Phụ nữ có gia đình tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung được không? – VnExpress
Tôi được biết vaccine phòng virus HPV được tiêm cho phụ nữ và trẻ em gái từ 9-26 tuổi, nhưng độ tuổi nào tiêm vaccine là hiệu quả nhất?
Phụ nữ đã quan hệ tình dục có tiêm được không? (Quỳnh Hoa, 25 tuổi, Đà Nẵng)
Các bé gái và phụ nữ được khuyến cáo tiêm vaccine phòng HPV càng sớm càng tốt. Ảnh: VNVC
Trả lời:
Hướng dẫn của Bộ Y tế về vấn đề phòng chống bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC) tại Việt Nam và thông tin kê toa của vaccine Gardasil (Mỹ) phòng virus HPV (Human Papilloma Virus) chỉ ra, vaccine phòng UTCTC và các bệnh do HPV được chỉ định tiêm cho người từ 9-26 tuổi. Trong đó, hiệu quả tiêm phòng vaccine ngừa HPV cho bé gái từ 9-14 tuổi cao gấp đôi so với độ tuổi từ 15 tuổi trở lên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có đến 45,5% bé gái chưa quan hệ tình dục có sự hiện diện của virus HPV trong âm đạo, do đó việc tiêm vaccine luôn được khuyến cáo càng sớm càng tốt.
Ở các nước phát triển, vaccine phòng HPV còn được mở rộng cho các bé trai từ 9-26 tuổi và nữ giới từ 9 tuổi đến 45 tuổi. Do đó, độ tuổi tiêm chủng phòng HPV là rất rộng. Tại Việt Nam, việc tiêm phòng vaccine Gardasil ngừa HPV đạt lợi ích tối đa khi tiêm cho bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo (gây ra bởi HPV tuýp 16 và 18), mụn cóc sinh dục (gây ra bởi HPV tuýp 6 và 11), các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản (gây ra bởi HPV tuýp 6, 11, 16, và 18), các bệnh lý do nhiễm HPV các tuýp 6, 11, 16 và 18.
Vaccine vẫn có hiệu quả tốt ở cả những người đã quan hệ tình dục. Những người đã có gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục vẫn nên tiêm vaccine phòng HPV bởi 3 lý do.
Thứ nhất, người đã từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc đã bị nhiễm virus HPV, do vậy việc tiêm vaccine vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ được phụ nữ khỏi các bệnh gây ra do 4 tuýp HPV. Thứ hai, người đã quan hệ tình dục có thể mắc 1 hoặc 2 chủng, không phải mắc tất cả các chủng virus HPV nên việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà phụ nữ chưa mắc phải. Thứ ba, virus HPV rất dễ lây và tái nhiễm. Miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này.
Bộ ba “chìa khóa vàng” đẩy lùi ung thư cổ tử cung bao gồm chủng ngừa, sàng lọc tầm soát, và điều trị sớm. Chủng ngừa HPV là chìa khóa đầu tiên, quan trọng nhất cho đáp ứng miễn dịch cao và hiệu giá kháng thể bảo vệ lâu dài. Chìa khóa thứ 2 là sàng lọc tầm soát, khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa để phát hiện những thay đổi sớm nhất trên bề mặt cổ tử cung để điều trị tại chỗ trước khi có những biến đổi nguy hiểm.
Chìa khóa thứ 3 là phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không may mắc bệnh nhưng được phát hiện sớm, điều trị đúng cách sẽ giảm biến chứng nguy hiểm, áp lực tâm lý và bảo tồn chức năng sinh sản.
BS.CKI Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC