Liên tục ‘cành cao’, Chanel giờ bị ‘thất sủng’ ở Hàn Quốc bởi 3 lý do sau
Có lẽ Chanel là thương hiệu xa xỉ được bàn tán rôm rả nhất trong khoảng 2 năm vừa qua. Tăng giá liên miên, đưa ra một loạt chính sách gây tranh cãi, nhà mốt Pháp hứng chịu chỉ trích ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số các quốc gia ấy, Hàn Quốc là nơi dành cho Chanel nhiều ghẻ lạnh nhất.
Chia sẻ với The Korean Times, cô Park (32 tuổi) – một bà nội trợ ở Seoul cho biết mình rất đỗi ngạc nhiên khi không còn thấy những hàng dài người đứng chờ tới lượt mua sắm trước cửa tiệm Chanel. “Tôi đến cửa hàng vào chiều thứ hai. Thông thường, tôi phải đợi ít nhất hai tiếng đồng hồ mới tới lượt nhưng lần này lại có thể vào để mua sắm ngay, chẳng phải đợi chờ gì”.
Tại sao thương hiệu lại bị thất sủng?
Còn đâu nữa những hàng dài người nóng lòng chờ tới lượt mua sắm?
Tăng giá liên tục
Một nữ dược sĩ họ Jeon (34 tuổi), cho hay: “Túi Chanel là món đồ mơ ước của nhiều phụ nữ Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao họ tiết kiệm tiền để mua hoặc xin chồng một chiếc làm quà cưới. Nhưng điều này chỉ khả thi trong trường hợp giá cá túi xách ở mức phải chăng. Hiện Chanel đã tăng giá các mặt hàng của mình tới mức chóng mặt nên không phải ai cũng có thể bỏ tiền ra để mua sắm”.
“Sẽ không ai mua hàng xa xỉ khi chi phí sinh hoạt liên quan, đi lại và ăn uống tăng cao. Tuy nhiên, Chanel dường như không có ý định ngừng tăng giá sản phẩm của mình. Nếu muốn bán được hàng, họ chỉ có thể nhắm vào những người khách siêu giàu mà thôi”, nữ dược sĩ cho biết.
Túi xách Chanel từng là một “must have item” của giới trẻ, còn bây giờ thì…
Tháng 1/2022, loạt thiết kế túi Coco Handle của hãng tăng từ 101 triệu đồng lên 113 triệu đồng đối với size mini; 108,5 triệu đồng lên 120,3 triệu đồng với size nhỏ và từ 118 triệu đồng lên 129,8 triệu đồng với size vừa.
Tháng 3 cùng năm, Chanel tăng giá các mặt hàng ví và túi xách lên trung bình 5%. Tới tháng 11/2022, hãng tăng giá của mẫu Chanel Classic Large Flap lên 6% (từ 249 triệu đồng lên gần 265 triệu đồng), còn túi Chanel Mini Flap Bag lên 7% (từ hơn 103 triệu đồng lên hơn 111 triệu đồng). Các phụ kiện của Chanel cũng tăng giá từ 7 đến 8% tùy vào mẫu mã. Điều này đồng nghĩa với việc, Chanel tăng giá các sản phẩm ở Hàn Quốc tới 3 lần trong một năm. Việc này là yếu tố khiến người tiêu dùng dần mất cảm tính với nhãn hàng.
Giới hạn số lượng túi bán ra
Yếu tố thứ hai khiến thương hiệu mất điểm trong mắt công chúng, đó là chính sách “mỗi người một túi mỗi năm”. Cụ thể mỗi khách hàng có thể mua một túi nắp gập Classic Flap Bag và một túi xách Coco Handle mỗi năm. Đây là chính sách nhằm giải quyết vấn nạn các reseller, dập tắt tình trạng các con buôn mua rất nhiều hàng để sau đó có thể bán lại với giá cao ngất ngưởng. Tất nhiên, các khách hàng của thương hiệu cũng chẳng vui vẻ gì với điều này.
Có tổ chức thêm 10 show diễn nữa tại Hàn Quốc thì chưa chắc Chanel đã lấy lại được cảm tình của người tiêu dùng
Lạm phát gia tăng
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng sống tiết kiệm, hạn chế mua sắm xa xỉ cũng là lý do khiến Chanel bị “thất sủng”. Khi chính phủ xứ Hàn gỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài, người dân có xu hướng chi tiền cho các dịch vụ vui chơi giải trí thay vì mua hàng hiệu. Ngoài ra, sự gia tăng chi phí sinh hoạt do lạm phát toàn cầu càng thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng đối với những mặt hàng không thiết yếu.
Lẽ nào thời hoàng kim của Chanel tại Hàn Quốc sắc phai tàn?
Chanel vẫn là cái tên được giới siêu giàu xứ củ sâm “nâng như nâng trứng”, nhưng đối với phần đông người tiêu dùng, thương hiệu này đang dần mất điểm trầm trọng. Phải chăng, giới siêu giàu mới là đối tượng khách hàng duy nhất mà “ông lớn” này để mắt tới?
Nguồn: The Korean Times, Bloomberg, The Korean Herald