễ cưới và
chia sính lễ để thực hiện lại quả phải thực hiện bằng tay, không được sử dụng
dao kéo. Người ta cho rằng sử dụng dao kéo để cắt sính lễ sẽ mang ý nghĩa không
hay trong hôn nhân. Vì dùng dao kéo sẽ mang ý nghĩa bị chia cắt.
Nhà gái mời đoàn nhà trai dùng bữa cơm thân mật.
Theo truyền thống thì nhà gái sẽ giữ các đại diện nhà trai
tham dự lễ ăn hỏi ở lại sau buổi lễ để dùng một bữa cơm thân mật với bên nhà
gái. Bữa cơm này có thể được tổ chức tại tư gia hoặc có thể đặt tại một nhà
hàng hoặc một quán ăn gần nhà nào đó, miễn sao cho thuận tiện cho cả hai bên là
được.
Trang phục của cô dâu và chú rể trong lễ ăn hỏi
Trang phục của cô dâu khi tổ chức lễ hỏi và lễ cưới chung 1 ngày
Trong trường hợp lễ hỏi tổ chức chung ngày với lễ cưới thì cô dâu, chú rể sẽ mặc trang phục cưới trong lễ ăn hỏi luôn. Vì nếu tổ chức theo cách này, nhà trai sẽ mang sính lễ qua nhà gái vào buổi sáng và tổ chức lễ hỏi, lễ trao nhận tráp luôn. Ngay sau khi lễ hỏi hoàn tất thì sẽ tiến hành các nghi thức của lễ cưới như là lễ gia tiên, đưa dâu, rước dâu … Vì vậy có những kiểu trang phục cô dâu có thể mặc kết hợp cho cả 2 lễ luôn.
Trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam
Từ ngàn năm nay, chiếc áo dài Việt Nam được xem là “Quốc hồn, quốc túy” của dân tộc chúng ta. Nó được xem là biểu tượng của đất nước hình chữ S. Chính vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam được rất nhiều cô dâu chọn khi làm lễ hỏi kết hợp với lễ cưới.
Trang phục áo dài trong lễ ăn hỏi
Chiếc áo dài tôn thêm nét duyên dáng cho cô dâu. Chiếc áo tạo
nên vẻ đẹp giản dị, đơn giản, nó được may ôm sát cơ thể tạo nên những đường
cong duyên dáng những không kém phần kín đáo và gợi cảm.
Những chiếc áo dài được cô dâu chọn trong lễ hỏi, lễ cưới
thường có thêu thêm một số hoa văn và họa tiết để tạo nét riêng dùng cho ngày
cưới.
Trang phục váy cưới
Váy cưới là loại trang phục có nguồn góc từ phương Tây. Qua thời gian nó được biến tấu thành rất nhiều kiểu dáng khác nhau. Có thể thấy phổ biến là các loại váy cưới dạng công chúa, váy cưới chữ A, váy cưới đuôi cá …
Cô dâu mặc váy cưới trong lễ ăn hỏi
Tùy thuộc vào vóc dáng của mình mà các cô dâu có thể chọn
cho mình chiếc váy phù hợp. Một gợi ý là không nên chọn chiếc áo đuôi quá dài
trong lễ hỏi và lễ cưới tại nhà vì nó hơi vướng víu. Nên chọn loại váy xòe
phòng, hay dạng suông sẽ thoải mái hơn.
Trang phục của chú rể khi tổ chức lễ hỏi và lễ cưới chung 1 ngày
Cũng giống như cô dâu, chú rể có 2 lựa chọn đó là trang phục áo dài theo tông màu của chiếc áo dài mà cô dâu đang mặc. Còn nếu cô dâu mặc váy cưới thì chú rể nên chọn cho mình bộ Vest với cà vạt để theo đúng tông mà cô dâu mặc. Có như thế thì cả cô dâu và chú rể mới theo đúng tông với nhau.
Chú rể và cô dâu chọn trang phục áo vest và váy cưới khi lễ hỏi và lể cưới tổ chức chung 1 ngày
Trang phục của cô dâu và chú rể khi tổ chức lễ hỏi trước lễ cưới một thời gian
Nếu lễ hỏi tổ chức trước lễ cưới một thời gian thì trang phục của cô dâu và chú rể cũng khác với trang phục khi tổ chức 2 lễ chung một thời gian. Cụ thể, trong trường hợp này cô dâu có 2 lựa chọn là áo dài truyền thống và đầm công sở hoặc đầm dự tiệc.
Cô dâu chọn đầm công sở mặc trong lễ ăn hỏi
Cô dâu chú rể mặc áo dài trong lễ ăn hỏi
Còn chú rể thì có thể chọn áo dài như cô dâu hoặc mặc quần tây, áo sơ mi cũng rất lịch sự. Nếu muốn lịch lãm hơn, các chàng có thể khoác thêm bên ngoài một chiếc áo Vest màu sậm, bên trong là áo sơ mị màu nhạt.
Sự khác trong tổ chức lễ ăn hỏi của ba miền Bắc – Trung – Nam
Tổ chức lễ ăn hỏi miền Bắc
Nghi lễ ăn hỏi của người miền Bắc cũng khá giống với nghi lễ của người miền Nam khi trải qua các bước như rước mâm quả dẫn lễ; chào hỏi, đón lễ ăn hỏi; mời nước, trò chuyện; đón dâu ra mắt 2 bên gia đình; thắp hương bàn thờ tổ tiên, hai bên gia đình bàn về đám cưới; nghi thức lại quả; mời tiệc họ nhà trai (tùy vùng miền, gia đình).
Các mâm sính lễ cưới của người miền Bắc
Các mâm lễ vật trong đám hỏi của người miền Bắc thường được chọn là số lẻ
3, 5, 7, 9 và số lượng mâm lễ cùng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.
Thông thường, các mâm lễ sẽ gồm:
– Nếu là 3 tráp thì gồm: Trầu cau, chè, mứt hạt sen.
– Nếu là 5 tráp thì gồm: Trầu cau, chè, mứt sen, rượu và thuốc lá, bánh cốm (hoặc bánh phu thê).
– Nếu là 7 tráp thì gồm: Trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, bánh phu thê, bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết hình rồng phượng.
– Nếu là 9 tráp thì gồm: Trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, bánh phu thê, bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết hình rồng phượng, hạt sen, heo quay.
Sính lễ cưới của người miền Bắc
Ngoài các mâm lễ vật thì nhà trai cũng có thể chuẩn bị mâm lễ đen gồm tiền hoặc vàng mà nhà gái thách cưới. Lễ đen không mặc định con số cụ thể là bao nhiêu mà hoàn toàn tùy thuộc vào từng địa phương, từng gia đình.
Tổ chức lễ ăn hỏi miền Trung
Nghi lễ thực hiện đám hỏi của người miền Trung
cũng khá giống với nghi lễ của miền Bắc và miền Nam. Về lễ vật, người miền
Trung thường sẽ chuẩn bị 5 mâm lễ vật cho đám hỏi, số mâm này cũng có thể thay
đổi tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Các mẫm lễ trong đám hỏi của người miền Trung
thường gồm: Trầu cau, mâm trà và rượu, mâm bánh kem, mâm nem chả, mâm ngũ quả.
Ngoài ra, nhà trai cũng sẽ chuẩn bị 1 mâm nhỏ bên trong có tiền mặt gọi là mâm
lễ đen. Với những gia đình khá giả thì còn có thể chuẩn bị thêm 1 mâm đựng đồ
trang sức, áo dài cho cô dâu.
Ngoài ra, bên cạnh lễ đen thì mẹ chú rể có thể
trao cho cô dâu một phong bì tiền mừng để thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mẹ
chồng với nàng dâu mới.
Tổ chức lễ ăn hỏi miền Nam
Nghi thức đám hỏi của người miền Nam
Đám hỏi của người miền Nam sẽ diễn ra với các nghi thức chính như sau:
– Nghi thức rước mâm quả dẫn lễ
– Nghi thức chào hỏi, đón lễ ăn hỏi
– Nghi thức mời nước, trò chuyện
– Nghi thức đón dâu ra mắt 2 bên gia đình
– Nghi thức thắp hương bàn thờ tổ tiên
– Hai bên gia đình bàn về đám cưới
– Nghi thức lại quả
– Mời tiệc họ nhà trai
Mâm quả trong sính lễ cưới trong lễ ăn hỏi của người miền Nam
Mâm quả trong đám hỏi của người miền Nam thường được lựa chọn là số chẵn
4, 6, 8 hoặc 10. Số mâm sẽ tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.
Thông thường, mâm quả trong đám hỏi của người miền Nam sẽ gồm có:
– Mâm trầu cau: Số cau được chuẩn bị trong lễ ăn hỏi của người miền Nam thường là số lẻ, 105 quả, đồng thời mỗi quả cau lại có thêm 2 lá trầu. Con số 105 có ý nghĩa cho sự sinh sôi, nảy nở, thể hiện ước mong về sự bền chặt, hạnh phúc cho các cặp đôi.
– Mâm trà, rượu, nến: Hương vị cay nồng của rượu thể hiện cho mong muốn về cuộc sống mới ấm áp, nồng nàn của đôi vợ chồng trẻ. Đặc biệt, trong đám hỏi của người miền Nam, họ nhà trai còn chuẩn bị 1 cặp nến khắc long phụng để thắp lên ban thờ của nhà gái khi diễn ra lễ ăn hỏi.
– Mâm bánh su sê: Người miền Nam quan niệm bánh su sê còn là cặp bánh âm dương, biểu trưng cho sự hài hòa của trời đất, thể hiện sự gắn bó bền chặt của vợ chồng. Vì thế, bánh su sê là lễ vật không thể nào thiếu trong đám hỏi của người miền Nam.
– Mâm xôi gấc: Xôi gấc thể hiện cho sự ấm no, đủ đầy, màu đỏ của xôi cũng như lời chúc phúc tới các cặp đôi.
– Mâm hoa quả: Người miền Nam thường chọn các loại quả như mãng cầu, đu đủ, xoài, táo và tránh các loại quả như cam, lê, lựu, chuối hay những quả có vị đắng, cay, chát…
– Mâm heo quay: Người miền Nam thường quan niệm đã có vị ngọt ngào của trái cây thì cần phải có vị mặn của thịt nên họ thường chọn heo sữa quay làm mâm quả trong lễ ăn hỏi.
Mâm heo quay Mâm xôi gà
Ngoài ra, các gia đình có điều kiện có thể chuẩn bị thêm nhiều mâm quả
khác nhau, thậm chí có thể chọn áo quần, đồ trang sức cho cô dâu…
Những bài phát biểu mẫu trong lễ ăn hỏi.
Bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của đại diện nhà trai cũng
chính là lời hỏi cưới của nhà trai dành cho bên nhà gái. Chính vì vậy, đại diện
đứng ra phát biểu của bên nhà trai và nội dung trong bài phát biểu là cực kỳ
quan trọng. Có thể nói nó mang tính chất quyết định cho sự thành công cho cả buổi
lễ.
Do vậy, để có được bài phát biểu hay và ý nghĩa thì cả hai đại diện bên nhà trai và bên nhà gái nên soạn trước một bài phát biểu thật chu đáo và đầy đủ thông tin cần thiết. Cũng cần nói thêm, vì tính chất quan trọng của bài phát biểu nên chúng ta cần lựa chọn và giao cho một người thân có tài ăn nói trong gia đình để phụ trách công việc này.
Các nội dung cần có trong bài phát biểu của lễ ăn hỏi
Một bài phát biểu trong lễ ăn hỏi được xem là đầy đủ phải thể
hiện được các nội dung sau đây
– Lời chào đến với
2 gia đình nhà trai và nhà gái.
– Giới thiệu các thành phần đến tham
gia buổi lễ ăn hỏi.
– Lý do có mặt tại đây và tổ chức lễ
hỏi (đối với nhà trai)
– Giới thiệu các sính lễ mang theo để
hỏi cưới (đối với nhà trai)
– Lời kết thông gia (đối với nhà
trai)
– Lời cám ơn
Bài phát biểu mẫu trong lễ ăn hỏi của đại diện nhà trai
“Kính
thưa quan viên hai họ cùng các vị quan khách có mặt ở đây. Trước tiên, tôi xin
gửi lời chào trân trọng nhất của toàn thể nhà trai tới gia đình nhà gái và kính
chúc các ông, các bà bên họ nhà gái sức khỏe dồi dào làm ăn phát đạt, gia đình
hạnh phúc.
Tôi xin phép được giới thiệu thành phần gia
đình họ nhà trai trong lễ hỏi hôm nay bao gồm :
– Tôi là Trần Văn A, chú của cháu Trần Văn B và là đại diện của họ nhà trai.
– Còn đây là bà Phạm Thị Thúy C, là bà ngoại của cháu Nguyễn Văn B,
– Tiếp đến là bố mẹ và cậu mợ của cháu….
Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu lẫn
nhau, tình cảm đã đến hồi chín muồi hai cháu mong muốn được về cùng nhau dưới một
mái nhà, được làm vợ làm chồng của nhau. Thể theo nguyện vọng của hai cháu và sự
cho phép của nhà gái hôm nay đoàn nhà trai chúng tôi đến đây xin được ra mắt với
nhà gái và xin phép họ nhà gái đồng ý cho hai cháu thành hôn.
Đến với lễ hỏi hôm nay, nhà trai chúng tôi
chuẩn bị 5 tráp lễ vật đưa tới nhà gái, mong nhà gái chấp thuận để hai cháu nên
vợ nên chồng. Tôi xin được mời mẹ của cháu Nguyễn Văn A và mẹ cháu Phạm Thị
K cùng nhau mở tất cả các tráp lễ mà nhà trai đưa đến. Nhà trai chúng tôi cũng
hy vọng gia đình nhà gái sẽ chấp thuận lễ vật và đồng ý cho hai cháu nên duyên
hạnh phúc.
Thay mặt gia đình nhà trai, tôi xin cảm ơn gia
đình nhà gái đã đón tiếp chu đáo để buổi lễ ăn hỏi hôm nay thành công tốt đẹp.
Chúng tôi hy vọng cả hai sẽ yêu thương nhau, cùng nhau sát cánh trên con đường
đời và làm tròn bổn phận con cháu với cả hai nhà.
Xin cảm ơn !”
Bài phát biểu mẫu trong lễ ăn hỏi của đại diện nhà gái
“Kính thưa
họ nhà trai : Tôi là Hồ Kim A là Cô của cháu Phạm Thị K là đại diện cho họ nhà
gái xin có đôi lợi phát biểu như sau:
Được biết cháu B và Cháu K quen nhau đã lâu và
đã xin ba mẹ tiến tới hôn nhân . Nay gia đình họ nhà trai không quản đường xá
xa xôi đem mân trầu cau tới đây cũng đã biểu đạt được thành ý xin cưới cháu K
nhà chúng tôi. Tôi đại diện cho họ nhà gái xin phép được nhận tráp trầu cau và
đồng ý để 2 cháu tiến tới hôn nhân.
Sau đây tôi xin mời đại diện 2 nhà trai gái ngồi
vào bàn tiệc mà họ nhà gái tôi đã chuẩn bị sẵn chúng ta vừa dùng tiệc vừa tính
ngày để làm lễ thành hôn cho 2 cháu.
Sau những lời phát biểu trang trọng của hai bên, kết thúc bằng
sự đồng ý của nhà gái, hai nhà trai gái có thể ngồi lại với nhau trò chuyện cởi
mở và bàn chuyện tổ chức đám cưới cho hai cháu.
>>> Xem thêm: Bê tráp trong lễ cưới hỏi và những điều bạn chưa biết
>>> Xem thêm: Đám cưới tối giản, xu hướng đám cưới mới của giới trẻ Việt
Tumblr