Pháp luật hình sự quy định về lời khai như thế nào?

Khi một vụ án xảy ra, thì việc truy tìm chứng cứ cho vụ án rất quan trọng. Việc lấy lời khai trong vụ án hình sự cũng cần được chú trọng, cần được quan tâm vì đây cũng được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự. Vậy lời khai là gì? Thủ tục, quy định về việc lấy lời khai được quy định như thế nào? NPLAW sẽ giúp bạn đọc giải đáp dưới bài viết này.

I. Lời khai là gì? Lấy lời khai là gì?

Lời khai là lời trình bày của bị can, bị cáo, người bị hại, người bị tạm giam, tạm giữ, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự, trình bày những gì mà họ biết liên quan đến vụ án mà người này đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã chứng kiến sự việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Lời khai là một nguồn chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cho nên, việc lấy lời khai trong tố tụng hình sự là hoạt động thu thập chứng cứ. Cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

II. Quy định về lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ

Căn cứ theo quy định tại Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ được quy định như sau:

– Khi lấy lời khai người bị bắt, người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

– Việc lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

– Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ.

– Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

1. Việc lấy lời khai của người làm chứng được quy định như thế nào?

Việc lấy lời khai của người làm chứng được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

– Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.

– Khi một vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai để tránh việc khai không đúng sự thật.

– Trước khi lấy lời khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ. Việc này phải ghi vào biên bản lấy lời khai.

– Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng trước khi hỏi về nội dung vụ án. Người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó Điều tra viên mới đặt câu hỏi.

– Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng nếu xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.

Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

2. Quy định chung đối với người bào chữa khi lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can

Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”.

Người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Quy định chung đối với người bào chữa khi lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can như sau:

– Người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

– Được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can vào biên bản lấy lời khai. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung. Sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. 

Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và câu trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.

– Người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định pháp luật.

Cơ sở pháp lý: điểm b, c khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khoản 3 Điều 11 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

III. Giải đáp thắc mắc về lời khai

1. Khi lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải thông báo cho những ai?

Khi lấy lời khai người bị hại là người dưới 18 tuổi thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

2. Khi lấy lời khai của người bị tạm giữ thì điều tra viên phải thông báo cho người bào chữa trước thời gian bao lâu?

Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ cho người bào chữa trước 24 (hai mươi bốn) giờ đối với trường hợp người bào chữa cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc.

Trường hợp người bào chữa ở xa cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng có thể thông báo trước 48 (bốn mươi tám) giờ.

Nếu người bào chữa và Điều tra viên, Cán bộ điều tra đều nhất trí thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 11 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

3. Khi nào lời khai của người làm chứng được dùng làm chứng cứ trong vụ án hình sự?

Lời khai là một nguồn chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

“Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

b) Lời khai, lời trình bày”.

Lời khai của người làm chứng là lời trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

Như vậy, lời khai của người làm chứng là một nguồn của chứng cứ trong vụ án. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, lời khai của người làm chứng đều được làm chứng cứ trong vụ án hình sự. Lời khai của người làm chứng được làm chứng cứ nếu trong quá trình trình bày lời khai, người làm chứng nêu rõ được lí do vì sao mà họ biết về những tình tiết đó. Nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó thì không được dùng làm chứng cứ.

Cơ sở pháp lý: điểm b khoản 1 Điều 87, Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

4. Việc lấy lời khai người làm chứng là trẻ em được thực hiện theo quy định như thế nào? Được lấy lời khai bao nhiêu lần trong một ngày?

Việc lấy lời khai người làm chứng là trẻ em được thực hiện theo quy định tại Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

– Khi lấy lời khai người làm chứng là trẻ em (người dưới 18 tuổi) thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

– Việc lấy lời khai của người làm chứng là trẻ em phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

– Đối với người làm chứng là trẻ em thì thời gian lấy lời khai không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Như vậy, nếu lấy lời khai của người làm chứng là trẻ em sẽ thực hiện theo quy định nêu trên.

5. Lời khai của người làm chứng không đúng sự thật có được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hay không?

Khi có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng không đúng sự thật thì có thể kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 398 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì đây là một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nếu có thể chứng minh được lời khai của người làm chứng sai sự thật.

“Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật”.

Trên đây là bài viết tìm hiểu về vấn đề “Lời khai trong vụ án hình sự”, nếu Quý độc giả có những băn khoăn, những thắc mắc chưa được giải đáp liên quan đến nội dung trên thì vui lòng liên hệ ngay với NP LAW để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác, trân trọng!

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú

Hotline: 0913 449968

Email: [email protected]