Nghi thức hành lễ của người Việt – Đại Việt Cổ Phong

Là một nước có truyền thống Nho học, ở nước ta “lễ” luôn là một trong những nét văn hóa được quan tâm chú trọng nhất, cách hành lễ của các cụ xưa cũng rất quy củ, nghiêm ngặt, và cũng rất phức tạp. Có điều hiện chưa thể tổng hợp được đầy đủ các quy tắc hành lễ xưa thế nào, hiện giờ chỉ xin nói lược qua về cách chào hỏi, cách tế lễ mà thôi.

Về cách chào hỏi của người Việt, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã tổng hợp khá đầy đủ, xin được trích lại trong album này:

“Lê Tắc cho biết, tục của người Việt thời Trần “gặp bậc tôn quý thì quỳ gối lạy ba lạy” (2). Đến thế kỷ 17, phụ nữ “khi có chuyện cần phải bẩm báo với người trên phải đứng thẳng rồi quỳ xuống, hai tay chắp lạy, để trán chạm đất năm lần, và họ sẽ phải quỳ như vậy cho đến khi bẩm báo xong” (3)

Vấn đáp sách, cuốn sách chữ Nôm ghi chép cuộc đối thoại giữa người Việt thời Nguyễn và chủ tàu người Pháp bằng tiếng Việt, mở đầu bằng câu chào:

A: Lạy ông! Người có sức khỏe chăng!

B: Đội ơn ông! Tôi cũng khá mạnh!

Như vậy có thể thấy, ”lạy ông” cũng tức là ”chào ông”, cùng vai vế, chỉ cần chắp tay “vái chào” như hình vẽ trong Kỹ thuật của người An Nam.

Trong bài viết ”Lạy hay không lạy chiếu sắc của thiên triều”, tôi đã dẫn sử liệu nói rằng, khi tiếp chiếu sắc của vua Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông chỉ chắp tay vái chứ không lạy (4). Đó chính là phép chào trang trọng của những người bằng vai vế.

Cách chào hỏi của 4 nước đồng văn

Hình trên so sánh cách chào hỏi của 4 nước đồng văn, tuy có cùng cách thức cúi đầu (nên còn gọi là cúc cung) nhưng cách để tay tạo nên điểm khác biệt: Người Trung Quốc (Thanh) bao nắm khi chào, người Việt thì đan chéo hay tay, người Hàn để 2 tay úp lên nhau, người Nhật thì khép tay vào hông hoặc vế đùi. Cách cúi chào cũng vậy mà cách bái lạy, cách tế lễ và nhiều cách hành lễ khác cũng để tay tương tự, tạo nên sự đại đồng mà tiểu dị, vừa thống nhất mà lại vừa đặc trưng riêng biệt trong văn hóa phương Đông , rất độc đáo.

Cần lưu ý, cách chắp tay vái lạy của người Việt không phải kiểu bao quyền như người Trung Hoa hay đặt úp hai bàn tay lên nhau như người Hàn. Người Việt đan các ngón tay vào nhau rồi hành lễ. Thời Lê Nguyễn, lạy vua cũng như vậy, vái chào người ngang hàng cũng như vậy, và hiện nay lễ thánh, thành hoàng, cũng vẫn lễ như vậy. Phân biệt ở việc đứng hay quỳ, có dập đầu hay không và số lần vái lạy mà thôi. Có thể điểm qua mô tả của cha Marini về việc hành lễ của các quan thời Lê như sau: “sau lần lạy thứ tư, họ đứng lên, hai tay giơ cao trên đỉnh đầu, các ngón tay đan chéo vào nhau bên trong ống tay áo, người cúi xuống và kính chào Bệ hạ vạn tuế.” (4)

Ngoài ra, vào thời Lê Trung Hưng, theo ghi nhận của Marini (1646 – 1658), Jerome Richard (1778) và Thanh triều văn hiến thông khảo (1787), khi xuất hiện trước bề trên nếu đang buộc tóc, thì người Việt đều phải nhất loạt xõa tóc để tỏ ý tôn kính, nếu không sẽ bị coi là vô lễ, thậm chí bị quan bắt cắt tóc (6).”

Ngoài ra,dựa vào ảnh chụp những người tham gia hội thi võ vật ở miền Bắc cuối thời Nguyễ và ảnh chụp hình lính canh lăng Khải Định, có thể thấy cung cách hành lễ của võ sĩ nước ta cũng khá tương đồng với cách chào hỏi. Đó là quỳ gập gối, đan 2 tay lại, và chống vào chân kê cao hơn. Cung cách này nhiều khả năng là cách thức hành lễ với cấp trên của tướng lĩnh, võ sĩ xưa khi cần gặp gỡ hay bẩm báo với họ.

Cách người Việt hành lễ, Ảnh trên facebook Trần Quang Đức

Cách chắp tay vái lạy của người Việt không phải kiểu bao quyền như người Trung Hoa hay đặt úp hai bàn tay lên nhau như người Hàn. Người Việt đan các ngón tay vào nhau rồi hành lễ. Thời Lê Nguyễn, lạy vua cũng như vậy, vái chào người ngang hàng cũng như vậy, và hiện nay lễ thánh, thành hoàng, cũng vẫn lễ như vậy. Phân biệt ở việc đứng hay quỳ, có dập đầu hay không và số lần vái lạy mà thôi. Có thể điểm qua mô tả của cha Marini về việc hành lễ của các quan thời Lê như sau: “sau lần lạy thứ tư, họ đứng lên, hai tay giơ cao trên đỉnh đầu, các ngón tay đan chéo vào nhau bên trong ống tay áo, người cúi xuống và kính chào Bệ hạ vạn tuế.”

Ngoài ra,dựa vào ảnh chụp những người tham gia hội thi võ vật ở miền Bắc cuối thời Nguyễn, có thể thấy cung cách hành lễ của võ sĩ nước ta cũng khá tương đồng với cách chào hỏi. Đó là quỳ gập gối, đan 2 tay lại, và chống vào chân kê cao hơn. Cung cách này nhiều khả năng là cách thức hành lễ với cấp trên của tướng lĩnh, võ sĩ xưa khi cần gặp gỡ hay bẩm báo với họ.

Những người tham gia hội thi võ vật ở miền Bắc cuối thời Nguyễn

Một số hình ảnh liên quan

Quan chức Nguyễn hành lễ chào quan chức Pháp Các quan đứng chuẩn bị làm lễ tế Giao, lưu ý cũng chắp tay trong ống áo. Phim “Hoàng Hoa Thám” tái hiện cách hành lễ đan tay Lính canh lăng Khải Định đan tay trước ngực, đứng hầu Võ sĩ tham gia đấu vật hành lễ trước khi đấu.