Mâm Cỗ Cưới Miền Bắc Xưa Và Nay – Quà Miền Bắc

Ở miền Bắc, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ, Cỗ cưới không chỉ là ăn mà còn là sự đáp lễ của gia chủ, lòng mến khách, danh dự của dòng họ vì quan niệm “giả nợ miệng” với làng xóm, anh em, bạn bè. Chính vì thế mâm cỗ cưới Miền Bắc luôn toát lên được những ý nghĩa của phong thuỷ, thời tiết cũng như tình cảm gia chủ muốn gửi gắm vào trong đó

Cỗ ngày trước thì tuỳ theo sự giàu có sung túc của gia chủ, nhưng tục lệ “làng nước sao thì mình vậy”, nên bình dân nhất vẫn là phải đủ 5 đĩa 2 bát, giờ bao nhiêu tùy thích

Người xưa có câu “ăn Bắc mặc Nam” vốn là để nói về cái sự cầu kỳ trong ăn uống, không chỉ về phần vị mà còn cả phần thị giác lẫn yếu tố tâm linh trong đó nữa. Với quan điểm lề xưa thói cũ, miếng ăn không chỉ là miếng no mà còn đại diện cho bộ mặt của cả gia đình, thậm chí dòng tộc, đặc biệt là trong những dịp trọng đại như đám cưới chẳng hạn. Ngày thường có thể sao cũng được, nhưng đám hỉ thì như một lẽ đương nhiên, mâm phải cao, cỗ phải đầy thì mới gọi là tạm yên tâm.
Còn ngày nay thì lại khác, mọi thứ được đơn giản hóa hơn về lễ nghi nhưng vẫn có sự cầu kỳ trong việc chọn thực đơn tiệc cưới. Dù làm bằng cách nào, cỗ cưới vẫn cứ là tấm lòng của gia chủ muốn thiết đãi thực khách những món ăn ngon nhất, độc đáo nhất.

Thời nào cũng có kẻ giàu người nghèo, và ở xã hội xưa lại càng không ngoại lệ. Mâm cỗ cưới của nhà giàu thường phải có đủ 2 bát, 5 đĩa cộng lại thành số lẻ mới đẹp hoặc 6 đĩa thì phải 3 bát thành 9. Con số này tượng trưng cho hạnh phúc trọn vẹn của đôi vợ chồng mới cưới.
5 đĩa bao gồm: 1 đĩa thịt gà chặt miếng to da vàng ruộm lật úp, 1 đĩa giò lụa hoặc giò thủ, 1 xào có thể là thịt lợn xào su hào hoặc thịt bò xào thập cẩm tuỳ theo mùa rau, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa nộm. 2 bát gồm có: 1 bát măng hầm; 1 bát canh mọc (hoặc canh bí). Bày biện ra đủ mâm 6 người


Mâm cỗ cưới của người miền Bắc thời xưa cầu kỳ về số đĩa bát trên mâm. (Ảnh minh họa)

Ngoài thức ăn, mỗi mâm cỗ của người Bắc xưa sẽ đặt 1 chai rượu trắng và 6 chiếc chén hạt mít để các ông nhâm nhi thưởng cỗ. Nếu gia đình nào có điều kiện và bày biện hơn thì sau bữa ăn sẽ có đĩa hoa quả hoặc chè kho tráng miệng rồi mới rước các thực khách ra khỏi đám.
Đối với những gia đình thuộc tầng lớp cao hơn thì sẽ tăng thêm đĩa thêm bát có thể là thêm bát canh bóng thả thập cẩm, thêm đĩa thịt bò xào hoặc đĩa thịt chân giò luộc… hơn đôi chút với mâm cỗ thường miễn sao ra 7 hoặc 9. Tuy nhiên dù có thêm bớt thế nào thì trên mâm cỗ vẫn không thể thiếu đĩa thịt gà luộc và đĩa xôi gấc.


Thịt gà luộc và xôi gấc là những thứ không thể thiếu được trên mam cỗ cưới xưa. (Ảnh minh họa)

Và nếu như có xem các bộ phim hài dân gian thì hẳn những thước phim đó cũng phần nào giúp cho khán giả hình dung được chút ít về không gian bày bàn cỗ thời xưa. Cỗ đám cưới miền Bắc sẽ thường giết lợn (bởi thịt lợn dễ chế biến thành các món) rồi người nào người ấy xúm đông xúm đỏ làm cỗ, ai cũng muốn góp chút tay chút chân để đỡ mang tiếng là tới ăn không dù cũng có chút tiền mừng. Rồi trẻ con thì cũng cứ chơi quanh khu nấu nướng này để xin chút đồ ăn, đứa thì cái bóng lợn, đứa bốc nhón vài miếng ngon ngon nếu có bố mẹ làm đầu bếp.
Mà điều kỳ lạ là cỗ miền Bắc toàn đàn ông vào bếp, đàn bà chỉ lơ mơ bên ngoài nhặt nhạnh chút rau dưa, hay lau cái đũa cái bát. Cũng phải thôi, cỗ bàn toàn nồi to chảo lớn, để xào nấu được cũng phải cần đôi cánh tay lực lưỡng thì mới đảm đương được chứ cánh phụ nữ chân yếu tay mềm quả thật là không thể làm nổi.
Thời xưa là vậy, mâm cỗ ngoài ý nghĩa no ấm thì còn mang nhiều nét văn hóa làng xóm tương ái lắm. Trải qua thời gian, lối sống của con người cũng phần nào được công nghiệp hóa nhiều hơn nên cũng từ đó mà thay đổi.

Thời nay, thay vì cả làng cùng xúm lại nấu cỗ tại gia thì người ta đặt nhà hàng, thuê người đến nấu phần để giản tiện, bớt cực nhọc nhưng phần khác cũng bởi nhà hàng họ biết nấu nhiều món lạ, trang trí lại đẹp mắt.
Thực đơn trong các nhà hàng rất phong phú nhưng dù thế nào cũng không thể thiếu thịt gà và xôi. Tuy vậy, để phù hợp với thẩm mỹ hiện đại, các đầu bếp nhà hàng ngày nay đã biến tấu đôi chút giúp món ăn đa dạng hơn. Thịt gà thay vì luộc nguyên con ngay từ ban đầu thì các đầu bếp hiện đại sẽ luộc nhiều bước, cho thêm nguyên liệu như hành lá hay rượu vang để da gà vàng, giòn và thịt cũng ngọt ngon. Còn món xôi, thay cho xôi gấc nhàm chán, người ta có thể làm xôi vò, xôi ruốc hay loại nào đó lạ lạ do gia đình tự chọn.

Ngoài ra, cỗ cưới hiện đại còn có thêm cả các món như hải sản, thịt bò, thịt chim, ngô khoai chiên… đủ loại. Giá cả của mâm cỗ tùy thuộc vào số món ăn và lượng thức ăn trong mỗi đĩa. Tuy vậy, cỗ cưới hiện đại không có quá nhiều nguyên tắc từ việc bày biện cho tới chọn đồ ăn giống như thời xưa cũ. Gia chủ có thể tùy ý lựa chọn những thực phẩm sao cho vừa đảm bảo ngon miệng lại có thêm yếu tố độc, lạ và lại thể hiện được tinh thần hiếu khách cũng như cái “tầm” của mình.
Thông thường ở các nhà hàng hiện nay, món đầu tiên để khai vị chắc chắn sẽ là một chén súp như gà hoặc cua, kèm rau, hải sản. Súp được nấu khá cẩn thận, cầu kì để tạo ra thành phẩm sền sệt, vị không quá mặn hay ngọt mà thanh thanh vừa đủ để kích thích vị giác cho những món ăn sau. Món kế tiếp nhất thiết phải là một món ăn khô, thông thường thì đó là món nộm. Có thể sẽ là nộm đu đủ bò khô, nộm thập cẩm, ngó sen, ngũ sắc…


Những món ăn hiện đại trong mâm cỗ cưới.

Ngoài ra, món ăn chính vẫn sẽ là thịt gà, hầu như trong bữa tiệc cưới nào từ trước đến nay cũng có. Tuy nhiên, thay vì luộc thì gà ngày nay có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau như hấp muối, quay, hay nướng… Và món ăn tiếp theo nữa mà trong thực đơn của các đám cưới ngày nay không thể không có, đó là món cá. Cá thường là cá sốt đỏ, cá rán, sốt ngũ liễu, chiên cốm… Thông thường người ta không ăn món cá nướng, đặc biệt là nướng cháy xém bởi theo như tâm lý của người Việt, đám cưới là niềm hạnh phúc của lứa đôi, nên kiêng các món ăn có vị đắng cay hay cháy xém, đen đủi…

Thịt gà hay rau trong cỗ nhà hàng luôn được biến tấu rất đẹp mắt.

Thêm vào thực đơn cỗ cưới nhà hàng thời bây giờ có thể là món bò bít tết, thịt chim quay, tôm, mực, hoặc sang nữa có thể là cua hay ghẹ. Các món ăn luôn được chế biến và bày biện đẹp đẽ, thu hút khách mời. Về đồ uống cùng thì tiệc cưới bây giờ ngoài rượu, người ta còn dùng bia và nước ngọt thay thế những cút rượu quê nút lá chuối như thời trước.

Nhiều món ăn rất sáng tạo được các đầu bếp chuẩn bị.
Rõ ràng là xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu vật chất của con người cũng theo đó mà tăng lên gấp bội. Tuy rằng mọi thứ đã được đơn giản hóa để bớt đi phần nào công sức làm việc của gia đình nhưng dù nói thế nào, phần cỗ bàn vẫn luôn được chuẩn bị với tất cả sự cầu kỳ và cẩn thận nhất có thể.
Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào, mâm cỗ cưới miền Bắc dù là cổ điển ngày xưa hay hiện đại bây giờ thì nó vẫn cứ là nét đẹp văn hoá, tượng trưng cho tấm lòng của gia chủ muốn tiếp đãi những vị khách đến chung vui với tiệc hỉ của gia đình. Người ta vẫn có câu “ma chê cưới trách” như một cách để ai cũng tự dặn mình đừng quá để ý, kiếm chuyện khi nhà khác có việc, bởi vì chung quy lại, cứ đến với nhau là quý, chuyện cỗ bàn nếu có nhiều làm nhiều, có ít làm ít, miễn sao mọi thứ tốt đẹp, thuận hòa là đã thành công mĩ mãn rồi.

Xem thêm: Mâm cỗ ngày tết truyền thống người Miền Bắc