Marcus Mạnh Cường Vũ: Hành trình gian nan của đạo diễn độc lập – Tạp chí Việt Nam

Trong một thị trường đầy dẫy phim mang tính thương mại như tại Việt Nam hiện nay, những nhà làm phim độc lập như Marcus Mạnh Cường Vũ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện những bộ phim nghệ thuật. Nhà đạo diễn trẻ này đã phải bỏ ra đến 5 năm để cố gắng hoàn thành một tác phẩm có chất lượng tầm cỡ quốc tế. Công sức đó đã không uổng phí, bộ phim truyện dài đầu tay của anh “Memento Mori: Đất” cuối cùng đã “lọt được vào mắt xanh” của giới điện ảnh quốc tế. 

Quảng cáo

Sau khi được dự tranh một giải tại Liên hoan phim quốc tế Busan, Hàn Quốc, phim của Marcus Mạnh Cường Vũ đã được tham gia tranh giải ở Liên hoan Quốc tế Điện ảnh châu Á Vesoul, Pháp, đầu tháng 3 vừa qua. Và Vesoul đã là một bệ phóng mới cho tác phẩm của anh vươn ra thế giới: Đầu tháng 4, “Memento Mori: Đất” sẽ dự tranh giải tại Liên hoan phim châu Á Roma, rồi đến tháng 9 sẽ sang Mông Cổ dự Liên hoan phim quốc tế Ulan Bator. Nhưng cuộc hành trình của những đạo diễn độc lập như Marcus Mạnh Cường Vũ vẫn còn lắm gian nan.

Tại Liên hoan Vesoul, RFI Tiếng Việt đã có dịp gặp và phỏng vấn đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ. Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn sau đây: 

RFI: Xin chào Marcus Mạnh Cường Vũ, “Memento Mori: Đất” là bộ phim thứ nhất của một loạt ba bộ phim mà Marcus dự định sẽ hoàn tất trong thời gian tới, với phim thứ hai là “ Memento Mori: Nước” và thứ ba là “Memento Mori: Lửa”. Để thực hiện bộ phim đầu tiên, Marcus đã bỏ ra rất nhiều thời gian, vì anh là một nhà làm phim độc lập không nhận tài trợ của bất cứ công ty nào. Vậy thì quá trình thực hiện phim đã gặp những khó khăn như thế nào?

Marcus Mạnh Cường Vũ : Nhà làm phim ở Việt Nam, nhất là nhà làm phim độc lập phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thứ nhất là khó khăn về tài chính, thứ hai là lo ngại về kiểm duyệt. Đối với cá nhân tôi, khi làm dự án “ Memento Mori: Đất’, tôi đã xác định đây là một dự án mang ý nghĩa cộng đồng, không chỉ là một bộ phim độc lập, khi tôi đến nói chuyện với mọi người cũng như khi thông báo cho mọi người biết dự án, thì ai cũng hiểu tinh thần của dự án và đã hỗ trợ hết sức mình. Bộ phim không có nguồn tài trợ từ nước ngoài mà hoàn toàn là từ sự đóng góp của rất nhiều người trong nước. Chúng tôi đã huy động vốn cộng đồng ( crowdfunding), thì đã nhận được rất nhiều bàn tay chung vào. Có những nhà đầu tư, gọi là nhà đầu tư “thiên thần”, tham gia vào bộ phim mà không mong chờ lợi nhuận. Cũng có những công ty, cơ quan đóng góp dịch vụ và công sức vào bộ phim mà không tính đến tiền bạc.

Làm phim luôn luôn khó khăn và làm một bộ phim đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi một sự chu toàn, kỹ lưỡng trong rất nhiều năm. Với “ Memento Mori: Đất”, tôi đã cần đến gần 5 năm để hoàn thiện. Phần quay chính của bộ phim đã diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid-19, nên việc làm phim lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi đã phải dời lịch quay một số lần do chính sách của chính phủ thay đổi mỗi ngày. Bên cạnh đó, vào thời điểm làm hậu kỳ thì chúng tôi không gặp nhau được, ví dụ như làm nhạc, thì những người nhạc sĩ là sống bên châu Âu, cho nên chúng tôi phải làm việc với nhau từ xa. Cũng như là bài hát “Going Home” trong phim do một ca đoàn thiếu nhi ở Hà Nội thâu âm, thì lúc đó tôi không có mặt được và chính các em nhỏ, được sự hướng dẫn của một người tổ chức hợp xướng Gió Xanh, đã tự làm việc với nhau và tôi chỉ là người thẩm âm cuối cùng, xem là chất lượng như vậy đã được hay chưa. 

Dù công việc làm phim khó khăn như thế nào thì rất may mắn là dự án này đã đến được đích đầu tiên đó là có một phim truyện đầu tiên và phim đã đến được Vesoul, đến với khán giả ở châu Âu, ở Pháp, nơi mà số người yêu điện ảnh rất nhiều và có kiến thức về điện ảnh rất cao. Được sự đón nhận của mọi người, mà tôi cảm nhận được qua những lời trò chuyện với khán giả sau mỗi buổi chiếu, đã động viên tôi rất nhiều để tiếp tục cuộc hành trình dài này. 

RFI: “Memento Mori: Đất” là phim dành cho những người bị bệnh ung thư, những người đối diện với cái chết. Cái chết là một đề tài rất nặng, không phải dễ mà đưa lên điện ảnh để mọi người thấu hiểu được thông điệp mình muốn đưa ra? Vì sao Marcus mạnh dạn chọn đề tài này để thể hiện nó qua ngôn ngữ điện ảnh?

Marcus Mạnh Cường Vũ: Đó là một sự tình cờ, mà cũng có thể là sự sắp đặt của Chúa Trời, bởi vì tôi không có kế hoạch để trở thành nhà làm phim mà đến thời điểm nào đó trong cuộc đời thì tình huống xảy đến và tôi trở thành nhà làm phim. Có nghĩa là câu chuyện và đề tài có trước, rồi mới có mặt tôi trong vai trò người thực hiện nó thành bộ phim. Có thể nói là đề tài cái chết đã chọn tôi.

Từ nhỏ tôi đã tiếp cận với cái chết rất là gần, trong gia đình. Câu chuyện về ung thư cũng là câu chuyện trong gia đình tôi. Chứng kiến và đối diện, nhưng chưa bao giờ thật sự đi sâu vào nó, chưa bao giờ thật sự hiểu về ung thư hay về cái chết được báo trước có thể ảnh hưởng đến đời sống của con người như thế nào. Chúng ta sinh ra, lớn lên và đến một lúc nào đó sẽ chết đi, nhưng chúng ta chưa bao giờ ý thức được rằng thời gian của chúng ta là hữu hạn và nhiều khi bỏ phí thời gian vào những việc vô bổ.

“Khi được tiếp cận cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang kể 3 câu chuyện có thật của những người bị bệnh ung thư cận tử và cách mà họ đối diện với cái chết, cách mà họ chuẩn bị cho sự ra đi khiến cho tôi thấy rằng mình phải bắt đầu một cuộc hành trình, với câu chuyện cá nhân là tôi phải đối diện với nỗi đau của gia đình: bố tôi mất vì ung thư khi tôi mới 14 tuổi và tôi đã chứng kiến sự đau đớn của ông trong những ngày cuối đời. 

Cái chết đúng là một đề tài rất nặng, tuy nhiên tôi muốn khán giả bắt đầu một cuộc hành trình đối diện với cái chết của mình hay của người thân mình một cách nhẹ nhàng hơn và tìm ra ý nghĩa của những thời gian hiếm hoi còn sót lại, để mình có thể làm gì cho nhau và làm điều gì tốt đẹp cho cuộc đời. Tôi nghĩ đó luôn luôn là một điều mà con người nên nhắc nhở và “Memento Mori: Đất” chính là lời nhắc nhở đó: Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết (đó là từ theo tiếng La tinh), nhưng khi chúng ta hiểu rằng mình sẽ chết thì đó cũng là lời nhắc nhở rằng chúng ta đang sống”.

RFI: Đúng là xem phim này thì khán giả bình thường cảm thấy rất là nặng nề, vì phim buộc chúng ta suy nghĩ về rất nhiều điều và những cảnh quay thì rất là chậm và những khoảng không gian tĩnh lặng khá nhiều, phim không có nhiều đối thoại. Liệu ngôn ngữ điện ảnh đó có thể giúp khán giả hiểu rõ được thông điệp mà Marcus muốn chuyển tải?

Marcus Mạnh Cường Vũ: Tôi nghĩ là có, nếu khán giả chịu dành khoảng thời gian một tiếng rưỡi cho bộ phim, chú tâm vào xem bộ phim. Bộ phim với nhịp như vậy không phải là chủ đích mà tôi đặt ra ngay từ đầu, mà đó là cái nhịp của chính đời sống của nhân vật trong phim. Vân, nhân vật chính trong phim, biết rằng mình chỉ còn một vài tuần, một vài tháng để sống. Tuy thời gian có vẻ ngắn ngủi, nhưng khi phải trải qua từng ngày và biết rằng mình đang sống, và sống có ý nghĩa và phải chuẩn bị cho sự ra đi của mình thì từng thời khắc đó trở nên rất là dài. Và đấy chính là nhịp của bộ phim cần phải có để thể hiện tâm trạng của nhân vật chính. Ở đây là một người bệnh ung thư cận tử, trải qua những ngày tháng cuối đời như thế nào.

Nếu khán giả chịu khó bắt nhịp vào nhịp của nhân vật, nhịp của bộ phim thì khán giả sẽ thấy nó không còn quá chậm nữa và đấy chính là cái nhịp phù hợp của đời sống. Đôi khi chúng ta quên mất rằng một ngày có 24 giờ và chia nhỏ ra từng giây, từng giây ấy là từng nhịp thở của mỗi chúng ta. Nếu chúng  ta sống vội quá, chúng ta bị cuốn hút vào rất nhiều thứ trong cuộc sống, chúng ta quên mất từng giây đó trôi qua như thế nào, chúng ta quên mất nhịp thở của chính mình, thì rất có thể là chúng ta đã bỏ phí đời sống của chính mình. 

 

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ trả lời RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul, Pháp, 05/03/2023.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ trả lời RFI Việt ngữ tại Liên hoan Vesoul, Pháp, 05/03/2023.

© Jean-François Maillot

RFI: Sau “Memento Mori: Đất” là đến “Memento Mori: Nước”, rồi sau đó là  “Memento Mori: Lửa”. Như vậy là Marcus sẽ tiến hành thực hiện các phim đó như thế nào? Vẫn theo hướng như bộ phim đầu?

Marcus Mạnh Cường Vũ: Mỗi bộ phim sẽ đòi hỏi một cách thể hiện phù hợp, tùy theo cốt truyện, vào hành trình của nhân vật. Chẳng hạn như trong phim “Memento Mori: Nước” mà tôi đang chuẩn bị tiến hành, sau Liên hoan Vesoul, tôi sẽ đi Nhật Bản trong một tuần để khảo sát tình hình, bối cảnh bên đó, vì câu chuyện sẽ có một phần diễn ra ở Nhật Bản. Nhịp của “Memento Mori: Nước” sẽ tập trung vào hành trình của một người mẹ trải qua nỗi đau mất một đứa con nhỏ. Hành trình đấy sẽ có lúc lên xuống như hành trình của nước và nó sẽ đòi hỏi cách thể hiện phù hợp.

Còn  “Memento Mori: Lửa” là câu chuyện về Liên, một cô gái trẻ phát hiện ung thư vú năm 18 tuổi. Cô chọn một cách đối diện rất là khác với những người bệnh ung thư khác. Với sự ngạo nghễ của tuổi trẻ, cô từ chối chữa trị và sống một đời sống theo ý của cô, một đời sống trẻ, vô cùng hừng hực lửa. Như vậy, nhịp phim sẽ không chậm như là “Memento Mori: Đất”, mà cần một nhịp đúng với tuổi trẻ đó. Còn tựu trung lại thì vẫn có một thông điệp, đó là hãy nhớ rằng chúng ta đang sống, cái chết sẽ đến và làm sao mỗi ngày chúng ta sống có ý nghĩa nhất.

RFI: Trở lại công việc của nhà làm phim độc lập. Ở Việt Nam hiện nay, dòng phim thương mại rất mạnh. Riêng đối với những người làm phim như Marcus thì có thể dễ chen chân vào một thị trường phim như vậy, vì thị hiếu của thính giả không tới mức mà chúng ta mong muốn?

Marcus Mạnh Cường Vũ: Đây là câu hỏi rất là lớn của các nhà làm phim, của thị trường điện ảnh, cũng như các nhà quản lý ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam, khi một bộ phim được hoàn thành, bất kể là phim độc lập hay phim thương mại, khi ra rạp đều phải cạnh tranh với nhau, mà không có bất kỳ sự bảo hộ nào. Khác với Pháp chẳng hạn, ở Việt Nam không có các rạp chiếu độc lập chiếu những bộ phim tương đối khó tiếp cận, tương đối thách thức khán giả hơn một chút, mà người ta thường gọi phim độc lập hay phim nghệ thuật. Khi nhà phát hành nhận phát hành phim thì họ phải tính một bài toán về thương mại như với các bộ phim khác, giống như chúng ta đi chợ và có quyền chọn lựa món hàng. Tuy nhiên, phải hiểu là là vai trò của điện ảnh không phải là thuần túy thương mại. Điện ảnh trước hết là một nghệ thuật. Ở đây, vai trò của nhà quản lý, những người có vai trò chính trong ngành điện ảnh là phải hiểu rằng cần có một sự tồn tại song song của dòng phim nghệ thuật, phim độc lập, bên cạnh phim mang tính thương mại cao.

Nếu không có một trong hai dòng phim đó thì “bữa ăn” của chúng ta sẽ không được phong phú và cuối cùng thì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của khán giả, đến khả năng cảm nhận, đến việc xây dựng gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Xét về lâu đài thì điều này sẽ làm mất đi một tài sản vô hình về trí tuệ của con người. 

Tôi chỉ mong rằng trong tương lai gần, sẽ có những chính sách, cũng như những người trong ngành điện ảnh, bao gồm cả người làm phim, nhà phát hành, các rạp chiếu, cũng như các nhà sản xuất dám mạnh dạn đi những con đường khác lạ hơn, không theo lối mòn, để có được cơ hội cho nhiều tiếng nói khác nhau trong điện ảnh, chứ không chỉ tập trung vào mục đích thương mại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế