Lục lễ trong cưới hỏi xưa tại Việt Nam 6 nghi thức chính – Nui Wedding
Chắc hẳn mọi người sẽ tò mò về những tục lệ cưới ngày xưa, bởi lẽ ngày nay vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống trong cưới hỏi và nghiễm nhiên mọi người tò mò về tục cưới hỏi ngày xưa. Sau đây Nui Wedding sẽ chia sẻ về lục lễ trong cưới hỏi ngày xưa của Việt Nam để đôi bạn có thể có cái nhìn thú vị trong những phong tục cưới hỏi xưa nhé!
Lục lễ trong cưới hỏi Việt Nam xưa
Lễ nạp thái
Trong lễ tục hôn nhân truyền thống, nạp thái là nghi thức cưới đầu tiên trong trình tự lục lễ trong cưới hỏi, lễ nạp thái có ý nghĩa là thu nạp những sính lễ mà nhà trai mang đến để thưa chuyện với nhà gái. Theo tục lễ ngày xưa, nhà trai mang đôi chim nhạn đến nhà gái làm sính lễ. Dùng chim nhạn làm lễ vật nạp thái là vì: “chim nhạn biểu trưng cho sự thuận theo thời tiết âm dương và hàm ý người vợ sẽ theo đạo nghĩa của người chồng”.
Vấn danh
Lễ vấn danh được hiểu như lễ hỏi về danh tính của cô gái để nhà trai xem tử vi, xem tuổi. Thường nhà trai cử một đoàn vài ba người với lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau. Khi nhà trai đến, nhà gái đưa ra một tờ giấy đã ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh của cô gái cho nhà trai, có khi cần cả giờ sinh nếu bên nhà trai có yêu cầu.
Nạp cát – Lục lễ trong cưới hỏi
Thể theo phong tục đám cưới Việt Nam xưa, người ta tổ chức lễ nạp cát khi nhà trai quyết định là cặp đôi hợp mệnh, hợp tuổi để đánh tiếng xin nhà gái tiến đến lễ ăn hỏi. Yếu tố tiên quyết là phải chọn ngày lành, tháng tốt cho lễ nạp cát. Bên nhà trai sẽ hỏi ý kiến chi tiết nhà gái mong muốn bày trí và có lễ vật như thế nào.
Trong trường hợp nhà gái yêu cầu lễ to thì họ nói ý tứ rằng “họ hàng nội ngoại đôi bên đều đông người, giao du bạn bè rộng”… nhà trai hiểu ý và chuẩn bị đầy đủ hơn.
Sính lễ của lễ nạp cát trong phong tục đám cưới Việt Nam xưa thường là một buồng cau to lên đến 3-400 quả, vài chai rượu nếp trắng cùng mâm xôi gấc lớn. Gia đình nhà trai có điều kiện tài chính hơn thì có thể thêm vào một cái thủ lợn hoặc con lợn sữa quay, trà bánh,… cho phong phú lễ vật, tạo ấn tượng tốt hơn với nhà gái.
Lễ nạp trưng
Bản chất của lễ tục này là “thách cưới” nhà trai, trong phong tục đám cưới Việt Nam ngày nay vẫn được một bộ phận gia đình áp dụng. Trong lễ nạp trưng, nhà gái có quyền được đòi hỏi nhà trai phải nạp những lễ vật gì cho gia đình mình.
Tuy nhiên, thói quen hình thành từ xưa đến nay là nhà gái thường sẽ nói đội lên rất cao yêu cầu về vật dụng làm sính lễ: quần áo mớ ba mớ bảy, xà tích, hoa tai, tiền giấy, gạo và rượu,… Phía nhà trai cũng phải tùy vào khả năng mới có thể đáp ứng được hết.
Có nhiều trường hợp thời xưa ví dụ như nhà gái không muốn gả con đi nên sẽ thách cưới cao hơn hẳn điều kiện kinh tế nhà trai, hoặc nhà trai thật sự không có đủ khả năng hoàn thành số lễ vật. Mọi người truyền tai nhau rằng có thể vì thế mà khi nàng dâu mới về nhà thường sẽ bị mẹ chồng làm khó.
Thỉnh kỳ
Đây là tục lễ thứ 5 trong trình tự lục lễ trong cưới hỏi. Là lễ xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, ngày giờ cũng do bên trai định, và rồi hỏi lại ý kiến bên gái, thường thì nhà gái cũng tùy ý bên trai.
Thân nghinh
Khi đi tới phần lễ thân nghinh có nghĩa là nhà trai đã vượt qua 5 “cửa ải” trước thành công và được nhà gái ưng thuận, ngày giờ tổ chức đám cưới theo bên nhà trai định.
Bởi lễ thân nghinh là lễ tục cuối cùng và quan trọng nhất của “lục lễ”, cho nên đối với phong tục đám cưới Việt Nam xưa thì bắt buộc phải kiêng kị những điều sau: Cả hai người cô dâu lẫn chú rể đều không được ở trong thời kỳ chịu tang, vì không một ai mong muốn sự kiện hoan hỉ trọng đại của cuộc đời vướng âm khí của một đám ma từ trước. Đặc biệt chọn ngày cưới phải tránh hết các giờ không vong, sát chủ và không tổ chức cưới hỏi vào tháng ngâu (tháng 7 âm lịch).
Trước khi đám cưới diễn ra vài tiếng đồng hồ, thường nhà trai lại cử người đại diện sang nhà gái mang theo cơi trầu đủ 12 miếng trầu xếp cánh phượng và 12 miếng cau xếp cánh tiên, báo cáo giờ xin đón dâu với nhà gái. Ý nghĩa của hành động này là nhằm đảm bảo đám cưới diễn ra suôn sẻ và thuận lợi, tránh gây tai tiếng cho họ hàng quan khách đôi bên hoặc đề phòng đám cưới không có cô dâu.
Ngày nay, những tục lệ trong 6 lục lễ vẫn giữ lại những điều tinh túy nhất, ví như vẫn có lễ dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu, lại mặt. Những tục lệ ngày nay chỉ giữ lại những điều đẹp đẽ, đặc biệt vẫn coi trọng nhiều nhất về ý kiến và mong muốn của đôi tân hôn là chính. Không quá nghiêm ngặt và không quá mê tín trong các tục lệ cưới hỏi.
Với những thông tin về lục lễ trong cưới hỏi ngày xưa, chúc cho đôi bạn có cái nhìn thú vị về phong tục cưới hỏi đồng thời cảm thấy may mắn vì mình vẫn đang gìn giữ những nét đẹp đó mà vẫn cảm thấy thoải mái, có ý nghĩa.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Địa chỉ: 09 Đường 14, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
- Hotline : 0909 946 202 – 092 7879 809
- Website: https://nuiwedding.com/