NSƯT Thoại Mỹ: Đám cưới rình rang giới cải lương và hai lần tự vẫn không thành
Đời nghệ sĩ, mấy ai bằng phẳng. Đời cô đào lẳng Thoại Mỹ như cuốn phim buồn với nhiều lần gẫy đổ trong tình yêu. Thế nhưng là “đạo diễn” cuốn phim đó, Thoại Mỹ không cho phép mình buông xuôi bởi ngoài đời, tính cách của chị vốn mạnh mẽ hệt như những vai diễn cá tính trên sân khấu. Cuốn phim của Thoại Mỹ bắt đầu từ…
Thời đỉnh cao, mỗi đêm kiếm 1 cây vàng
Gia đình tôi rất đông anh chị em. Tôi thứ 12. Mẹ tôi bán bún riêu, cha tôi là một nhân viên bình thường, không ai theo nghệ thuật cả. Nhờ chị năm Thoại Miêu mà năm 11 tuổi, tôi bắt đầu lên sân khấu, chủ yếu hát thế vai cho người khác. Chị Lệ Thủy thấy tôi có triển vọng nên kêu chị Thoại Miêu cho tôi đi học. Học được vài năm thì tôi thi vô trường Trần Hữu Trang sau đó đi hát luôn.
Có lẽ do tính cách của mình nên tôi thường được giao những vai như độc lẳng, độc mùi, lẳng mùi… Tôi nóng tính lắm nhưng tính tôi ào ào xong rồi thôi vì không nói ra được thì mệt lắm, thấy khó chịu trong người. Ngày xưa mỗi khi nóng giận, tôi phải đập cái gì đó rồi mới nguôi. Giờ đã biết cách kiềm chế hơn.
Có người nói, tôi đóng đào nhì, tính cách thì dư còn đóng đào chánh, cái mùi thì hơi thiếu. Bản thân tôi cũng thích vai tính cách hơn. Nhiều lúc đang quay, bị người ta chửi là đồ độc ác, tôi thích lắm, thích nhất là được nghe ai đó nói rằng “Bà này đóng ác hay dễ sợ”. Có vở, tôi vào vai đào mùi, người ta chậc lưỡi nói phải chi tôi đóng vai đào lẳng. Khán giả vẫn thích tôi đóng vai cá tính hơn.
Ngày xưa một đêm tôi chạy mấy điểm. Giá vàng lúc đó 3 – 4 triệu đồng/cây thì tôi kiếm được 4 – 5 triệu đồng/đêm. Nhiều anh chị ngôi sao còn hơn thế nữa. Đóng cải lương, nhiều người hay hỏi tôi và Ngọc Huyền hay đối đầu nhau trên sân khấu, còn ngoài đời thì sao? Chúng tôi thì vẫn là bạn bè bình thường. Huyền có chỗ đứng của Huyền, tôi có chỗ đứng của tôi. Tôi quan niệm rằng cạnh tranh để tiến bộ chứ không phải đố kỵ. Tổ cho ai bao nhiêu thì người nấy hưởng.
Sau khi sân khấu cải lương chững lại, nghệ sĩ bắt đầu chuyển sang đi tỉnh. Tôi đi được một thời gian thì sức khỏe sụt giảm. Hơn 2 năm nay, tôi không đi tỉnh thường xuyên nữa vì sức khỏe không tốt. Giờ một đêm tôi chạy hai điểm là quá lắm rồi.
Mối tình với Kim Tử Long và hai lần tự vẫn vì tình
Hồi học trường Trần Hữu Trang, tôi và anh Kim tử Long có khoảng 1 – 2 năm quen nhau. Lúc ra trường, ảnh đi theo đoàn khác và quen người mới. Tính tôi thì rất chung tình nên hai đứa chia tay. Giờ gặp lại, chúng tôi vẫn xem nhau như anh em, đồng nghiệp. Gia đình ảnh cũng rất thương tôi. Sau này chúng tôi còn hát cặp với nhau nữa. Lúc anh Kim Tử Long và người vợ đầu ly dị, ảnh có giỡn rằng: “Hay mình nối lại tình xưa đi Mỹ”. Tôi đáp: “Bớt giỡn, khó lắm anh”.
Ngoài anh Kim Tử Long, trong giới cũng có vài người theo đuổi nhưng tôi phải tránh. Có người yêu tôi đến mức ngày nào cũng đứng dưới đường gọi tên tôi, thậm chí họ… “làm càn” luôn. Tôi thì luôn cầu tổ nghiệp đừng cho tôi quen người trong nghề, vì mặt trái, mặt phải trong nghề tôi đều biết quá rõ.
Tôi từng tự vẫn bằng cách uống thuốc ngủ nhưng may mắn thoát chết. Tôi vô chùa, tâm sự với các ni sư và xin xuống tóc đi tu nhưng ni sư từ chối
NSƯT Thoại Mỹ
Rồi tôi quen người chồng đầu tiên qua một người bạn. Anh ấy là nhân viên một công ty của Đài Loan. Lúc đó tôi cũng có nhiều người theo đuổi nhưng tôi vẫn quyết định chọn anh. Có lẽ do cái duyên, cái nợ. Tuy nhiên dần dà giữa chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, nhất là khi có tiền, con người ta dễ sinh tật. Những lúc mâu thuẫn, ảnh đã có những hành động không đẹp. Tôi không thể cứ chịu đựng vậy mãi…
Rồi tôi quen người chồng đầu tiên qua một người bạn. Anh ấy là nhân viên một công ty của Đài Loan. Lúc đó tôi cũng có nhiều người theo đuổi nhưng tôi vẫn quyết định chọn anh. Có lẽ do cái duyên, cái nợ. Tuy nhiên dần dà giữa chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, nhất là khi có tiền, con người ta dễ sinh tật. Những lúc mâu thuẫn, ảnh đã có những hành động không đẹp. Tôi không thể cứ chịu đựng vậy mãi…
Tôi từng tự vẫn bằng cách uống thuốc ngủ nhưng may mắn thoát chết. Tôi vô chùa, tâm sự với các ni sư và xin xuống tóc đi tu nhưng ni sư từ chối. Ni sư chỉ cắt một mớ tóc để giải bớt nghiệp cho tôi và bảo rằng nghiệp của mình thì mình lãnh, không ai lãnh giùm được. Càng không thể hủy hoại bản thân mình như vậy. Đó là cái tội lớn nhất trong nhà Phật.
Tự vẫn không thành, đi tu cũng không xong, ni sư cho tôi bài chú đại bi nhưng tôi buồn qua, học cũng không được, chỉ biết đi lang thang ngoài đường. Cho đến một ngày tôi ngộ ra rằng mình còn cha, còn gia đình, tại sao phải vì hận một người mà suy sụp đến như vậy. Tôi quyết định ly hôn.
Khi chia tay, tôi không mang theo thứ gì hết dù đó là những thứ tôi đã gầy dựng. Nhiều lần ra hòa giải, tôi chỉ xin cho tôi được giải thoát mà thôi. Tôi gượng dậy và làm việc như sống như chết, làm bất kể ngày đêm, tới mức bị tai nạn ở chân, tôi cũng cắn răng chịu đựng mà lao vào công việc.
Đó là năm 2003, khi tập tuồng Xử án Bàng Quý Phi, đến đoạn nhảy từ trên cao xuống, tôi bị té đau điếng. Lúc đầu, tôi tưởng mình chỉ bị bong gân thôi nên chỉ chữa trị qua loa để đi hát tiếp. Đi hát, tôi đứng không được phải ngồi, dần dần dây chằng tôi đứt luôn, khớp gối bị vỡ kèm theo đó là chứng teo cơ. Việc mình nhận rồi không bỏ được và vì cuộc sống, phải mưu sinh. Tôi làm không chỉ vì bản thân tôi mà còn vì gia đình nữa.
Đến người thứ hai, tôi cũng từng nghĩ đến chuyện tự vẫn nhưng lần này tôi “tỉnh” lại nhanh lắm. Trải qua quá nhiều sóng gió nhưng tôi đau khổ được dăm ba bữa nửa tháng thì lại đứng lên chứ không thể nào chịu đựng lâu được. Ngày trước, thầy tử vi bảo số tôi cô độc, không danh phận. Quả thật, hai người sau này, cứ hễ tính đến chuyện hôn nhân là lại gãy đổ, thậm chí chúng tôi đã tổ chức lễ hỏi rồi nhưng cũng không thành.
Hối tiếc lớn nhất là không có con
Bạn hỏi tôi có hài lòng với cuộc sống hiện tại không, làm sao cho đủ để hài lòng? Hiện tại công việc chính của tôi vẫn là đi hát. Ngoài ra, tôi còn làm một số việc kinh doanh ở Việt Nam và Mỹ. Mức thu nhập của tôi cũng khá ổn. Những gì tôi có được hôm nay cũng đều nhờ đi hát cả. Tôi làm cật lực lắm.
Khán giả bây giờ vẫn còn rất thích cải lương đó chứ không mai một đâu. Nhiều bạn trẻ vẫn thích cải lương, thậm chí muốn cải lương phải theo khuôn mẫu ngày xưa. Một số chương trình dù có rất nhiều ngôi sao nhưng khi tới tiết mục cải lương thì không bao giờ bị lép vế. Khán giả miền Bắc cũng rất thích. Mặc dù họ không biết về mình nhiều nhưng vừa ca dứt câu thì họ vỗ tay.
Sắp tới, tôi sẽ trở lại chương trình Đường đến danh ca vọng cổ. Có người hỏi tôi có áp lực không khi học trò trở thành quán quân mùa 1, tôi nói không có thì dối lòng mà nói có thì cũng không hẳn vì tôi luôn làm hết sức mình, cái chính là không biết thí sinh của mình năm nay có làm tốt hay không còn những học trò mùa trước cần thì tôi sẽ hỗ trợ. Ví dụ có show nào thì tôi sẽ giới thiệu cho các em. Các em cần tư vấn gì thì gọi điện xin ý kiến của tôi.
Đa số các bạn thí sinh đều muốn mình là đào chánh, kép chánh nhưng tôi có nói, những người hát tính cách như tôi hay chị Thanh Hằng, má Hồng Nga… cũng đều có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Quan trọng là người ta nhớ tới mình ở vị trí đó và mình bật lên được. Hát “dàu dàu” thì dễ còn muốn ra tính cách thì khó. Có bạn chưa từng đi hát bao giờ, tôi phải bẻ từng chút, coi mạnh chỗ nào thì thúc đẩy các em phát huy chỗ đó.
Lớn tuổi rồi, tôi tự nhủ tới đâu hay tới đó. Hạnh phúc được ngày nào thì tính ngày đó. Đám cưới, đám hỏi xong rồi cũng gãy nên giờ tôi không muốn nghĩ nhiều nữa. Tuy nhiên, hối tiếc lớn nhất có lẽ là tôi không có một đứa con. Tôi từng bị sẩy thai một lần nên những lần sau hơi khó. Phần cũng do tôi muốn tìm hiểu kỹ, không muốn vội vàng quá, rồi tội cho con cái sau này. Đến khi muốn có con quá rồi thì đã muộn…
Hiện tôi có nhận nuôi hai đứa trẻ. Hai bé ở chung với tôi nhưng vẫn còn cha mẹ. Số tôi cô độc, phải chấp nhận thôi. Bây giờ tôi còn ra cà phê, gặp gỡ bạn bè chứ hồi xưa không có. Đi làm về, tôi đều ở nhà, xem tivi. Trong gia đình, tôi cũng ít gần gũi ai. Mặc dù gia đình cái gì cũng là tôi hết nhưng khi tôi về tới nhà rồi thì một mình, thậm chí ăn cơm tôi cũng ăn một mình.